Thursday, June 30, 2022

Không làm yếu được NATO, Nga liên tiếp đe dọa đối thủ trước thềm Thượng Đỉnh Madrid - Trọng Nghĩa



Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev (trái ) tham dự lễ duyệt binh nhân Ngày kỷ niệm 77 năm chiến thắng Đức Quốc xã, tại Quảng trường Đỏ, Matxcơva, Nga ngày 9 tháng 5 năm 2022. 

Bất kỳ một hành vi can thiệp nào vào bán đảo Crimée của một thành viên NATO đều có thể dẫn đến “Thế Chiến Thứ III”. Tuyên bố dữ dội của cựu tổng thống Nga Dmitry Medvedev vào hôm qua 27/06/2022, là động thái thách thức NATO mới nhất của Nga, sau một loạt những hành vi tương tự trong những ngày gần đây.Đối với giới quan sát, rõ ràng đây là những phản ứng mang tính khiêu khích, vào lúc liên minh mà Matxcơva xem là đối thủ, chuẩn bị họp thượng đỉnh nhằm khẳng định việc Nga đã trở thành “mối đe dọa an ninh quan trọng và trực tiếp nhất” của Phương Tây.

Trước khi có những lời lẽ đầy tính chất đe dọa của ông Medvedev, hiện là phó chủ tịch Hội Đồng An Ninh Nga, một người nổi tiếng là “diều hâu” trong giới lãnh đạo Nga hiện nay, chính tổng thống Nga Vladimir Putin, với sự phụ họa của đàn em là lãnh đạo Belarus Alexander Loukachenko, hôm 25/06 vừa qua, đã gợi đến vũ khí nguyên tử mà Matxcơva có trong tay, để hù dọa các thành viên châu Âu của NATO nói riêng và toàn thể Liên Minh nói chung. 

Trong các tuyên bố được truyền thông Nga loan tải rộng rãi, ngoài mối “quan ngại” về “chính sách đối đầu” của Ba Lan và Litva nhắm vào Nga, người đứng đầu Điện Kremlin còn tố cáo sự hiện diện của “hai trăm vũ khí hạt nhân chiến thuật, đa số là bom nguyên tử” tại 6 nước thành viên châu Âu của NATO, và nói thêm rằng “Để sử dụng những vũ khí này, 257 chiếc máy bay đã được chuẩn bị - và đây không chỉ là máy bay của Mỹ mà còn là của châu Âu”. 

Trên cơ sở đó, Putin tuyên bố rằng đất nước của ông “trong những tháng tới” sẽ cung cấp các tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân cho Belarus, đồng thời sẽ giúp đồng minh hiện đại hóa đội chiến đấu cơ của mình để có thể mang vũ khí hạt nhân. 

Trong những tháng gần đây, nhà lãnh đạo Nga đã nhiều lần nói bóng nói gió về việc sử dụng hỏa lực hạt nhân, nếu tình hình diễn biến xấu đi đối với Nga. 

Những lời đe dọa nói trên của ông Putin nối tiếp theo những tuyên bố hù dọa trừng phạt nhắm vào Litva, thành viên NATO đã quyết định hạn chế luồng thông thương bằng đường sắt giữa Nga với Kaliningrad, vùng lãnh thổ thuộc Nga, nhưng bị chia cách với chính quốc bằng hai thành viên NATO là Litva và Ba Lan, đều đối kháng với Matxcơva. 

Đối với giới quan sát, một trong những nguyên nhân khiến Nga gia tăng khiêu khích đó là vì họ đã nhận ra là mục tiêu làm suy yếu, thâm chí xóa sổ NATO theo đuổi từ hàng thập kỷ nay, đã bị cuộc chiến Ukraina do chính Nga khởi động cách nay 4 tháng làm cho tan biến thành mây khói. 

Nhật báo Pháp Le Figaro vào hôm qua (27/06) đã không ngần ngại viết : “Rõ ràng là một loạt những hiện tượng quan trọng, được cuộc chiến ở Ukraina kích hoạt hoặc thúc đẩy trong thời gian gần đây, đã tạo ra một kịch bản bất lợi cho Matxcơva”.  Tờ báo đã nêu bật ba sự kiện chính. Trước hết là việc Thụy Điển và Phần Lan, trước đây trung lập, giờ xin gia nhập NATO. Kế đến là quyết định của phương Tây tăng cường năng lực quân sự của mình ở Rumani, và có thể là ở Biển Đen. Sau cùng là việc các nước NATO gia tăng ngân sách quốc phòng để sẵn sàng ứng phó với hiểm họa đến từ Nga. Le Figaro nhấn mạnh đến diễn biến tại Đức, nước phương Tây được cho là thân Nga nhất, nhưng cũng đã quyết định tái võ trang và viện trợ quân sự cho Quân Đội Ukraina. 

Câu hỏi được đặt ra là, liệu Nga có đi xa hơn là những động thái thách thức suông hay không? Đối với một số nhà phân tích rất có thể là Matxcơva đang gia tăng áp lực để giành lợi thế trong những cuộc đàm phán tương lai, buộc NATO chấp nhận hai điều kiện là không bố trí các căn cứ quân sự và không triển khai vũ khí hạt nhân tại các nước Liên Âu sát cạnh Nga. Nhiều người khác tuy nhiên thận trọng hơn, nhắc lại việc chính Nga đã thản nhiên xua quân tấn công Ukraina. 

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20220628-nato-nga-th%C6%B0%E1%BB%A3ng-%C4%91%E1%BB%89nh-madrid



No comments:

Chiến tranh Ukraine có thể vô tình dẫn đến chiến tranh hạt nhân như thế nào?William M. Moon,

Trách nhiệm lớn nhất của một quốc gia hạt nhân là giữ an toàn cho các đầu đạn của mình. Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm 2022,...