Monday, December 26, 2011

Đi thăm 39 em thuyền nhân Việt trong trại giam Port Augusta


Mõ Nam Úc

Chạy trốn "thiên đường" Cộng Sản.


      Sáng thứ Bảy 17/12, đúng 8 giờ 30, chiếc xe thuê của công ty Avis  được hai anh Xuân Thủy và Từ Minh lái về đậu sẵn tại Trung Tâm Sinh Hoạt Cộng Đồng. Mười hai chỗ ngồi được xếp bớt 2 ghế để có  khoảng trống  chứa những đồ  cần mang theo: Một thùng giấy bọc  nồi nước phở, các bịt giá trụng, húng quế, chanh, các chai nước mắm, tương, ớt và 2 cái gáo i-nốc lớn để múc phở; Hai thùng lớn xếp 80 tô bánh phở có nắp đậy, rắc sẵn hành ngò; Ba hộp lớn đựng thịt tái, bò viên và thịt nạm được  giữ lạnh trong 2 thùng nước đá. 

    Món phở  được làm để đải các em  trong chuyến đi thăm lần này. Chị Hằng và chị Xuyến tình nguyện giúp từ đêm thứ Sáu, chuẩn bị các thứ đầy đủ từ A tới Z cho 80 tô. Món ăn tráng miệng là 4 ổ bánh bò nướng king size.  Cô Jennifer và anh chị Cẩm Hạnh đã làm ở nhà đem tới. Một thùng  đựng 40 gói quà Giáng Sinh của cô Duyên và cô Tiên Trân  mua và gói tặng các em. Một thùng sách và báo, đủ cả Adelaide và Nam Úc Tuần báo của ông bà  Lộc Nam Úc gửi, kèm theo một  gói quà đặc biệt dành riêng cho các thiếu nữ trong trại giam xử dụng. Các em ở trại giam Port Augusta qua điện thoại thường liên lạc  với NUTB.
     Mọi người  đông đủ cùng góp tay chuyển hết đồ đạc lên xe.  Đúng 9 giờ xe khởi hành cho kịp  12 giờ 30 phải có mặt ở trại giam như lời hứa. Cô Yến Vi nhà dù ở xa tận vùng Elizabeth nhưng đã cùng với cô Hương Thư là hai người đến đúng giờ sớm nhất. Cây đàn guitar để lại, vì cô ca sĩ giờ chót bận đi đám cưới. Cái lò gas định mang theo cũng được để lại. Xe vừa ra đến đường Port Wakefield thì gió thổi ào ào. Gió ngược chiều khá mạnh. Tài xế thường xuyên phải ghìm tay lái cho xe bớt chao đảo. Thời tiết lúc nắng lúc mưa nhưng gió cứ thổi thật mạnh,  không ngừng. Trên xe vài người bắt đầu âu lo: đường xa,  gió mưa trơn trợt, biết có đến kịp giờ hay không? Đồ ăn mình mang theo không biết họ có cho đem vào trại không? Phần vệ sinh an toàn thực phẩm thì không ngại vì đã có cụ bị sẵn, nhưng còn những qui tắc an ninh bảo vệ trại giam thì sao? Nếu họ khó dễ, xét nét từng hộp từng gói, không chấp nhận cho đem vào thì biết phải làm sao?...
     Ông Lộc ngồi cạnh tài xế trấn an: mọi người đừng quá lo, mình làm việc phải, nếu có gặp trở ngại thì ông trời sẽ độ cho mình. Bao nhiêu âu lo hãy dâng hết cho ổng để cầu phước cho mấy đứa nhỏ đang bị giam. Trong chuyến đi cho tình người này, mình cũng cầu phước cho tất cả đồng hương của mình. Ở nhà, họ cũng đang có những chuyện lo, chuyện buồn, chuyện vui. Như có mấy cái đám cưới bữa nay chẳng hạn, đi trong trời mưa gió mình hãy nhớ đừng quên cầu phước cho họ… Ai nấy nghe xong cũng cười lên vui vẻ. Thì ra cái lo trong lòng  mình, theo ông Lộc, cũng có thể dùng để cầu  ơn phước cho người khác!
     Xe chạy một mạch tới Port Pirie đúng 11 giờ. Chỉ còn 83 km nữa là tới nơi. Mưa to nặng hạt mù trời. Xe dừng lại 15 phút nghỉ xả hơi. Không ai còn lo bị trễ. Anh Thủy xuống xe gọi cho quản đốc trại giam báo tin khoảng 12 giờ 15 chúng tôi sẽ tới. Không thấy ai bắt điện thoại, anh Thủy phải nhắn  lại trong máy. Đã gần tới rồi nên ai cũng yên tâm, tinh thần phấn khởi. Mưa gió có ào ào chỉ càng làm tăng thêm sự náo nức muốn gặp các em.
     Khi tới cổng trại, xe không được vào. Thuốc lá và mobile phone là vật cấm. Anh Thủy xuống xe gọi máy nơi cổng ngoài vào trong Văn Phòng, cho biết nhóm người từ Adelaide đi thăm các em đã đến, có mang theo nhiều đồ ăn thức uống, sách báo và quà. Lúc này, một số em trong trại đang  nhìn ra cổng. Ông Lộc dở nón lên cao vẫy vẫy chào các em…
     Từ trong nhà các em túa ra càng lúc càng đông. Ba nhân viên trại  ra cổng ngoài chỉ chỗ cho chúng tôi đem hết những gì muốn mang vào. Họ mang ra 3 xe đẩy lớn và mở cổng  cho chúng tôi đưa đồ vào chờ kiểm tra tại cổng thứ hai.  Trong lúc nhân viên kiểm tra các thứ ở ngoài, thì trong văn phòng mỗi người phải trình bằng lái để họ photo copy, ký tên vào bản danh sách, ghi rõ vào thăm trại lúc mấy giờ và  nhận một thẻ bài đeo vào cổ như giấy phép được đi vào  trại.
     Các thủ tục làm xong, chúng tôi bắt đầu khuân đồ vào. Các em trai gái xúm lại mỗi đứa một tay bê hết các thứ vào trong phòng sinh hoạt. Dự định ban đầu là sẽ tổ chức ăn uống tại khu vực BBQ ngoài trời, nay phải thay đổi chỗ vì trời mưa.  Trở ngại phải giải quyết cho nhanh: cần nhiều bếp và nồi nhỏ, chia ra để hâm sôi nước phở trước khi múc vào tô. Thời giờ không có nhiều để ăn uống, trò chuyện và sinh hoạt với các em. Cũng may là các em khá thông minh, vừa nghe đã hiểu và sốt sắng chạy nhanh về “nhà”, nên chỉ một vài phút là chúng tôi đã có đủ lò, xoong cần dùng. Cả nhóm nhất là anh Thủy, nhìn mặt nhau  tươi rói!...
     Trong lúc nước phở được hâm sôi, các em trai, gái xúm lại, mang sẵn bao tay, phụ sắp thịt tái, bò viên, thịt nạm và rắc tiêu vào các tô bánh phở. Nước mắm, tương, ớt, chanh, giá trụng, rau quế, bánh bò nướng và các thức uống v.v… được bày trên một bàn lớn. Nước phở đã sôi được múc vào tô và mọi người bắt đầu ăn. Nhân viên trại giam và anh thông dịch, mỗi người đều được mời một tô và ăn vài miếng bánh bò. Phở ngon! Mọi người đứng bưng tô ăn, húp sạch. Ai cũng khen.
     Thấy vui nhất là có cô nhân viên gốc Ấn (?) mặt xinh xinh, nụ cười dễ thương: cô thấy phở có thịt bò nên đứng nhìn không chịu ăn. Thấy vậy, ông mời cô thử ăn bánh bò nướng. Ăn xong mấy miếng, nghĩ sao, một lát lại thấy cô vào trong chỉ mấy tô bánh phở. Cô đã yêu cầu cho nước lèo vô tô cho cô  nhưng đừng có thịt tái! Có lẽ nhìn các nhân viên khác đã ăn xong và ai cũng khen ngon, nên cô cũng muốn thử. Và chắc là cô nghĩ rằng:  chỉ có thịt tái trong tô mới là bò, còn những thứ khác thì không phải?  Vậy thì OK, cô ăn được!
     Khi cô nghĩ không có thịt bò nên ăn cho biết mùi với người ta, thì cô đâu có bị phạm giới đạo Hindu? Trong lòng cô, sự thật, Mõ nghĩ  chắc là như vậy? Thấy cô ăn tô phở ngon lành Mõ đâu dám  cản. Mõ không giải thích để cô khỏi phải biết mà bị bối rối. Mõ đứng cười. Nhìn cô ăn, thấy vui vui!...
     Khi mọi người đã bắt đầu ăn, ông Lộc nói với các em: “Chúng tôi tới đây mục đích để thăm các em, mời các em ăn phở, ăn bánh bò và cũng có chút quà cho các em nhân mùa lễ Giáng Sinh. Sự thật, chúng tôi biết các em đang có một mối lo:  mong sao sớm được ra ngoài để sinh hoạt bình thường, đi học, đi làm, được chánh quyền nhận cho thường trú ở Úc.
