Wednesday, December 28, 2011

Trung Cộng Loay Hoay Vì Chẳng Có Gì Để Khoe?

Tôn Tử và nghệ thuật nhu lực.
Trung Cộng đang dùng một phương tiện mới để gia tăng ảnh hưởng của họ tại ngoại quốc.
Họ có dùng đúng phương tiện hay không?


Nghiễm Nhiêu (Guangrao) và Tuệ Mẫn (Huimin) - PBD dịch


TẠI QUẬN HUỆ DÂN ở vùng châu thổ Hoàng Hà, nỗ lực của Trung Cộng nhằm đẩy mạnh việc gầy dựng sức quyến rũ của nước này đối với thế giới đã khơi dậy nhiệt tâm của các viên chức địa phương. Thanh niên thiếu nữ mặc binh phục cổ xưa bước theo kiểu quân hành ngang sân khấu lộ thiên sũng nước mưa. Phần trình diễn của họ là để tôn vinh chiến lược gia trong thế kỷ thứ 6 trước Tây Lịch là Tôn Tử, tác giả của nhiều câu cách ngôn xúc tích mà các chuyên gia về lãnh vực quản trị trên khắp thế giới đều ưa thích. Các cán bộ địa phương ngồi trên ghế nhựa lạnh lùng chịu đựng màn trình diễn ướt sũng.

Quận Huệ Dân tự xem đây là nơi sinh của Tôn Tử và do đó cũng là nguồn phát xuất óc thông thái thời cổ mà các viên chức tin rằng có thể giúp cho thế giới thấy được sức quyến rũ của Trung Cộng. Bảng hiệu bị ướt có ghi ngày được cho là ngày sinh của Tôn Tử. Những người tổ chức cố khích động mọi người hăng hái bằng pháo bông và một màn ảnh điện tử khổng lồ hiện lên hình một học giả có chòm râu và một quyển sách mỏng, “Binh Pháp”, một tập sách nhỏ 6.000 chữ. Dưới mái hiên của tấm bạt, các phóng viên của tờ báo của Đảng Cộng Sản, tờ Nhân Dân Nhật Báo, đang truyền hình trực tiếp buổi lễ này lên website của họ. Thế giới sẽ chứng kiến dù cho hầu hết dân địa phương đều ở nhà.

Tại một khách sạn địa phương là hội nghị về Tôn Tử. Đại Tá Lưu Xuân Chí thuộc Viện Đại Học Quốc Phòng của Trung Cộng (cũng là một thành phần lãnh đạo của Hội Nghiên Cứu Tôn Tử Binh Pháp của Trung Cộng) nói với những người tham gia hội nghị năm nay rằng Tôn Tử là một phần của gia tài người dân thế giới”. Ông ta nói việc quảng bá tác phẩm này là “một bước quan trọng trong nỗ lực tăng cường nhu lực(1) của Trung Cộng”. Tôn Tử có thể viết ra các mưu lược cho chiến tranh, nhưng các học giả của Huệ Dân tụ tập tại đây lại muốn gọi tác giả binh pháp này là một người phản chiến. Bằng chứng họ đưa ra là một trong các nhận xét nổi tiếng nhất của Tôn Tử: “Nhà lãnh đạo có tài sẽ chinh phục được binh sĩ của kẻ thù mà không cần phải giao tranh.” Giới hâm mộ Tôn Tử tại Trung Cộng nói rằng còn bằng chứng nào hơn được thế để chứng minh là nước này luôn luôn chuộng hòa bình?

