Thursday, December 21, 2023

Đưa dân đi làm mướn để khẳng định... ‘vị thế, cơ đồ’? -Trân Văn

HSP:  Con đường Bác đi
Theo một nghị quyết của Chính phủ Việt Nam vào tháng 7/2022, những người tham gia chương trình xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc được vay tiền ký quỹ 100 triệu đồng. Photo Cổng thông tin Chính phủ.


"Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay..."

Nam Hàn đang chuẩn bị để điều chỉnh chính sách cư trú dành cho người ngoại quốc. Theo đó, Bộ Lao động Nam Hàn sẽ mở rộng thời gian cư trú của lao động phổ thông từ ngoại quốc đến Nam Hàn làm việc cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Nam Hàn từ 4 năm 10 tháng thành mười năm nếu những người ngoại quốc này đã làm việc liên tục cho doanh nghiệp trong một khoảng thời gian nhất định (sáu tháng, 24 tháng hoặc 30 tháng tùy lĩnh vực) và hội đủ một số điều kiện về Chương trình đào tạo hội nhập, về Hàn ngữ...

Bộ Lao động Nam Hàn cũng đã bổ sung một số loại việc như bốc vác, vận chuyển thịt... vào danh mục xét cấp visa làm việc ngắn hạn (dưới ba tháng). Bộ Lao động Nam Hàn còn cho biết thêm là nếu Bộ Tư pháp đồng ý thì thời gian mà người ngoại quốc được phép cư trú ở Nam Hàn để làm việc cho các doanh nghiệp Nam Hàn có thể dài hơn. Họ hy vọng việc điều chỉnh sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp Nam Hàn chủ động về nhân lực để duy trì và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh (1).

Vào thời điểm này, Đài Loan cũng có nỗ lực tương tự Nam Hàn. Cơ quan có tên là Viện Hành chính ở Đài Loan mới chuyển “Dự luật sửa đổi một số điều khoản của Luật Xuất nhập cảnh và Nhập cư” cho Viện Lập pháp của Đài Loan xem xét để phê duyệt. Dự luật vừa đề cập sửa đổi nội dung 52 điều khoản hiện hành nhằm “nới lỏng các quy định về lưu trú và cư trú, tạo ra môi trường thân thiện nhằm thu hút nhân tài đến làm việc và định cư tại Đài Loan, đồng thời gia tăng hình phạt để hạn chế cư trú bất hợp pháp”.

Trong tương lai gần, những người ngoại quốc nằm trong nhóm được xác định là nhân tài (giảng viên đại học, chuyên gia khoa học, cố vấn học thuật,...) có thể nhập cảnh Đài Loan không cần visa, sau đó có thể đến Sở Di dân để xin hưởng quy chế cư trú vĩnh viễn cho chính mình, người phối ngẫu và con cái,...Ngược lại, nhằm hạn chế cư trú bất hợp pháp, Đài Loan sẽ nâng tiền phạt lên khoảng 15 lần, nâng thời gian cấm nhập cảnh lên khoảng ba lần và tăng mức phạt tương ứng với những ai môi giới, che giấu, kể cả phạt tù (2)...

***

Giống như Nam Hàn và Đài Loan, Việt Nam cũng đang trong giai đoạn chờ giao thừa âm lịch mở ra một năm mới nhưng khác với Nam Hàn và Đài Loan, cả hệ thống chính trị lẫn hệ thống công quyền ở Việt Nam không làm gì cả dù kinh tế - xã hội Việt Nam đang đối diện với đủ loại vấn nạn nghiêm trọng đe dọa từ kinh tế đến xã hội: Doanh nghiệp bất kể quy mô tạm ngưng hoạt động hoặc xin giải thể càng ngày càng nhiều, thất nghiệp càng ngày càng cao, tất cả các giới đều bi quan vì bế tắc về tương lai...

Hoạt động chính của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền suốt từ năm ngoái đến nay vẫn thế, vẫn chỉ xoay quanh sắp đặt – bổ nhiệm nhân sự rồi xem xét – kỷ luật – truy cứu trách nhiệm hoặc... miễn nhiệm những nhân sự mới được sắp đặt – bổ nhiệm. Tình trạng bi thảm của nhiều giới (doanh nhân, công nhân, nông dân,...), đặc biệt là các thành phần yếu thế được qui cho... “diễn biến phức tạp trên thế giới” và “sự chống phá điên cuồng cũng như các âm mưu, thủ đoạn nham hiểm của những thế lực thù địch, phản động”.

Nếu không có gì mới và khó mà có thể có gì mới, ít ngày nữa, trước ngưỡng năm mới âm lịch, cả trăm triệu người Việt sẽ tiếp tục nghe lại điệp khúc, đại loại: Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay nhờ nỗ lực phấn đấu bền bỉ, tiếp tục khẳng định con đường đi lên CNXH là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại (3)...

Nam Hàn và Đài Loan cũng ở châu Á nhưng vì không có đảng cộng sản lãnh đạo nên bị xếp vào “nhóm tư bản” mà giữa năm 2021 từng bị ông Nguyễn Phú Trọng phê phán là “đang khủng hoảng và liên tục gây ra các cuộc khủng hoảng” – những cuộc... “khủng hoảng” khiến kinh tế khát nhân lực thành ra phải điều chỉnh chính sách nhập cư, cư trú để... “lôi kéo” ngoại nhân đổ tới, góp sức, góp trí cho việc ổn định và phát triển sản xuất, thương mại, dịch vụ.

Bởi Việt Nam không thuộc... “nhóm”... đáng thương này nên đi theo hướng ngược lại. Có thể do kinh tế và xã hội Việt Nam đang trên đỉnh của sự... “ổn định” nên vài năm nay, các hệ thống từ trung ương đến địa phương đồng thanh thuyết phục đồng bào nên thu xếp ra nước ngoài làm mướn bởi con đường đó giống như “cơ hội” duy nhất đạt tới “quốc thái, dân an” (4). Thậm chí, tháng rồi, BCH TƯ Đoàn TNCS HCM còn muốn xác định việc gửi thanh niên ra ngoại quốc làm mướn là... “nhiệm vụ trọng tâm”, nhiệm kỳ này Đoàn TNCS HCM cần “tham gia tuyên truyền để thanh niên hiểu rõ lợi ích của việc đi lao động xuất khẩu theo thời hạn, để có nhiều thanh niên tham gia xuất khẩu lao động” nhờ vậy có thể đạt... “chỉ tiêu” là... chuyển được 500.000 “chủ nhân tương lai của quốc gia” sang diện làm... mướn cho ngoại nhân trên xứ người (5).

Khi xuất khẩu lao động được xem như giải pháp khả thi nhất để phát triển kinh tế - xã hội thì chuyện Tổng Bí thư đảng CSVN dõng dạc: Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay nhờ nỗ lực phấn đấu bền bỉ, tiếp tục khẳng định con đường đi lên CNXH là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại... dường như chẳng có gì sai, còn đúng ở chỗ nào thì tùy... người nghe!

Chú thích








Trân Văn là bút danh của một nhà báo có 28 năm làm việc ở nhiều vị trí khác nhau (Cộng tác viên, Phóng viên, Biên tập viên, Thư ký Tòa soạn) của một số đài truyền hình, đài phát thanh, nhật báo, tuần báo, báo điện tử tại Việt Nam và Hoa Kỳ. Các bài viết của Trân Văn là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

No comments: