Wednesday, March 21, 2018

Tưởng niệm 50 năm Biến Cố Thảm Sát Mậu Thân tại Weiterstadt, Đức Quốc - Minh Hoài



„Wer vor der Vergangenheit die Augen verschließt, wird blind für die Gegenwart“
Bundespräsident Richard von Weizsäcker
"Ai làm ngơ trước quá khứ, thì sẽ mù quáng trong hiện tại.
cựu Tổng Thống Đức Quồc Richard von Weizsäcker
Trích từ diễn văn của Thứ Trưởng Bộ Nội Vụ Đức Quốc, Dr. Günter Krings, CDU, gửi đến người Việt nhân dịp tưởng niệm 50 năm Biến Cố Thảm Sát Mậu Thân 1968.

Vào chiều ngày thứ bảy, 17 tháng 3 năm 2018, lúc 16 giờ 30 đông đảo người Việt tỵ nạn Cộng Sản tại Đức Quốc, cùng với nhiều đồng hương đến từ các quốc gia khác như Nhật, Pháp, Bỉ, Thụy Điển, Na-Uy…., và các chính khách Đức của các đảng Kitô-giáo Dân Chủ (CDU), Xã Hội Dân Chủ Đức (SPD) và đảng Xanh, đặc biệt có sự hiện diện của cháu trai ông bà Prof. Dr. Horst-Günther và Elisabeth Krainick, 2 trong 4 người Đức đã bị giết trong Biến Cố Mậu Thân, ông Bernd Krainick cùng với phu nhân, đã long trọng cử hành buổi lễ Tưởng Niệm 50 năm Thảm Sát Mậu Thân 1968 – 2018.

Buổi lễ tưởng niệm được bắt đầu với nghi thức khai mạc, chào quốc kỳ Đức - Việt và phút mặc niệm.

Bà Lê Nhất Hiền đã đọc lời khấn nguyện cho đất nước và bà hy vọng rằng một ngày không xa buổi tưởng niệm sẽ được cử hành ngay trên đất nước Việt Nam.

Sau lời khấn nguyện, ông Nguyễn Văn Rị, đại diện cho Liên Hội Người Việt tỵ nạn tại Cộng Hòa Liên Bang Đức (Liên Hội), đã đặt vòng hoa tưởng niệm trước bàn thờ.

Tiếp theo là phần cầu nguyện liên tôn theo nghi thức Phật Giáo, Công Giáo và Tin Lành.

Đại đức Thích Hạnh Bổn, trụ trì chùa Viên Giác, đã cùng với các Phật Tử tụng kinh cầu siêu cho gần 5.000 nạn nhân bị giết hại trong dịp Tết Mậu Thân 1968.

Sau đó linh mục Đinh Xuân Minh, Domkapitular Hansjörg Eberhardt (đại diện Toà Giáo Phận Mainz) cùng với giáo dân đọc kinh và hát 2 bài „Mẹ ơi, đoái thương xem nước Việt Nam“, và bài „Kinh Hòa Bình“.

Nữ mục sư Tin Lành Nguyễn Thanh Dung đã mạnh mẽ lên án nhà cầm quyền Việt Nam cho tới nay vẩn chưa chính thức nhận lỗi, mà còn tổ chức ăn mừng „chiến thắng Mậu Thân“, và tiếp theo là lời cầu nguyện thống thiết cho các nạn nhân và cho các thân nhân trong Biến Cố Thảm Sát Mậu Thân.

Hai bức hình, một là hình 3 bác sĩ Đức và bà Elisabeth Krainick, và hai là hình các nạn nhân bị thảm sát tại Huế, đã được rước lên bàn thờ.

Không chỉ ở Huế, mà hơn 200 địa điểm khác trên khắp miền Nam VN cũng đã bị Cộng Sản tấn cống trong ngày lễ Tết cổ truyền thiêng liêng Mậu Thân 1968. Trong khi ông Trịnh Đỗ Tôn Vinh (Phó chủ tịch Liên Hội) xướng tên 44 tỉnh thành tiêu biểu và bà Bích Thủy ngâm bài thơ của Hoàng Phong Linh Võ Đại Tôn, thì các quan khách mang 44 ngọn nến sáng lung linh đặt bên cạnh 2 bức hình trên.

Sau nghi thức cầu nguyện và đốt nến, ông Nguyễn Văn Rị đại diện Liên Hội đã nói lên mục đích và ý nghĩa của buổi tổ chức.

Tiếp theo là bài diễn văn của Thứ Trưởng Bộ Nội Vụ Đức, ông TS Günter Krings gởi tới buổi lễ đã được cô Lý Tiểu Bình đọc; phần phát biểu qua điện thoại của bà GS TS Ute Krainick, cháu gái ông bà GS bác sĩ Horst-Günther Krainick. Bà nhấn mạnh điều làm bà vô cùng xúc động là tình nghĩa thầy trò của người Việt Nam, nhất là đối với ông bà GS BS Krainick. Sau đó là phần phát biểu của ông Bernd Krainick, anh ruột của GS TS Ute Krainick. Ông tỏ ra rất cảm động khi thấy người Việt vẫn luôn nhớ đến Ông Bà của ông và 2 vị bác sĩ khác là ông Raimund Discher và ông Alois Alteköster, và ông hy vọng rằng chuyện rất đau buồn này sẽ không xảy ra một lần nữa trên nước Việt Nam.















Trong phần nghỉ giải lao và dùng cơm chay các tham dự viên có cơ hội xem phần triển lãm và quầy sách về Biến Cố Mậu Thân do Phong Trào Giáo Dân Việt Nam Hải Ngoại, cơ sở Tống Viết Bường ở Đức, thực hiện và do ông Lê Văn Yên và bà Nguyễn Thị Lệ Thu, đại diện. Ngoài ra, nhà văn Đỗ Thông Minh, từ Nhật Bản, cũng đến tham dự và quảng bá một số ấn phẩm.

Chương trình tưởng niệm phần 2 đã bắt đầu với một đoạn phim tài liệu về Mậu Thân. Kế đến nhà văn Đinh Lâm Thanh được BTC dành cho đôi phút để thực hiện một nghĩa cử của một người dân Huế và là một cựu sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Ông đã cúi đầu trước ông Bernd Krainick thay mặt mọi người, cảm ơn sự hiện diện của ông bà Bernd Krainick cũng như xin tạ lỗi vì đã không bảo vệ được sự an toàn tính mạng của GS TS Horst-Günther Krainick và Elisabeth cùng đồng nghiệp trong biến cố Mậu Thân 1968.

Trước khi chia tay ông Nguyễn Văn Rị và ông Trịnh Đỗ Tôn Vinh, đại diện cho Liên Hội đã trao cho ông Bernd Krainick 2 bức hình; một bức chụp lúc ông bà Prof. Dr. Horst-Günther Krainick đang thăm viếng các thiếu nhi Việt Nam vào năm 1968; bức hình này do nhà thơ Trần Đại Từ ở Mỹ gửi sang tặng, và một bức hình do nữ họa sĩ Mona người Đức, miêu tả bà Discher, vợ của Dr. Raimund Discher, lúc ông BS Discher bị sát hại vào năm 1968, bà có 3 con nhỏ và đang mang thai đứa con thứ 4.





Chương trình được tiếp tục với các lời ngỏ của Phương Trượng Hòa Thượng Thích Như Điển được Đại Đức Thích Hạnh Bổn đọc; lời ngỏ quý báu của nhân chứng nhà văn Nhã Ca, tác giả cuốn sách nổi tiếng “Giải Khăn Sô Cho Huế“, được bà Lê Nhất Hiền trang trọng trình bày; tiếp theo là phần chia xẻ rất xúc tích của nhà văn Đinh Lâm Thanh, đến từ Paris; phần phát biểu của các nhân chứng: cư sĩ Tâm Nguyện đến từ Thụy Điển, các nhân chứng ở Đức: GS Lê Quang Thông, bà Thanh Thủy, ông Dương Trường Cửu.



Xen kẽ các bài phát biểu là những nhạc phẩm được diễn xuất rất cảm động: „Đó Quê Hương Tôi“, Thanh Tùng ; „Cơn Mê Chiều“, Thụy Uyển; „Từ Lòng Quê Hương“, Minh Đức; „Chuyện Một Đêm“, Như Lan; „Những Người Không Chết“, Thiệu Lương.

Hai tham dự viên là chị Dung và anh Hưng ở Đức, cũng là những nhân chứng trong cuộc Thảm Sát Mậu Thân, đã kể lại bằng tất cả trái tim và nước mắt những gì họ đã trải qua, để mọi người nhìn thấy được sự dã man của Cộng Sản ngay đối với người dân mình. Cả hội trường im lặng theo dõi trong tâm tư cùng đau khổ vô tận…



Nhạc cảnh „Nhánh Mai Buồn“, do Kim Yến đạo diễn, được các anh chị em gia đình Phật Tử, cộng đoàn Công Giáo Frankfurt và nhiều thân hữu, từ các cháu bé 4 tuổi đến các bà mẹ gần 70 tuổi, trình diễn vô cùng xuất sắc. Nhạc cảnh không những chỉ diễn tả lại một sự thật rất đau buồn trong lịch sử Việt Nam, mà nó còn là cơ hội để thế hệ đi trước nhìn lại và „vượt qua“ những chấn động quá khủng khiếp; để thế hệ thừa kế hiểu và thấu triệt Biến Cố Thảm Sát Mậu Thân, hầu tránh tái diễn.





Chương trình buổi lễ tưởng niệm được kết thúc bằng nhạc phẩm „Một ngày Việt Nam“,của Trầm Tử Thiêng và Trúc Hồ, trong đó có câu:

„Một ngày Việt Nam, ngày thoát bóng đêm dài lầm than, ngày thế giới reo mừng hòa vang, trong khúc hát Một ngày …VIỆT NAM.“







Sau cùng ông Trịnh Đỗ Tôn Vinh, thay mặt BCH Liên Hội, đã ngỏ lời cảm ơn đến toàn thể quý đồng hương đã đến tham dự, các tổ chức, hội đoàn và nhân sĩ trong những tháng qua miệt mài chuẩn bị: Những gia đình Phật Tử vùng Trung Đức, Cộng Đoàn Công Giáo Frankfurt am Main, Hội Văn Hóa Phụ Nữ Việt Nam Tự Do Đức Quốc, Ban Văn Vũ Điểm Sáng Darmstadt, Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản tại Odenwald, Hội Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản tại Hamburg, Krefeld, Mannheim, Nürnberg, , Hội Ái Hữu Miền Trung, Đảng Việt Tân tại Đức, cũng như ông Đỗ Văn Thông, Koblenz và nữ họa sĩ người Đức tên Mona v.v…

Buổi lễ Tưởng niệm 50 năm Biến Cố Thảm Sát Mậu Thân kết thúc vào khoảng 21 giờ cùng ngày.

Minh Hoài tường thuật




Lễ Tưởng Niệm 50 Năm Tết Mậu Thân 1968 Ở Huế


ngày 17.03.2018 tại Weiterstadt, Germany

Phát biểu cảm tưởng của nhân chứng



Kính thưa Ban Tổ Chức

Kinh thưa quý vị quan khách,

Tôi sinh ra ở Huế, làng Vỹ Dạ. Mệ nội tôi thuộc dòng họ Tôn Thất nên hầu hết gia đình đều cư ngụ và sinh sống quây quần tại Huế. Ôn mệ tôi có một con trai đầu, rồi tới ba tôi cùng 3 người em trai và mấy o. Ba tôi là một công chức bưu điện nên thường đổi đi nhiều nơi ở miền Nam. Cũng như nhiều thanh niên khác, các chú ruột tôi và các con của bác ruột đã tình nguyện gia nhập vào quân lực VNCH.

Cách đây 50 năm về trước, chính phủ VNCH ký thoả hiệp ngưng bắn nhân dịp Tết Mậu Thân năm 1968 để cho dân chúng được trọn hưởng 3 ngày Tết Nguyên Đán thiêng liêng của dân tộc Việt Nam. Các quân nhân của 2 phía quốc gia và cộng sản có mấy ngày đón xuân thanh bình cùng gia đình. Nhờ vậy, 2 chú ruột tôi, một chú có một vợ 2 con và một chú có một vợ 3 con, đang đóng quân ở nơi xa cũng được nghỉ mấy ngày phép về gia đình thăm mệ tôi.

Sau khi cộng quân tấn công vào đêm giao thừa ở Huế thì ngày hôm sau Việt cộng đi lục soát từng nhà, từng gia đình. Ai thuộc quân cán chính của chế độ VNCH đều bị bắt. Thế là 2 chú tôi đã bị Việt cộng bắt đi. Mệ và các thiếm đợi mấy ngày vẫn không thấy hai chú trở về. Ngày nầy qua ngày khác, tuần nầy qua tuần nọ, mệ và các thiếm cùng gia đình mãi chờ đợi trong vô vọng.

Cho đến ngày hôm nay, gia đình mệ nội tôi vẫn không biết hai chú bị Việt cộng chôn sống ở nơi mô.

Tình cảnh gia đình của các thiếm tôi từ đó gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy khi gia đình ba tôi đổi về Sài Gòn năm 1972 làm việc, ba tôi đã đem các con của hai chú tôi từ Huế vào Sài Gòn nuôi dưỡng.

Rồi cứ mỗi độ Xuân về, trên bàn thờ khói hương nghi ngút, hiển hiện linh hồn oan nghiệt của hai chú tôi vẫn còn đó, gia đình mệ nội tôi rất buồn bả, khó mà vui Xuân được.

Hôm nay đây, trước bàn vong linh của mấy ngàn hương linh dân lành vô tội bị Việt cộng sát hại vào dịp tết Mậu Thân 1968, tôi xin nguyện cầu cho mọi oan hồn sớm siêu thoát.

Mậu Thân biển máu dân lành

Xác cha xác mẹ xác anh chất chồng

Hố sâu lòng đất lạnh lùng

Tay chân cột chặt xiết cùng với nhau

Xin trân trọng kính chào quý vị.

Dương Thị Thanh Thuỷ

Đức quốc 2018. Mời xem Video

Trở lại



Nguyễn Văn Phảy, HT Hội Hải Quân Hàng Hải Đức Quốc chuyển 

No comments:

Danh sách các Chiến Sĩ Hải Quân QLVNCH đã Hy Sinh Trong Trận Hải Chiến Hoàng Sa 1974:

Số TT Chức vụ Họ tên Đơn vị 1 Trung sĩ Cơ khí Trần Văn Ba HQ-10 2 Hạ sĩ Cơ khí Phạm Văn Ba HQ-10 3 Hải quân đại úy Vũ Văn Bang HQ-10 4 Hạ sĩ...