Saturday, December 17, 2011

Phước Hay Họa? Trung Cộng: Nước Có Niềm Tin Nhị Trùng?


Giang Tuyết Cần (Jiang Xueqin) - PBD dịch



Trong bài trước(*) tôi đã nói về mâu thuẫn tư tưởng cố hữu được biểu lộ trong hai áng văn chương cổ điển là 1984 Đạo Đức Kinh và những gì mà hai tác phẩm này cho thấy về viễn ảnh Tây Phương hòa hợp với Trung Cộng.

Tôi muốn nói thêm một chút bằng cách xét đến hai tác phẩm cổ điển về chiến lược và ngoại giao của Trung Hoa là Tam Quốc Diễn Nghĩa và Tôn Tử Binh Pháp, vì tư tưởng lừa dối hai mang sâu đậm thật sáng tạo trong hai quyển sách này lên đến mức mà nếu đem so với quyển Hoàng Tử(1) thì quyển này đọc thấy thật hiền lành như thể là đọc quyển Đắc Nhân Tâm(2) vậy.

Tam Quốc Diễn Nghĩa là một thiên anh hùng thật dông dài thiếu mạch lạc, nhưng chủ đề là truyện về hai vị tướng, Lưu Bị và đối thủ của ông ta là Tào Tháo, tranh hùng với nhau trong cuối triều nhà Hán. Theo lẽ thì Lưu Bị tiêu biểu cho đức hạnh và khiêm tốn còn Tào Tháo là tiêu biểu cho cơ hội chủ nghĩa và tham vọng. Lưu Bị bị dồn vào vị thế lãnh đạo để bảo vệ hoàng đế của ông ta, và khi hoàng đế qua đời thì bộ hạ cầu khẩn ông ta dựng lại một đế quốc mới. Và, tuy lúc đầu Lưu Bị từ chối nhưng hoàn cảnh và lòng cương quyết của bộ hạ ông ta đã buộc ông ta phải lên ngôi. 

Tào Tháo cũng cầm kiếm để bảo vệ hoàng đế của ông ta, nhưng khi thấy có cơ hội thì ông ta lập quỷ kế ngay để cướp ngôi. Không có gì khác biệt giữa hành động của Lưu Bị và Tào Tháo (cả hai đều mưu toan đầy tham vọng và áp dụng mánh khóe để sai khiến và lừa gạt bộ hạ), nhưng chính thái độ đạo đức giả và hai mang của Lưu Bị lại giúp cho ông ta trở thành anh hùng. Theo tiêu chuẩn của Orwell(3) thì Lưu Bị đã thực hành hoàn toàn thành thạo niềm tin nhị trùng.

Sau đây là định nghĩa của Orwell về niềm tin nhị trùng:

‘Niềm tin nhị trùng có nghĩa là khả năng mang hai niềm tin trái ngược nhau cùng lúc trong đầu một người, và chấp nhận cả hai niềm tin đó. Người trí thức của Đảng biết phải thay đổi ký ức của mình theo hướng nào; do đó y biết là y đang giả dối về tình thế hiện thực; nhưng vì áp dụng niềm tin nhị trùng nên y cũng tự cảm thấy là không hề xúc phạm đến hiện thực.Tiến trình này phải là có ý thức, vì nếu không thì sẽ không áp dụng được đủ mức chính xác, nhưng tiến trình này cũng phải là vô thức, vì nếu không sẽ gây ra cảm nghĩ lừa dối và rồi từ đó sẽ cảm thấy tội lỗi....cố ý nói dối trong khi thực tâm tin vào những lời dối trá đó, quên đi bất cứ sự thật nào đã trở thành bất tiện, và rồi, khi thấy cần thiết trở lại, thì lôi ra từ trong quên lãng một khi còn cần đến, để chối bỏ hiện thực khách quan và trong lúc đó vẫn để ý đến hiện thực đã chối bỏ—tất cả những yếu tố này đều cần thiết phải có chứ không thể thiếu được.'(4)

Giờ ta hãy đọc một vài chiến lược của Tôn Tử: 

'Các âm mưu quỷ kế bí mật nên được che giấu công khai hơn là kín đáo, và thái độ thật công khai thường chứa chấp bí mật tột độ.' 

'Ta che giấu tư tưởng thù nghịch của ta bằng cách tỏ ra hết sức thân thiện bề ngoài. Ta tự làm cho kẻ thù ta phải mến ta, khiến chúng phải tin ta. Khi ta được chúng tin thì ta có thể bí mật chống lại chúng.'

'Tự đả thương nhẹ hay đả thương không trí mạng đến bản thân để thu phục lòng tin của kẻ thù. Đây là phương pháp đặc biệt hay được các điệp viên áp dụng: tức là làm cho mình có vẻ như nạn nhân của chính phe của mình để thu phục cảm tình và lòng tin của kẻ thù.'
(5)

Tam Quốc Diễn Nghĩa miêu tả niềm tin nhị trùng tác động như thế nào trong thực tế, và Tôn Tử Binh Pháp là một cẩm nang huấn luyện cách thực hành niềm tin nhị trùng. (Có quá nhiều Lưu Bị trong suốt lịch sử Trung Hoa, nổi tiếng nhất dĩ nhiên là Mao Trạch Đông.) 

Hãy so sánh các văn bản nền tảng này của đế quốc Trung Hoa với văn bản của đế quốc La Mã, quyển Aeneid của Virgil. Aeneas của thành Troy có hai đức tính chính: anh ta ngoan ngoãn và thành thật. Nhiều người Hoa sẽ xem anh ta là thằng ngốc, và ngay cả tác giả Virgil cũng tả anh ta là thiếu bất cứ động lực hoặc sáng kiến nào của chính mình. Anh ta không phải là một tư tưởng gia mà cũng không phải là một người có khả năng tranh luận, và anh ta chỉ thực sự trở nên sống động và biểu lộ cá tính của mình trên chiến trường và đã gieo mầm phát sinh đế quốc La Mã khi lãnh đạo dân thành Troy của anh để chiến thắng các bộ lạc La Tinh dàn trận đánh anh ta.

Người Mỹ thì ngưỡng mộ nhất là George Washington, một chiến sĩ đơn giản và thành thật đã sáng lập một quốc gia và để đổi lại công lao đó thì ông chỉ xin về hưu tại nông trại của ông ở Virginia. Cả Aeneas lẫn George Washington ắt phải lấy làm kinh tởm nếu đọc Binh Pháp Tôn Tử, và nhiều người Hoa chắc sẽ cho cả hai người này là chất phác và ngây thơ. Nhưng cả hai nhân vật này đều là những bậc anh hùng của hai đế quốc vĩ đại nhất trong lịch sử, và không phải ngẫu nhiên mà thành. Một quốc gia tôn sùng Aeneas hay Washington thì cũng thường tôn sùng công sức làm việc chăm chỉ và lòng thành thật, bổn phận và danh dự. Còn một quốc gia tôn sùng Tôn Tử và Mao Trạch Đông thì trong nhiều trường hợp cũng tôn sùng tính bất lương và hai mang, lừa dối và quỷ kế:

Trung Cộng đầy dẫy những kẻ mang niềm tin nhị trùng, và Orwell đã cảnh cáo chúng ta là hậu quả cuối cùng của niềm tin nhị trùng là một dân tộc không có khả năng tiến bộ, một nền văn hóa đắm chìm trong trò quỷ thuật hướng nội là lừa dối và hai mang. Do đó, lịch sử lâu đời của Trung Hoa không phải là thực lực quý báu gì cả mà chính là một tai ương bị nguyền rủa nặng nề nhất.(6)

Source: http://the-diplomat.com/china-power/...ethink-nation/
______________________
Chú thích của người dịch:

(*) Bài "Ngôn Ngữ, Văn Hóa và Chiến Tranh" (Language, Culture and War) của cùng tác giả
(1) Tác giả là Niccolò Machiavelli. Có bản dịch là Quân Vương
(2) How to Win Friends & Influence của Dale Carnegie
(3) Tác giả Trại Súc Vật1984 nói trên
(4) Trích từ quyển 1984 của Orwell
(5) Trung Cộng và Việt Cộng học cùng… binh pháp nham hiểm này!
(6) Thử ngẫm thêm: phải chăng Việt Nam cũng chịu cùng tai ương đó? Phải chăng người Việt quả có “xấu xí” vì cũng tôn sùng niềm tin nhị trùng và những quỷ kế trong Tôn Tử Binh Pháp?

Bạn Nam Yết chuyển

No comments: