Sunday, December 24, 2023

Kiều hối tiếp tục tăng: mừng hay lo?

Tuy vậy có nhiều nghi vấn cho rằng, ngoài những đồng đô la của người Việt hải ngoại và người đi lao động ở nước ngoài gởi về giúp gia đình, thì kiều hối có thể có một góc khuất khác như một kênh rửa tiền.
Một nhân viên ngân hàng tại Hà Nội đang kiểm tra tiền đô la Mỹ.
AFP PHOTO
Lượng kiều hối chuyển về TPHCM thông qua các kênh chính thức cả năm 2023 dự kiến đạt khoảng 9 tỷ USD - tăng 35% so với năm 2022. Số liệu vừa nói do ông Võ Văn Hoan - Phó chủ tịch UBND TPHCM nêu tại Hội nghị Ngoại giao 32 diễn ra tại Hà Nội hôm 21/12/2023.

Nhiều tờ báo nhà nước hôm 21/12/2023 so sánh kiều hối về TPHCM năm 2023 gần gấp 3 lần vốn đầu tư nước ngoài. Cụ thể năm 2023, TPHCM thu hút vốn FDI được khoảng 3,4 tỉ USD, trong khi kiều hối chuyển về đạt gần 9 tỉ USD.

Tôi đánh giá cao nguồn kiều hối mà người Việt Nam ở nước ngoài, kể cả những người Việt Nam có quốc tịch nước ngoài nhưng vẫn còn họ hàng bà con trong nước... đã gửi về. Đó là một nguồn ngoại tệ rất quý báu cho nền kinh tế Việt Nam trong năm khó khăn này.
-Tiến sĩ Lê Đăng Doanh


Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương từ năm 1993 đến năm 2002, khi trả lời RFA hôm 22/12/2023, nói:

“Tôi đánh giá cao nguồn kiều hối mà người Việt Nam ở nước ngoài, kể cả những người Việt Nam có quốc tịch nước ngoài nhưng vẫn còn họ hàng bà con trong nước... đã gửi về. Đó là một nguồn ngoại tệ rất quý báu cho nền kinh tế Việt Nam trong năm khó khăn này. Nhưng so sánh với đầu tư nước ngoài thì theo tôi là nên thận trọng. Bởi vì đầu tư nước ngoài năm nay diễn ra trong bối cảnh khó khăn, các nhà đầu tư quốc tế cũng dè dặt vì thị trường thế giới, nền kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, thậm chí có nước tăng trưởng âm. Vì vậy cho nên các nhà đầu tư nước ngoài có thận trọng. Nếu so sánh tiền kiều hối cao nhiều lần so với đầu tư nước ngoài, thì chỉ nên nói ‘kiều hối tăng mạnh, nhưng đầu tư nước ngoài dè dặt và chậm.”
AFP photo.

Nhiều năm qua, dòng tiền kiều hối đổ về Việt Nam liên tục gia tăng, tổng lượng kiều hối về Việt Nam năm 2022 tăng trưởng gần 5% so với năm 2021 và đạt gần 19 tỷ USD. Đây được cho là nguồn ngoại tệ quan trọng giúp nước này giảm áp lực ngoại tệ, cân đối nguồn vốn cho vay ngoại tệ, ổn định tỷ giá hối đoái... Tuy vậy có nhiều nghi vấn cho rằng, ngoài những đồng đô la của người Việt hải ngoại và người đi lao động ở nước ngoài gởi về giúp gia đình, thì kiều hối có thể có một góc khuất khác như một kênh rửa tiền.

Giáo sư - Tiến sĩ Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội khi trả lời RFA hôm 22/12/2023 cho biết có sự lo ngại rửa tiền trong nguồn tiền kiều hối:

“Tất cả những nước nào có kiều hối đều lo sợ kiều hối sẽ mang những đồng tiền, tạm gọi là tiền bẩn. Nếu Việt Nam không kiểm soát được chuyện đó thì các nước sẽ tẩy chay ngay. Nói chung, Việt Nam vẫn phải xem xét nguồn kiều hối và kiểm soát nguồn kiều hối có đúng là tốt không? Hay mạng lưới kiều hối có tốt không? Nhà nước và các đơn vị tổ chức cũng đều mong muốn như thế, phải là nguồn tiền cụ thể, mang tính chất nhà nước và các đơn vị phải xem xét đủ điều kiện về kiều hối.”


Tất cả những nước nào có kiều hối đều lo sợ kiều hối sẽ mang những đồng tiền, tạm gọi là tiền bẩn. Nếu Việt Nam không kiểm soát được chuyện đó thì các nước sẽ tẩy chay ngay.
-Giáo sư - Tiến sĩ Vũ Văn Hóa



Đồng quan điểm, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cũng cho rằng cần phải kiểm soát tốt nguồn gốc tiền kiều hối:

“Luôn luôn cần thiết có sự giám sát một cách rất nghiêm túc, với các phương tiện hiện đại và có kết nối với các nước nguồn gốc gửi tiền, để có thể xác minh được những người gửi và nhận tiền. Nhất là những người nhận khoản kiểu khối lớn thì cần phải trình bày và xác minh rõ ràng. Nếu như cần thiết thì Việt Nam có thể liên hệ với nước gửi tiền, để có thể xác minh làm rõ thêm người gửi là như thế nào và gửi số tiền lớn như vậy vì kinh doanh, hay vì nhân đạo, hay vì lý do gì đó, cần phải được làm rõ.”

Theo các chuyên gia kinh tế, kiều hối là sự dịch chuyển của dòng tiền từ kiều bào hoặc từ người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài gửi về cho người thân, gia đình. Các loại tài sản được xem là kiều hối gồm: tiền hoặc các loại giấy tờ có giá, có đơn vị ngoại tệ, vàng tiêu chuẩn quốc tế...

Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ từ Na Uy hôm 22/12/2023 khi trả lời RFA về vấn đề này cho rằng, kiều hối có lợi trước mắt, nhưng cũng có những tác hại lâu dài:

“Sự tăng trưởng của nền kinh tế không đủ để đáp ứng nhu cầu việc làm và khát vọng thay đổi tương lai của nhiều người trẻ. Vì vậy mà nhiều người đã chọn ra đi. Lượng kiều hối về nước ngày càng nhiều chỉ chứng tỏ một điều rằng ngày càng nhiều người phải bỏ nước ra đi tìm cơ hội mới. Cái lợi trước mắt là chính quyền có thêm ngoại tệ. Còn cái hại lâu dài là đất nước ngày càng mất đi một lực lượng lao động có trình độ, có khát vọng và ước mơ.”

Cho đến nay theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, chính quyền Việt Nam hầu như không có một sự quan tâm nào đáng kể theo nghĩa hỗ trợ đời sống và sự phát triển cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Cái Chính phủ Hà Nội quan tâm theo ông Vũ, là lượng kiều hối và rằng liệu cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại có hình thành các tổ chức chống đối chính quyền cộng sản hay không?

No comments:

G7 xác nhận cam kết tiếp tục gây tổn thất cho Nga, sát cánh với Ukraine

Các nhà lãnh đạo của Nhóm Bảy cường quốc dân chủ (G7) ngày thứ Bảy nhắc lại cam kết sẽ tiếp tục áp đặt những tổn thất nghiêm trọng lên Nga v...