Có một số người không hiểu về lịch sử của lá cờ Việt Nam nền vàng ba sọc đỏ, họ cứ tưởng rằng lá cờ này mới có từ thời chế độ Việt Nam Cộng Hòa. !!!
Lá Cờ Việt Nam Tự Do Vàng Ba Sọc Đỏ là linh hồn của cả dân tộc Việt. không phải là của riêng một chế độ hay của riêng một chính phủ nào mà là của chung cho cả dòng giống dân tộc Việt, Từ thời Hai Bà Trưng, năm 40 sau Tây lịch, hai bà đã lãnh đạo Toàn Dân đánh đuổi quân Tô Định, Đông Hán, chiến lại 65 Thành cho Giao Châu (Trong Việt Sử là người dân Việt ai cũng biết câu: Bà Trưng phất ngọn Cờ Vàng hiệu triệu người dân ở bốn quận: Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam và Hợp Phố.)
Do đó.....Lá cờ còn, chính nghĩa còn. Lá cờ còn, tinh thần chiến đấu còn, vì nó là tín bài để chúng ta nhận diện những người Việt Tự Do. Chỗ nào có lá cờ Việt Nam Tự Do thì chỗ đó có tình thương, có dân chủ, có tự do, và có nhân quyền.
Ðể giúp đồng bào người Việt hải ngoại hiểu rõ ý nghĩa và lịch sử của lá cờ Việt Nam Tự Do, lá cờ truyền thống của dân tộc Việt, hầu đem hết tâm huyết để bảo vệ lá cờ này, chúng tôi xin bàn về “Ý Nghĩa của Màu Sắc Lá Cờ Việt Nam mầu Vàng Nền Vàng Ba Sọc Ðỏ,” “Nguồn Gốc, Sự Hình Thành, và Biểu Tượng Triết Lý của Lá Cờ Việt Nam Tự Do Nền Vàng Ba Sọc Ðỏ,” cùng “Ý Nghĩa và Biểu Tượng Thiêng Liêng của Lá Cờ Việt Nam mầu Vàng.”
1. Ý Nghĩa của Màu Sắc Lá Cờ Việt Nam Nền Vàng Ba Sọc Ðỏ
Lá cờ Việt Nam Tự Do có nền vàng và ba sọc đỏ. Màu vàng là màu quốc thổ và cũng là màu da của giống nòi Việt Nam.
Theo vũ trụ quan của người Việt, màu vàng còn thuộc về hành thổ và có vị trí trung ương, tượng trưng cho lãnh thổ và chủ quyền của quốc gia. Chính vì thế mà vua chúa thời xưa thường xưng là Hoàng Ðế và mặc áo có tên hoàng bào.
Màu đỏ thuộc hành hỏa và là màu của phương Nam. Ðây là biểu tượng của một dân tộc bất khuất, anh hùng, và độc lập trong cõi trời Nam, tách biệt hẳn với nước Tàu ở phương Bắc.
Ba sọc đỏ còn tượng trưng cho ba miền: Bắc, Trung, và Nam. Tuy gọi là ba miền (ba sọc đỏ) nhưng chúng có cùng chung một nhà (nền vàng). Ðó là nhà Việt Nam, con dân muôn đời thương yêu đùm bọc lẫn nhau.
2. Nguồn Gốc, Sự Hình Thành, và Biểu Tượng Triết Lý Của Lá Cờ Việt Nam Tự Do Nền Vàng Ba Sọc Ðỏ
Theo như bài “Hồn Nước Trong Kinh Dịch và Luận Giải Về Lẽ Biến Dịch của Lá Cờ Việt Nam Quốc Gia” của Học Giả Việt Chi Nguyễn Hữu Quang đăng trên báo Cộng Ðồng, số 3 tháng 12, 1992, tại Ottawa, Canada, thì vào năm 40 Dương Lịch, Hai Bà Trưng đã “đầu voi phất ngọn cờ Vàng” đem quân đánh Tô Ðịnh lấy được 65 thành trì để lập quốc xưng vương.
Sau này vào thời nhà Nguyễn, triều vua cuối cùng của nước ta, hai sọc đỏ được thêm vào lá cờ vàng.
Khi chính phủ Trần Trọng Kim cầm quyền vào năm 1945, một vạch đỏ đứt giữa được thêm vào giữa hai vạch đỏ đã có sẵn trên lá cờ vàng tạo thành lá cờ có hình Quẻ Ly Ðơn.
Tiếp đến, khi về nước làm Quốc Trưởng vào năm 1948, Cựu Hoàng Bảo Ðại đã cho đổi vạch đứt chính giữa thành vạch liền tạo thành lá cờ có nền vàng và ba sọc đỏ giống nhau. Ba vạch đỏ kỳ này có hình Quẻ Kiền. Quẻ Kiền, còn gọi là Quẻ Càn, tượng trưng cho trời Nam, tức là nước Việt Nam ta.
Một tài liệu của Hà Nhân Văn, bài “Một Giải Pháp Cho VN: Từ Quốc Thống Ðến Cờ Vàng,” đăng trên báo Thế Giới Mới, số 273, ngày 21 tháng 8 năm 1998, cũng giải thích tương tự là “Bà Trưng phất Ngọn Cờ Vàng” và vua Gia Long (1802-1820) cũng đã dùng Cờ Vàng làm biểu hiệu cho quốc gia. Kế đến, đời Vua Khải Ðịnh (1916-1925) có cờ Long Tinh (Tinh là cờ và Long là rồng). Cờ Quẻ Ly của chính phủ Trần Trọng Kim (1945) bắt nguồn từ lá cờ vàng thời Hai Bà (40), cờ vàng đời Gia Long (1802), và cờ Long Tinh đời Khải Ðịnh (1916).
Trong bài “Quốc Kỳ và Quốc Ca Việt Nam” đăng trên một tờ báo mà chúng tôi quên mất tên, ông Nguyễn Ngọc Huy giải thích về ý nghĩa của hình Quẻ Ly trên lá Cờ Vàng của thời chính phủ Trần Trọng Kim với đại ý là Quẻ Ly, một quẻ trong Bát Quái, tượng trưng cho mặt trời, lửa, ánh sáng, và cho văn minh. Ngoài ra, ông Huy còn giải thích thêm là bên trong quẻ Ly hiện lên một nền vàng gồm hai vạch liền và một vạch đứng nối liền hai vạch ấy. Ðó là chữ công trong nghĩa của các từ công nhân và công nghệ, tức là người thợ và nghề biến chế các tài nguyên để phục vụ đời sống con người. Vì thế, Quẻ Ly còn hàm ý ca ngợi siêng năng cần mẫn và sự khéo léo của dân tộc Việt Nam.
Ông Nguyễn Ngọc Huy cũng giải thích về ý nghĩa của lá cờ vàng có hình Quẻ Càn dưới thời Vua Bảo Ðại. Theo ông, Quẻ Càn tượng trưng cho trời, cho vua, cho cha, và quyền lực. Ngày nay, chúng ta sống trong chế độ dân chủ thì Quẻ Càn trên quốc kỳ có thể dùng để tượng trưng cho quốc gia và dân tộc Việt Nam cùng sức mạnh của toàn dân ta. Tuy bắt nguồn từ đời Hai Bà, năm 40 Dương Lịch, tức là cách đây 1961 năm, lá cờ Việt Nam Tự Do chỉ mới được qui định rõ ràng bằng sắc lệnh từ năm 1948, tức là cách đây (2003) 55 năm. Thiếu Tướng Nguyễn Văn Xuân, với tư cách đứng đầu chính phủ lâm thời Quốc Gia Việt Nam thời đó đã ký Sắc Lệnh số 3 ngày 2 tháng 6 năm 1948 để qui định những tiêu chuẩn về lá quốc kỳ của nước Việt Nam như sau: “Biểu hiệu Quốc Gia là một lá cờ nền vàng, chiều ngang bằng 2/3 chiều dài, giữa có ba sọc đỏ đi suốt lá cờ, rộng bằng 1/15 chiều dọc và cũng cách bằng nhau chừng ấy.”
3. Ý Nghĩa và Biểu Tượng Thiêng Liêng Của Lá Cờ Việt Nam Tự Do Mầu Vàng
Cờ Việt Nam Tự Do được hun đúc bằng khí thiêng trời đất và tinh thần quật khởi của dân tộc Việt suốt gần hai ngàn năm lịch sử. Nó tượng trưng cho hồn thiêng sông núi, cho vận hội thái hoàm, và cho sự thành công vĩnh cửu của giống nòi Việt Nam.
Kể từ năm 40 Tây lịch, thời Hai Bà Trưng Trắc Trưng Nhị, lá cờ Việt Nam đã được cải tiến để có hình dạng màu sắc như hiện nay. Thật quả là một ý nghĩa cao cả và đáng được hãnh diện. Lá cờ Việt Nam Tự Do mầu Vàng đã thăng trầm với lịch sử oai hùng của dân tộc, nhuốm khí thiêng sông núi, tượng trưng cho dân chủ tự do nhân quyền, cho ý chí kiêu hùng của nòi giống Việt, cho thái hòa thịnh trị của muôn dân, và cho đoàn kết trong việc giữ nước và dựng nước của tổ tiên ta.
Lá cờ Việt Nam không phải là của riêng một chế độ hay của riêng một chính phủ nào mà là của chung cho cả dân tộc Việt Tự Do. Nếu một chế độ nào thối nát, hay một chính phủ nào làm tay sai cho ngoại bang, thì Lá Cờ Việt Nam Tự Do không vì thế mà bị mang tiếng. Dân ta phải loại chế độ đó và phải loại chính phủ đó mà bảo vệ cho màu cờ của tổ tiên.
Lá Cờ Việt Nam Tự Do là linh hồn của cả dân tộc Việt. Lá cờ còn, chính nghĩa còn. Lá cờ còn, tinh thần chiến đấu còn, vì nó là tín bài để chúng ta nhận diện những người Việt Tự Do. Chỗ nào có lá cờ Việt Nam Tự Do Vàng Ba Sọc Đỏ thì chỗ đó có tình thương, có dân chủ, có tự do, và có nhân quyền.
Giờ này, đa số người dân Việt yêu tự do dân chủ, ở trong nước cũng như ở hải ngoại, mỗi khi nhìn thấy Lá Cờ Việt Nam Tự Do Vàng Ba Sọc Đỏ là như nhìn thấy vị cứu tinh dân tộc.
Sưu tầm và ghi chép lại.
NVQ
No comments:
Post a Comment