Các lãnh tụ Trung Cộng, nhất quyết muốn thuyết phục Hoa Kỳ là họ không có ý hại ai, đã dùng Tôn Tử cho cứu cánh của họ. Vào năm 2006, Chủ Tịch Hồ Cẩm Đào tặng Tổng Thống George Bush nhiều bản in bằng lụa tác phẩm “Binh Pháp” bằng tiếng Anh và tiếng Hoa (xem ra không phải là để đề nghị những cách chiến đấu hữu hiệu hơn tại Afghanistan và Iraq, mà là có ý nói rằng không cần phải gây chiến tranh từ đầu). Giả Khánh Lâm, ủy viên hàng thứ tư của cơ cấu tối cao của đảng, Ủy Ban Thường Vụ Bộ Chính Trị, đã nói trong năm 2009 là nên dùng Tôn Tử để quảng bá “hòa bình vững bền và thịnh vượng chung”. Hồi Tháng Bảy năm nay, viện Đại Học Nhân Dân của Bắc Kinh đã tặng một quyển “Binh Pháp” cho Đô Đốc Michael Mullen, chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng liên quân của Hoa Kỳ, trong một chuyến đến thăm thủ đô nước này.

Trung Cộng từ lâu nay vẫn tự hào về Tôn Tử. Mao Trạch Đông là người rất hâm mộ Tôn Tử, đến mức cho người xâm nhập lãnh thổ địch quân trong thời nội chiến để tìm một bản “Binh Pháp”. Nhưng chỉ mới tương đối hồi gần đây đảng này mới chụp lấy ý niệm gầy dựng nhu lực, một từ ngữ do một người Mỹ đã đặt ra từ 20 năm trước, ông Joseph Nye của Viện Đại Học Harvard, một cựu chủ tịch Hội Đồng Tình Báo Quốc Gia của Hoa Kỳ và là viên chức cao cấp của Ngũ Giác Đài, để miêu tả “khả năng có được những gì mình muốn bằng sức quyến rũ hơn là cưỡng ép hoặc mua chuộc”. Việc chủ tịch họ Hồ dùng từ ngữ này trong năm 2007 cho thấy có thay đổi trong tư tưởng của đảng. Trong suốt thập niên 1990 bước sang thế kỷ này, Trung Cộng đã kêu gọi áp dụng khẩu hiệu của Đặng Tiểu Bình là “xây dựng kinh tế làm nòng cốt”. Trong mười năm qua nỗ lực gầy dựng nhu lực đã trở thành một ưu tiên mới của đảng.

Chính ông Nye cũng liên kết nhu lực với Tôn Tử trong một quyển sách ấn hành năm 2008, “Các Khả Năng Lãnh Đạo”(2). Ông nói Tôn Tử đã kết luận rẳng “Tải tình nhất là không bao giờ phải chiến đấu vì khi bắt đầu giao tranh thì có nghĩa là đã thất bại về chính trị”. Muốn là chiến sĩ “khôn ngoan”, ông Nye nói, thì người ta phải hiểu “nhu lực của sức quyến rũ cũng như cương lực(3) của biện pháp cưỡng ép”.

Họ Hồ có thể không công khai dùng ngay từ ngữ của ông Nye, nhưng sau khi nhậm chức vào năm 2002 không bao lâu thì ông ta đã bắt đầu cố tìm cách biến Trung Cộng thành một nhãn hiệu quyến rũ hơn. Vào Tháng Sáu năm 2003, một nhóm viên chức tuyên truyền cao cấp và chuyên gia về chính sách đối ngoại đã họp tại Bắc Kinh lần đầu tiên để thảo luận về tầm quan trọng của nhu lực. Vào cuối năm đó thì nhà cầm quyền đã bắt đầu tung ra một từ ngữ mới, “vươn lên trong hòa bình” để miêu tả vấn đề phát triển của Trung Cộng. Họ muốn nhắn nhủ rằng Trung Cộng sẽ không lặp lại lịch sử chiến tranh giữa các cường quốc lớn mới vươn lên với các cường cuốc lâu đời từ trước. Trong vòng vài tháng sau khi tung ra khẩu hiệu này, các viên chức này đã quyết định sửa lại. Họ lo ngại là ngay cả chữ “vươn lên” cũng nghe có vẻ quá đe dọa. Từ ngữ này được đổi thành “phát triển trong hòa bình”. Họ Hồ cũng dùng chữ “hòa thuận” trong các bài diễn văn nói đến việc Trung Cộng theo đuổi một “thế giới hòa thuận” và một “xã hội hòa thuận.”


