Wednesday, August 10, 2022

Hai bà Mẹ Minh Trang

Tôi có hai bà mẹ.  Mẹ ruột sinh tôi ra quê quán ở làng An Cựu tỉnh Thừa Thiên tận ngoài Huế xa lơ xa lắc, cả thời thơ ấu tôi chỉ được nghe mẹ kể về cái làng nghèo nàn khổ sở này mà mãi đến nay vẫn chưa một lần tôi được đặt chân đến hay ghé về thăm.

Đời sống của mẹ thuở ấy thật là khổ cực. Mỗi khi có dịp được rời bỏ cái làng mà mẹ hay nói chó ăn đá gà ăn muối để mà đi nơi khác tìm kế mưu sinh thì không một ai tỏ ý ngần ngại hay e dè.

Đúng lúc đó, ba của chúng tôi từ Thanh Hóa trôi dạt đến xứ này…rồi gặp mẹ. Hai người yêu nhau bỏ làng đi theo sóng người di cư vào nam lập nghiệp… đi mãi… đi mãi đến Đà Lạt thì dừng chân.

Lúc đó theo mẹ kể nhà nghèo lắm. Mẹ sinh ra anh hai tôi, đứa con đầu lòng kháu khỉnh dễ thương. Người chủ Pháp nơi ba tôi đang làm việc mãn hạn quay về cố hương muốn xin anh làm con nuôi và mang anh về đất Pháp nhưng mẹ cương quyết chối từ dù ông ta hứa hẹn sẽ tặng một món tiền to để bù lại.

Mẹ vẫn nói dù nghèo đói đến đâu cũng là núm ruột của mình làm sao chia cách được.

Chúng tôi lần lượt được sinh ra trong tình yêu thương của ba mẹ và cũng trong cảnh khốn khó nghèo nàn.

Năm anh hai tôi lên 10 tuổi, hàng ngày đi học về anh phụ mẹ mang từng bó chổi dùng để quét nhà theo mẹ đi rao bán. Còn mẹ, mỗi ngày như mọi ngày chiều đến với chiếc rổ con con mẹ ghé tạt vào những đám cỏ bên đường hái nào là rau sam ( cọng tròn lá mập dày ăn như rau mồng tơi), rau dền mọc hoang rồi hái thêm ít đọt bí, bông bí, đọt su ngoài giàn … rồi những rau gì có được bà mang về rửa sạch, bắc lên bếp một nồi nước to chờ nước sôi bỏ vào đó vài ba con tôm khô đã giã nhỏ nhừ đến không hề thấy được trong nồi canh rồi rổ rau tươi tắn cũng cho vào nêm nếm lại với mắm muối tiêu hành là xong một nồi canh cho bữa cơm chiều.

Mẹ gọi đó là nồi canh Tập Tàng ( tên này có lẽ do mẹ đặt ra). Món ăn độc nhất mà gia đình tôi có được vào mỗi buổi chiều. Cơm thì mẹ ráng lo đầy đủ còn thức ăn thì luôn luôn thiếu. Mấy anh em chúng tôi ( lúc đó mới có 4 anh chị em) chan canh vào chén cơm húp sùm sụp. Khi cơn đói kéo đến thì ăn món gì cũng ngon lành.

Cứ như vậy, mỗi ngày như mọi ngày với cơm và nồi canh Tập Tàng anh em chúng tôi dần dần khôn lớn lúc nào không hay.

Năm tôi lên lớp nhất, thời đó các trường tiểu học đều được tính từ lớp năm, tư, ba, nhì rồi nhất. Cuộc sống của gia đình tôi nhờ mẹ tảo tần, nhờ ba đã tìm được một chân lái xe đưa rước những con cái của các gia đình giàu có đi học và đón về. Bữa ăn đã có nhiều thêm thịt cá, mẹ vẫn nhớ tuy không thường xuyên như xưa món canh Tập Tàng vẫn được bày lên bàn. Mẹ nhắc chúng tôi đừng quên lúc hàn vi mà phải ráng học cho nên người, phải cố vươn lên đừng như ba mẹ đã sống qua.

Mấy năm dài sau đó, anh em chúng tôi giờ đã có hết thảy là bảy anh chị em. Nhà càng lúc càng phát đạt. Ba mẹ mua nhà, mua xe, sắm sửa hàng quán. Lâu lâu nồi canh quen thuộc vẫn được dọn lên, giờ mẹ không đi hái nữa mà mua ở chợ, những lúc cười vui bà lại nói ăn canh Tập Tàng cho mát tì mát vị… không mất mát vào đâu.

Anh hai tôi ngoài những buổi đi học, giờ rảnh rang anh đi tập võ nghệ, cứ tết đến là anh đi với nhóm múa lân của trường Tân Sanh ở đường Phan Đình Phùng ba ngày tết biểu diễn khắp nơi. Khi về đến nhà, anh gọi đám em ra xếp hàng và… tháo giày bata ra lấy những đồng tiền được chia trong lúc múa lân lìxì lại cho chúng tôi.

Ui! Đồng tiền bốc mùi vớ thum thủm vậy mà chúng tôi cầm lấy vui ra mặt, hít hà với niềm sung sướng vô biên. Hạnh phúc cho gia đình chúng tôi, êm ấm cho anh em chúng tôi không bút nào kể xiết.

Năm tôi chuẩn bị đi thi Tú Tài thì tai biến xảy ra.

Chuyến xe mang ba mẹ và anh hai tôi đi Sàigòn đã vĩnh viễn không mang người thân của chúng tôi trở lại, mới hôm qua tôi còn tung tăng với đám bạn học cùng trang lứa, hôm nay tôi đã thật già.

Tang lễ xong, với tài sản của ba mẹ để lại tôi quyết định đi theo con đường kinh doanh của mẹ ngày trước, phần lo cho các em tiếp tục đến trường.

Cứ hàng hai tháng một là tôi lại về Sàigòn mua hàng lên Đà Lạt, lớp bán sỉ, lớp bán lẻ, công việc tốt đẹp và trôi chảy chắc là nhờ ba mẹ đã phò hộ cho chị em chúng tôi.

Mỗi lần về đến Sàigòn tôi tá túc nơi bà chị đỡ đầu. Một lần, hai lần thì má của chị ngỏ ý nhận chúng tôi làm con nuôi dù bà cũng đã có đàn con mười đứa.

Tôi đã bật khóc lên khi bà xưng là má và gọi tôi là con. Nước mắt chảy dài như thầm nói một lòng biết ơn và quý trọng của tôi đến với bà và cả gia đình này.

Bà mẹ nuôi của chị em chúng tôi người sinh trưởng ở Mỹ Tho. Xứ này con gái đẹp lắm, khéo léo bếp núc và đa số dịu dàng phúc hậu. Bà cũng vậy, ngày ngày lo đi chợ nấu ăn, cơm nước cho chồng cho con không một lời thở than hay buồn phiền gì cả. Đêm đến, bà quỳ thắp nhang lạy Phật xin ơn trên phù hộ cho đám con ruột, đám con nuôi bình an, mạnh khỏe.

Từ đó, công việc kinh doanh của tôi cũng có phần nhẹ nhàng và bớt đi lại như xưa. Chị hai và các em thay tôi đi đặt hàng hóa, má cho người đi nhận hàng và gửi lên Đàlạt. Tiền hàng chưa kịp thanh toán má đã nhanh chóng ứng trước đến khi tôi về thì trả lại, mọi chuyện lo lắng không hề phân biệt con nuôi, con ruột, bà một lòng giúp đỡ thương yêu chúng tôi, sẵn sàng giúp đỡ bất cứ khi nào.

Một lần về đến Sàigòn, chưa kịp bỏ túi hành lý, vài ba ký mận và dâu mang từ Đàlạt làm quà.

Má tươi cười từ trong bếp mang ra một rổ rau ghém thật lớn:

Hãy thay quần áo, rửa mặt rồi các con ra ăn cơm. Hôm nay má làm món Mắm Dà Rao !

Cái món ăn lạ lùng này đối với tôi quả là tôi chưa hề nghe qua lần nào, nhìn chị hai như thầm hỏi… thì ra món Mắm Và Rau.

Món ăn ngon tuyệt này của má đã làm tôi nhớ suốt đời như nồi canh Tập Tàng của mẹ khi xưa.

Người Sàigòn nói: Đi dzô, đi ra, đi dzìa… Còn tôi với âm hưởng vừa Thanh Hóa, vừa An Cựu Thừa Thiên lại vừa Đà Lạt nên cứ: con đi vô, con đi về…..

Cả nhà xúm nhau chọc tôi mãi với những lời nói trên.

Quay lại món Mắm Và Rau.

Xem này: Đầu tiên là lấy ra vài lát mắm thu, mắm cá lóc hay loại mắm gì khác mà tôi chưa được biết, mắm được lọc kỹ cho hết xương, băm nhỏ mắm với cà chua, thịt ba chỉ, trứng, hành lá, gia vị tiêu hành mắm muối… rồi rắc lên mặt một ít ớt màu đỏ cho bắt con mắt xong đem chưng cách thủy. Qua món rau ghém mới thật là công phu, cầu kỳ. Tôi nhìn vào thấy nào là bắp chuối bào nhỏ, giá tươi, xà lách, điên điển, bông súng, rau thơm, hành ngò, dưa leo…vv…vv.. Nhìn rổ rau đã thấy cơn đói kéo đến cồn cào.

