Saturday, August 20, 2022

Việt Nam: Hóa vàng, phóng sinh ‘luẩn quẩn’ và khất thực ‘không phù hợp’?

Cảnh người dân thả cá 'phóng sinh' xuống Hồ Tây, Hà Nội
19 tháng 8 2022

Rằm tháng 7 âm lịch hàng năm, theo quan niệm truyền thống Phật giáo ở Việt Nam và Trung Quốc là ngày lễ Vu Lan, được nhiều người coi là dịp thể hiện chữ hiếu, sự biết ơn của con cái với cha mẹ. Còn trong tâm thức văn hóa dân gian, 15 tháng 7 âm lịch là ngày xá tội vong nhân.
Vào dịp này, nhiều hoạt động tâm linh diễn ra ở khắp nơi như phóng sinh, đốt vàng mã, cúng dường.


Nhưng thực trạng sinh hoạt tâm linh hiện nay đã và đang gây ra khá nhiều câu hỏi, về cách hoạt động của người dân, các vị tu hành ở một số nơi.


BBC News Tiếng Việt đã tìm hiểu một số ý kiến cá nhân ở Việt Nam về những hoạt động trên trong dịp lễ Vu Lan năm nay.


Phóng sinh để làm gì?


Theo quan niệm Phật giáo Đại Thừa, phóng sinh là một nét đẹp về văn hoá tín ngưỡng, là những suy nghĩ xuất phát từ tận đáy lòng của mỗi người khi họ gặp những con vật mắc cạn, mắc bẫy, gặp nạn, sắp nguy hiểm tới tính mạng. Phóng sinh là cứu mạng, là giành lại và kéo dài thời gian sống của sinh vật đó.


Hành động mang tính tích cực để giải thoát, phóng thích, cứu lấy mạng sống của động vật phải xuất phát từ lòng từ bi của con người.


Thế nhưng có thực trạng là tâm lý phóng sinh được biến thành dịp cầu may của nhiều người dân, và tiểu thương nhiều nơi đã trục lợi bằng cách săn động vật hoặc bắt những con vật vừa được phóng sinh để bán lại cho người có “nhu cầu phóng sinh”.


PGS. TS Nguyễn Đỗ Bảo, nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ Việt Nam, hiện ở Hà Nội, nhận định với BBC:


“Đầu này thả, đầu kia bắt lại, một bên kinh doanh, kiếm lợi nhuận còn bên kia thả nhưng người thả lại không chống lại người bắt thì tôi nghĩ hành động phóng sinh đó không còn mang ý nghĩa cao đẹp nữa. Nó trở thành một vòng luẩn quẩn và do đó loài vật khó mà được giải thoát.”


“Ngoài ra, vòng luẩn quẩn này còn gây mất cân bằng sinh thái. Ví dụ, một trong những chức năng của chim là thụ phấn cho hoa thì giờ đây bị vướng vào vòng “thả lại bắt” này nên khó có cơ hội thực hiện đúng nhiệm vụ của mình dẫn tới mất mùa”.


Đốt vàng mã: nặng tâm lý ‘trần sao âm vậy’


Tháng 7 âm lịch, phố Hàng Mã (Hà Nội), náo nhiệt hơn bởi lượng người đổ về vàng mã này mua đồ mã. Với quan niệm “trần sao âm vậy”, ngoài tiền vàng như trước kia, nhiều người còn đặt mua những loại mã hiện đại như: iPhone, iPad, siêu xe, biệt thự... để đốt cho người cõi âm.


Chị Thanh Bình, quận Bắc Từ Liêm kể năm nào vào dịp lễ xá tội vong nhân chị cũng sắm đầy đủ đồ mã cho các cụ, cô dì chú bác đã mất. Việc làm này mẹ chị vẫn thực hiện khi còn sống. Giờ mẹ chị mất nhưng chị và các anh em vẫn sắm sửa đồ lễ đầy đủ hệt như khi mẹ chị còn sống.


PGS. TS Nguyễn Đỗ Bảo lại có phân tích khác: “Phật giáo hiện nay không khuyến khích đốt vàng mã. Cái đó là do người dân học từ chỗ này chỗ nọ. Giờ đây là thời buổi của nền kinh tế phát triển hơn trước, nhiều người muốn khoe khoang lòng thành của mình đối với tổ tiên. Họ quan niệm “trần sao âm vậy”.


“Tất cả những câu chuyện này chỉ nói lên việc hãnh tiến của nhiều người, là trò hề của xã hội hiện nay. Tôi nói vậy vì xã hội hiện nay xuống cấp vì nhiều lí do, vì đời sống khó khăn, người người người làm ăn không được yên ổn, hay gặp bất trắc nên họ gửi gắm hết vào đức tin để hy vọng mình được ‘an toàn’.”

Cảnh người dân hóa vàng trên một phố Hà Nội dịp Rằng tháng 7


Được hỏi hiện nay lượng tiêu thụ vàng mã có giảm đi so với trước không, chị Mai Hương, bán vàng mã ở quận Hoàng Mai cho biết: “Vài năm gần đây, nhiều người đi chùa nghe thầy giảng pháp, đốt vàng mã là lãng phí, nhiều cơ quan tôn giáo cũng tuyên truyền tới Phật tử không đốt vàng mã tại các chùa nên công việc kinh doanh hai năm nay không còn như trước. Khách hàng tập trung chủ yếu mua tiền vàng về đốt”.


Có nhiều câu chuyện hài hước quanh tục đốt vàng mã được lan truyền trên mạng xã hội gần đây như một chia sẻ của tác giả Song Hà. Câu chuyện giữa khách hàng và người bán vàng mã diễn ra sau khi khách hàng mua một ô tô bằng giấy để “gửi” cho người chống quá cố. Bà khách đến kiện người bán hàng do chồng mình “hiện về” báo xe không chạy được.


Người bán vàng mã thấy vậy liền áp dụng chiêu thức bán hàng “bia kèm lạc” ra bán, bao gồm cả phụ kiện xe, đăng kiểm, phí đường bộ, bảo hiểm nhân sự bắt buộc và không quên bán thêm cả xấp tiền mã vì “trần sao âm vậy”… giá xăng “trên đó” cũng tăng.


Theo thống kê không chính thức của giới truyền thông, mỗi năm người Việt đốt khoảng 50.000 tấn vàng mã, tiêu tốn hơn 400 tỷ đồng. Số tiền trên theo chị Quyên, quận Hà Đông thay vì bị “đốt” một cách lãng phí, có thể được sử dụng vào việc giúp đỡ người nghèo, nạn nhân thiên tai. Ngoài ra, có thể thấy thay đổi quan niệm đốt vàng mã cũng là một cách để hạn chế cháy nổ, ô nhiễm môi trường.”


Từ việc chùa Ba Vàng tổ chức cúng dường nhìn ra lối sinh hoạt tâm linh hiện nay


Theo một cộng tác viên của BBC tại Hà Nội thì quan niệm Phật giáo Tiểu Thừa cho phép người đi cúng dường chỉ được phép cúng đồ ăn, không được cúng tiền. Các vị sư chỉ đi khất thực một lần trong ngày và chỉ ăn một bữa chính trước 12 giờ trưa, từ sau 12 giờ trưa đến sáng hôm sau họ không được ăn mà chỉ được uống. Sư cũng không đi đi lại lại nhận món ăn của một hai thí chủ, để tránh tâm lý lệ thuộc.

ẢNH,BKT
Chụp lại hình ảnh,

Cảnh sư ở Luang Phrabang, Lào đi khất thực (2006), phụ nữ ngồi hoặc quỳ và đàn ông phải đứng khi cúng dường. Phụ nữ phải đeo một dải khăn chéo quanh ngực để tránh hình ảnh bất kính khi các nhà sư nhìn xuống.


Dịp lễ Vu Lan vừa qua, hình ảnh một vị sư ở Việt Nam, Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng ôm bình bát đi khất thực trong khuôn viên chùa. Có rất nhiều Phật tử đến cúng dường nhưng chỉ cúng tiền và hoa, không có đồ ăn.


Theo Zing News, có hơn 10.000 người tham gia lễ Vu Lan tại chùa Ba Vàng vào ngày 10 tháng 7 âm lịch. Theo đó, mạng xã hội lan truyền đoạn clip được cho là hoạt động cúng dường diễn ra tại chùa Ba Vàng.


Clip ghi lại hình ảnh người dân quỳ thành hai hàng, ở giữa là tăng đoàn, dẫn đầu bởi Đại đức Thích Trúc Thái Minh đi dọc đoạn đường nhận tiền, vật phẩm chủ yếu là hoa từ tay người dân.

HÌNH ẢNH,FACEBOOK
Sư Thích Trúc Thái Minh đi 'khất thực' ở khuôn viên chùa Ba Vàng


Một số ý kiến cho rằng cúng dường là hoạt động bình thường, nên được phát triển rộng rãi. Bà Liên Hà, một người thường xuyên đi chùa nói với BBC:


“Phật tử được cúng dường cho các quý Thầy là rất tốt và hoan hỉ. Các Thầy lại dùng tiền vào việc xây nhà tình nghĩa; từ thiện; tổ chức các khoá tu cho học sinh, sinh viên, Phật tử khắp nơi đến tu tập; mở mang cảnh quan chùa đẹp hơn cho đất nước tươi đẹp hơn.”


Tuy nhiên, PGS. TS Nguyễn Đỗ Bảo lại có cái nhìn khác. Ông chia sẻ, “Trong việc này, tôi muốn nói đến khía cạnh khác mà tôi nghĩ nhà nước không quan tâm lắm. Nhiều chùa lợi dụng đức tin của người dân để làm họ u mê, ngu tối hơn để trục lợi.”


Khất thực và cúng tiền vì ai?


Nói về việc chùa Ba Vàng làm lễ “khất thực” mà dư luận hiểu là theo truyền thống Phật giáo Tiểu Thừa, TS Nguyễn Đỗ Bảo bình luận:


“Phật giáo Đại Thừa và Tiểu Thừa có những cách sinh hoạt khác nhau. Ở thời Phật giáo nguyên thuỷ (Tiểu Thừa), khất thực là một sinh hoạt thường nhật của những nhà tu hành. Giờ đây, do người đứng đầu một ngôi chùa là một người duy vật nên làm lẫn lộn cả cách sinh hoạt của Phật giáo Đại Thừa và Tiểu Thừa. Vì vậy không còn gì để gửi gắm tâm linh nữa.”


Ông nói thêm “Đây cũng là một lối khoe của từ phía nhà chùa lẫn con nhang đệ tử. Người đến cúng dường bằng tiền thay vì thức ăn muốn thể hiện mình ở một giai tầng đẳng cấp hơn những người khác. Còn chùa cũng muốn khằng định chỉ phụng sự những tầng lớp có tiền.”


“Việc sinh hoạt ở chùa của Việt Nam hiện nay cũng không nhất quán, có phần bừa bãi, lúc như Đại Thừa, lúc như Tiểu Thừa, lúc lại như Phật giáo đã được cải cách. Phật giáo chẳng qua là để cài cắm một số cán bộ để “giữ gôn” nhưng đồng thời họ lại thích ăn chơi hưởng lạc. Họ là những người làm cho Phật giáo bị mai một cả về hình thức lẫn nội dung.”


Tuy thế, trang web của chùa Ba Vàng ghi nhận việc tổ chức các lễ khất thực này đã từ mấy năm qua. Cùng các ảnh, video về lễ, trang này viết:


“Truyền thống khất thực của ba đời chư Phật đã được Tăng đoàn chùa Ba Vàng phát huy và gìn giữ. Khi trì bình khất thực, quý Thầy đã giúp cho nhiều người được thực hành hạnh bố thí, cúng dường, gieo nhân lành vào ruộng phước cao quý của thế gian!”


Vẫn trang web của chùa Ba Vàng cho biết thầy Thích Trúc Thái Minh (sinh năm 1967) từng học ĐH Kinh tế Quốc dân, làm việc tại Bộ Công nghiệp, trước khi xuất gia ở Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt năm 1999. Sau khi trở về miền Bắc, ông có kế hoạch đồ sộ cho ngôi chùa Ba Vàng, gần Uông Bí.


Trang web xác nhận “Ngoài việc xây dựng chùa Ba Vàng trở thành trung tâm Phật giáo, Thầy Thích Trúc Thái Minh rất coi trọng việc giáo dưỡng và phát triển Tăng chúng. Thầy mong nguyện xây dựng được Tăng đoàn tu tập như thời Đức Phật còn tại thế. Không dám mong được cả 10 phần nhưng làm sao cố gắng được 5, 6 phần”.


Như thế, việc quảng bá cho hoạt động khất thực chỉ là một phần của dự án có tầm vóc lớn hơn tại chùa này. Ngôi chùa cũng từng đón các đoàn cán bộ, lãnh đạo cao cấp của Nhà nước VN tới thăm.


Tuy thế, các hoạt động gần nhất ở chùa Ba Vàng đã gặp phải chỉ trích từ Giáo hội Phật giáo VN, thuộc Mặt trận Tổ quốc của Nhà nước XHCN.


Một vị chức sắc khác, Thượng tọa Thích Nhật Từ vừa phát biểu công khai rằng việc cúng dường ở chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) trong clip lan truyền trên mạng vừa qua là “không phù hợp, cần tránh hiện tượng tương tự”, theo truyền thông VN hôm 17/08.


Hồi 2019, việc “thỉnh vong báo oán” tại chùa Ba Vàng cũng làm chấn động dư luận Việt Nam, khiến cơ quan công an nói sẽ “điều tra”, theo báo Việt Nam năm đó.

No comments:

Danh sách các Chiến Sĩ Hải Quân QLVNCH đã Hy Sinh Trong Trận Hải Chiến Hoàng Sa 1974:

Số TT Chức vụ Họ tên Đơn vị 1 Trung sĩ Cơ khí Trần Văn Ba HQ-10 2 Hạ sĩ Cơ khí Phạm Văn Ba HQ-10 3 Hải quân đại úy Vũ Văn Bang HQ-10 4 Hạ sĩ...