Thursday, December 27, 2012

Chiến tranh khu vực- Nguyễn đạt Thịnh




Truyền thông Trung Q. loan tin tổng thư ký đảng Cộng Sản Trung Q. Tập Cận Bình ra lệnh cho Quân Đội Tàu chuẩn bị để đánh thắng một trận chiến tranh khu vực (regional war).

Lệnh được ban hành hôm thứ Năm 13 tháng Chạp 2012, sau khi một chiếc phi cơ thám thính của quân đội Trung Quốc bay vào không phận đảo Senkaku/Điếu Ngư, và bị nhân viên trên tầu tuần duyên (Coast Guard) Nhật gọi radio bảo họ, "không được xâm phạm vào không phận Nhật," từ trên phi cơ có tiếng trả lời, "đây là không phận Trung Quốc."
Tầu tuần duyên báo cáo về bộ chỉ huy của họ, 8 khu trục cơ F 15 của không quân Nhật cất cánh từ Okinawa bay đến Senkaku nhưng chiếc thám thích cơ đã rời vùng.

Tướng Shigeru Iwasaki, tham mưu trưởng quân Tự Vệ Nhật nhận lỗi hệ thống radar đã không kịp thời phát giác việc thám thính cơ Trung Quốc bay vào không phận Senkaku; ông hứa sẽ không để tái diễn lỗi lầm này nữa.
Tổng trưởng bộ Nội Các Nhật Osama Fujimura nói với phóng viên truyền thông, "Bất chấp lời cảnh cáo liên tục của chúng tôi, suốt 3 ngày vừa qua tầu Trung Quốc vẫn cứ xâm phạm lãnh hải Nhật. Giờ này họ còn xâm phạm không phận Nhật nữa; chúng tôi đã chính thức phản đối trên hệ thống ngoại giao."
Bộ Quốc Phòng Nhật xác nhận việc khu trục cơ F-15 của Nhật bay vào không phận Senkaku. Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda chỉ thị quân tự vệ Nhật cảnh giác hơn.
Trong lúc đó bộ Hàng Hải Trung Quốc tuyên bố một chiếc phi cơ Hải Giám đã bay đến vùng trời Điếu Ngư để phối hợp với 4 chiếc tầu Hải Giám Trung Quốc ra lệnh cho tầu, thuyền Nhật phải lập tức rời khỏi hải phận Điếu Ngư/Senkaku.
Phát ngôn viên Hồng Lôi của bộ Ngoại Giao Trung Quốc nói trong buổi họp báo thường nhật tại Bắc Kinh, "Điếu Ngư là một quần đảo của Trung Quốc, thì việc phi cơ Trung Quốc bay tuần tiễu chỉ là chuyện bình thường."
Phân tách gia Nhật đánh giá việc Trung Quốc đưa máy bay vào không phận Senkaku là một bước leo thang khiêu khích. Giáo sư Kazuya Sakamoto, trường Osaka University nhận định "diễn biến mới rất quan trọng, vì nó thách thức chủ quyền của Nhật."
Một vị giáo sư khác, ông Toshiyuki Shikata, trường Teikyo University, cho là việc sử dụng không quân rất nguy hiểm. Ông nói tầu tuần duyên Nhật và tầu Hải Giám Trung Quốc đối diện với nhau từ nhiều ngày rồi, viên chức cảnh sát biển đôi bên còn dùng loa phóng thanh cãi vã với nhau nữa, nhưng chưa xảy ra một va chạm nào đáng tiếc.
Tuy nhiên nếu Trung Quốc cử một hoặc hai chiếc khu trục bay vào không phận Senkaku và Nhật cho F 15 lên ngăn chặn thì khó tránh khỏi một cuộc không chiến, và diễn biến này có thể làm nổ tung cuộc chiến tranh mà ông Tập Cận Bình gọi là "chiến tranh khu vực" và ra lệnh cho quân đội Trung Quốc phải thắng.
 http://www.wautom.com/wp-content/uploads/2012/05/J-11.jpg
Chiến đấu cơ J-11 (SU-27) của KQTrung cộng.
Nếu chiến tranh xảy ra giữa Nhật và Trung Quốc, thì hình thái đầu tiên sẽ là không chiến và hải chiến; Trung Quốc có một không lực thường được gọi là mạnh nhất Á Châu, và trên bình diện quốc tế chỉ đứng sau không quân Hoa Kỳ và Nga. Tuy nhiên không chiến không được quyết định bằng số đông, cũng không dành được thắng thế bằng chiến thuật biển người, biển chiến đấu cơ, mà bằng chất lượng tối tân của chiến đấu cơ, bằng loại hỏa tiễn không-không được đem sử dụng.
Không quân Trung Quốc, dưới quyền tư lệnh của đại tướng Ma Xiaotian, có 330,000 quân nhân, trên 2,500 phi cơ, trong số có 1,617 chiến đấu cơ. Hải quân Trung Quốc cũng có 570 phi cơ, trong số có 290 chiến đấu cơ.
Đa số chiến đấu cơ Trung Quốc đều quá cũ, loại tối tân nhất là chiếc khu trục, oanh tạc cơ Q-5, JH-7 và khu trục cơ J-11.


Cả 2 loại chiến đấu cơ này đều do Trung Quốc chế tạo; chiếc J-11 nhái theo kiểu chiếc Sukhoi Su-27 SK của Nga; Trung Quốc trả 2 tỉ rưỡi mỹ kim mua license của hãng Sukhoi để đóng 200 chiếc J-11 với cơ phận do Nga cung cấp. Nhưng năm 2004, truyền thông Nga tiết lộ là Trung Quốc chỉ sản xuất 100 chiến đấu cơ loại này rồi ngưng không làm thêm nữa.
Nhật cũng ký khế ước với hãng McDonnell Douglas để hãng Mitsubishi sản xuất 164 chiếc khu trục cơ F-15 tại Nhật; loại khu trục này, mặc dù không tối tân bằng những loại F 16 hay F 22, nhưng vẫn thực dụng và đã tạo nhiều chiến tích nên không quân Hoa Kỳ dự trù sẽ tiếp tục sử dụng cho đến năm 2025.
Trang bị bằng hệ thống radar APG-63/70 pulse Doppler, chiếc F-15 giúp người phi công bắn hạ máy bay địch còn cách anh ta 120 hải lý (220 cây số) với hệ thống tác xạ BVR (beyond visual range-bắn mục tiêu ngoài tầm quan sát).
Câu triết lý quân sự của Trung Quốc "quân quý hồ tinh, bất quý hồ đa" có thể sẽ ứng nghiệm vào cuộc không chiến trên không phận Điếu Ngư -nếu không chiến xẩy ra. Với thành tích 31 năm giao tranh chiếc F-15 chưa thua một lần nào cả trong suốt 104 lần không chiến. Trong cuộc hành quân Operation Desert năm 1990 -trận chiến Iraq lần thứ nhất- chiếc F-15 thắng 36 trong 39 lần không chiến với không quân Iraq, đa số nhờ sử dụng hỏa tiễn bắn BVR. Máy bay địch bị bắn hạ trước khi thấy chiếc F-15. Trong số 34 máy bay Iraq bị bắn hạ có 5 chiếc MIG-29, 2 chiếc MIG-25, 8 chiếc MIG-23, 2 chiếc MIG-21, 2 chiếc SU-25, 4 chiếc SU-22, 1 chiếc SU-7, 6 chiếc Mirage F-1s, 1 chiếc vận tải cơ IL-76, 1 chiếc Pilatus PC-9 huấn luyện, và 8 chiếc trực thăng Mi-8.
Cũng trong trận này 2 chiếc F-15 bị cao xạ bắn rơi.
Không quân Do Thái sử dụng loại F-15 trong những cuộc không chiến kéo dài 3 năm -từ 1979 tới 1981- cũng tạo chiến tích bắn hạ 40 chiếc MIG-21 "Fishbed" và 2 chiếc MIG-25 "foxbat" của không quân Syria.
 http://www.tac-photo.com/photo/f15-23sq02.jpg
Chiến đấu cơ F-15 của KQ Nhật.
So sánh không lực đôi bên để thấy là 100 chiếc khu trục cơ J-11 của Trung Quốc và 164 chiếc F-15 của Nhật là một tương quan lực lượng không khuyến khích Trung Quốc gây hấn. Thêm vào đó, Thượng Viện Hoa Kỳ vừa thông qua bản tu chính đạo Luật Quốc Phòng ghi nhận quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nằm trong Thỏa Ước An Ninh Mỹ-Nhật.
Điều này có nghĩa là Hoa Kỳ sẽ phải lâm chiến với Trung Quốc, nếu Trung Quốc tấn công Senkaku, hòn đảo không có cư dân.
Giới chức Trung Quốc lên tiếng phản đối Hoa Kỳ tạo căng thẳng trong tương quan giữa những quốc gia Á Châu.
Gao Hong, một nhà nghiên cứu chính trị người Hoa, giải thích việc làm của Hoa Kỳ, "Từ lâu, Nhật vẫn o bế các chính khách Mỹ, để Mỹ bênh vực họ trong cuộc tranh chấp quần đảo Điếu Ngư; mặt khác người Mỹ cũng lo ngại việc Trung Quốc phát triển quá nhanh; do đó mới có việc Hoa Thịnh Đốn bảo vệ đảo Điếu Ngư."
Kurt M. Campbell, phụ tá ngoại trưởng đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương sự vụ, tuyên bố với truyền thông,"Hoa Kỳ khuyến cáo mọi bên thận trọng, đừng gây hiểu lầm, đừng ước tính sai rồi tạo ra tình hình không thuận lợi, khó duy trì hòa bình và ổn định."

Cuộc biểu quyết hôm thứ Năm 13 tháng 12 của Thượng Viện Hoa Kỳ cho Tập Cận Bình thấy nếu ông phát động cuộc tấn công Điếu Ngư/Sensaku, thì cuộc giao tranh đó không phải là một cuộc chiến tranh khu vực, vì Hoa Kỳ đã nói rõ là họ coi Sensaku là lãnh thổ Nhật, và họ có trách nhiệm can thiệp để thi hành thỏa ước hỗ tương họ ký với Nhật.
Hơn nữa, dù Mỹ chưa tiếp chiến, việc đối phó với 164 chiếc F-15 trang bị bằng giàn hỏa tiễn không-không AIM-63 AMRA AM, giúp 1 phi công đồng thời bắn hạ nhiều mục tiêu còn cách họ 200 cây số, cũng không phải là việc nằm trong khả năng của không quân Trung Quốc.
Hy vọng viễn ảnh đó khiến ông Tập không làm gì hơn ngoài việc để mặc Hải Giám Trung Quốc bắc loa chửi lộn với lính tuần duyên Nhật.
- Nguyễn đạt Thịnh

Nam Yết chuyển

No comments:

Ông Trump lại kêu gọi mua Greenland sau khi để mắt đến Canada, Kênh đào Panama

Tổng thống đắc cử Donald Trump của Mỹ tại Phoenix, Arizona, 22/12/2024 (REUTERS/Cheney Orr).  Tổng thống đắc cử Trump tiếp tục kêu gọi Hoa K...