Má chỉ nồi cơm, tô mắm chưng, rổ rau ghém:

Tụi con ăn đi, khi nào nấu món này thì má cũng lo hai nồi cơm lớn, cứ ăn cho ngon miệng. Rồi má chỉ qua tôi:

Còn con mới ăn lần đầu thử coi món này có hạp khẩu vị hay không?

Quả thật lời má không sai, tôi ngồi cạnh chị hai. Một chén cơm, hai chén cơm, ba chén cơm….tới chén thứ tư thì có hơi đỏ mặt vì cứ đưa chén qua cho chị hai hoài. Biết ý chị nheo mắt và cho tôi thêm một chén đầy vun.

Bốn chén cơm trong đời lần đầu tiên tôi ăn một hơi quên nghỉ. Sao mà ngon và tuyệt đến như vậy mặc dù chỉ có cơm, chén mắm chưng và rổ rau ghém mà thôi.

Thời gian vùn vụt trôi qua.

Tháng tư năm 1975, má nhắn bọn tôi về gấp để cùng rời khỏi Việt Nam, nhưng tờ điện tín đã lưu lạc phương nào trong cơn biến loạn.

Tháng 10 năm 1978, chúng tôi đang trong trại tạm cư ở Phi Luật Tân, Má đánh sang một điện tín:

Tụi con hãy ở đó chờ, ba đang lo giấy tờ bảo lãnh tụi con đoàn tụ.

Nhưng rồi số phận chúng tôi lại định cư không gần má mà lại đi xa tận nơi đây.

Mười năm sau, tôi thu xếp đem các cháu sang thăm ông bà ngoại, gia đình anh chị hai và tất cả mọi người trong nhà. Má vẫn dịu dàng phúc hậu, kể lể chuyện xưa nhắc nhiều món Mắm Và Rau. Má cười:

Qua đây lâu nay phải ăn kiêng con ơi! Cá mặn ăn nhiều cao máu, thịt ba chỉ thì mỡ trong máu, và khi chưng lên thì đám nhỏ la làng nào là nhà hôi, ruồi bậu bay vô đầy…vv…vv..

Về lại Đức chưa bao lâu thì chị hai báo tin là má đã qua đời.

Thôi từ nay món canh Tập Tàng của mẹ ruột, món Mắm Và Rau của mẹ nuôi sẽ nằm im bên tôi cho đến cuối cuộc đời.

Một lần nhớ mẹ, tôi cũng thử nấu món canh Tập Tàng ở đây. Tôi chỉ mua được rau dền, rau mồng tơi, rau đay, cũng ít đọt bí, ít hoa bí, cũng vài ba con tôm khô giã nhỏ tơi nhưng khi dọn ra bàn nhìn thấy tô canh ba đứa nhỏ thì thào với nhau em thích má nấu canh chua hơn…

Tôi bùi ngùi kể lể ngày xưa còn bé, bà ngoại nấu mỗi ngày và món canh này đã nuôi tôi khôn lớn. Kể thì có kể nhưng xem ra niềm cảm thông không hề nằm lại nơi ba cái trí óc trẻ thơ kia. Lần khác, tôi cũng muốn chưng món ăn thân thương của bà mẹ nuôi, mới mang ra ít lát mắm cá thu thì nhà tôi đã vội vàng cản lại:

Mình ở chung cư, em coi chừng hàng xóm lại sang kêu cửa và la um sùm nấu cái món gì mà nặng mùi quá là em xui lắm đó nha.

Thôi! Thì xin mang cất hết trở lại.

Thì ra đây vẫn không là quê hương của mình.

Hai món ăn của hai bà mẹ đã không có chỗ đứng, đến khi tôi qua đời thì sẽ cũng chẳng còn ai nhắc nhở nữa cả.

Viết đôi dòng để gửi vào mây vào gió, biết đâu có một nơi nào đó hai bà mẹ thân yêu của tôi đang cùng nhau nấu và dọn bàn:

Món canh Tập Tàng và món Mắm Và Rau.

Minh Trang
Những ngày mưa tháng ba 2010
Munich, Germany.

Blue Sea chuyen

No comments:

Danh sách các Chiến Sĩ Hải Quân QLVNCH đã Hy Sinh Trong Trận Hải Chiến Hoàng Sa 1974:

Số TT Chức vụ Họ tên Đơn vị 1 Trung sĩ Cơ khí Trần Văn Ba HQ-10 2 Hạ sĩ Cơ khí Phạm Văn Ba HQ-10 3 Hải quân đại úy Vũ Văn Bang HQ-10 4 Hạ sĩ...