Từ sách đỏ sang giày đỏ (4)

Kết quả không rõ rệt hẳn ra phía nào. Với tình trạng những nước giàu có đang xuống dốc, mô hình kinh tế của Trung Cộng lại thấy khả quan. Đà phát triển do nhà nước thúc đẩy cũng như thị trường có vẻ thành công, và mức thành công này của Trung Cộng đã giúp thuyết phục được nhiều người là các công ty nhà nước nên giữ một vai trò lớn trong các nền kinh tế. Các nhà kinh doanh trên thế giới ngưỡng mộ hiệu năng của cả lãnh vực công và tư tại Trung Cộng. Phần đầu tư của Trung Cộng vào các quốc gia Phi Châu cũng giúp cho đại lục này phát triển. Nhưng mô hình kinh tế luôn luôn gắn liền với mô hình chính trị; và, như mùa xuân Ả Rập đã cho thấy rõ, chủ nghĩa độc tài không hấp dẫn gì được ai ở Tây Phương hoặc bất cứ nơi nào khác.

Cương lực của Trung Cộng, xét về phương diện tiền bạc, thì chắc chắn đang gia tăng; nhưng việc họ dùng sức mạnh đó cẩu thả bừa bãi thì không được ai ngưỡng mộ. Thái độ hùng hổ của họ tại hội nghị về thay đổi khí hậu tại Copenhagen vào năm 2009, các tranh chấp của họ với Nhật Bản về quyền đánh cá trong năm 2010 và hành vi cương quyết hơn của họ dạo gần đây tại Biển Đông đã làm cho mọi người phải lo ngại về bản chất sức mạnh ngày càng gia tăng của họ, nhất là trong số các nước láng giềng vốn từng xem việc Trung Cộng vươn lên phần lớn là hiền hòa. Các mối lo ngại đó lại càng tăng thêm nữa vì Trung Cộng vẫn tiếp tục các nỗ lực nội bộ để đàn áp những người bất đồng chính kiến, kiểm soát internet và bóp nghẹt mức phát triển một xã hội có tự do dân quyền.

Nhưng đảng lại không thấy như vậy. Sau một phiên họp hồi Tháng Mười năm nay, Ủy Ban Trung Ương đảng tuyên bố là nỗ lực phát huy nhu lực đã “có kết quả thấy rõ”. Nhưng họ nói rằng cần phải cấp bách có thêm nỗ lực nữa. Nhiều người tại Trung Cộng đồng ý. Từ ngữ “hòa thuận” nay được người dân thường tại nước này sử dụng theo nghĩa mỉa mai châm biếm là đàn áp những người bất đồng chính kiến. Tại ngoại quốc, các viên chức đã cố thuyết phục Tây Phương bằng cách bỏ ra hàng tỷ bạc(5) để thành lập các cơ quan truyền thông toàn cầu khổng lồ để cạnh tranh với nhu lực của các nhãn hiệu như CNN và New York Times. Một viên chức tuyên truyền cấp tỉnh đã phàn nàn hồi Tháng Giêng là Hoa Kỳ, với dân số chỉ chiếm 5% dân số thế giới, lại “kiểm soát” khoảng 75% các chương trình truyền hình trên thế giới. “Kết hợp với ảnh hưởng của các nhãn hiệu và sản phẩm như Hollywood, Kentucky Fried Chicken, McDonald’s, jeans và Coca-Cola, nền văn hóa Hoa Kỳ đã lan tràn rộng rãi ra khắp thế giới,” ông ta viết như thế.

Trung Cộng bị què quặt vì một nền văn hóa đương thời không quyến rũ được ai trên thế giới. Âm nhạc của Trung Cộng không có được mấy người ái mộ ở ngoại quốc; thực ra, chính giới trẻ của Trung Cộng thường ưa thích các nhạc sĩ từ Hong Kong, Đài Loan, Singapore và Hoa Kỳ hơn. Ý thức hệ chính trị của họ thì chẳng có mấy ai theo: Mao Trạch Đông và hồng thư không còn là biểu tượng đặc biệt như đã từng một thời như vậy trong nền văn hóa đi ngược nền văn hóa chính ở Tây Phương hồi thập niên 1960. Dù có bước quân hành của binh lính Tôn Tử tại quận Huệ Dân, các viên chức nay biết rõ là muốn quảng cáo Trung Cộng ra ngoại quốc thì phải tránh đề cập đến chủ nghĩa độc tài đảng trị. Đảng và ý thức hệ của đảng hầu như không thấy đâu cả trong phần biểu diễn hào nhoáng của buổi lễ khai mạc Thế Vận Hội tại Bắc Kinh năm 2008. Vì khó đem hiện tại ra bán được cho ai nên Trung Cộng phải dựa rất nhiều vào thời xa xưa.

Đảng vẫn không đồng ý với quan điểm của ông Nye là nhu lực phần lớn là từ các cá nhân, lãnh vực tư nhân và xã hội có tự do dân quyền. Do đó chính quyền Trung Cộng đã đi đầu trong việc quảng bá các biểu tượng văn hóa cổ xưa mà họ nghĩ có thể quyến rũ được thế giới. Ngay cả về mặt này họ cũng không có được bao nhiêu chọn lựa. Phật Giáo, vốn cũng nhập từ ngoại quốc vào Trung Hoa, đã thuộc độc quyền của Đạt Lai Đạt Ma. Cả Phật Giáo lẫn Lão Giáo, một tôn giáo của Trung Hoa, thì lại không thích hợp với một học thuyết vô thần của đảng. Cuối cùng chỉ còn được vài nhân vật để chọn lựa.

Trước hết là Khổng Tử. Không có bao nhiêu người Tây Phương có thể trích dẫn lời Khổng Tử. Nhưng đa số đều xem Khổng Tử là một nhân vật thông thái với chòm râu thường đưa ra những câu cách ngôn sâu sắc hơn nhiều so với chủ nghĩa tiêu thụ hời hợt của Hoa Kỳ. Đảng đang quảng bá Khổng Tử như một loại ông già Noel mà không có kiểu vui vẻ không đứng đắn; một học giả góp phần phát triển chủ nghĩa độc tài của Trung Hoa trong nhiều thế kỷ qua mà đảng chỉ lướt qua sơ sài và cốt nhắc đến những câu kinh êm tai của Khổng Giáo: nhân từ, đạo nghĩa và (quan trọng đối với họ Hồ) hòa thuận. Vì lý do đó mà Trung Cộng đã dùng tên của Khổng Tử để đặt cho các viện đào tạo ngôn ngữ mà họ đã bắt đầu thành lập ở ngoại quốc vào năm 2004. Hiện nay có hơn 300 Viện Khổng Tử trên toàn thế giới, khoảng một phần tư số này đặt tại Hoa Kỳ.

Nhưng Khổng Tử lại có nhiều rắc rối. Mao và các cộng sự viên của y đã xem triết thuyết của Khổng Tử là yếu tố gắn chặt hệ thống phong kiến mà họ đã phá hủy; và do đó các toan tính quảng bá Khổng Tử đều dễ gây chia rẽ trong Đảng Cộng Sản. Hồi Tháng Giêng, Bảo Tàng Viện Lịch Sử Quốc Gia đã khánh thành rầm rộ một bức tượng Khổng Tử bằng đồng đứng cao 9.5 thước (31 feet) ngay cổng trước của Công Trường Thiên An Môn. Ba tháng sau bức tượng này bị âm thầm dẹp đi. Việc Khổng Tử có mặt quá sát vùng “đất thánh” của chủ nghĩa cộng sản Trung Hoa đã khiến cho phe bảo thủ cứng rắn phẫn nộ. Họ xem đó là điều sỉ nhục đến Mao, mà tấm ảnh chân dung khổng lồ của y được treo bên góc đối diện.

Tôn Tử thì không đến nỗi bị lấm bẩn nhiều đến thế. Tôn Tử là tên tuổi lớn duy nhất trong số các triết gia cổ xưa của Trung Hoa hãy còn tồn tại trong thời kỳ cộng sản mà hầu như không bị xây xát sứt mẻ. Trong thập niên 1970, Tôn Tử được đem ra làm gương trong những cuộc đấu tranh của Mao với các lãnh tụ mà y không thích. Việc nghiên cứu Tôn Tử, theo một bài tiểu luận tiêu biểu ấn hành vào năm 1975, đã giúp hướng dẫn hữu ích để “phê bình đường lối quân sự cơ hội hữu khuynh” và “các quan điểm phản động của những thành phần Khổng Giáo”. Đảng vẫn duy trì Khổng Tử ở hàng tiền đạo trong nỗ lực gầy dựng nhu lực của họ, nhưng Tôn Tử đang được đưa dần lên trước.

Đó là vì một phần do Tây Phương nhiệt tình với Tôn Tử nên dễ thuyết phục hơn. “Binh Pháp” được nhiều người đem ra trích dẫn trong câu chuyện sau bữa ăn nếu họ thiếu ý tưởng thảo luận. Lấy ví dụ (từ bản dịch năm 1910 của Lionel Giles, bản dịch chính xác đầu tiên sang Anh Ngữ): “Lý tưởng nhất là chiếm trọn nước địch mà vẫn còn nguyên vẹn; phá nát và tiêu hủy nước địch thì không hay bằng”; “chuyện binh đao đều dựa vào mưu mẹo lừa gạt”; và “làm tướng phải lặng lẽ và bí hiểm, chính trực và vô tư ”. Tôn Tử đã đi trước kỹ nghệ sản xuất pháo Giáng Sinh giật bằng tay(6) cả hai ngàn năm trăm năm.

Tại Tây Phương, lời dạy của Tôn Tử đã được đem ra áp dụng theo những cách thích nghi với mọi khía cạnh giao thiệp từ phòng họp hội đồng quản trị cho đến phòng ngủ. Kỹ nghệ ấn phẩm tung ra nhiều bản cải biến từ binh pháp Tôn Tử, để ấn hành các tác phẩm khuyến khích tinh thần như “Tôn Tử Để Thành Công: Cách Áp Dụng Binh Pháp để Giải Quyết Khó Khăn và Đạt Được Các Mục Tiêu Quan Trọng trong Đời”(7) (Gerald Michaelson và Steven Michaelson, 2003), cố vấn quản trị như “Tôn Tử cho Phụ Nữ: Binh Pháp để Thành Công trên Thương Trường”(8) (Becky Sheetz-Runkle, 2011) và hướng dẫn thể thao như “Chơi Gôn và Binh Pháp: Các Kế Sách Vĩnh Cửu của Tôn Tử Có Thể Biến Đổi Cách Chơi Như Thế Nào”(9) (Don Wade, 2006). Riêng Amazon cũng có bán 1.500 sách khác nhau theo khổ sách nhỏ đóng bìa giấy. Paris Hilton, một người Mỹ nổi tiếng và có châm ngôn riêng của cô ta: “Đi đâu cũng mặc quần áo đẹp, cuộc đời quá ngắn để phải hòa lẫn vào thiên hạ(10), cũng nghiên cứu binh pháp của Tôn Tử (xem hình dưới).



Về đề tài quan trọng hơn thì trong quyển sách mới đây của Henry Kissinger “Về Trung Cộng”(11), ông ta cho biết là ông ta lấy làm kinh ngạc trước việc các viên chức của Trung Cộng xem chừng như dựa nhiều vào chiến lược ngày xưa khi ông ta đến nước này trong thập niên 1970 trong cương vị cố vấn an ninh quốc gia của Hoa Kỳ. Ông ta thấy Mao “vay mượn từ Tôn Tử nhiều hơn là Lenin" trong chính sách đối ngoại của y. Đối với một số sử gia, Mao là một kẻ độc tài bạo ngược có tính khí thất thường thật nguy hiểm. Đối với Kissinger, Mao đã “áp dụng khá nhiều kế sách của Tôn Tử để cùng lúc theo đuổi nhiều chiến lược xem chừng như mâu thuẫn nhau”. Trong khi Tây Phương xem trọng hành động anh hùng trong các cuộc giao tranh, thì “Trung Hoa xem trọng những phương pháp tế nhị, quanh co gián tiếp và kiên nhẫn tích lũy dần ưu thế tương đối”, ông Kissinger nói nhiều đến việc này trong một chương về “Chính Trị Thực Tiễn của Trung Cộng và Binh Pháp Tôn Tử”(12). Đây là lời khen từ một nhân vật thực hành lối Chính Trị Thực Tiễn hàng đầu của Tây Phương, mà đường lối ngoại giao không ý thức hệ của ông ta đã giúp Tổng Thống Nixon mở chuyến công du đến Trung Cộng vào năm 1972.

Nhưng khi nhìn kỹ hơn thì sẽ thấy được các sai lầm của Tôn Tử khi đem ra làm phương tiện gầy dựng nhu lực. Các nỗ lực của Trung Cộng nhằm uốn nắn Tôn Tử lại thành một nhân vật của hòa bình lại vấp phải trở ngại là binh pháp này chính là cẩm nang hướng dẫn cách thắng trận, được quân lực Hoa Kỳ tận tình nghiên cứu không kém gì Mao. Sam Crane thuộc Williams College tại Massachusetts nói rằng trong vụ tai tiếng nhà tù Abu Ghraib tại Iraq thì ông ta thích kể cho sinh viên theo học các lớp về Tôn Tử của ông (một số sinh viên đang chuẩn bị nhập ngũ) rằng “Binh Pháp” khuyến cáo nên đối xử tử tế với tù binh. Nhưng, ông nói: “Tôi nghĩ yếu tố làm cho ai cũng biết mặt nham hiểm của [quyển sách] này chính là yếu tố chiến tranh và tranh giành. Chiến tranh không phải là một lý thuyết của Tây Phương: người Trung Hoa mới thực sự có khiếu về chiến tranh đã từ lâu.”

Các nhà chiến lực Hoa Kỳ thường đọc “Binh Pháp” để hiểu Trung Cộng không phải là một nước có nhu lực quyến rũ và đáng tin, mà là một nước có thể trở thành kẻ thù. Một sĩ quan chiến tranh tâm lý của Bộ Chỉ Huy Trung Ương Lục Quân Hoa Kỳ, Trung Tá Richard Davenport, lập luận trong Tập San Quân Lực vào năm 2009 là Trung Cộng đang áp dụng kế sách của Tôn Tử để mở cuộc chiến trên mạng điện toán với Hoa Kỳ. Câu trích có thể dùng để dẫn chứng ý đồ này là “Điều quan trọng trên hết trong chiến tranh là tấn công chiến lược của kẻ thù”.

Lý do nhiều người ở Tây Phương thích Tôn Tử vẫn là nhờ Hollywood, nguồn nhu lực của Hoa Kỳ, hơn là các nỗ lực của chính Trung Cộng. John Minford, bản dịch của ông ta được ấn hành vào năm 2002, nói rằng sau khi Gordon Gekko, một nhân vật gian ác chuyên mua bán các công ty do Michael Doulas đóng trong phim “Wall Street”, trích một câu của Tôn Tử (“mỗi trận đều phải có cơ thắng trước khi giao tranh”), quyển sách này đã mang một “vẻ thần bí” trong số các sinh viên ngành kinh doanh.

Giáo sư Minford nói rằng ông cảm thấy thật khó hiểu về chuyện này. “Tôi đã phải vật lộn với quyển sách này, bằng tiếng Hoa thực sự, và đây là một tập sách mỏng hết sức lạ kỳ và nghịch nhĩ thật khó chịu cũng như hết sức lộn xộn không đâu vào đâu, gồm một số câu văn có lẽ đã bị sai lạc hoặc sửa đổi rất nhiều, và cứ lặp đi lặp nhiều lần mà chẳng nói lên được bao nhiêu ý nghĩa.” Ông gọi tác phẩm này (mà hiện vẫn còn tranh cãi ai mới thực sự là tác giả) “nói chung chỉ là một cẩm nang phát xít hướng dẫn cách áp dụng những ý niệm có thể có tác dụng để tiêu diệt hoàn toàn nhân loại.”

Một số người Hoa công khai nói rằng không nên dùng nền văn hóa cổ để phát huy nhu lực. Bàng Trung Anh của Viện Đại Học Nhân Dân nói rằng cách này không giúp Trung Cộng được ngoại quốc trọng vọng hơn. Ông Bàng, một cựu nhân viên ngoại giao nói rằng làm như vậy đã không có lợi mà trái lại còn cho thấy rõ điều mà ông ta gọi là “tình trạng nghèo nàn tư tưởng” tại Trung Cộng ngày nay. “Vì không có tấm gương nào của Trung Cộng nên người ta hướng về lại Khổng Tử và hướng về lại Tôn Tử.” Ông Bàng lập luận rằng dân chủ là nguồn nhu lực tốt nhất. Chủ Tịch Hồ không ngó ngàng gì nhiều đến ý tưởng đó.

Theo ông Nye, nhu lực có nhiều cơ hội thành công hơn khi nền văn hóa của một nước gồm có “các giá trị đại chúng” và các chính sách của họ “phát huy cùng các mối quan tâm như những người khác”. Nhưng nỗ lực phát huy nhu lực của Trung Cộng lại diễn ra vào cùng thời điểm mà các lãnh tụ Trung Cộng càng ngày càng cực lực bác bỏ ý niệm về giá trị đại chúng. Trong số các lãnh tụ của Trung Cộng, thủ tướng Ôn Gia Bảo là đến gần quan điểm của những người chủ trương giá trị đại chúng nhất, nhưng ông ta là tiếng nói đơn độc trong giới lãnh đạo nước này.

Ít nhất tại Huệ Dân, ông Ôn xem ra được ủng hộ phần nào. Tên gọi buổi hội thảo hàng năm về Tôn Tử năm ngoái của quận này là “Các giá trị đại chúng của Binh Pháp Tôn Tử và việc áp dụng [các giá trị đó của binh pháp này] trong các lãnh vực phi quân sự. Nhưng các viên chức địa phương lại bận rộn hơn với việc thúc đẩy nền kinh tế của Huệ Dân, mà con đường chính ảm đạm tại đây nay rực rỡ màu sắc của mặt tiền một tiệm McDonald’s mở cửa 24 giờ. Tôn Tử được xem là một nguồn tiềm năng mới để thúc đẩy mức tăng trưởng; thu hút du khách đến vùng quê nước đọng này. Vào năm 2003, với phí tổn 65 triệu đồng Nguyên ($7.9 triệu đô la), quận này đã khai trương Tôn Tử Binh Pháp Thành, một khu vực rộng lớn gồm các công trình kiến trúc triều đình giả để cử hành ngày sinh nhật ướt sũng nước mưa này. Khu vực thành thị chính của Huệ Dân cũng được đổi tên thành Tôn Vũ (tên khác của Tôn Tử).

Nhưng bãi đậu xe khổng lồ trống trải bên ngoài Binh Pháp Thành và các sân trong gần như hoang vắng cho thấy là thành phố này đang gặp nhiều khó khăn. Tình hình còn gay go hơn nữa vì bị một quận khác ở cách đó 100 cây số (60 dặm) cạnh tranh dữ dội, quận Quảng Nhiêu, mà trong những năm gần đây cũng tuyên bố đó là nơi sinh của Tôn Tử. Hồi Tháng Sáu vừa rồi quận này, vốn giàu có hơn quận Huệ Dân nhờ các kỹ nghệ sản xuất lốp xe, hóa chất rút từ dầu hỏa và giấy, đã tổ chức một buổi lễ đặt móng để xây ngôi vườn chủ đề Tôn Tử của chính họ. Giới truyền thông Trung Cộng nói ngôi vườn này theo lịch trình sẽ khai trương vào năm 2013 với phí tổn khổng lồ là 1.6 tỷ đồng Nguyên ($250 triệu đô la).

Nhưng Quảng Nhiêu cũng sẽ gặp khó khăn để biến Tôn Tử thành một biểu tượng của nhu lực. Hồi Tháng Tư thì cách đó khoảng 700 cây số (430 dặm) về phía nam, Disney đã bắt đầu động thổ tại địa điểm xây một vườn giải trí ở Thượng Hải mà công ty này nói là sẽ có lâu đài Disney lớn nhất thế giới. Phí tổn xây cất khu giải trí này theo dự liệu sẽ là 24 tỷ đồng Nguyên và năm năm sau sẽ khai trương. Tân Hoa Xã, cơ quan thông tấn nhà nước, đã đưa ra nhận định trên website của họ gọi các ngôi vườn chủ đề như thế là “một chương trình lớn để cạnh tranh nhu lực giữa các quốc gia”. Một nguồn blog được nhiều người trích lại thì đưa ra nhận xét lạnh nhạt hơn. Nguồn blog này nói rằng nhu lực của Hoa Kỳ đã “chinh phục 5.000 năm văn hiến nguy nga tráng lệ của Trung Hoa”.

Tôn Tử có nói một câu thích hợp với tình trạng khó khăn của Trung Cộng: “Biết địch biết ta trăm trận trăm thắng.” Nếu Trung Cộng muốn có ảnh hưởng với thế giới, họ cần phải suy nghĩ nhiều về các giá trị họ phát huy ở trong nước.

Source: The Economist
__________________________
Chú thích của người dịch:

(1) tức là “soft power” hay “sức mạnh mềm mại”
(2) “The Powers to Lead”
(3) tức là “hard power” hay “sức mạnh cứng rắn”
(4) “sách đỏ” là Tiểu Hồng Thư (The Little Red Book) hay còn gọi là Hồng Bảo Thư tại Trung Cộng trong đó trích những câu nói của Mao Trạch Đông. “Giày đỏ” là “tiểu hồng ngoa”, tức là giày ống (ủng) nhỏ màu đỏ
(5) hàng tỷ bạc đây là tính bằng đô la Mỹ
(6) Christmas crackers: loại pháo tép bằng giấy hoa để cầm hai đầu giật mạnh cho kêu và bên trong thường có đựng một vương miện bằng giấy, một món quà nhỏ và mảnh giấy viết truyện đùa hoặc châm ngôn nào đó, cũng giống như những câu cách ngôn của Tôn Tử.
(7) “Sun Tzu For Success: How to Use the Art of War to Master Challenges and Accomplish the Important Goals in Your Life”
(8) “Sun Tzu for Women: The Art of War for Winning in Business”
(9) “Golf and the Art of War: How the Timeless Strategies of Sun Tzu Can Transform Your Game”
(10) “Dress cute wherever you go, life is too short to blend in”
(11) “On China”
(12) “Chinese Realpolitik and Sun Tzu’s Art of War”

Nam Yết chuyển

No comments: