Người đáng lên án nhất là vị phụ huynh Võ Hòa Thuận, kế đến là thầy Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Chánh, xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An.
"Xuyên suốt" câu chuyện cô giáo bị phụ huynh phạt quỳ, một loạt các câu hỏi, các dữ kiện diễn ra đã khiến chúng tôi không khỏi băn khoăn và quyết tâm đi tìm “một phần chìm trong tảng băng nổi” của vấn đề.
Trường Tiểu học Bình Chánh đang dần hoàn thiện để đạt Chuẩn quốc gia. (Ảnh: H.L)
Câu hỏi lớn nhất là điều gì khiến cô giáo phải quỳ gối trước một vị phụ huynh?
Rồi sau đó, hàng loạt các câu hỏi, vị phụ huynh này là ai, vì sao thầy hiệu trưởng lại bỏ ra ngoài lúc cô giáo sắp quỳ, cô giáo khi quỳ lại chọn chỗ quỳ cũng như xin quỳ theo cách dễ nhất?
Điều mà ai cũng đã biết, Võ Hòa Thuận là con trai của nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã và con rể của đương kim Bí thư ấp - nơi anh ta đang sinh hoạt Đảng.
Bởi thế, khi đưa ra hình thức kỷ luật Đảng thì Đảng bộ cơ sở (ở ấp) đã biểu quyết thông qua với hình thức cảnh cáo.
Nhưng khi trình lên Thường trực Đảng ủy xã đã bị bác và tổ chức lại cuộc họp để biểu quyết với hình thức khai trừ khỏi Đảng. Tỉ lệ biểu quyết đạt 11/11 đồng ý loại ông Thuận ra khỏi tổ chức Đảng.
Để có sự việc cô giáo phải quỳ, mấu chốt của vấn đề ít ai biết là ông Thuận lại có quan hệ “bà con xa” với thầy hiệu trưởng.
Cách đây không lâu, ông Thuận trong một lần bị tai nạn giao thông, thầy hiệu trưởng đã giúp đỡ hết mình, không bằng vật chất nhưng chí ít cũng bằng "tinh thần" để ông Thuận vượt qua được cơn nguy kịch.
Thế nên, khi cô giáo sắp quỳ, thầy hiệu trưởng đã đi ra ngoài với lý do dự giờ. Nếu không phải ông Thuận, chắc chắn thầy hiệu trưởng đã kết thúc sự việc từ sớm, không để diễn biến của vụ việc bị đẩy lên cao hơn.
Nhiều người lại chê trách cô giáo vì sao phải quỳ gối trước Võ Hòa Thuận, thì cũng xin thưa, với cái "thế" của một vị phụ huynh như vậy, một cô giáo mới vừa đi dạy lại sau quãng thời gian thai sản có đủ để khiếp sợ hay không?
Cô Nhung - giáo viên bị quỳ lại mới chuyển công tác từ nơi khác đến, chưa kịp làm quen với các em, với cách dạy ở nơi mới nên không thể tránh khỏi những nề nếp đã được thiết lập trước đó.
Một cô giáo đang cần tiền để lo tã, sữa cho đứa con còn quá nhỏ. Nếu sự việc không được giải quyết "êm đẹp", cô Nhung có nguy cơ bị kỷ luật.
Mà thực, dám bắt con ông Thuận, một phụ huynh bà con xa của thầy hiệu trưởng quỳ gối thì chẳng phải là câu chuyện đùa.
Ông Thuận còn là một "luật sư", một người có mối quan hệ khá sâu rộng trong xã hội. Ông Thuận thừa hiểu phương pháp dạy các em bằng hình thức quỳ gối đã là trái với quy định, vi phạm.
Bản tính vị phụ huynh này như thế nào, chỉ cần về địa phương nơi ông Thuận cư trú hỏi đều có lời giải đáp.
Sự việc bắt học sinh quỳ gối trong lớp của cô giáo nếu bị ông Thuận làm lớn chuyện thì Trường Tiểu học Bình Chánh có đủ điều kiện để được công nhận Chuẩn quốc gia cho kịp tiến độ vào năm nay?
Dưới những ánh nắng xuyên tán cây phượng vĩ, những người thợ hồ đang tất bật để hoàn thiện dãy phòng học khang trang còn lại, cũng đủ hiểu khí thế vươn lên đạt Chuẩn quốc gia của tập thể giáo viên nhà trường lớn đến mức nào.
Trước những sức ép cả về thế và lực như vậy, ông Thuận mới có quyền ra “yêu sách” bắt cô Nhung phải quỳ ngay trong lớp học và trước các em học sinh.
Cô Nhung đã nêu ý kiến và xin được quỳ ở trong văn phòng.
Đến lúc cô giáo sắp quỳ, thầy hiệu trưởng đã bỏ mặc, dù cô Nhung luôn tìm cách nấn ná và nhìn về phía hiệu trưởng như để cầu cứu.
Sau khi thầy hiệu trưởng ra ngoài, ông Thuận mới nói "đã đến giờ" và cô Nhung buộc phải leo lên ghế để quỳ. Cô Nhung còn đủ thời gian để hỏi, quỳ theo kiểu nào, quỳ song song với thành ghế hay quỳ để cho 2 chân lọt ra sau như các em?
Vậy là, cô giáo phải quỳ theo yêu cầu của vị phụ huynh và quỳ đúng theo tư thế ông ta muốn.
Trong suốt 40 phút cô Nhung "bị phạt" dư luận lại đặt ra câu hỏi, Công đoàn cơ sở ở đâu, Hội phụ nữ của trường ở đâu không ra can ngăn?
Với vị trí, mối quan hệ có bà con với hiệu trưởng thì các thầy cô khác ai đủ can đảm "giây dưa" vào để đánh đổi công việc của mình cho một đồng nghiệp xa lạ, mới vừa chuyển trường đến?.
Tất cả đều im lặng để cho cô giáo quỳ dù có một số ít sự phản kháng, tìm cách bảo vệ cho cô giáo nhưng rất yếu ớt...
Những người chứng kiến sự việc như ông Phạm Hữu Vốn, Chủ tịch Hội phụ huynh nhà trường đã phải bỏ ra ngoài để tìm sự hỗ trợ của những người xung quanh.
Khi ông Vốn trở vào, cô giáo Nhung đã hoàn thành hình phạt của mình.
Bà Tuyền, Chủ tịch Hội phụ huynh của lớp cô Nhung dạy là người “rủ rê” ông Thuận vào trường để "hỏi chuyện" phạt các em học sinh cũng không phản kháng quyết liệt...
Không phải một sự trùng hợp ngẫu nhiên mà bà Tuyền lại rủ ông Thuận cùng vào trường để giải quyết sự việc.
Cá nhân bà Tuyền là đại diện cho cha mẹ học sinh ở lớp vẫn có thể liên hệ nhà trường để phản ánh sự việc phạt quỳ các em.
Một vấn đề cuối của câu chuyện cũng cần phải nói thêm, năm nay, xã Nhựt Chánh là địa phương của huyện Bến Lức đang phấn đấu các chỉ tiêu còn lại để đạt chuẩn Nông Thôn Mới.
Hưng Long
Quỳ Để Thức Tỉnh Tương Lai
Chuyện một cô giáo phải quỳ để xin lỗi phụ huynh đang gây nhiều bức xúc và tranh luận trái chiều trên khắp cả nước, vì số đông người đang là hoặc sẽ là học sinh, thầy cô giáo hay phụ huynh, ít hay nhiều đều có những tác động đến tâm tư, suy nghĩ của họ mặc dù câu chuyện không phải của họ.
1) Quỳ có phải là một điều xấu xa hay không?
“Quỳ” là một động tác bình thường của cơ thể như nằm, ngồi, đi, đứng hay gập cái khuỷu tay, không có gì đáng để lưu tâm. Người Nhật có thể quỳ lên thảm để trò chuyện, ăn cơm hay uống trà; Người ta cũng có thể quỳ để thiền, suy ngẫm về cuộc đời; Người ta cũng có thể quỳ trước thánh thần để thỉnh cầu hay sám hối một điều gì đó, … Cho nên quỳ là rất bình thường, quỳ với ai và quỳ về một mục đích nào đó mới là vấn đề cần phải đặt ra.
Một phụ nữ Nhật Bản đang quỳ cầu nguyện.
Cô giáo bắt học sinh quỳ vì vi phạm một nhiệm vụ học tập nào đó, thì thực ra không phải quỳ trước cô giáo hay sỉ nhục các học sinh, mà bản chất của nó là “quỳ để sám hối”. Tôi và thế hệ cùng lứa, lẫn thế hệ trước đó đã sống, được giáo dục để lớn lên cùng những động tác quỳ theo yêu cầu của thầy cô giáo, thậm chí là còn phải phơi khô cái vỏ mít để quỳ cho nó đau, nhiều đứa mài cho nhẵn cái vỏ mít rồi mới phơi khô để đánh lừa thầy cô của hơn 30 năm về trước. Cái phạt quỳ của cô giáo đã đi vào thơ ca như “bẻ một nhành cây, nhành cây trứng cá – Để khi vô trường chia trái cho em – Hương trái mê ly hai đứa xù xì – Cô giáo phạt quỳ em lệ hoen mi”. Cho đến nay chưa thấy ai oán trách thầy cô của chính mình, vẫn thăm hỏi sức khỏe mỗi khi có dịp, nhiều người đã kiên cường và thành công từ cái “quỳ sám hối” để học tập ngày một tốt hơn.
Cô giáo quỳ trước phụ huynh thì lại khác, đó không còn là “quỳ sám hối”, mà là “quỳ thỉnh cầu” cho một mục đích nào đó của bản thân cô giáo. Vô tình cái quỳ cá nhân làm ảnh hưởng đến hình ảnh của ngành, người đang thực hiện công vụ quỳ trước một chủ thể khác tại nơi thực hiện công vụ là cái “quỳ của công vụ”, chứ không hẳn là cái quỳ của cá nhân, nói trắng ra là “cái quỳ của đại diện cho giáo dục”.
2) Quỳ có tạo ra sự nghiệt ngã?
Chủ quan mà nói, ngành nào, nghề nào, chổ nào cũng đều có số đông những người tận tâm, đạo đức và số ít những người biến dị, sâu bọ. Nhưng đối với ngành giáo dục thì phần lớn trong số họ vẫn đang là những người có tâm, kể cả một số thầy cô biến dị hay sâu bọ. Nhiều cô giáo bị lôi ra pháp luật vì hành hạ trẻ em, nhưng sâu thẳm bản chất của cô giáo đó chưa chắc đã xấu, mục đích chưa phải để giết trẻ mà là để trẻ chóng ăn, chóng lớn, chỉ có điều phương pháp chưa phù hợp. Thầy cô giáo bắt học sinh quỳ, khẻ tay, chép phạt hoặc yêu cầu học thêm, … Xét đến cùng thì vẫn chưa gây ra hậu quả gì lớn, chí ít là ở hiện tại, còn tương lai thì có nhiều ẩn số khác tác động vào nữa.
Nếu so với kinh doanh hay chính trị, thì cái tâm của giáo dục vẫn mềm mại hơn nhiều. Cô giáo bắt quỳ có 1000 lần đi chăng nữa thì cũng chẳng làm chết ai. Tôi từng tiếp xúc với một trường hợp vợ, chồng đi phá thai trong nước mắt, lý do là người chồng bị sa thải đến thất nghiệp, 2 tuần sau mới phát hiện vợ có thai, 2 người thất nghiệp không thể nuôi nổi một đứa trẻ đang lớn dần trong nhịp sống của đô thị hiện đại, mặc dù không ai bị bắt quỳ. Những vụ án oan đã đẩy cả gia đình họ sang một ngã rẽ khác, mặc dù bị cáo không hề bị quỳ gối trước hội đồng xét xử, … Rồi hàng loạt vụ việc về thực phẩm bẩn, về tắc trách trong y tế. Từ đó cho thấy, có những cái “quỳ vô hại” còn hơn cả những “cú nhảy” để đi về tuyệt vọng.
3) Thầy cô giáo, học sinh và phụ huynh – sẽ có một chủ thể phải quỳ trong tương lai
Kỷ nguyên của hiện đại, không ai ủng hộ cho phương pháp giáo dục “quỳ sám hối” của hơn 30 năm về trước, dù cái quỳ đó có đưa được nhiều người thành công, “thời thế nào – phương pháp đó”. Nhưng với thực tế của xã hội hiện nay, đặc biệt là chương trình và phương pháp giáo dục thì trong 3 chủ thể đó, sẽ có một chủ thể phải quỳ.
Trẻ con càng lúc càng xa rời vòng tay của gia đình do áp lực của kinh tế và sự phát triển của công nghệ số, thậm chí là con người càng xa rời với thiên nhiên, với những tương tác thật. Trong khi giáo dục thì vẫn dùng phần lớn thời gian để quanh quẩn với phòng học, bục giảng, bàn ghế và giáo cụ, thì nếu có phật tổ như lai hay quan âm bồ tát cũng khó lòng kết nối tâm hồn của người dạy và người học trong sự biến hóa của thực tiễn và công nghệ số, nói chi đến giáo viên – một nhiệm vụ quá khó đối với họ.
Trong cái bế tắc đó, giáo viên hoặc phải bắt học sinh quỳ để trở về với phương pháp cũ, hoặc mình phải tự “quỳ sám hối” với trách nhiệm, với chương trình, với cái tặc lưỡi “mặc kệ nó, hết giờ là đủ lương”. Nếu cả giáo viên và học sinh không ai phải quỳ, thì phụ huynh sẽ phải “quỳ để cầu xin trời đất” cho họ một tương lai bình yên, vì họ đang “ăn vào cái đuôi tương lai của chính mình”. Con cái của họ khi lớn lên thiếu cả thái độ, kiến thức lẫn kỹ năng cho đời sống của chính nó, nói gì đến lo ngược lại cho họ khi già yếu. Thiếu kiến thức, thiếu kỹ năng còn hạ cấp kiến thức, hạ cấp kỹ năng để phù hợp với phân khúc công việc, nhưng đáng sợ nhất là thiếu thái độ, thiếu niềm tin, thiếu tâm hồn, … mang dao đi giết người hoặc ngáo đá là giết cả truyền thống gia đình, phụ huynh có quỳ đến chết cũng không có thần thánh nào ban phát cho kịp.
4) Cái quỳ để thức tỉnh tương lai
Cô giáo quỳ thì cũng đã quỳ rồi, thương cũng có mà trách cũng có. Nhưng Tôi tin, rồi tương lai, lịch sử sẽ cảm ơn cái quỳ đó, nó là “cái quỳ để thức tỉnh giáo dục”. Đừng bắt giáo viên phải có những phương pháp giáo dục phù hợp cho một lớp tạp nham học sinh với hàng trăm kiểu tính cách khác nhau, để đạt một mục tiêu giống nhau. Hoặc là phải phân loại học sinh, phân loại giáo viên cho đúng phân khúc chất lượng của nó, hoặc là phải phân loại phương pháp cho đúng với từng đối tượng học sinh có chất lượng khác nhau. Giáo dục cứ thuyết giáo ra rã phương pháp này là tiêu cực, phương pháp kia là tích cực, nhưng hạ tầng về văn hóa cho những phương pháp phù hợp chưa khớp nối được, thì phương pháp có tích cực vẫn thành vô nghĩa.
Bắt giáo viên phải dạy được học sinh có văn hóa, nhưng bản thân cha mẹ của học sinh đang còn là vô văn hóa, hoặc thiếu văn hóa (tức là hạ tầng về văn hóa, không gian về văn hóa, môi trường văn hóa chưa có) thì giáo viên từ trên cõi trên xuống cũng đành chịu.
Cái quỳ của cô giáo – Đau đáu nhất vẫn là quỳ trước sự bế tắc của chính mình trong sự lựa chọn nghề nghiệp quá nghiệt ngã của thời thế.
Tương lai đang chờ sự thức tỉnh! Thật gượng gạo khi phải bắt người thầy quỳ gối để nâng cho đất nước đứng lên! Khi người thầy quỳ gối thì liệu dân tộc có thể ung dung để ngẩng cao đầu?
Đặng Hoàng Vũ (6/3/2018)
Tại sao cô giáo Nhung phải quỳ?
“…có một điều rõ ràng rằng giá như tất cả chúng ta đã sớm cất lên tiếng nói, thì nền giáo dục và xã hội đã không xuống cấp như hiện nay!...”
Chiều 6/11/2017, tại trung tâm Hội nghị Quốc gia, hình ảnh chàng thanh niên quỳ lạy Jack Ma đã làm cho người Việt hổ thẹn, gây ra một làn sóng phẫn nộ trong xã hội, dư âm cho đến giờ vẫn còn chưa nguôi.
Vậy mà ngày 28/2/2018, lại thêm tin cô giáo Nhung (giáo viên trường tiểu học Bình Chánh, Bến Lức, Long An) bị phụ huynh bắt quỳ 40 phút, đã như cơn địa chấn làm rung động cả xã hội.
Không có lẽ quỳ đã trở thành thói quen của người Việt?
Và câu hỏi đớn đau là:
TẠI SAO CÔ GIÁO NHUNG PHẢI QUỲ?
Có một cách đơn giản để tìm ra câu trả lời cho câu hỏi trên. Đó là đặt các câu hỏi mang tính cốt lõi. Từ chuỗi các câu hỏi đó sẽ rõ nguồn cơn.
AI ĐÃ ĐÀO TẠO RA CÁC CÔ GIÁO NHƯ CÔ GIÁO NHUNG?
1. Bắt học sinh quỳ sò là hình phạt của các thầy giáo ngày xưa, hoàn toàn không thể chấp nhận trong thời đại ngày nay. Bất kể có thể, ngày đi học, hay trong trong gia đình, bản thân cô giáo Nhung đã bị phạt quỳ.
2. Nếu đã lỡ bắt học trò phải quỳ, cũng chỉ là hình phạt cảnh cáo tròng vòng 1- 3 phút. Nhưng phạt quỳ đến 40 phút là rất không thương học trò.
3. Khi bị phụ huynh yêu cầu quỳ, thì dứt khoát không thể quỳ.
Vậy ai đã đào tạo ra những cô giáo như cô giáo Nhung?
AI ĐÃ BỔ NHIỆM NHỮNG ÔNG HIỆU TRƯỞNG NHƯ ÔNG HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG BÌNH CHÁNH?
1. Giàn xếp với phụ huynh không chỉ là cô giáo Nhung, mà trách nhiệm chính là của ông hiệu trưởng trường Bình Chánh. Ông là người đứng đầu cơ quan nên là người chịu trách nhiệm đầu tiên cho mọi sự vụ xảy ra trong nhà trường.
2. Ông hiệu trưởng không giải quyết dứt điểm, bỏ mặc cô giáo Nhung đương đầu với phụ huynh là chối bỏ trách nhiệm, đẩy trách nhiệm của mình sang người khác.
3. Bỏ mặc thuộc cấp của mình trong khó khăn, nhất là phụ nữ, là hành động đáng coi khinh.
Vậy ai đã bổ nhiệm những ông hiệu trưởng như ông hiệu trưởng trường Bình Chánh?
AI ĐÃ NHÀO NẶN RA CÁC BẬC PHỤ HUYNH NHƯ THẾ NÀY?
1. Bắt một người lớn phải quỳ là phạm tội hạ nhục người khác.
2. Thầy giáo được đặt ngàng hàng với bố mẹ. “Mồng một tết cha. Mồng hai tết mẹ. Mồng ba tết thầy”. Làm nhục cô giáo dạy con mình là phỉ nhổ lên truyền thống tôn sư trọng đạo, là tự sỉ nhục chính mình.
3. Đáp lại một cái sai bằng một cái sai khác là sự trả thù hạ sách không có hồi kết.
4. Đến trường học truy bức cô giáo như ở nhà mình là coi thường kỷ cương pháp luật.
Vậy ai đã nhào nặn ra các bậc phụ huynh như thế này?
Cả ba câu hỏi trên đều có chung một câu trả lời: Nền giáo dục xuống cấp và xã hội xuống cấp.
Câu hỏi hiển nhiên tiếp theo là:
AI ĐÃ ĐƯA NỀN GIÁO DỤC VÀ XÃ HỘI ĐẾN TÌNH TRẠNG XUỐNG CẤP NHƯ HIỆN NAY?
Câu trả lời bỏ ngỏ!
GIÁ NHƯ
Kẻ sĩ có thể bị chém giết nhưng không thể bị nhục mạ. Khi mà thầy giáo bị sỉ nhục là dấu hiệu cùng đường.
Giá như các bậc phụ huynh đừng ép buộc!
Giá như ông hiệu trưởng đủ trách nhiệm để cản ngăn!
Giá như cô giáo Nhung đủ dũng cảm để không quỳ!…
Nhưng có ai biết nồi cơm của cô giáo Nhung có thể sẽ trống rỗng nếu cô không cam chịu quỳ 40 phút?
Đâu chỉ là nồi cơm, mà có thể còn là món nợ khổng lồ đang đeo đẳng vì chạy chỗ làm việc? Là món nợ cộng thêm để có thể chuyển trường?
Tất cả… có thể là ngụy biện. Nhưng có một điều rõ ràng, rằng,
giá như tất cả chúng ta đã sớm cất lên tiếng nói, thì nền giáo dục và xã hội đã không xuống cấp như hiện nay!
Nguyễn Ngọc Chu
No comments:
Post a Comment