Hình ảnh Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đi cày tại lễ Tịch điền Đọi Sơn 2022 hôm 07/02
Đầu Xuân Nhâm Dần có thêm một loạt sự kiện khiến người ta chú ý ở Việt Nam: các lễ truyền thống với sự tham gia của quan chức, lãnh đạo cao cấp.
Các báo VN cho hay hôm 07/02, Bí thư Nguyễn Văn Nên "dự lễ khai ấn và hạ nêu tại lăng Tả quân Lê Văn Duyệt".
Cùng ngày, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham gia lễ Tịch điền ở Đọi Sơn, Hà Nam, một truyền thống đã bỏ từ thời vua Khải Định nhưng được phục dựng năm 2009, "theo tích vua Lê Đại Hành cày Tịch điền lần đầu tiên dưới chân núi Đọi vào năm Đinh Hợi 987".
Trước đó, vào dịp Tết Nguyên đán tháng 2/2019, TBT-Chủ tịch nước (khi đó), GS Nguyễn Phú Trọng đã dâng hương ở chùa Trấn Quốc.
Những nghi lễ tương tự của ông Trọng và các lãnh đạo VN khác được lặp lại với sự có mặt của các vị sư sãi thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ở nhiều nơi khác, trong nhiều dịp khác nhau.
Cùng lúc, việc xây các cơ sở thờ tự lớn và một số hoạt động của sư sãi đã gây điều tiếng trong xã hội, tạo ra hình ảnh "sư hư chùa khủng".
Hồi tháng 10/2021, báo Việt Nam đăng trang trọng trên các trang nhất tin bài "Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi vòng hoa kính viếng Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ."
Quan chức VN cũng thường thăm viếng đại diện các đạo giáo khác, như Công giáo, nhưng đài báo nước này thường ưu tin tin bài về hoạt động của lãnh đạo dành cho các sự kiện của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và tín ngưỡng truyền thống,
Ngoài ra, gần đây các lãnh đạo cao cấp nhất của Việt Nam không chỉ dự lễ, mà còn hành lễ, như "dâng hương, hạ ấn, cày ruộng", đặt mình vào vị thế của thành viên cộng đồng tín ngưỡng/niềm tin đó.
HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES
Tết Nguyên Đán thường là dịp các lãnh đạo VN tham dự lễ hội truyền thống và dâng hương ở đền chùa
Có thông điệp chính trị gì không?
Điều này có hệ quả chính trị nhất định, và đã gây ra nhiều bình luận.
Chẳng hạn, một cây bút ở Việt Nam, kiến trúc sư Dương Quốc Chính cho rằng:
"Phật giáo ở Việt Nam bây giờ cũng gần như quốc giáo. Đảng tuy không chính thức công nhận điều đó, nhưng nhìn cách ứng xử của lãnh đạo đảng và CP là biết lãnh đạo GH PG Việt Nam rất được trọng vọng. Các vị trưởng lão hòa thượng, lãnh đạo GH, khi viên tịch là có tứ trụ đến viếng, là đủ hiểu."
Viết trên Facebook (05/02/2022), ông Dương Quốc Chính nêu đánh giá riêng:
"Đến thời CS 2.0, bên Trung Quốc là từ Đặng Tiểu Bình và Việt Nam là từ Nguyễn Văn Linh đến nay, người ta mới khôi phục lại Tam giáo đồng nguyên và đưa nó lên một tầm cao mới trong việc trị quốc và duy trì chế độ. Chùa chiền được xây dựng nhiều, to đẹp, hoành tráng, thầy cúng được tự do hành nghề, tư tưởng Nho gia được khuếch trương với đạo quân - thần, đề cao tinh thần trung quân ái quốc. Kết hợp tam giáo với chủ nghĩa cộng sản sẽ thành Tứ giáo đồng nguyên thì vô địch thiên hạ về việc trị quốc an dân."
Một số nhà nghiên cứu nước ngoài thì cho rằng, trong quá trình chuyển sang nền kinh tế tư bản, tôn giáo ở VN không mất đi ý nghĩa, mà tiếp tục tồn tại.
HÌNH ẢNH,NHAT LAM
Do ảnh hưởng dịch Covid-19, đền Ngọc Sơn chỉ mở cửa đón từng tốp 10 người đi lễ mỗi lượt nên khá nhiều người phải đợi bên ngoài
Ngay từ năm 2007, Philip Taylor, trong cuốn "Modernity and Re-enchantment: Religion in Post-revolutionary Vietnam", đã nêu ra vai trò gia tăng, lan rộng của việc thờ cúng tổ tiên, và các đạo giáo truyền thống thời Đổi mới ở VN.
Ông nhấn mạnh đến sự thể hiện ra bên ngoài của "hành vi tôn giáo" (religious behavior), trong dân chúng, và nay chúng ta thấy ở cả các lãnh đạo.
Điều này có thể dẫn tới cách hiểu rằng việc quan chức hành lễ, dự lễ mang tính hình thức.
Chưa kể, có ý kiến còn cho rằng việc quan chức thờ cúng là do văn hóa sống "nông cạn".
Nhà văn Đoàn Bảo Châu hồi 2019 có bài viết mà BBC đăng lại, nêu quan điểm như sau:
"Người cộng sản thời kì đầu đả phá tôn giáo, phá bỏ chùa chiền, thờ ông bà còn bị quy chụp là mê tín dị đoan. Giờ thì lại mê tín quá mức, quan chức xì xụp vái lậy, xoắn xuýt thầy bà. Đấy là do văn hoá sống nông cạn, không tin vào con người nên lúc thế này, lúc thế khác. Cả đời chỉ coi quyền lực, vị trí là quan trọng, bao thời gian chỉ lo đấu đá, lúc nào đọc sách, lúc nào suy ngẫm và thiền định đâu để hiểu sâu sắc những điều ấy.
Họ thực ra là những con người yếu kém về văn hoá, yếu đuối về tâm hồn, chính vì vậy mà họ hay sai lạc. Sai lạc nên không nhất quán, hay thay đổi, gió chiều nào che chiều nấy."
HÌNH ẢNH,PHATGIAO.ORG
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng các lãnh đạo cao trung ương và Hà Nội dâng hương tại chùa Trấn Quốc dịp Xuân Kỷ Hợi năm 2019
Định nghĩa lại ranh giới 'tâm linh' cho Đảng Cộng sản?
Hôm 10/02/2022, trang Quân đội Nhân dân ở VN có đề cập đến hiện tượng thờ cúng trong quan chức và thừa nhận:
"Một trong những trăn trở của không ít cán bộ, đảng viên hiện nay là tham gia đời sống tâm linh như thế nào cho phù hợp, để không vi phạm Điều 19 của Quy định số 37-QĐ/TW 'về những điều đảng viên không được làm': 'Mê tín, hoạt động mê tín, ủng hộ hoặc tham gia các tôn giáo bất hợp pháp hoặc lợi dụng các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng để trục lợi'".
Nêu ra vấn đề như vậy, bài báo giải thích: "Ranh giới giữa hoạt động tâm linh với hoạt động mê tín, dị đoan thường rất mỏng manh. Định hình được ranh giới ấy, cán bộ, đảng viên sẽ thấy thoải mái, tự tin hơn trong tham gia các hoạt động tâm linh..."
Kiến trúc sư Dương Quốc Chính thì mô tả việc này như sau:
"Ngày tết là ngày mà Tứ giáo được thể hiện rõ nét nhất, từ việc thờ cúng tổ tiên, đạo Mẫu, đi chùa, đền, lễ cầu an, cầu tài lộc, cầu duyên, cầu tự và…kỷ niệm thành lập đảng!"
Còn trang Quân đội Nhân dân tin rằng nay là lúc cần kết hợp niềm tin truyền thống vào niềm tin ý thức hệ cộng sản:
"Niềm tin vào sự tích "con Rồng, cháu Tiên", niềm tin vào hồn thiêng sông núi, niềm tin vào linh khí tổ tiên... khi hòa quyện vào niềm tin cộng sản sẽ tạo thành sức mạnh tinh thần to lớn trong mỗi cán bộ, đảng viên để thực hiện khát vọng hùng cường, thịnh vượng."
HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES
Tháng 10/2014, cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới thăm chùa Mahabodhi ở bang Bihar, Ấn Độ cùng phu nhân
Ở góc độ này, một số động tác làm lễ của lãnh đạo VN đôi khi còn mang ý nghĩa tích cực, để sửa sai lịch sử, theo các ý kiến từ TP HCM nói với BBC sau lễ ở Lăng Ông.
Sau 1975 ở miền Nam, thái độ ban đầu của chính quyền là phủ nhận gần như toàn bộ triều Nguyễn, và các đại công thần của vua Gia Long mà Tả quân Lê Văn Duyệt là một nhân vật tiêu biểu.
Nhưng ngày hôm nay, Bí thư Nguyễn Văn Nên nhắc lại Lê Văn Duyệt để ghi công "bao thế hệ tiền nhân đã hy sinh xương máu, công sức dựng xây, bảo vệ để cho chúng ta có được độc lập, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ".
Hiện chưa rõ bước tiếp theo có phải là Nhà nước phục hồi đúng vị trí lịch sử của các vua nhà Nguyễn hay là không?
Xem thêm:
No comments:
Post a Comment