Tuesday, June 7, 2022

“30 THÁNG TƯ 1975, Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng 4 Duyên Hải DI TẢN 3000 ĐỒNG BÀO” – NGUYỄN VĂN THIỆN

**

Lời Giới Thiệu :

Cuộc chiến ở Miền Nam Việt Nam đã kéo dài qua hai thời kỳ Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hoà và đã kết thúc trong “uất-ức, đau khổ” (1) cho quân dân Miền Nam.
Có không biết bao Thi-Văn-Nhân khoác chinh-y đã viết lại về thời kỳ binh lửa mà không ai có thể quên, ” Muà Hè Đỏ Lửa “, ” Đại Lộ Kinh Hoàng ” , ” Tái Chiếm Cổ Thành Quảng Trị ” , ” Tử Thủ An Lộc “… Tàn cuộc chiến, rất nhiều hồi ký của các Nhà Văn thuộc các Quân-Binh-Chủng đã tường thuật những trận đánh dũng-cảm chận đường tiến quân của địch, những cuộc không kích mà sự hy-sinh của phi-công chỉ trong đường tơ kẻ tóc, phòng-tuyến tử-thủ của một số đơn vị vào giờ phút cuối. Bên cạnh đó, còn có cuộc di-tản của Không Quân, Hải Quân để tài-sản không lọt vào tay địch và đưa thân nhân, đồng bào vượt thoát.

Nhà Thơ Hữu Phương (cố Phó Đề-Đốc Nguyễn Hữu Chí) gọi là “Giờ Thứ 25 của người lính biển” (2), mô tả chuyến hải hành cuối cùng của Hạm Đội Hải Quân Việt Nam Cộng Hoà rời bến Bạch Đằng và các cầu tàu trước Bộ Tư Lệnh Hải Quân lúc 8 giờ tối ngày 29 tháng Tư – 1975, để ra khơi cùng với non ba mưoi ngàn đồng bào di-tản, điểm tập kết là Côn Sơn.
Vùng 4 Duyên Hải với bản doanh Bộ Tư Lệnh ở An Thới–Nam đảo Phú Quốc–từ ngày 29 tháng Tư không còn liên lạc đuợc với Bộ Tư Lệnh Hải Quân ở Sài Gòn, tình hình chung về chính-trị quân-sự biến chuyển qúa nhanh, nên Hải Quân Đại Tá Nguyễn Văn Thiện, đương kim Tư Lệnh Hải Quân Vùng 4 Duyên Hải (V4ZH) đã nhanh chóng triệu tập bốn vị Hạm Trưỏng các chiến hạm tăng phái cho V4ZH để thảo luận kế hoạch di-tản cùng thân nhân gia đình binh sĩ, quân dân chánh ở Quận Phú Quốc. Ước tính tình báo và dự thảo Lệnh hành quân đối với Kế hoạch di tản khẩn cấp thật không đơn giản, nhưng BTL/HQ/V4ZH đã có quyết định dứt khoát ; đó là cuộc di-tản dự trù đưa lực lượng Hải Quân đến Úc Châu.
Ngay sau khi có lệnh buông súng của đương kim Tổng Thống Dương Văn Minh, sáng 30 tháng Tư, Đại Tá Thiện đã không quên tập họp tất cả Sĩ Quan và nhân viên thuộc quyền để cảm ơn mọi người đã kề vai sát cánh trong nhiệm vụ trấn giữ bờ cõi, hải phận và để mọi nguời tự quyết định “ra đi” hay “ở lại”.
Tình cảm gắn bó trong tinh thần Huynh đệ chi binh đã được thể hiện trong đáp từ cảm ơn các chiến sĩ Hải Quân đã chiến đấu trên cùng trận tuyến qua bao năm,
của vị Tư Lệnh Hải Quân V4ZH ; mà do tình hình chính trị an-bài đành phải chia tay.
Giờ phút các chiến hạm rời đảo, để ra đi với biết bao phức tạp từ tâm-tư tình cảm của các cấp thuộc quyền, bị dày-vò vì “đi” hay “ở” , cho đến yếu tố tiếp-vận tiếp-liệu cho đoàn chiến hạm và cho gia đình đồng bào trên chiến hạm, thêm phần pháp-lý đối-phó với chính quyền Tân Gia Ba, … nhưng với tinh thần hài-hoà, rộng lượng đối với thuộc cấp, vị Tư Lệnh HQ V4ZH đã hành-xử giàu lòng nhân-ái ; ai muốn ra đi thì theo tàu ra khơi tìm Tự Do, ai muồn về với gia đình lên tàu lái quay trở lại bờ.
Cuối cùng đã đưa đuợc đoàn tàu an-toàn đến Quân Cảng của Hải Quân Hoa Kỳ ở Vịnh Subic, Philippines.
Trang Lưu Niệm của Khoá 7 Đệ Nhất Thiên Xứng dù trình bày và nội dung còn rất khiêm-tốn, nhưng đã được Quý Vị Độc Giả dành thì giờ và cảm tình quý báu vào viếng trang nhà ; chúng tôi kính xin chân thành cảm ơn Quý Độc Giả ; và xin giới thiệu bài hồi ký ” 4 Chiến Hạm di tản từ đảo Phú Quốc ” , mà tác giả là nguyên Sinh Viên Sĩ Quan Thủ Khoa Khoá 7 , Hải Quân Đại Tá Nguyễn Văn Thiện, cựu Tư Lệnh Hải Quân Vùng 4 Duyên Hải, Hải Quân Việt Nam Cộng Hoà.

Trân-trọng.

TRANG LƯU NIỆM KHOÁ 7

Ghi chú :
(1) Trích lời Đô-Đốc Trần Văn Chơn, cựu Tư Lệnh Hải Quân : ” Đôi giòng nhận xét về quyển CAN TRƯỜNG TRONG CHIẾN BẠI ” của Tác Giả Phó Đề-Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, cựu Tư Lệnh Hải Quân Vùng 1 Duyên Hải. Xb 2007.
(2) Tạp Chí ” ĐI TỚI ” số 44 & 45 Năm thứ Tám – Tháng 4 & 5 – 2001 – Montréal, Québec, CANADA. Trang 94 – 97.

https://bienxua.files.wordpress.com/2016/03/huy-hieu-bo-tu-lenh-hqv4dh-tvq-collection.jpg?w=257&h=251

” 4 CHIẾN HẠM DI TẢN TỪ PHÚ QUỐC”

1.- BTL/HQ V4ZH.
2.- Căn cứ HQ Phú Quốc.
3.- Hải Đội 4 Duyên Phòng
4.- Duyên Đoàn 42.
5.- Một Đài Kiểm Báo.
6.- Căn Cứ Yểm Trợ Tiếp Vận.
7.- 4 Chiến Hạm do BTL Hạm Độị biệt phái cho BTL/V4ZH :
1.- Trợ Chiến Hạm “Nguyễn-Ngọc Long”, HQ 230
Hạm Trưởng HQ Thiếu Tá Nguyễn-Nguyên.
2.- Giang Pháo Hạm “Lôi Công”, HQ 330
Hạm Trưởng HQ Thiếu Tá Nguyễn-Văn-Anh.
3.- Giang Pháo Hạm “Tầm Sét”, HQ 331
Hạm Trưởng HQ Thiếu Tá Phan-Tấn-Triệu.
4.- Tuần Duyên H ạm “Minh-Hòa”, HQ 602
Hạm Trưởng HQ Đại Úy Ngô-Minh-Dương.
Về phần lãnh thổ, vị TL/HQ/V4ZH giữ luôn Chức Vụ Đặc Khu Trưởng/Đặc Khu Phú Quốc. Lực Lượng Đặc Khu gồm có 2 Tiểu Đoàn Địa Phương Quân, 1 Đại Đội Trinh Sát và 1 Trung Đội Pháo Binh 105 ly. Đóng tại Dương Đông có 1 Tiểu Đoàn ĐPQ, Đại Đội Trinh Sát với 1 Bán Trung Đội Pháo Binh. Tiểu Đoàn ĐPQ thứ hai đóng tại xã An Thới với 1 Bán Trung Đội PB.
Để bảo vệ an ninh lãnh thổ cho Đảo Phú Quốc về mặt Bắc Lực Lượng ĐPQ có Đồn Cửa Cạn. Về phía Đông có Đồn Hàm Ninh.
Quận Trưởng Quận Phú Quốc là một vị Trung Tá Bộ Binh đóng tại xã Dương Đông về phía Tây của đảo. Quận Trưởng Quận Phú Quốc cũng kiêm luôn chức vụ Đặc Khu Phó và là Phụ Tá Hành Quân trên Bộ cho vị Đặc Khu Trưởng.
Ngoài ra một phi cơ quan sát L19 với một Trung Úy Phi Công và 1 toán kỹ thuật nhỏ thuộc BTL/KQ Quân Đoàn 4 cũng được biệt phái cho Đặc Khu.
2/ Những khó khăn của BTL/HQ/V4ZH trước ngày 30-4 -75.
Tôi được Phó Đề Đốc Lâm Ngươn Tánh vị đương kiêm Tư Lệnh Hải Quân thời bấy giờ bổ nhiệm tôi ra Phú Quốc vào đầu năm Dương Lịch 1975. Lúc đó Đại Đội ĐPQ đóng tại Đồn Cửa Cạn trên Bắc Đảo đang bị lực lượng gần 1 Tiểu Đoàn địch bao vây. Nhiệm vụ đầu tiên của tôi là giải tỏa vòng vây của địch và đem lại an ninh cho vùng Bắc Đảo. Một tháng sau khi tôi nhậm chức thì vòng vây đã được giải tỏa và đời sống của đồng bào trên vùng đó đã trở lại bình thường như trước cũng như sự sinh hoạt thường xuyên của BTL/HQ/V4ZH và Đặc Khu Phú Quốc.

Huy hieu Can cu Hai qiuan Phu Quoc. TVQ Collection

Đoàn người tỵ nạn từ Miền Trung.
Vào cuối tháng 3 năm 1975 sau khi Vùng II Chiến Thuật và Vùng I CT mất vào tay Cộng Sản, Thiếu Tưóng Nguyên khoa Nam TL/Quân Đoàn 4 và Vùng 4 Chiến Thuật ra lệnh cho tôi vào Cần Thơ trình diện Ông ngay lập tức. Trong buổi gặp mặt hôm ấy Thiếu Tướng ra lệnh cho tôi là phải sẵn sàng để nhận khoản 20 ngàn đông bào tỵ nạn từ miền Trung về Phú Quốc.
Những khó khăn cho BTL/HQ/V4ZH trước ngày 30 tháng tư năm 1975 đã bắt đầu từ đó, và chúng tôi phải dùng đủ mọi phương tiện có sẵn trong tay và nhứt là sự tiếp tế và yểm trợ quy mô của Chính Phủ VNCH và Chính Phủ Hoa Kỳ để đón tiếp đồng bào tỵ nạn. Tổng số đồng bào tỵ nạn dần dần đã tăng lên đến khoản 60 ngàn người khi tôi bước lên Trợ Chiến Hạm HQ 230 để đi tìm Tự Do trong ngày 30 tháng tư năm 1975 với HQ 330,HQ 331 và HQ 602 tháp tùng theo. Tuy nhiên mặc dù vậy, BTL/HQ/V4ZH đã cố gắng rất nhiều để chu toàn nhiệm vụ giữ gìn an ninh không những riêng cho Đồng Bào tỵ nạn từ Miền trung vào và còn bảo vệ sanh mạng và tài sản của người dân trên Đảo Phú Quốc.
Phần 3. Hạm Đội gồm 4 chiến hạm lên đường di tản.

**

1.- Chuẩn bị để rời Phú Quốc.
Sau ngày tôi gặp Th/Tướng Nguyễn Khoa Nam trở về và cùng một lúc tình hình chiến sự và tương lai miến Nam VN càng ngày càng mỏng manh, tôi thường xuyên gặp 4 vị Hạm Trưởng HQ 230 HQ Th/Tá Nguyễn Nguyên, HQ 330 HQ Th/Tá Nguyễn Văn Anh, HQ 331 HQ Th/Tá Phan Tấn triệu và HQ 602 HQ Đại Úy Ngô Minh Dưong mỗi lần các vị HT về nghỉ bến. Trong những lúc đàm thoại, ai ai cũng đều bày tỏ sự lo âu về vận mạng của đất nước.
Vào đầu tuần tháng tư sau khi nghe tin lực lượng CS đã đánh vào Long An và đe dọa cắt đứt Quốc Lộ 4, huyết mạch của Sàigòn và miền Tây, T/Tá Nguyên đang nghỉ bến lên BTL/V4ZH gặp tôi một cánh rất cấp tốc và hỏi tôi ngay tôi đã có quyết định và kế hoạch gì chưa. Tôi liền trả lời với Th/Tá Nguyên là tôi đã có và tôi phải chờ để có dịp hỏi ý kiến chung của tất cã 4 vị Hạm Trưởng. Tôi khuyên Th/Tá Nguyên nên về tàu nghỉ và hôm sau chúng ta sẽ có một buổi họp với sự hiện diện đầy đủ của 4 vị HT tại văn phòng tôi. Tôi sẽ ra lệnh cho các HT trở về căn cứ gấp vì có việc khẩn.
Như đã dự định, ngày hôm sau vào lúc 10 giờ sáng chúng tôi, 4 vị HT và cá nhân tôi gặp nhau tại văn phòng của tôi để bàn về kế hoạch và chương trình di tản khi cần. Sau khi cửa đã đóng kín tôi liền trải lên bàn làm việc của tôi một hải đồ tôi đã vẽ sẵn đường di tản của tôi. Sau khi rời Phú Quốc đoàn tàu chúng tôi sẽ hưóng về Tân Gia Ba, rồi Djakarta ở Nam Dương, kế tiếp Bali, Flores, East Timor, sau cùng hướng về phiá Nam thẳng đến hải cảng Darwin ở Úc Châu. Thời gian hải hành có thể một tháng và tôi đã có chương trình cho các chiến hạm tiếp tế đầy đủ lương thực. Nước ngọt, dầu cặn và thực phẩm tươi chúng ta sẽ xin chính phủ tại các bến chúng ta ghé. Trình bày đề nghị của tôi xong, năm người chúng tôi không có bàn lâu và sau khi tôi giải đáp vài câu hỏi của 4 vị HT một cách thỏa mãn, kế hoạch của tôi đề nghị được tất cả 4 vị HT chấp thuận.
2.- 30 tháng tư năm 1975. Những gì phải tới đã tới.
Vài ngày trước 30 tháng tư tôi liên lạc rất đều đặn với Phó Đề Đốc TMT/HQ. Nhưng đến ngày 29 tháng tư tôi hoàn toàn mất liên lạc với BTL/HQ ở Saìgòn. Tôi liền báo cho các vị HT biết là kế hoạch của tôi sẽ được áp dụng ngay tức khắc và tùy các vi HT để cho lính ĐPQ, gia đình và đồng bào được quá giang. Điều chính là sự an toàn của Chiến Hạm và nếu cần sẽ áp dụng biện pháp nặng để tránh sự nổi loạn và khi thấy không còn giữ được an ninh và trật tự thì chiến hạm phải rời cầu cập ngay ra khơi chờ lệnh của tôi.
Bầu không khí sáng ngày 30 tháng tư năm 1975 yên một cách lạ thường như trước khi cơn bão tố đến. Theo như thường lệ tôi vào TTHQ của BTL/HQ V4ZH để nghe xem có tin gì mới không nhưng trong TTHQ cũng rất yên tịnh một cách quái lạ. Khác hơn mọi khi tất cả máy vô tuyến đều lặng yên và chỉ nghe có tiếng xèo xèo trong các loa thôi. Tôi trở vào văn phòng của tôi và ngồi chờ.
Đến 11:30 giờ sáng tiếng náo loạn nổi lên càng lúc càng to trong TTHQ sau khi nghe Tướng Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng bọn Cộng Sản. Tôi liền triệu tập tất cả Anh Em Đoàn Viên, Sĩ Quan và Hạ Sĩ Quan vào ngay phòng ăn Thủy Thủ Đoàn của căn cứ.
Bước vào phòng ăn với một giọng rất cảm động, tôi liền có vài lời nhắn nhủ cho tất cả Anh Em Đoàn Viên thuộc BTL/HQ/V4ZH có mặt trong đó.
” Trước hết tôi cám ơn Anh Em đã đến nhanh chóng sau khi tôi kêu gọi các Anh Em đến. Đây là buổi họp cuối cùng của chúng ta, tôi xin cám ơn các Anh Em thật nhiều đã giúp tôi trong những tháng qua, kể từ khi tôi đến nhận chức tại BTL/HQ/V4ZH để lãnh đạo các Anh Em. Tôi và gia đình tôi sẽ rời Quê Hương của chúng tôi vì chúng tôi không thể sống chung dưới chế độ Cộng Sản. Nếu có chết chúng tôi cũng lấy làm thỏa mãn được chết Tự Do ngoài biển khơi. Những Anh Em nào đã quyết định rờì xứ sở quê hương thì cứ việc lên đường đi. Tôi chúc các Anh Em nhiều may mắn. Những Anh Em nào ở lại xin giúp các Anh Em nào đi, được lên đường một cách an toàn. Tôi xin từ giã các Anh Em và mến chúc nhiều may mắn.”
Theo như đã hẹn đoàn tàu 4 chiếc đã rời bến và chờ tôi ở ngoài khơi cách Hòn Thơm chừng một hải lý về hướng tây. Sau khi rời phòng họp tôi về cư xá của tôi ngay để đốc thúc nhà tôi và mấy đứa con chuẩn bị lên tàu để di tản, vì LCM 8 của Tr/Tá Lê Thành Thọ CHT/CCYTTV An Thới (SQ cùng khóa 7 Nha Trang với tôi) sẽ đến đón chúng tôi ngay ở cầu tàu trưóc nhà thủy tạ của TL Vùng. Chiếc LCM 8 sau đó chở chúng tôi ngay ra khơi trong khi đó tôi cố liên lạc với Th/Tá Nguyên, vị HT thâm niên của đoàn tàu di tản.
Cũng nên nhắc lại là khi tôi về đến cư xá, thì xe Jeep tôi gởi ra phi trường An Thới để đón Trung Tá Đinh Xuân Thảo Quận Trưởng cũng đã về tới. Tôi bèn thúc Tr/Tá Thảo đi ngay xuống LCM 8 của CCYTTV di tản theo chúng tôi luôn.
Ra đến ngoài biển khơi chúng tôi liền chuyển ngay qua một chiếc ghe ciment Chủ Lực của Duyên Đoàn 42 đề nhờ đưa gia đình chúng tôi qua Trợ Ch/Hạm HQ 230 với HT Nguyễn Nguyên. Thiếu Tá Nguyên chờ tôi ở cầu thang lên tàu và đưa tôi đến chưn khẩu 76 ly ở sân trước mũi tàu. Đây là nơi mà tôi và gia đình của tôi sẽ tá túc trên suốt đường đi tìm Tự Do. Sau đó chúng tôi lên đài chỉ huy chiếc HQ 230 và khởi hành ngay đi về Poulo Panjang ở hướng Tây vì ngại rằng bọn Cộng Sản có thể gởi phi cơ đến oanh tạc chúng tôi. Lúc đó là 03:30 giờ chiều ngày 30 tháng tư năm 1975.
Trên đưòng đi đến P.Panjang đêm đó có một số Anh Em trong Thủy Thủ đoàn muốn nổi loạn, đòi tàu quay trở về vì họ không muốn bỏ gia đình họ lại Việt Nam. Sau một hồi bàn cãi và đấu lý một cách sôi nổi và gây cấn, HT Nguyên và tôi hứa là khi đến P. Panjang chúng tôi sẽ để lại một chiến hạm để Anh Em nào không muốn đi theo thì lái về trở lại Phú Quốc. Rất may là đêm đó mọi việc đều được giải quyết xong một cách êm xuôi không sắt máu.

https://bienxua.files.wordpress.com/2016/03/tro-chien-ham-nguyen-ngoc-long-hq230.jpg?w=660&h=474

Tôi còn ngây ngủ khi tàu thả neo ở P. Panjang sáng hôm sau. Tôi giựt mình thức dậy do tiếng động rất to bên ngoài làm như có tàu cập bên hông và tiếng người chạy rầm rầm trên boong. Mở mắt ra thì ôi thôi mặt mày tôi sáng lên vì thấy có cả chục chiếc PCF đang chạy ào ào vòng quanh các chiến hạm đang thả neo, có chiếc đang cập vào thành tàu và sac ballot đầy đồ đạc, nệm, gối, chăn được quăng lên boong tàu. Tổng cộng tất cả đều có gần 40 chiếc PCF. Lúc đó là 08 giờ sáng ngày 1 tháng năm, 1975.
Sau đó chúng tôi mới biết là nhửng chiếc PCF đó, một nhóm thuộc Hải Đội 5 Duyên Phòng ở Năm Căn, và những chiếc khác thì thuộc Hải Đội 4 Duyên Phòng ở An Thới. Các PCF thuộc Hải Đội 4, khi thấy đoàn tàu hướng về phía tây, thì Anh Em biết là chúng tôi đi ra P. Panjang nên Anh Em vọt trước và chờ chúng tôi ở đó, vì vận tốc PCF nhanh hơn đoàn tàu con rùa của chúng tôi. Phần Anh Em ở Năm Căn thì họ dò tần số trên máy PRC 25, mà chúng tôi liên lạc với nhau giửa 4 chiến hạm, nên họ bắt được tần số và theo dõi nghe, nên biết chúng tôi hướng về P. Panjang.
Gặp được đoàn PCF đó, chúng tôi rất mừng là tất cả mọi khó khăn và nguy hiểm xảy ra đêm qua trên HQ 230, đã được giải quyết một cách tốt đẹp. Những Anh Em nào không muốn đi theo đoàn tàu lưu vong của chúng tôi, thì có thể lấy những PCF do các Anh Em ở Hải Đội 4 và 5 để lại, lái trở về với gia đình, còn chúng tôi thì được tăng cường thêm nhân lực để thay phiên nhau lái tàu đến bến mới.
Để giải quyết vấn đề kỹ thuật và tiếp liệu, trên con đường xa xăm và dài lâu mà chúng tôi sẽ khởi hành đi sau khi rời hải phận Việt Nam, chúng tôi bàn với nhau và đồng ý là sẽ dùng chiếc HQ 331 làm chiến hạm dự trữ, để cung cấp cơ phận thay thế cho 2 chiếc HQ 230 và HQ330 vì tất cã 3 chiếc đều dùng loại máy Graymarine Diesel. Chiếc HQ 331 vì chỉ còn 2 trên 8 máy chánh sử dụng được, sẽ được HQ 330 dùng dây kéo trên đường đi.
Đúng 12 giờ trưa ngày 1 tháng 5, năm 1975, Hạm Trưởng 2 chiếc HQ 330 và HQ 331 báo cáo tất cả đều sẵn sàng. Chúng tôi liền cấp tốc kéo neo khởi hành vì không muốn trì trệ nữa. Trong suốt thời gian hải hành, 4 Chiến hạm sẽ đi theo đội hình hàng dọc, với HQ 230 dẩn đầu, kế tiếp là HQ 330 giòng HQ 331. HQ 602 thì sẽ ở vị trí bọc hậu. Vận tốc trung bình của đoàn tàu là 8 gút. Vì là đầu tháng 5 nên biển rất êm với gió nhẹ từ hướng Nam và Đông Nam thổỉ vào buồi chiều và đêm suốt trong thời gian chúng tôi hài hành đến Tân Gia Ba
Hai ngày sau khi chúng tôi rời P.Panjang thì bờ biển Mã Lai phát hiện mờ mờ ở bên phía hữu hạm. Qua ngày thứ 3 sau khi ăn sáng xong, Th/Tá Nguyên và tôi lên đài chỉ huy để xem hải đồ và kiểm lại vị trí hiện tại của đoàn tàu đang đi và khoản cách còn lại để đến Tân Gia Ba.
Vào lúc 11 giờ, một chiếc Tuần Duyên Hạm (TDH) của Hải Quân Tân Gia Ba (TGB) xuất hiện ở chân trời và tiến rất nhanh thẳng đến mũi tàu chiếc HQ 230. Tôi liền nóí với Th/tá Nguyên ra lệnh cho đoàn tàu ngừng máy và thả trôi để chờ Chiến Hạm ấy đến gần. Khi còn 200 thước cách HQ 230, chiếc TDH giảm bớt vận tốc và vận chuyển đến sát chiếc HQ 230 bên phiá hữu hạm rồi ngừng máy.
Trong khi đó Th/Tá Nguyên gởi Hạm Phó xuống gặp vị HT chiếc TDH để xem Ông ấy muốn gì. Một vài phút sau Hạm Phó trở lên ĐCH và cho tôi biết là HT chiếc TDH/TGB mời tôi sang tàu Ông ấy để gặp Thượng Cấp của Ông. Tôi liền rời đài chỉ huy và xuống cầu thang để qua chiếc TDH/TGB. HT chiếc TDH đón tiếp tôi ở cầu thang một cách rất lịch sự và hướng dẫn tôi ngay xuống phòng ăn Sĩ Quan.
Trong phòng ăn, một vị Đại Tá HQ TGB đang ngồi trong đó liền đứng lên chào tôi và tự giới thiệu, Ông là đương kim Tư Lệnh HQ/TGB. Tôi liền chào Ông lại và tự giới thiệu tôi cho vị TL/HQ/TGB. Sau đó Ông liền mời tôi ngồi xuống bàn ăn và mời tôi uống trà mà chiêu đãi viên đã dọn sẵn trên bàn. Khi chúng tôi đã ngồi xuống, Ông liền cho tôi biết là chính phủ của Ông đã được tin từ Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ ở TGB cho biết về đoàn tàu của chúng tôi đang tiến về hải phận TGB, do đó Chính Phủ TGB ra lệnh cho Ông ra đón tiếp chúng tôi, và hỏi chính phủ Ông có thể giúp được những gì cho đoàn tàu của chúng tôi.
Tôi liền cám ơn vị TL/HQ/TGB đã đích thân ra gặp chúng tôi ngoài khơi như vậy. Sự thật chúng tôi, như Ông đã biết, là đoàn tàu tỵ nạn vô bờ bến đang đi tìm Tự Do và chỉ mong có một Quốc Gia nào đó nhận chúng tôi. Ngoài ra tôi cũng xin chính phủ của Ông liên lạc với Tòa Đại Sứ Mỹ tại TGB để hỏi xem họ có thể cho chúng tôi biết đoàn tàu chúng tôi nên hướng về đâu. Hiện tại thì chúng tôi đang cần hải đồ để hướng về Úc Châu như chúng tôi đã dự trù khi rời xứ sở chúng tôi, và nếu có thể, chúng tôi xin được tiếp tế nước ngọt và thực phẩm tươi như trái cây, rau cải nếu được. Vị Tư Lệnh trả lời cho tôi Ông sẽ chuyển đến chính phủ của Ông ngay khi Ông về tới bến những nhu cầu của tôi vừa trình cho Ông. Ông nói tiếp là vì tàu chúng tôi là tàu chiến, nên khi vào đến hải cảng TGB tàu chúng tôi bắt buộc phải thả neo ở vòng ngoài của hải cảng (outer anchorage). Chiếc TDH đang chở Ông hiện nay sẽ trở lại ngay, để hướng dẫn đoàn tàu đến địa điểm thả neo, sau khi Ông đã trở về TGB. Chiếc TDH nầy cũng sẽ ở lại để giữ an ninh cho các chiến hạm của Đại Tá. Một lần nữa tôi cám ơn vị TL/HQ TGB và rời phòng ăn SQ chiếc TDH/TGB trở về lại chiếc HQ 230.
Như đã dự trù, chiếc TDH/TGB sau khi đưa vị TL/HQ/TGB trở về hải cảng xong, chiến hạm quay trở lại gặp chúng tôi và hướng dẫn chúng tôi vào vị trí neo tại vòng ngoài hải cảng. Khi thả neo xong lúc đó là 06 giờ sáng ngày 5 tháng 5 dương lịch năm 1975. Ngoại trừ 4 chiến hạm chúng tôi không có tàu nào khác neo xung quanh.
3 ngày sau, vào lúc 9 giờ tối ngày 8 tháng 5 năm 1975 chiếc TDH/TGB đến cập vào chiếc HQ 230 và vị Hạm Trưởng mời tôi lên chiến hạm của ông để vào Tân Gia Ba họp. Trên đường vào hải cảng, chiếc TDH ghé lại chiếc thương thuyền Trường Thành của hãng Vishipco Line đang neo tại phần phía trong của hải cảng (inner anchorage) đón Thuyền Trưởng. Lúc đó tôi gặp em tôi là Tr/Tá Y/Sĩ Trưởng SĐ/TQLC Nguyễn Văn Thể xuống cầu thang bước qua chiếc TDH/TGB. Hai anh em gặp lại nhau tại đây thật là một sự bất ngờ ở trong một hoàn cảnh và trường họp như vậy nên chúng tôi rất vui mừng và rất cảm động ôm nhau và nước mắt liền tuông chảy xuống hai gò má chúng tôi. Em tôi sau đó cho biết là Th/Tướng Lân TL/SĐ TQLC và đoàn tùy tùng của Ông hiện đang ở trên chiếc Trường Thành và Ông ấy chỉ định em tôi thay thế vị Thuyền Trưởng để lên TGB họp.
Buổi họp do Đức Tổng Giám Mục Giáo Phận TGB chủ tọa. Chúng tôi không có biết gì thêm nhiều trong buổi họp, ngoại trừ chỉ nghe Đức TGM/TGB kêu gọi sự yên tịnh và nhẫn nại của chúng tôi trong khi chờ đợi sự quyết đinh của chính phủ TGB. Sau buổi họp em tôi và tôi từ giã nhau và xuống chiếc TDH trở về tàu. Khi chiếc TDH/TGB đưa tôi về đến chiếc HQ 230 lúc đó là đã quá 12 giờ khuya ngày 8 sang ngày 9 tháng 5, 1975. Tôi liền đi gặp Th/Tá Nguyên và lên máy vô tuyến thông báo tin tức cho các HT các chiến hạm khác.

GIANG PHAO HAM TAM SET HQ331

Lúc 4 giờ sáng ngày 9 tháng 5, năm 1975 chiếc TDH/TGB cặp vào chiếc HQ 230 và vị Sĩ Quan trực trên tàu đánh thức tôi dậy để gặp HT chiếc TDH/TGB. Khi gặp tôi, vị HT chiếc TDH trao cho tôi một cuồn hải đồ, và nói với tôi rằng ” Kính Đại Tá, các chiến hạm của Đại Tá sẽ được tiếp tế nước ngọt và một ít thực phẩm tươi. Xà lan chở nước ngọt đang tiến đến gần tàu Đại Tá để bơm nước ngọt. Đại Tá cho các chiến hạm biết ngay để sẵn sàng nhận tiếp tế.” và chỉ vào cuồn hải đồ tôi đang cầm trong tay Ông nói tiếp ” Sau khi đoàn tàu của Đại Tá tiếp tế xong, Đại Tá cho nhổ neo và khởi hành ngay. Toà Đại Sứ Hoa Kỳ khuyên Đại Tá nên dẫn các chiến hạm đi thẳng đến căn cứ Hải Quân Hoa Kỳ ở Subic Bay, Phi luật Tân. Đây là những hải đồ mà Đại Tá cần để hải hành như Đại Tá đã xin”.

Tôi liền cám ơn vị HT chiếc TDH/TGB thật nhiều, và sau đó tôi củng nhờ vị Tr/Úy HT chuyển những lời biết ơn thật chân thành của tôi và cã 4 vị Hạm Trưởng của đoàn tàu tỵ nạn chúng tôi đến Chính Phủ TGB, và riêng cá nhân Đại Tá TL/HQ/TGB đã giúp và đón tiếp chúng tôi một cách rất đặc biệt và nồng hậu.

Sau khi chiếc TDH tách rời HQ 230, tôi lập tức báo cho Th/Tá Nguyên, lúc đó đang đứng cạnh tôi ở gần cầu thang dây của tàu, và nhờ Th/Tá Nguyên chuyển đến các vị HT lệnh chuẩn bị nhận nước ngọt và thực phẩm, và sau khi chiến hạm cuối cùng nhận tiếp tế xong, đoàn tàu sẽ nhổ neo và khởi hành ra khơi hướng về Subic Bay.

Đền 07:30 gìờ sáng chiếc HQ 602 báo cáo đã nhận tiếp tế xong. Tôi lìền ra lệnh cho đoàn tàu nhổ neo khởi hành ra khơi ngay, sau 4 ngày nằm chờ tại hải cảng TGB mà trong lòng không yên với tương lai còn mù mịt đen tối, vì chúng tôi không biết sẽ đi về đâu.

Đúng 08 giờ sáng ngày mùng 9 tháng 5 năm 1975, đoàn tàu chúng tôi rời Hải Cảng Tân Gia Ba khởi hành tiến về Căn Cứ HQ Hoa Kỳ tại Vịnh Subic Bay, Phi Luật Tân theo như lời nhắn của Toà Đại Sứ Hoa Kỳ tại TGB do Hạm Trưởng chiếc TDH/TGB chuyển lại. Như khi chúng tôi rời P. Panjang, chiếc HQ 230 dẫn đầu theo đội hình hàng dọc, kế đó là chiếc HQ 330 kéo chiếc HQ 331 và sau cùng là chiếc HQ 602. Một sự kiện đã làm cho tôi rất cảm động, là sau khi các chiến hạm của chúng tôi đã vào đội hình bắt đầu rời hải cảng TGB, chiếc TDH/TGB với Thủy Thủ Đoàn trên tàu đều sắp hàng dàn chào, với quân phục trắng theo nghi lễ truyền thống Hải Quân, từ trên Đài Chỉ Huy xuống đến boong chánh, từ mũi tàu đến phần sau lái của chiến hạm để chào từ giã đoàn tàu chúng tôi. Chiếc TDH/TGB bắt đầu nghi lễ tiển đưa di chuyển từ chiếc HQ 602 đang ở phía bọc hậu, lên đến chiếc HQ 331, kế đó là chiếc HQ 330, và sau cùng chiếc HQ 230. Lúc đó từ trên đài chỉ huy chiếc HQ 230 tôi nhìn sang đài chỉ huy chiếc TDH/TGB, tôi thấy vị Trung Úy Hạm Trưởng trong quân phục tiểu lể màu trắng, vừa bước ra ngoài nhìn qua đài chỉ huy chiếc HQ 230 và chào chúng tôi. Chiếc TDH/TGB sau đó cho nhân viên giải tán, tiếp tục đưa chúng tôi ra khỏi hải phận TGB và quay trở về căn cứ với hết tốc lực. Trong khi đó đoàn tàu chúng tôi tiếp tục hải hành đi về phiá Đông.

Tâm trí tôi lúc đó tôi thấy thật nhẹ nhàng và nhẹ lo, vì biết rằng trong tương lai chính phủ Hoa Kỳ sẽ giúp đỡ chúng tôi khi đoàn tàu chúng tôi đến tới vịnh Subic.

Tuy nhiên sự yên tịnh đó chúng tôi không hưởng được bao lâu. 2 ngày sau khi rời TGB chúng tôi phải đổi hướng, đi từ hướng đông chuyển sang hướng đông bắc, và trên khúc đường chúng tôi sắp đi, chúng tôi sẽ đi qua địa điểm gần Vũng Tàu nhứt, với khoảng cách chừng 300 hải lý. Th/Tá Nguyên là một con người rất dè dặt và hay lo, nên sợ bọn Cộng Sản nếu họ biết tin về đoàn tàu của chúng tôi, thì họ có thể cho chiến hạm của họ ra ngăn chận chúng tôi vả bắt đưa trở về lại Việt Nam. Tôi khuyên Th/Tá Nguyên đừng có lo chi cho lắm vì chúng ta đang ở trên hải phận quốc tế, và nếu cho cùng đi nữa không lẽ chúng ta chịu cho bọn CS bắt chúng ta một cách dễ dàng hay sao mà không kháng cự, mặc dù trên tàu chúng ta có rất nhiều dân tỵ nạn theo chúng ta tìm tự do. Hơn nữa tàu chúng ta là tàu chiến, nếu cùng chẳng đã,,, chúng ta sẽ chống lại họ với vũ khí chúng ta có trên tàu. Sau đó thì Th/Tá Nguyên mới bình tĩnh trở lại và đồng ý với tôi. Tuy nhiên, cá nhân tôi, tôi cũng lo và cầu mong rằng đoàn tàu sẽ vượt qua khúc đường nầy một cách êm xuôi.

TUAN DUYEN HAM MINH HOA HQ602.jpg

4 ngày sau thì đoàn tàu chúng tôi đã vượt qua khỏi địa điểm gần Vũng Tàu nhứt trên hải đồ. Nhưng ngay trong đêm đó vào lúc 2 giờ sang, Sĩ Quan đương phiên chiếc HQ 230 xuống chỗ tôi ngủ với gia đình ở chưn khẩu đại bác 76 ly,, đánh thức tôi dậy và báo cáo cho tôi biết là HQ 602 đã mất liên lạc với HQ 230 từ lúc 12 giờ khuya. Theo như sự đồng ý chung của 4 vị HT thì về đêm trong lúc hải hành, HQ 602 trước rồi đến HQ 331 và kế tiếp là HQ 330 phải lên máy PRC 25 đặt trên ĐCH của mỗi chiến hạm báo cáo cho HQ 230 biết về tình trạng của chiến hạm. Khi tôi lên tới ĐCH thì Th/Tá Nguyên đã có mặt trên đó và đang gọi chiếc HQ 602 trên máy vô tuyến nhưng không kết quả. Khi thấy tôi Th/Tá Nguyên đề nghị quay trở lại đường đoàn tàu đang di chuyển để tìm chiếc HQ 602, xem chiếc hạm nầy có bi trục trặc máy chánh và cả máy điện không. Tôi liền đồng ý với Th/Tá Nguyên và cho đoàn tàu quay 180 độ ngược trở lại đường đi cũ và cứ tiếp tục cố gắng bắt sự liên lạc với HQ 602.

Việc tìm kiếm chiếc HQ 602 kéo dài đến gần 7 giờ sáng nhưng chiếc HQ 602 thì biệt tâm biệt tích. Tất cả HT của 3 chiến hạm còn lại đều đồng ý chấm dứt việc đi tìm và quay trờ về hướng đi Subic Bay.

Qua khỏi Bornéo, chúng tôi hải hành song song dọc theo quần đảo Palawan của Phi Luật Tân. Vào ngày 14 tháng 5 năm 1975, 4 ngày trước khi chúng tôi đến Subic Bay, 1 chiếc Phi tuần P3-Orion của Hải Quân Hoa Kỳ bay rất thấp sát đoàn tàu còn lại 3 chiếc của chúng tôi, từ sau lái đến mũi tàu và quần trở lại. Sau khi quan sát chúng tôi xong, chiếc P3-Orion quây thẳng về hướng Đông Bắc và biến mất dạng.

3 ngày sau vào lúc 1 giờ chiều một chiếc trực thăng của Hải Quân Hoa Kỳ xuất hiện từ phía Đông Bắc và bay thẳng đến đoàn tàu chúng tôi. Sau khi bay duyệt qua hết 3 chiến hạm, chiếc trực thăng ấy quây ngược trở lại và xà thấp xuống bên hữu hạm của chiếc HQ 230 gần Đài Chỉ Huy. Lúc đó tôi và Th/Tá Nguyên đang ở trên ĐCH theo dõi sự di chuyển của chiếc trực thăng. Khi đến ngang ĐCH viên phi công dừng trực thăng lại một chỗ ở thế bất động. Bên cửa hông chiếc trực thăng, một SQHQ Hoa Kỳ chồm ra ngoài vẫy tay chào chúng tôi, và với cánh tay trái Ông làm dấu cho chúng tôi đổi hướng hải hành tiến về phía Bắc Tây-Bắc. Khi thấy vậy, tôi nói liền với Th/Tá Nguyên là cho tàu đổi hướng ngay về phiá Ông ấy chỉ. Sau khi thấy đoàn tàu đã đổi hướng đi, chiếc trực thăng liền bay thẳng về phía trước mặt chúng tôi.

2 tiếng đồng hồ sau, vào khoản 3 giờ chiều, một chiếc Tuần Dương Hạm (loại Light Cruiser) của HQHK xuất hiện ở chân trời trước mũi chiếc HQ 230 hướng thẳng về chúng tôi với vận tốc rất nhanh. Khi đến gần chiếc HQ 230 chiến hạm bớt máy lại và ngừng khi cách khoản chừng 500 thước và thả một chiếc canoe xuống mặt biển. Lúc đó đoàn tàu chúng tôi cũng cho máy ngừng. Sau khi xuống tới mặt nước chiếc canoe vọt thẳng lại chiếc HQ 230 và cặp bên phiá hữu hạm, ngay chiếc thang nhôm mà Th/Tá Nguyên đã cho lệnh hạ xuống trước khi chiếc canoe đến với Hạm Phó chiếc HQ 230 đang đứng chờ tại đó.

Một vị Đại Úy HQHK bước lên cầu thang, và theo sự hướng dẩn của Hạm Phó lên gặp Th/Tá Nguyên và tôi trên ĐCH. Sau khi trao đổi thủ tục chào đón trong quân ngũ xong, vị Đại úy HQHK cho biết Ông là người ngồi trên chiếc trực thăng lúc nãy và làm dấu hiệu cho HQ 230 để đổi hướng đi. Việc đầu tiên Ông hỏi là tình trạng sức khỏe chung của thủy thủ đoàn và dân tỵ nạn trên 3 chiến hạm trong những ngày hải hành trên biển, và trên tàu có ai cần đến sự chăm sóc khẩn cấp không. Tôi cám ơn Ông ấy và trả lời không và cũng cho Ông biết là trên chiếc HQ 330 chúng tôi có một bác sĩ HQ và ông vừa phụ đỡ một thiếu phụ sanh một đứa con gái trên chiến hạm. Kế đó Ông hỏi tiếp là ngoài ra chiến hạm có cần nước ngọt, trái cây, sữa tươi v…v… những gì chiến hạm cần và Ông có thể giúp. Tôi trả lời lại là chúng tôi còn nước ngọt và chỉ cần trái cây, và nhứt là sữa tươi cho trẻ em. Tôi chưa kịp dứt hết câu thì Th/Tá Nguyên cắt ngang tôi xin thêm thuốc lá. Chúng tôi 3 người đều cười rộ lên và Ông ấy trả lời là Ông sẽ gọi ngay trên máy walkie- talkie Ông có sẵn về chiến hạm của Ông để báo cáo cho Hạm Trưởng hay tình trạng của 3 chiến hạm và nhu cầu tiếp tế của chúng tôi xin. Sau đó Ông cho hay rằng, Ông sẽ trở về chiến hạm của Ông và sẽ cho chiếc canoe trở lại đem thực phẩm tiếp tế và thuốc lá qua cho chúng tôi. Ông còn nhắn thêm là sau khi chiến hạm cuối cùng của chúng tôi nhận tiếp tế xong thì khởi hành ngay, đi theo sau chiếc Tuần Dương Hạm để về Subic Bay.

https://bienxua.files.wordpress.com/2016/04/giang-phao-ham-loi-cng-hq330.jpg?w=658&h=531

18 tháng 5, năm 1975 lúc 10 giờ sáng, chiếc TDH/HQHK giảm máy, ngừng lại và thả chiếc canoe xuống nước. Đoàn tàu chúng tôi theo đó cũng ngừng máy lại và chờ chiếc canoe qua gặp lại chúng tôi. Cũng nên nhắc lại là suốt thời gian hải hành trong đêm đó, chiếc TDH/HQHK và đoàn tàu chúng tôi đều đi ngoài khơi cách xa hải phận của Phi Luật Tân. Khi chiếc canoe cập xong vào mạn tàu chiếc HQ 230, vị Đại Úy hôm qua bước thang lên ĐCH gặp chúng tôi. Ông cho chúng tôi biết và giải thích ngay thủ tục vào lãnh thổ Phi Luật Tân do chính phủ đã ban ra cho chiến hạm vào căn cứ HQHK ở vịnh Subic.

Chính phủ Phi Luật Tân chỉ cho các chiến hạm thuộc Hải Quân Hoa Kỳ được phép vào căn cứ vịnh Subic mà thôi. Chiến hạm nước VNCH muốn được vào căn cứ nầy bắt buộc phải hạ cờ Quốc Gia của mình, và treo cờ xứ Hoa Kỳ trên cột buồm trước khi vào lãnh hải Phi Luật Tân, và phải giao quyền chỉ huy cho một vị Sĩ Quan Hải Quân Hoa Kỳ. Hạm Trưởng chiếc TDH/HQ Hoa Kỳ đã trao quyền chỉ huy cho Ông Đại Úy biệt phái cho chúng tôi nhận trách nhiệm đem các chiến hạm vào vịnh, và chỉ một mình Ông ấy mới có quyền lái tàu mà thôi. Đây chỉ là để tránh mọi sự rắc rối với chính phủ Phi Luật Tân. Trên thực tế thì các vị Hạm Trưởng của 3 chiến hạm có nhiệm vụ lái chiến hạm của mình vào vịnh Subic cho đến lúc thả neo ở trong vịnh.

Ngoài ra các chiến hạm bắt buộc phải quăng hết tất cã vũ khí nhỏ cũng như lớn và tất cả đạn dược đang chở trên tàu xuống biển. Các loại đại bác to như 76 ly và 40 ly Bofors, nếu không gỡ nòng súng ra được, thì phải tháo cơ bẩm ra và quăng xuống biển.

Đến khoản 01:30 giờ chiều tất cã 3 chiến hạm đều hoàn tất việc quăng bỏ súng ống và đạn dược xuống đáy biển.

Lễ hạ Quốc Kỳ nền Đệ Nhị Cộng Hòa Việt Nam bắt đầu sau đó. Nhìn lá cờ vàng ba sọc đỏ từ từ được kéo xuống mà lòng mình se thắt lại và nước mắt từ từ rơi xuống. Đau đớn thay cho Nước Việt Nam mến yêu đã lọt vào bàn tay của Cộng Sản vô thần.

Sau đó Quốc Kỳ xứ Hoa Kỳ được treo lên cột buồm.

Trong lúc các anh em thủy thủ trên tàu quăng bỏ súng ống và đạn dược xuống biển thì chiếc TDH của HQHK chạy chầm chậm phiá ngoài khơi không xa lắm chờ chúng tôi thi hành xong nhiệm vụ. Khi vị Đại Úy liên lạc viên báo cáo cho HT chiếc TDH/HQHK là thùng đạn chót đã được quăng xuống biển, chiếc TDH liền tăng máy và dẫn đầu đoàn tàu chúng tôi vào vịnh Subic.

Vào vịnh Subic để đến điạ điểm neo không lâu lắm. Qua khỏi Grande Island chiếc TDH/HQHK tăng thêm vận tốc đi thẳng vào căn cứ HQHK tại vịnh nầy. Phần chúng tôi sau khi qua khỏi Grande Island phía bên hữu hạm chừng trăm thước, chúng tôi rẽ sang phải 90 độ đi đến điểm neo gần cầu cập trên đảo chừng vài trăm thước. Cũng nên nhắc lại Grande Island là trại tỵ nạn được dựng lên sau ngày 30 tháng tư để đón tiếp người dân từ Việt Nam sang Phi Luật Tân.

Sau khi tàu thả neo xong, Th/Tá Nguyên cho giải tán nhiệm sở vận chuyển và tàu tắt máy. Th/Tá Nguyên và tôi chia tay và cám ơn Ông Đại Úy HQHK đã giúp chúng tôi trong hai ngày qua. Ông ấy chúc chúng tôi nhiều may mắn, và rời chúng tôi trở về chiếc TDH đang vận chuyển cập bến bên căn cứ HQHK trong vịnh Subic.

Tôi nhìn sang Th/Tá Nguyên và bắt tay cám ơn Th/Tá Nguyên đã hết lòng lo cho gia đình chúng tôi đến trại tỵ nạn Phi Luật Tân một cách an toàn. Chúng tôi chưa từgiã nhau hẳn vì sẽ còn gặp nhau trên trại tỵ nạn.

Lúc đó đúng là 3 giờ chiều ngày 18 tháng 5, năm 1975.

Đoàn tàu chúng tôi rời An Thới với 4 chiến hạm và gần 3,000 ngườì. Chúng tôi tới Subic Bay với 3 chiếc tàu mà thôi và khoản gần 2,500 đồng bào tỵ nạn cộng thêm một em bé gái sanh trên chiếc HQ 330. Chúng tôi rất tiếc đã mất chiếc HQ 602 và số đồng bào quá giang trên đó ở giữa đường.

Trách nhiệm lớn nhứt và nặng nề nhứt trong cuộc đời quân ngũ của tôi đến đây đã chấm dứt và theo đó luôn cả sự nghiệp của tôi trong Quân Chủng Hải Quân mà tôi đã phục vụ gần 20 năm.

NGUYỄN VĂN THIỆN

Nguồn: http://hq-tonthatphusi.centerblog.net/205-30-04-1975-BTL-HQ-V%C3%99NG-4-ZH-DI-T%E1%BA%A2N-V%E1%BB%9AI-3000-%C4%90%E1%BB%92NG-B%C3%80O

“30 THÁNG TƯ 1975, Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng 4 Duyên Hải DI TẢN 3000 ĐỒNG BÀO” – NGUYỄN VĂN THIỆN – biển xưa (wordpress.com)

No comments:

Ngưu Ma Vuơng được ân xá

  Jacob Chansley, Tù nhân Chính Trị, bị bắt mang theo 41 tháng lương thực, chuyên trị ăn chay. Anh được biết đến với biệt danh ...