Monday, August 1, 2022

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu bà Nancy Pelosi thực sự thăm Đài Loan?

HÌNH ẢNH,EPA
Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi bắt đầu chuyến công du bốn nước châu Á vào Chủ nhật nhưng không đề cập có đến Đài Loan hay không, trong bối cảnh việc bà đến thăm hòn đảo có thể gây thêm căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Tờ The Wall Street Journal đưa tin quá trình chuẩn bị hậu cần cho chuyến dừng chân ở Đài Loan của bà Pelosi đang diễn ra trong trường hợp bà quyết định đến Đài Bắc.



Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi bắt đầu chuyến công du bốn nước châu Á vào Chủ nhật nhưng không đề cập có đến Đài Loan hay không, trong bối cảnh việc bà đến thăm hòn đảo có thể gây thêm căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung QuốcTờ The Wall Street Journal đưa tin quá trình chuẩn bị hậu cần cho chuyến dừng chân ở Đài Loan của bà Pelosi đang diễn ra trong trường hợp bà quyết định đến Đài Bắc.


Trung Quốc đã cảnh báo về "hậu quả nghiêm trọng" nếu bà tiến hành một chuyến thăm như vậy.


Tuần trước, Tổng thống Joe Biden nói với các phóng viên rằng "quân đội cho rằng đó không phải là một ý tưởng hay", nhưng Nhà Trắng cũng gọi việc Trung Quốc phản đối chuyến đi của bà Pelosi là "vô ích và không cần thiết".


Là người đứng thứ hai trong danh sách kế nhiệm tổng thống, bà Pelosi sẽ là chính trị gia cấp cao nhất của Mỹ đi đến hòn đảo dân chủ tự quản kể từ năm 1997, sau người tiền nhiệm Newt Gingrich.





HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES
Kịch bản về chuyến thăm Đài Loan'có thể' của bà Pelosi

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 29/7, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tiếp tục cảnh báo nếu Mỹ tiếp tục thách thức lằn ranh đỏ của Trung Quốc, Trung Quốc sẽ kiên quyết đáp trả.


Tiếp đó, hôm 28/7, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc điện đàm dài hơn hai tiếng với Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cảnh báo Mỹ không nên "đùa với lửa" khi nhắc tới vấn đề Đài Loan.


Trong khi đó, phát ngôn viên về an ninh quốc gia của Nhà Trắng John Kirby cho biết Mỹ chưa nhận thấy "dấu hiệu vật lý, hữu hình" nào gợi ý về một hành động quân sự của Trung Quốc đối với Đài Loan, Reuters dẫn nguồn.


Theo ông Nguyễn Thế Phương, nhiều kịch bản có thể xảy ra nhưng "khó có vụ máy bay chở bà Pelosi bị Trung Quốc bắn hạ" như nhiều người lo ngại.


"Để xung đột xảy ra chỉ vì một chuyến thăm là điều thiếu khôn ngoan nhất có thể xảy ra lúc này với Trung Quốc. Kịch bản đó là xấu nhất, nhưng tỷ lệ xảy ra là gần như bằng không. Thiết lập vùng cấm bay có thể có tỷ lệ cao hơn, nhưng vẫn thấp vì thiết lập ADIZ là hành động leo thang căng thẳng khá lớn và có mức độ thúc ép phức tạp, ảnh hưởng không chỉ tới Đài Loan mà còn các quốc gia khác ở khu vực.


"Dễ xảy ra hơn sẽ là việc Trung Quốc đưa máy bay theo dõi, áp sát, đe doạ máy bay của bà Pelosi nếu Trung Quốc nắm được lịch trình và lộ trình, vốn không dễ," ông Phương dự đoán.







Chụp lại hình ảnh,Tần suất máy bay PLA xâm phạm vùng nhận diện phòng không (ADIZ) của Đài Loan ngày càng nhiều, bất chấp sự răn đe của Mỹ


Nghiên cứu sinh tiến sĩ về An ninh và Quân sự Quốc tế tại Đại học New South Wales cũng cho rằng, Trung Quốc có thể tiến hành các hành động gây sức ép cấp tập với chính Đài Loan để gửi thông điệp.


"Hoặc Trung Quốc sẽ phản đối thông qua các hành động trên thực địa ở khu vực Hoa Đông hay Biển Đông như tâp trận. Khả năng bà Pelosi huỷ chuyến thăm là có, nhưng hiện tại khả năng đó chưa rõ ràng, và nhiều khi phải đến thời điểm dự kiến của chuyến thăm mới biết được," ông Phương kết luận.


Thứ bảy 30/7, Trung Quốc đã ra thông báo tập trận bắn đạn thật ở ngoài khơi tỉnh Phúc Kiến, cách bờ biển Đài Loan 100 km, sau khi đưa ra lời cảnh báo đối với Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ.


"Cuộc tập trận bắn đạn thật diễn ra từ 8h tới 21h ngày 30/7, cấm toàn bộ phương tiện đi vào vùng biển này", Cơ quan An toàn Hàng hải đảo Bình Đàm thuộc tỉnh Phúc Kiến thông báo. Đảo này nằm đối diện thành phố Tân Trúc ở tây bắc Đài Loan.


Hôm 30/7, Tác giả và chuyên gia Trung Quốc, Gordon Chang, đã giải thích trên Foxnews tại sao những lời cảnh báo của Trung Quốc bắn rơi máy bay của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi trong chuyến đi Đài Loan của bà ấy "có thể không phải là hăm dọa".


Ông Chang nói Trung Quốc hiện là "chế độ nguy hiểm nhất":


"Chúng ta khó mà chấp nhận chuyện PLA - Quân đội Giải phóng Nhân dân - sẽ bắn rơi máy bay của bà Pelosi. Nhưng quý vị nhớ cho: Ngay lúc này, có bốn tàu chiến Trung Quốc trong vùng lãnh hải Nhật Bản ở Senkakus trên Biển Hoa Đông. Hiện quân đội Trung Quốc đã tiến sâu vào lãnh thổ do Ấn Độ kiểm soát ở Ladakh, trên dãy Himalaya. Cách đây vài tuần, Trung Quốc đã gây ra cuộc khủng hoảng trên Biển Đông với Philippines. Trung Quốc đang nổi trận lôi đình. Nó có thể sẽ nhắm vào Đài Loan, hoặc một nơi nào khác,"


Tại sao là Đài Loan?


Văn phòng của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cho biết bà sẽ đến Singapore, Malaysia, Hàn Quốc và Nhật Bản, đồng thời cho biết máy bay đã đến Hawaii ngày 31/7 (giờ Việt Nam). Việc bà có đáp xuống Đài Loan hay không là câu hỏi của nhiều người.


Trả lời BBC News Tiếng Việt hôm 31/7, nghiên cứu sinh Tiến sỹ về An ninh và Quân sự Quốc tế tại Đại học New South Wales, Nguyễn Thế Phương, giải thích:


"Thứ nhất, Pelosi là người nổi tiếng vì thái độ chỉ trích Trung Quốc trong suốt ba thập kỷ, từ vụ Thiên An Môn năm 1989 cho tới phong trào dân chủ ở Hong Kong gần đây, và vì thái độ này Trung Quốc không ưa Pelosi cho lắm.


"Thứ hai, vấn đề Đài Loan là vấn đề nhận được sự ủng hộ lưỡng đảng. Pelosi là Chủ tịch Hạ viện, một người có cảm tình với Đài Loan, một quốc gia dân chủ và có chính sách xã hội tiến bộ giống với tư tưởng của Pelosi (ví dụ như công nhận hôn nhân đồng giới chẳng hạn). Thông điệp: Mỹ cần phải thể hiện sự ủng hộ lớn hơn với Đài Loan, thẳng thắn hơn.


"Cần lưu ý rằng là Pelosi có thể nghĩ rằng chuyến thăm của mình giúp ổn định quan hệ Mỹ-Đài trong bối cảnh răn đe đang bị yếu đi." ông Phương nhận xét.



Washington lâu nay vẫn giữ chính sách "chiến lược mơ hồ" về việc liệu họ có can thiệp quân sự trong trường hợp Trung Quốc tấn công Đài Loan hay không. Hoa Kỳ một mặt hỗ trợ Đài Loan về an ninh và quân sự nhưng đồng thời không công nhận Đài Loan như một thực thể quốc gia và thừa nhận chính sách "một Trung Quốc" của đại lục.


Theo nghiên cứu sinh Nguyễn Thế Phương, chiến lược này thực chất cho tới giờ vẫn không thay đổi và sẽ khó thay đổi trong tương lai.


"Cái khác là cường độ hợp tác giữa hai quốc gia sẽ tăng lên, cũng như mức độ hợp tác sẽ rộng hơn, không chỉ bao gồm song phương mà còn là đa phương với các nước có liên quan (Nhật chẳng hạn). Bên cạnh đó sẽ là thảo luận nội bộ sôi nổi của Mỹ về kịch bản Trung Quốc tấn công Đài Loan, vốn nếu xảy ra sẽ thách thức mập mờ chiến lược. Kịch bản này gần đây được thảo luận tương đối nhiều, nhất là sau khi Nga tấn công Ukraine," ông Phương nói.


Bà Pelosi trước đó đã hủy kế hoạch thăm Đài Loan vào tháng 4 sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus Covid-19.

Việt Nam ảnh hưởng gì?


Theo chuyên gia Sean King nói với BBC News Tiếng Việt hồi tháng 6, Đài Loan đóng vai trò cực kỳ quan trọng với một số quốc gia.


"Nếu Bắc Kinh chiếm được Đài Loan, sẽ phá vỡ cái gọi là "Chuỗi đảo đầu tiên", để cho Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc có thể tiếp cận tự do và phát triển sức mạnh ở các phần rộng lớn của Thái Bình Dương, thậm chí có thể đe dọa các căn cứ quân sự ở xa của Mỹ như Guam và Hawaii."


"Đây sẽ là bước lật ngược thế cờ, với chiến lược "chống tiếp cận/chống xâm nhập", Bắc Kinh có thể chặn đứng sự tiếp cận và đẩy lực lượng Mỹ lẫn Nhật Bản vào khu vực Biển Đông. Đây sẽ là điều tồi tệ với Việt Nam."



Còn ông Thế Phương nhận định, nếu để xảy ra xung đột giữa hai bờ eo biển sẽ ảnh hưởng lớn tới kinh tế Việt Nam, vì nó sẽ khiến cho dòng chảy kinh tế ở khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng.


"Cả Trung Quốc và Đài Loan đều là những đối tác kinh tế và thương mại lớn với Việt Nam. Tuy nhiên đó là khi có xung đột xảy ra, các cường quốc hiện tại họ sẽ cố gắng kiềm chế không để xung đột xảy ra. Nên tác động trực tiếp từ vấn đề Đài Loan là tương đối ít ở thời điểm hiện tại đối với Việt Nam.


Kịch bản đáng lo ngại hơn là Trung Quốc sẽ gia tăng căng thẳng ở Biển Đông để gửi thông điệp tới Mỹ, qua đó gián tiếp ngăn chặn chuyến thăm của Pelosi và ảnh hưởng tới chủ quyền của Việt Nam." ông Phương đúc kết.

Người Đài Loan nói gì?


Trả lời BBC News Tiếng Việt hôm 31/7, Amy Huang sống tại Đài Bắc và hiện đang làm cho tổ chức NGO về vấn đề nhân quyền nói:


"Cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 sắp tới đây đã bắt đầu các chiến dịch vận động. Tôi cảm giác rằng xã hội nói chung và các đảng phái quan tâm điều này hơn. Người Đài Loan đương nhiên hoan nghênh việc bà Pelosi đến thăm nhưng cùng lúc, chúng tôi cũng không muốn có sự khiêu khích nào đối với đại lục.


"Chuyện Trung Quốc có đánh Đài Loan tôi chỉ thấy nó là chủ đề thảo luận sôi nổi của phương Tây và các nước khác, còn người Đài Loan vẫn tận hưởng cuộc sống hàng ngày. Chủ đề đó như một vòng lặp cứ được nói đi nói lại của các học giả, những nhà bình luận chính trị và xã hội dân sự hơn là chủ đề thường ngày của người dân," Amy nói.


Cô cho biết thêm, chuyện tập dợt cho những tình huống có chiến tranh xảy ra đã là điều "thường ngày" ở Đài Loan chứ không phải do chuyến thăm của bà Pelosi. Chủ yếu các tổ chức xã hội dân sự, chứ không phải quân đội tập huấn cho người dân bình thường các kĩ năng như: làm sao chuẩn bị hành trang, những kĩ năng về sơ cứu và làm sao ứng dụng chuyên môn của mình nếu chiến tranh nổ ra.



"Nỗi sợ về diệt vong quốc gia là chủ đề nổi bật được bàn tán sôi nổi và trở thành câu chuyện chủ đạo trong chiến dịch tranh cử tổng thống của đảng Dân chủ tiến bộ - DPP. Trong một thời gian ngắn, nhiều người lo ngại và thấp thỏm thật nhưng rồi sau bầu cử, họ chẳng cảm thấy gì. Hay những nhà lãnh đạo bảo thủ và người ủng hộ Trung Quốc Quốc dân Đảng - KMT thường hay cường điệu về câu chuyện Trung Quốc để khiến mọi người nghĩ rằng, nếu họ nắm quyền thì có thể ứng phó với Trung Quốc khôn ngoan hơn DPP," Amy kết luận.


Jing Lu, một người dân sống tại Đài Bắc cũng nói với BBC, các cuộc tập dợt là "chuyện thường ngày ở huyện": "Thú thật người dân Đài Bắc không có nhiều cảm xúc đối với chuyện Trung Quốc liệu có tấn công Đài Loan hay không. Chúng tôi đã chuẩn bị kịch bản cho tình huống đó từ rất lâu rồi, chứ không phải đợi chuyến thăm của ai hay chiến tranh ở Ukraine," Jing chia sẻ.

No comments: