Wednesday, March 7, 2018

Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận tiền nước ngoài như thế nào


Nguyễn Ái Quốc và một số đại biểu tham dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ V, tháng 7/1924. Ảnh: Báo Đà Nẵng.


Giống như nhiều đảng phái khác, đảng Cộng sản Việt Nam cũng phải chật vật xoay xở tiền nong trong những ngày đầu hoạt động. Và nguồn tiền của họ đến từ nước ngoài.


Trong giai đoạn trước 1945, các báo cáo liên lạc giữa đảng Cộng sản Đông Dương (tên gọi của đảng CSVN thời kỳ đó) và Quốc tế Cộng sản thường xuyên đề cập đến việc tiền nong. Trong khoảng thời gian hoạt động của mình trước khi bị giải thể vào năm 1943, Quốc tế Cộng sản đã tài trợ nhiều khoản tiền cho hoạt động của đảng.


Trong một báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản đề ngày 1/7/1936, Ban chỉ huy ngoài nước của đảng đã than vãn rằng số tiền 2.000 USD/năm mà Quốc tế Cộng sản cấp cho toàn đảng là quá ít. Để bạn đọc dễ áng chừng, thì số tiền 2.000 USD này ở thời điểm 1935 – 1936 tương đương với khoảng 36.000 USD hiện nay, tức là khoảng hơn 800 triệu đồng.


Bản báo cáo cũng ghi rằng “Nếu các đồng chí (ý nói Quốc tế cộng sản – NV) đồng ý cho Đảng chúng tôi năm hoặc sáu lần nhiều hơn khoản từ trước tới nay, hoạt động sẽ tiến triển tốt hơn”. Có lẽ vì lý do đó, ở cuối báo cáo, Ban chỉ huy yêu cầu Quốc tế Cộng sản cấp riêng cho họ 2.400 USD mỗi năm “để chỉ dành cho hoạt động ở nước ngoài”.

Related image

Số tiền nêu trên sẽ được dùng để “chu cấp tiền đi lại cho nhiều đồng chí, trả tiền giao dịch, báo chí, kỹ thuật, giúp các tổ chức cơ sở, giúp các đồng chí bị trục xuất, lo lắng cho các đồng chí phụ trách.”


Tuy nhiên, đây không phải là khoản duy nhất mà đảng CSVN nhận từ Quốc tế Cộng sản. Các tài liệu được giải mật trong bộ Văn kiện Đảng toàn tập cho thấy, họ còn nhận nhiều khoản tiền để thực hiện các hoạt động riêng biệt khác.


Chẳng hạn như việc tổ chức đại hội đảng. Trong một thư gửi Đông Phương bộ của Quốc tế Cộng sản ngày 20/12/1934, Ban chỉ huy ngoài nước có đề cập rằng “số tiền 1.500 USD của các đồng chí không đủ chi tiêu cho vé đi, về và cấp dưỡng cho các đại biểu Đại hội.” Trong thư, họ cũng đề nghị Quốc tế cộng sản cấp cho họ “vài nghìn đôla Mỹ để tổ chức các cơ quan lãnh đạo trong nước sau Đại hội.”


Cũng trong báo cáo ngày 1/7/1936, Ban chỉ huy ngoài nước của đảng cũng đề nghị Quốc tế Cộng sản cấp cho họ 3.000 USD để triệu tập một hội nghị của đảng. Bên cạnh đó, các thư từ, báo cáo giữa Ban chỉ huy ngoài nước và Quốc tế Cộng sản cho thấy đảng thường xuyên xin cấp các khoản tiền từ 1.000 USD đến 5.000 USD cho các hoạt động hội họp, mở lớp học, mua sắm thiết bị, tổ chức gửi sinh viên sang Liên Xô, in ấn, viết sách báo và các hoạt động khác.


Đảng đã nhận tiền như thế nào?


Đối với việc nhận thư và tiền từ Quốc tế Cộng sản, đảng Cộng sản Đông Dương sẽ nhận qua các địa chỉ trung gian ở Hồng Kông, Thượng Hải, Ma Cao.


Một trong các địa chỉ trung gian chuyển tiền được đề cập trong báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản của Ban chỉ huy ở ngoài của Đảng. Cụ thể, báo cáo có một lời đề nghị như sau: “Đề nghị các đồng chí nhanh chóng gửi tiền … kèm thư viết cho chúng tôi theo địa chỉ: Chau Sum Yee, giáo viên, người tỵ nạn Tàu Trường Trung học 7-11, Castle Road, Hongkong. Các đồng chí gửi tiền từ châu Âu hoặc từ Tàu, nhưng phải ghi rõ địa chỉ ngoài bì thư cũng bằng tiếng Tàu. Chúng tôi cho các đồng chí biết địa chỉ bằng tiếng Tàu ghi ở cuối thư này của chúng tôi.”


Hồi đó, đảng thường gửi sinh viên qua Liên Xô học tại Đại học Phương Đông. Khi những người này học xong và trở về nước, họ có thể trở thành trung gian chuyển tiền từ Quốc tế Cộng sản cho đảng. Bên cạnh đó, đảng cũng có thể nhận tiền thông qua các đại biểu Quốc tế cộng sản tới làm việc với họ.


Ban Chấp hành Trung ương Trung Quốc cũng là một tổ chức chuyển tiền trung gian. Cách thức này được đề cập trong một báo cáo của một “đồng chí lãnh đạo Đảng Cộng sản Đông Dương” gửi Quốc tế Cộng sản ngày 28/4/1931. Báo cáo phản ánh các vụ bắt bớ dẫn tới việc mất hết tiền nong để hoạt động. Cụ thể tình huống được mô tả như sau: “Tổng Bí thư Đảng đã thoát như nhờ phép màu. Đồng chí ấy đang ở trong nhà xí ngoài vườn lúc ngôi nhà bị bao vây. Tất cả tiền nong mà chúng tôi lẽ ra nhận được đã bị mất hết. Do vậy hiện nay Ban Chấp hành Trung ương không có chỗ nương náu, không áo quần, không tiền bạc. Tôi đề nghị các đồng chí gửi cho tôi một ít tiền (tiền Mỹ) để tôi có thể nhờ các cán bộ chúng tôi trở về chuyển cho Ban Chấp hành Trung ương. Các đồng chí có thể chuyển tiền hoặc thông qua Ban Chấp hành Trung ương Trung Quốc hoặc bằng thư bảo đảm cho XYZ là địa chỉ do tôi đã báo cho các đồng chí cách đây không lâu.”


Chuyển tiền thông qua một công ty nào đó là cách cuối cùng mà tác giả ghi nhận được trong các tư liệu của bộ Văn kiện Đảng. Cũng giống như thời nay, việc chuyển khoản không phải lúc nào cũng đảm bảo bí mật và an toàn. Trong báo cáo sáu tháng gửi Ban phương Đông Quốc tế Cộng sản ngày 5/4/1938, Trung ương đảng Cộng sản Đông Dương cho biết: “Tháng 7-1937, các đồng chí ở Paris có gởi 500 đôla qua Américan Company Limité ở Hong Kong, nhưng chúng tôi không nhận được, nguyên nhân thế nào thì mấy thơ trước đã báo cáo rõ rồi.”




Tranh vẽ: Lớp huấn luyện cán bộ Cách mạng Việt Nam tại Quảng Châu (Trung Quốc). Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh.


Tiền của “ngáo ộp”


Vậy mà giờ đây ở Việt Nam, việc “nhận tiền nước ngoài” luôn là điều mà truyền thông của đảng thường nhấn mạnh khi nói về các tổ chức xã hội dân sự độc lập cũng như các cá nhân hoạt động dân chủ, nhân quyền khác. Việc các tổ chức, cá nhân này “nhận tiền nước ngoài” thường được mô tả như là một dấu hiệu của sự chống phá đất nước, từ đó ảnh hưởng tới tính chính danh của họ.


Song các hoạt động mà các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam thực hiện bằng nguồn tiền nước ngoài hiện nay không khác gì mấy so với những gì đảng Cộng sản đã làm cách đây hơn 80 năm bằng tiền của Quốc tế Cộng sản.


Có thể lấy ví dụ về việc tổ chức các khóa học. Tờ Công an Nhân dân mô tả các khóa học của VOICE “được một quỹ dân chủ quốc tế chuyên đạo diễn các cuộc các mạng đường phố trên thế giới cấp tiền duy trì từ nhiều năm nay”.


Ấy vậy mà, theo các văn kiện của đảng, chính đảng Cộng sản cũng đã từng xin Quốc tế Cộng sản cấp khoản tiền từ 2.000 tới 3.000 USD để xây dựng các “lớp học chính trị” ở Trung Quốc. Số tiền đó tương đương với khoảng 36.000 tới 54.000 USD ở thời điểm hiện tại, tức là tầm 800 triệu tới 1,2 tỷ đồng Việt Nam.


Đảng Cộng sản cũng từng xin một khoản 5.000 USD để xuất bản báo chí và sách hợp pháp vào năm 1938. Trước đó vào năm 1934, họ cũng từng xin 1.000 USD để có thể phát hành ra hai tờ báo tiếng An Nam. Do vậy, việc truyền thông nhà nước ngày nay chỉ trích việc nhận tài trợ nước ngoài để làm báo hay in sách có vẻ không phải là một ý hay khi mà trước đây chính họ cũng đã làm điều đó.


Cần nhìn nhận rằng, việc nhận tài trợ từ nước ngoài để thực hiện các dự án liên quan đến dân chủ và nhân quyền là một điều hoàn toàn bình thường. Ở nhiều nước, việc gây quỹ của các tổ chức xã hội dân sự và các cá nhân là điều hợp pháp và thông thường sẽ không có giới hạn về nguồn tiền đến từ trong nước hay ngoài nước.


Xin nói thêm là, điều này không hoàn toàn đúng với các đảng phái chính trị. Ở Mỹ, Anh và một số nước châu Âu, các đảng phái bị cấm nhận tiền tài trợ từ nước ngoài. Gần đây, Úc cũng đã tìm cách cấm các đảng nhận tiền nước ngoài trước lo ngại về sự can thiệp từ Trung Quốc. Hoặc như ở Anh, các đảng phái phải công khai thông tinvề việc thu chi tài chính của mình.


Tài liệu tham khảo:
Thư của Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương gửi Xứ ủy Bắc Kỳ, ngày 26/1/1931, Văn kiện Đảng Toàn tập, Tập 3.
Thư của một đồng chí lãnh đạo Đảng Cộng sản Đông Dương báo cáo Quốc tế Cộng sản, ngày 28/4/1931, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 3.
Thư của Ban chỉ huy ở ngoài gửi Đông Phương Bộ Quốc tế Cộng sản, ngày 20/12/1934, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 4.
Báo cáo của Ban chỉ huy ở ngoài của Đảng Cộng sản Đông Dương gửi Quốc tế Cộng sản năm 1935, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 5.
Báo cáo sáu tháng gửi Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản, ngày 5/4/1938, Văn kiện Đảng Toàn tập, Tập 6.
Báo cáo của Ban chỉ huy ở ngoài giữa tháng 5/1935 và tháng 6/1936, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 6.

No comments: