Friday, March 23, 2018

Trung cộng tăng ngân sách QP, Tây Thái Bình Dương "sôi sục"? Đức Dũng (Tổng hợp)

Giới phân tích nhận định các nước khác trong khu vực, vốn đang có tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh hoặc lo ngại sức mạnh quân sự gia tăng của Trung Quốc, hiện không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tăng kinh phí quốc phòng của mình.
Tân Hoa xã đưa tin ngày 5/3, Trung Quốc công bố sẽ tăng ngân sách quốc phòng 8,1% cho năm 2018 nhằm đẩy mạnh việc hiện đại hóa lực lượng vũ trang lớn nhất thế giới của mình sau khi chi tiêu cho lĩnh vực này đã chậm lại trong 2 năm trước đó.
Theo một bản báo cáo ngân sách được trình bày trước phiên khai mạc kỳ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc được tổ chức thường niên, Bắc Kinh sẽ chi 1,11 nghìn tỷ Nhân dân tệ (tương đương 175 tỷ USD) cho quân đội.
Các nước láng giềng của Trung Quốc và Mỹ đã thận trọng theo dõi khi Bắc Kinh hiện đại hóa quân đội, cắt giảm quân số lục quân trong khi lại tăng cường chi tiêu cho máy móc và vũ khí tiên tiến.
So với mức tăng 7% của năm 2017 và 7,6% của năm 2016, vốn là mốc đánh dấu lần đầu tiên trong 6 năm Trung Quốc tăng chi tiêu cho quốc phòng, mức chi tiêu cho năm 2018 này vẫn chưa phải là con số tăng gấp đôi.
Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở ở London, Trung Quốc đã chi 151 tỷ USD cho PLA vào năm 2017, đây là mức ngân sách quốc phòng lớn thứ hai thế giới nhưng vẫn ít hơn đến 4 lần chi tiêu của Mỹ là 603 tỷ USD.
Sự gia tăng ngân sách quốc phòng đã gần theo kịp sản lượng kinh tế quốc gia của Trung Quốc trong những năm gần đây. Kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng 6,9% vào năm 2017 và Chính phủ nước này cho biết họ sẽ nhắm tới mục tiêu tăng trưởng khoảng 6,5% trong năm 2018.
Khi PLA kỷ niệm 90 năm thành lập hồi tháng 8/2017, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cảnh báo rằng nước này sẽ bảo vệ chủ quyền của mình chống lại “bất kỳ cá nhân, tổ chức hay đảng phái chính trị nào”.
Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, ông Tập Cận Bình đã nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng một lực lượng quân đội sẵn sàng chiến đấu mạnh mẽ hơn, đồng thời củng cố vai trò lãnh đạo của ông đối với quân đội, vốn được yêu cầu phải cam kết trung thành tuyệt đối với ông hồi năm ngoái.
Trung Quốc cũng đã mở căn cứ quân sự ở nước ngoài đầu tiên tại khu vực Sừng Châu Phi ở Djibouti. Kể từ năm 2008, hải quân của họ đã tham gia vào các hoạt động chống cướp biển trái phép ngoài khơi Somalia và Vịnh Aden.
Theo Matthew Funaiole, một thành viên của Dự án Quyền lực Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), ngân sách quốc phòng của Trung Quốc "không tương xứng theo nghĩa là các nền kinh tế Đông Nam Á không có đủ nguồn lực để bắt kịp" và hiến pháp Nhật Bản phải hạn chế chi tiêu cho quân sự.
Ông Funaiole đặt ra nghi vấn rằng "liệu đây có phải là ‘mối đe dọa’ phụ thuộc vào việc Trung Quốc sử dụng các khả năng của mình như thế nào hay không".
Trung Quốc tuyên bố tăng chi tiêu quân sự thêm 8,1% trong năm nay đã gây quan ngại tại Nhật Bản. Giới phân tích nhận định các nước khác trong khu vực, vốn đang có tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh hoặc lo ngại sức mạnh quân sự gia tăng của Trung Quốc, hiện không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tăng kinh phí quốc phòng của mình.
Giáo sư Yoichi Shimada nghiên cứu quan hệ quốc tế tại Đại học Fukui, Nhật Bản, nhận xét: “Đó là mức tăng lớn. Không chỉ quy mô chi tiêu quốc phòng gây quan ngại mà chất lượng quân đội Trung Quốc cũng đang được cải thiện một cách rõ ràng. Mặc dù chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cam kết tăng cường chi tiêu quân sự, song tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc đang nhanh hơn Mỹ”.
Giới phân tích nhận định một cuộc chạy đua vũ trang tại Tây Thái Bình Dương càng mạnh mẽ trước mối lo ngại về Trung Quốc và Triều Tiên. Tuy nhiên, chuyên gia nghiên cứu châu Á thuộc trường Đại học Temple ở Nhật Bản, ông Jeff Kingston, cho rằng chính Nhà Trắng cũng đang gây ra mối lo ngại mới trong khu vực.
Chuyên gia này giải thích: “Cách đây không lâu, chính phủ Mỹ được cho là sẽ nhận được sự hậu thuẫn từ các đồng minh trong khu vực, song giả thuyết này đã bị ‘ném qua cửa sổ’ kể từ khi ông Trump lên nắm quyền.
Inline image
Nhật Bản và các nước khác không còn cảm thấy yên tâm hoàn toàn vào quan hệ đồng minh này, bởi họ lo lắng ông Trump có thể đổi chác với Trung Quốc mà xem nhẹ mối quan ngại an ninh của họ. Chính sự khó lường đó khiến cho những nước này phải cân nhắc thêm tới chi tiêu quốc phòng của họ”.
Trước đó, Chính phủ Nhật Bản đã phê chuẩn ngân sách quốc phòng cao kỷ lục trị giá 5.190 tỷ yên (46 tỷ USD) cho tài khóa 2018 nhằm trang bị một hệ thống phòng thủ tên lửa mới và các tên lửa hành trình mới trong bối cảnh mối đe dọa từ Triều Tiên ngày càng gia tăng.
Theo kế hoạch vừa được thông qua, ngân sách quốc phòng năm 2018 của Nhật Bản sẽ tăng 1,3% so với năm hiện tại, lên mức cao kỷ lục trong năm thứ 4 liên tiếp dưới thời chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe, trong nỗ lực nhằm tăng cường năng lực quốc phòng của Nhật Bản trước các mối đe dọa từ Triều Tiên cũng như sự hung hăng của Trung Quốc trên biển.
Chính phủ của ông Abe cũng đã phê chuẩn khoản chi tiêu quốc phòng bổ sung trị giá 23,5 tỷ yên (208 triệu USD) đến hết tháng 3/2018 cho việc mua các lá chắn tên lửa thế hệ mới và chi phí cho việc triển khai hệ thống tên lửa mặt đất Aegis Ashore của Mỹ cùng các thiết bị khác. Những kế hoạch này vẫn cần Quốc hội phê chuẩn trước khi có hiệu lực.
Trong khi đó, Nga sẽ chỉ chi 46 tỷ USD cho quốc phòng năm 2018, sẽ chiếm khoảng 2,8% GDP. Tổng thống Nga Putin cho rằng con số này còn nhỏ nếu so với Mỹ, nhưng dĩ nhiên 46 tỷ USD với Nga là rất nhiều.
Theo ông Putin, Nga không chạy đua vũ trang và chi tiêu quốc phòng của nước này đang ở mức cân bằng. "Chúng ta cần bảo đảm an ninh quốc gia song chi tiêu quốc phòng không nên dẫn tới sự sụp đổ của nền kinh tế", ông Putin nói.
Tổng thống Nga cho biết hơn 23 tỷ USD sẽ được dùng để mua vũ khí. Nửa còn lại được chi cho việc bảo trì.
Tổng thống Pháp Macron cho biết sẽ tăng ngân sách quốc phòng thêm 1,8 tỷ euro (2,2 tỷ USD) trong năm nay, nâng tổng ngân sách quốc phòng trong năm lên thành 34,2 tỷ euro (42 tỷ USD). Ông cũng cam kết sẽ nâng mức chi tiêu quốc phòng từ 1,8% lên thành 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trước năm 2025, một động thái nhằm "chấm dứt sự suy yếu năng lực quân sự" của Pháp.
Tập đoàn Công nghiệp đóng tàu Trung Quốc (CSIC) cho rằng, nước này sẽ có một tàu sân bay hạt nhân hoạt động trên biển vào năm 2025 để nâng cao năng lực quốc phòng hàng hải.
Hôm 27/2, trên trang web chính thức, CSIC đã lần đầu tiên xác nhận cơ sở này đang nghiên cứu và phát triển một tàu sân bay hạt nhân. Trong khi, hai tàu sân bay trước đó chỉ sử dụng nhiên liệu truyền thống là dầu để vận hành.
Bên cạnh đó, CSIC cho biết thêm cơ sở này cũng đang nghiên cứu chế tạo một thế hệ tàu ngầm hạt nhân mới sử dụng hệ thống chiến đấu trí tuệ nhân tạo (AI) cùng hệ thống thông tin điện tử toàn diện phục vụ chiến đấu trên biển.
nguồn : infonet.vn

VVB chuyen

No comments:

Danh sách các Chiến Sĩ Hải Quân QLVNCH đã Hy Sinh Trong Trận Hải Chiến Hoàng Sa 1974:

Số TT Chức vụ Họ tên Đơn vị 1 Trung sĩ Cơ khí Trần Văn Ba HQ-10 2 Hạ sĩ Cơ khí Phạm Văn Ba HQ-10 3 Hải quân đại úy Vũ Văn Bang HQ-10 4 Hạ sĩ...