     Thật tình, chúng tôi cũng chẳng khác gì các em. Mấy mươi năm trước, vợ chồng con cái chúng tôi cũng dắt díu nhau đi tầm trú bằng thuyền. Rồi trời xui đất khiến được Úc nhận. Chúng tôi lúc đó cũng có đủ mọi điều âu lo và mặc cảm. Cho nên, chúng tôi hiểu và cầu mong cho tất cả các em sớm được toại nguyện.
     Chúng tôi thấy có hai việc, trong lúc này các em không nên coi thường mà phải cố gắng làm hết sức:  Một là phải giữ kỷ luật của trại, sống vui vẻ, hiền hoà, tử tế với nhau và với tất cả nhân viên của chánh quyền đang lo chăm sóc phục dịch cho các em. Hai là phải tận dụng thì giờ và cơ hội đang có  để học Anh ngữ. Nếu không nói không hiểu được tiếng Anh, sau này ra ngoài đi đâu gặp người Úc, thì giữa các em với họ, với xã hội Úc bên ngoài, vẫn còn bị ngăn cách chẳng khác gì cái cổng rào trước trại giam này vậy. Cố gắng làm thật tốt hai việc này thì con đường đi ra khỏi trại giam của các em sẽ được sớm mở ra. Nhất là, vào lúc nào đó, chánh quyền di trú có chương trình Foster Parents: nhờ các gia đình ở ngoài giám hộ,  giúp cho các em có đời sống mới an vui như mọi người.
     Cuối cùng, là những tín hữu, các em cần có niềm tin. Hãy phó thác đời mình trong tay Chúa. Chúa đã cho các em thoát khỏi bao cơn sóng gió, 14 ngày bị vùi dập trên biển mà vẫn còn sống sót tới đây. Cầu xin Chúa dẫn dắt các em suốt trong những tháng năm sắp tới. Các em đừng quá lo lắng mà mất sự bình an. Cái tâm có bình an thì cái trí mới đủ sáng suốt để ứng phó với sự khó khăn thử thách trong đời sống. Vì vậy, thay mặt các cô chú và các anh các chị đến đây thăm các em, và trong dịp mừng lễ Chúa Giáng Sinh, chúng tôi xin cầu chúc tất cả các em luôn giữ được sự bình an trong lòng.”
      Một cô đại diện các em nói lời cám ơn rất dễ thương: 8 tháng ở đây bữa nay mới được ăn phở và lần này gặp gỡ nhiều người tới thăm, hoà đồng với các em nên tất cả đều thấy vui quá! Các em gọi nhau bắt đầu ca hát tập thể. Cái sinh khí như toả ra thật hùng mạnh từ trong sinh hoạt của các em. Trại giam rộn lên bao nhiêu tiếng cười. Nhiều tràng vỗ tay cứ liên tục, liên tục…
      Mõ bị cuốn hút theo các em,  cũng liên tục vỗ tay hát theo mà có lúc bị xúc động ứa nước mắt. Đâu phải là ca sĩ mà nhiều em hát thật  hay. Hát bài “Công Cha Nghĩa Mẹ”, nhiều em nhỏ đã mở miệng  hát thật to mà cặp mắt thấy đỏ rươm rướm muốn khóc! Thấy thật là thương! Mới có bảy tám tuổi  mà bị giam giữ trong tù, cả năm trời  không được thấy cha thấy mẹ!
     Các em thích hát “nhạc vàng”,  cùng nhau "Nối Vòng Tay Lớn” thật là ngoạn mục! Mõ biết nhiều tập hợp thanh thiếu niên ở ngoài, có khi cũng hát những bài sinh hoạt này nhưng không dễ gì có được cái khí thế như thế. Cái khí thế bùng lên từ trong tâm, trong lòng mỗi em.
     Một nữ nhân viên Úc đã  choàng vai hát một bài bằng tiếng Việt chung với các em. Cô này hát và phát âm khá rõ. Mõ nghe rõ dấu  sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng của từng lời ca. Cô  này  được tất cả các em cổ vũ nồng nhiệt. Nét mặt cô vui tươi rạng rỡ, có vẻ thân thiết, chan chứa cảm tình với tất cả các em trong trại.
     Rồi các em hát  bài Silent Night và một số bài hát Giáng Sinh tiếng Anh và tiếng Việt. Bài hát nào nghe cũng êm tai. Và phải nói thêm: cũng nhờ có cây đàn guitar các em đưa tới, mà lại được anh Từ Minh say mê đàn rất điệu nghệ,  nên các em như cứ muốn tiếp tục ca hát hoài không thôi…
     Nhưng thời gìờ đã hết. Tới lúc phải chia tay. Ông Lộc và anh chị em trong đoàn cùng hát chung với tất cả các em bài ca tạm biệt: “…còn trong ta tình bao la…, đường trường sông núi hẹn mai ta sum vầy!… Gặp nhau đây rồi chia tay. Ngày vàng như đã vụt qua trong phút giây…” Nhiều em đã vụt chạy về phòng, khi  trở lại, trên tay mỗi em là những món quà kỷ niệm do các em tự làm: những tấm thiệp giáng sinh rất đẹp và dễ thương, các lồng đèn ngôi sao, những  bông hoa ép trên giấy v.v… ai cũng được quà của các em tặng.
     Lúc chia tay tất cả các em đã  tràn hết ra cổng tiễn chúng tôi. Kẻ trong người ngoài vẫy tay liên tục như chưa muốn rời. Mưa gió lại bắt đầu nổi lên. Cảnh chia tay cảm động làm sao, tình người thật nồng ấm!
    Đoạn đường hơn 300 km từ Port Augusta về Adelaide mưa to gió lớn liên tục. Tới Trung Tâm Cộng Đồng dọn rửa xong đã hơn 7 giờ tối. Anh chị em còn ngồi nán lại để kiểm điểm mọi chuyện. Bao nhiêu lo lắng của chuyến đi này thì giờ đây đã không còn. Trong lòng ai cũng thấy vui. Còn những chuyện về sau,  cần giúp người đến nơi đến chốn, anh chị em đều tin rằng, lòng hào hiệp, từ bi và nhân ái của đồng hương mình, của các gia đình, các tổ chức, các tôn giáo người Việt ở đây, nếu quý vị bằng lòng muốn giúp các em thì mọi sự sẽ giải quyết  tốt đẹp. Được biết hơn 8 tháng  ở trong Trại, có một linh mục Úc đến thăm hằng tuần; Sơ Duyên thỉnh thoảng cũng ghé thăm. Mới đây có linh mục Tòng, ông Phúc, ông Cung  tới và ở lại ăn cơm chung với các em. Các em nói rằng lần này là đông nhất và thấy vui quá.
      Anh Nguyễn Xuân Thủy là người liên lạc sắp xếp chuyến đi này, anh nói, nếu quý đồng hương nào  muốn đi thăm các em hoặc có ý muốn giúp các em việc gì, nếu thấy cần tới anh thì anh lúc nào cũng sẵn sàng. Số điện thoại của Xuân Thủy: 0412 596 347.
     Bài tường thuật không có hình ảnh. Theo anh Thủy, trong việc này không nên làm khác hơn, nên để như vậy cho mọi sự được tốt đẹp cho các em.
Mõ Nam Úc
***
Tin Giờ Chót:
Cây Mùa Xuân Cho 39 em thuyền nhân VN trong trại giam Port Augusta:  được tổ chức vào ngày thứ Bảy 21-01-2012 (nhằm ngày 29 tháng chạp ÂL). Xe khởi hành lúc 8 giờ 30 sáng tại Trung Tâm Sinh Hoạt Cộng Đồng, 62 Athol Street, Athol Park. Về lại TTSHCĐ lúc 8 giờ 30 tối. Chương trình gồm tổ chức ăn Tết  với các em, tặng quà & lì xì, văn nghệ, mừng xuân Nhâm Thìn.
     Vì trại giam chỉ nhận tối đa 12 người vô thăm. Đồng hương muốn tham dự hay muốn ủng hộ Cây Mùa Xuân cho các em, xin vui lòng liên lạc anh Nguyễn Xuân Thủy: 0412 596 347.
     AnhThủy xin cám ơn quý cô Bác, Ông Bà gởi quà và tiền lì xì cho các em: Trang Tuyết Lan $10; Thái Thị Mới $20; Lê Thị Bình $30; Ô/B Thừa $20; Ô/B Câu Mây $10; Bà Nguyễn Kim Thâu $20; Bà Trần Thị Nại $10 và hộp bánh; Bà Lưu Thị Sửu $10; Lương Thị Giang $10; Đào Thị Xuân $10; Phan Thị Tuyết $10; Nguyễn Thị Đào $10; Cô Kim Mai $10; Nguyễn Thị Phương $10; Trần Mỹ Lệ $10; Ô/B Nguyễn Anh Cung $50; Nguyễn Thị Ngọc & Phạm Minh Tâm $50…
Xin chân thành cám ơn
Mõ Nam Úc

Bạn Nam Yết chuyển

No comments: