Monday, December 12, 2011

Tầu ăn cắp bí mật quân sự của Mỹ như thế nào?





Một tàu ngầm Trident của Hoa Kỳ mang tên lửa đạn đạo đang nổi lên trên mặt nước ở Thái Bình Dương –Mark Meyer/Time & Life Pictures — Getty Images

Trong khi Hoa Kỳ mải mê chống gián điệp Nga và mạng lưới Al-Qaeda, thì các gián điệp Trung Quốc đã tìm cách lấy được rất nhiều tài liệu mật về vũ khí của Hoa Kỳ. Tiêu biểu là vụ bản thiết kế đầu đạn hạt nhân hiện đại W-88 được tác giả David Wise phân tích trên tờ New York Times.


Vào năm 1995, một người đàn ông trung niên Trung Quốc bước vào văn phòng của CIA Ở Đông Nam Á và cho hay đã tìm ra các tài liệu bí mật của Trung Quốc. Trong số các tài liệu đó có bản thiết kế tối mật của đầu đạn hạt nhân W-88 của Hoa Kỳ. Đó là loại đầu đạn hạt nhân của các tên lửa được trang bị trên tàu ngầm Trident .
Ông ta đã kể cho CIA nghe một câu chuyện kì quái đến nỗi nó lại có vẻ là sự thật. Ông ta cho biết mình đang làm việc cho một chương trình hạt nhân của Trung Quốc và đã tìm thấy nơi lưu giữ các tài liệu mật. Ông ta đã đến khu lưu trữ tài liệu vào ban đêm và ở đó trong vòng 3 tiếng đồng hồ, lục soát hàng trăm tài liệu và cho chúng vào một cái túi vải thô. Sau đó ông ta ném cái túi qua cửa số tầng hai để qua mặt nhân viên bảo vệ. Không may là cái túi bị rách và giấy tờ bị rơi vương vãi.
Ra đến ngoài, ông ta thu lượm lại các tài liệu và nhét chúng vào cái túi đã bị rách. Mặc dù nhiều tài liệu có giá trị về tin tức tình báo, nhưng bộ tài liệu về đầu đạn hạt nhân W-88 đã khiến bộ phận phản gián Hoa Kỳ nổi giận bởi lẽ nó chứa các chi tiết tối mật về thiết kế đầu đạn hạt nhân loại tiên tiến vượt trội của Mỹ.
Trong hàng thập kỉ qua, Hoa Kỳ đã sản xuất các loại đầu đạn hạt nhân loại nhỏ và người Trung Quốc đã tuyệt vọng trong việc tự mình sản xuất các đầu đạn hạt nhân loại đó. Quân đội Trung Quốc đã và vẫn phải đi theo sau Hoa Kỳ.
Việc Trung Quốc giành được bản thiết kế mật của W-88 là một ví dụ đau đớn nhất của thực tế là các cơ quan phản gián của Hoa Kỳ đã quá chậm chạp trong việc nhận ra rằng: ngay khi Trung Quốc trở thành cường quốc kinh tế toàn cầu, nước này đã xây dựng một mạng lưới tình báo đẳng cấp quốc tế có thể ngang ngửa với CIA.
Trong suốt thời kì chiến tranh lạnh, hàng chục điệp viên phản gián của FBI và CIA đã theo sát các gián điệp của Xô Viết và sau đó là của Nga. Các nhân viên KGB lúc đó bị coi là kẻ thù, còn Trung Quốc lúc đó là mục tiêu ít quan trọng hơn. Chỉ có rất ít điệp vụ FBI chuyên theo dõi các gián điệp Trung Quốc và công việc đó của họ không được coi trọng lắm. Việc Washington không tiếp tục theo dõi tình báo Trung Quốc đã giúp nước này thành công trong hoạt động gián điệp chống lại Hoa Kỳ.
Cơ quan tình báo nước ngoài và cơ quan tình báo quân đội của Trung Quốc đã rất chủ động trong việc cài gián điệp vào ngành công nghiệp quốc phòng của Hoa Kỳ cụ thể là các phòng thí nghiệm hạt nhân, thung lũng Silicon, các cơ quan tình báo và các mục tiêu nhạy cảm khác.
Hồi tháng giêng năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó, Robert M. Gates, đã đến thăm Bắc Kinh nhân sự kiện Trung Quốc tiết lộ máy bay chiến đấu tàng hình J-20. Vụ tiết lộ này cho thấy Trung Quốc đã đạt được công nghệ tàng hình, giúp nước này có thể khiến các máy bay, tàu chiến và tên lửa của mình không lọt vào lưới radar – công nghệ đó giống công nghệ của Hoa Kỳ mà trong hàng năm trời Trung Quốc đã lén lút tìm mọi cách ăn cắp và chiếm giữ.
Sau sự kiện đó một tháng, một kĩ sư về máy bay ném bom tàng hình B-2 của tập đoàn Northrop Grumman đã bị kết án tù 32 năm vì đã chuyển giao các bí mật quốc phòng cho Trung Quốc. Để nhận được chỉ 100.000 USD, anh này đã giúp thiết kế một hệ thống tàng hình thoát khí cho các tên lửa hành trình của Trung Quốc khiến đối phương khó tìm ra và tiêu diệt.
Hồi tháng Tám, các báo cáo được cho là của các nhân viên tình báo Hoa Kỳ cho biết Pakistan đã cho phép các chuyên gia Trung Quốc được điều tra phần còn lại của chiếc trực thăng đã bị đâm trong đặc vụ tiêu diệt Osama bin Laden hồi tháng Năm. Mặc dù Pakistan và Trung Quốc đã phủ nhận báo cáo trên, Bắc Kinh tỏ ra rất quan tâm đến việc điều tra về phần đuôi của chiếc trực thăng có tên gọi Diều Hâu Đen. Phần đuôi của chiếc trực thăng là phần không bị hỏng có thế giúp Trung Quốc điều tra thêm về các chi tiết bí mật công nghệ tàng hình của Hoa Kỳ.


Trong khi đó, bí ẩn về vụ rò rỉ thiết kế đầu đạn hạt nhân W-88 vẫn chưa được giải mã. Lúc đầu, chính quyền Mỹ nghi ngờ Wen Ho Lee, một nhà khoa học hạt nhân của Los Alamos đã làm rò rỉ thiết kế W-88, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy ông đã làm việc đó. Ông đã bị giam giữ riêng trong vòng 9 tháng và cuối cùng đã nhận được lời xin lỗi từ thẩm phán liên bang phụ trách vụ của ông.
Do Bộ Năng lượng chỉ sai đường, FBI đã theo đuổi không đúng người trong 3 năm. Cuối cùng vào năm 1999, Robert Bryant, sau đó là giám đốc FBI đã đưa Stephen Dillard, một cựu điệp viên phản gián, vào danh sách đối tượng điều tra chính về việc Trung Quốc đạt được bản thiết kế của W-88 như thế nào.
Cuộc điều tra do FBI chỉ đạo thực hiện với sự tham gia của 300 thanh tra từ 11 cơ quan điều tra của liên bang trong đó có Bộ Quốc phòng, CIA, Cơ quan An ninh quốc gia và Cơ quan tình báo quốc phòng. Vào tháng 11/9/2011, một số thanh tra đã thiệt mạng khi máy báy của hãng hàng không Hoa Kỳ do những tên khủng bố khống chế đã lao vào Ngũ Giác Đài.
Nhưng cuộc điều tra về công việc của ông Dillard vẫn tiếp diễn trong bí mật, nhóm điều tra đã tìm hiểu các phòng thí nghiệm vũ khí hạt nhân, các cơ quan chính phủ và các nhà thầu phụ quốc phòng ở California và một vài bang khác sản xuất các linh kiện của đầu đạn hạt nhân. FBI đã thẩm vấn ông Dillard, lúc đó đang sống ở Hoa Kỳ, nhưng ông ta không thể cho ra manh mối về nguồn gốc của bộ tài liệu đó.
Cuối cùng, sau 4 năm, cuộc điều tra kết thúc khi các cơ quan tình báo Hoa Kỳ không thể tìm ra bằng cách nào mà Trung Quốc chiếm được bản thiết kế mật của đầu đạn hạt nhân. Câu trả lời vẫn đang được khóa chặt ở Bắc Kinh.
Trong hơn thập kỉ sau đó, các gián điệp Trung Quốc đã tiếp tục thực hiện các hoạt động gián điệp với các mục tiêu quân sự. Năm ngoái, một quan chức Lầu Năm Góc đã bị bắt giam. Đó là người cuối cùng bị FBI bắt trong mạng lưới gián điệp lỏng lẻo của Trung Quốc ở khu vực bờ biển phía Đông và Tây nước Mỹ, đứng đầu là Lin Hong, một gián điệp kì cựu ở Bắc Kinh. Những dữ liệu bị đưa sang phía Trung Quốc bao gồm thông tin về Hệ thống chuyển động yên tĩnh của Hải quân được thiết kế giúp tàu ngầm khó bị phát hiện hơn, thông tin về máy bay ném bom B-1 và các thương vụ bán vũ khí của Hoa Kỳ cho Đài Loan.
Trung Quốc thậm chí còn cài người thâm nhập vào FBI. Năm 2003, Katrina Leung, một người đưa tin của FBI đã bị phát hiện làm gián điệp hai mang cho phía Bắc Kinh. Điều đáng ngạc nhiên là hai vị lãnh đạo của FBI ở California hoạt động phản gián đối với Trung Quốc đã cùng sa vào bẫy tình của cô Leung và cho phép cô này tiếp cận tài liệu mật và thậm chí còn giúp cô ta mang tài liệu về nhà mình.


Thành công của Trung Quốc trong việc ăn cắp các bí mật của Hoa Kỳ sẽ còn tiếp tục là một thách thức đối với lực lượng phản gián. Và các điệp viên phản gián ở Washington vốn chỉ quen giới hạn hoạt động của chiến tranh lạnh và các cuộc chiến chống lại Al Qaeda, phải suy nghĩ lại về ưu tiên công việc của mình và dịch chuyển sự tập trung, nguồn lực và năng lực của mình hướng về phía Đông chống lại các gián điệp Trung Quốc.
Nếu không, sẽ có thêm các bí mật giống như W-88 tìm đường sang Bắc Kinh.
T.L./Infonet
Source: China’s Spies Are Catching Up
Trung Quốc ăn cắp bí mật quân sự của Mỹ như thế nào?

Bạn Nam Yết chuyển

No comments: