Sunday, February 3, 2013

Vì Sao Tổng Thống Obama Chọn Ông Hagel Làm Bộ Trưởng Quốc Phòng

 Nguyễn Minh Tâm dịch

Ông Chuck Hagel đã trải qua một cuộc chất vấn kéo dài 8 tiếng đồng hồ để bênh vực thành tích của ông trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Hoa Kỳ..

Trong những tháng đầu khi vừa lên làm Tổng thống hồi năm 2009, ông Obama được ông Chuck Hagel ghé thăm tại Toà Bạch Ốc. Lúc bấy giờ ông Hagel vừa rời khỏi Thượng Viện Hoa Kỳ sau khi đã làm Thượng Nghị Sĩ hai nhiệm kỳ. Ông đến thăm ông Obama với tư cách bạn cũ ở Thượng Viện hồi hai người còn làm việc chung với nhau trong bốn năm.
Và trong buổi gặp gỡ hôm đó, Tổng thống Obama hỏi thăm ông Hagel ông nghĩ sao về những vấn đề hiện nay trong chính sách ngoại giao và quốc phòng?


Sau này, theo lời kể lại của ông Hagel, chúng tôi xin được tiết lộ lần đầu tiên trên bài báo này. Ông Hagel nói với ông Obama như sau: “Chúng ta đang ở vào thời đại có một trật tự thế giới mới. Chúng ta không thể kiểm soát nó được. Anh (ám chỉ Tổng Thống Obama) phải đặt nghi vấn về đủ mọi thứ, anh phải tìm hiểu các lời dự đoán, lắng nghe giới quân sự, giới ngoại giao nói những gì. Mọi dự đoán lâu trên 10 năm đều trở thành lỗi thời. Anh cần phải đặt hỏi về vai trò của chúng ta là gì. Anh phải đặt câu hỏi với giới quân sự. Anh phải hỏi họ chúng ta dùng quân đội đến nơi đó để làm gì.”

Ngoài ra, ông Hagel cũng góp ý thêm: “Tình hình ở Afghanistan sẽ quyết định sự thành công hay thất bại về nhiệm kỳ đầu của anh, và rất có thể cả trong nhiệm kỳ hai. Điều then chốt anh phải nhớ là đừng để bị sa lầy vào cuộc chiến ở đó.”.

Ông Obama không nói nhiều, chỉ ngồi yên, lắng nghe. Lúc bấy giờ, ông Hagel coi ông Obama như một “ lữ hành cô độc” không có ai để tâm tình, chia sẻ, và ông Hagel cũng tế nhị, giữ khoảng cách chừng mực giữa hai người, ông không dám tự nguyện đứng ra làm cố vấn cho ông Obama. Nhưng những lời bình luận ông Hagel gỉải thích lý do vì sao ông Obama chọn một cựu nghị sĩ ở Thượng Viện làm Bộ Trưởng Quốc Phòng sắp tới trong nội các Obama. Hai ông có những quan điểm và triết lý giống nhau khi chính quyền Obama đang cố gắng xác định lại vai trò của Hoa Kỳ trong giai đoạn chuyển tiếp sang thế giới không còn siêu cường.

Quan điểm của hai ông về thế giới vừa mang tính chất diều hâu lẫn bồ câu. Chủ thuyết của họ đưa ra một phần là để thẩm xét lại những cuộc chiến tranh của Tổng Thống George W. Bush. Họ cho rằng cuộc chiến ở Afghanistan đã được điều hành sai lầm, thiếu xót (mismanaged) và cuộc chiến ở Iraq là một cuộc chiến không cần thiết (unnecessary). Chiến tranh Iraq đã được tiến hành như một chọn lưạ (option), vì muốn gây chiến, chứ không phải bị dồn vào thế phải lâm chiến (a last resort).

Cứ như thế, quan điểm này được phát triển, và kết quả là Hoa Kỳ cần phải thận trọng cắt xén vai trò của mình đối với thế giới bên ngoài. Đây không phải là vấn đề chọn lưạ, mà thực tế bắt buộc Hoa Kỳ phải làm như vậy. Nhu cầu về quân sự cần được xem xét lại với sự nghi ngờ sâu xa, rất nhiều suy nghĩ có tính cách chiến lược về phiá quân sự và ngoại giao đã trở nên lỗi thời. Nhất là Hoa Kỳ cần phải tránh không để bị sa lầy vào bất cứ cuộc chiến nào như ở Afghanistan.

Kết cuộc là: Hoa Kỳ phải rút chân ra khỏi những cuộc chiến tranh lớn trên đất liền – như ở Iraq và Afghanistan – và nếu có thể phải tránh cho bằng được cuộc chiến có qui mô lớn xảy ra trong tương lai.

Mặc dù việc bổ nhiệm ông Hagel được bàn tán rất nhiều vì thái độ của ông đối với vấn đề Iran - Do Thái, và ngân sách quốc phòng. Song sự đồng lý trên bình diện rộng lớn hơn mang tính chất triết lý mới là nguyên nhân để ông Obama chọn ông Hagel.

Ông Hagel cũng tin rằng bộ trưởng quốc phòng không thể nào là nơi đề xuất chính sách ngoại giao. Chính sách đó do Toà Bạch Cung đưa ra, và Bộ Quốc Phòng phải tuân theo.

Trong những câu chuyện riêng tư với nhau, ông cũng tỏ ra dè dặt (ý nói là chê trách) về quyết định của ông Obama hồi cuối năm 2009, tăng thêm 50,000 quân ở Afghanistan. Theo lời ông thổ lộ của ông hồi năm 2011: “Tổng thống trong vai trò tư lệnh tối cao của quân đội đã không nắm được quyền kiểm soát Ngũ Giác Đài. Đó là hiện tượng xảy ra từ thời tổng thống Bush “bố”, ông cụ hay tôn trọng ý kiến của các tướng lãnh bên Ngũ Giác Đài.”.

Nếu việc bổ nhiệm ông Hagel được chấp thuận, và có lẽ ông không gặp trở ngaị gì, ông và tổng thống Obama sẽ có một công tác rất lớn là lãnh đạo nước Mỹ thật khéo léo trong trật tự mới của thế giới. Họ phải tránh không để cho nước Mỹ bị trói buộc trực tiếp vào một tình huống đe doạ đưa đến chiến tranh.

Kinh nghiệm cá nhân của ông Hagel đã khiến ông có hai quan điểm bất thường về chiến tranh. Kinh nghiệm đầu tiên xảy ra vào năm 1968 ở Việt Nam, khi đó ông là một Trung sĩ Bộ Binh cấp số E-5. Đó là thời gian ông gọi là: “cái năm xấu nhất của cuộc chiến tranh Việt Nam.”. Vắn tắt bài học kinh nghiệm này là không thể để Mỹ dính líu vào một cuộc chiến tranh Việt Nam khác. Theo ông, đó là một cuộc chiến tranh không cần thiết và vô nghĩa.

Kinh nghiệm thứ hai của ông xảy ra trong lớp học ông dạy ở trường Đại Học Georgetown University. Lớp này có tên là “Redefining Geopolitical Relationship” “Tái Xác Định Tương Quan Điạ Lý Chính Trị.”. Ông đặt câu hỏi với sinh viên: Tương quan điạ lý chính trị thế giới sẽ đi về đâu?

Lấy một ví dụ, ông từng nói vớí sinh viên rằng một hậu quả rõ rệt của cuộc chiến tranh ở Iraq là nó khiến cho Iran trở thành một nước quan trọng nhất trong vùng Trung Đông, và ông lo ngại rằng rồi đây Iraq sẽ trở thành một nước chư hầu của Iran.

Khi tôi (tức ký giả Bob Woodword) phỏng vấn Tổng thống Obama mùa hè năm 2010 để viết cuốn sách “Obama’s Wars” “Những cuộc chiến tranh của ông Obama”, tôi thấy rõ thái độ tránh né chiến tranh nằm sâu trong tâm khảm tổng thống. Điều này rất rõ ràng. Như tôi đã viết trong tác phẩm của tôi, tôi đưa cho ông Obama một câu trích dẫn trong cuốn “The Day of Battle’ do Rick Arkinson viết về lịch sử Thế Chiến Thứ Hai, tôi yêu cầu ông đọc câu trích dẫn đó. Ông Obama đứng dậy, và đọc một cách nghiêm chỉnh: “Và khi đó còn một bài học đau buồn nhất để chúng ta cần học, học đi học lại nhiều lần.. chiến tranh tự nó là một điều xấu xa, ung thối, nó làm băng hoại linh hồn, hoen ố tinh thần, vì thế ngay cả đoàn quân được coi là xuất sắc, ưu việt cũng sẽ bị suy đồi, và chẳng còn một trái tim nào không cảm thấy băn khoăn, ân hận.”.

Ông Obama nói với tôi: “Tôi có thiện cảm với quan điểm này. Như ông đã thấy trong bài diễn văn nhận giải Nobel Hoà Bình của tôi.”.

Tôi đã từng nghe bài diễn văn này do ông đọc vào ngày 10 tháng 12 năm 2009, sau đó tôi đã đọc lại nguyên bản, nhưng bây giờ tôi tìm nó ra để chép lại cho độc giả cùng đọc: “Chiến tranh được dùng như những dụng cụ vì nó đóng vai trò duy trì hoà bình. Và đừng quên một sự thực khác cùng xuất hiện khi chiến tranh xảy ra. Đó là thảm kịch về con người, về nhân mạng, dù cho người ta có biện minh cho chiến tranh bằng cách gì đi nữa. Lòng dũng cảm và sự hy sinh của người lính mang đầy vẻ vinh quang. Nó biểu lộ tấm lòng hy sinh tận tụy của người lính cho đất nước, cho chính nghĩa và cho đồng đội. Nhưng chiến tranh tự nó không bao giờ mang tính chất vinh quang cả.”- như Thủ tướng Churchill đã từng nói: “chúng ta không bao giờ nên tôn vinh chiến tranh như nó từng được ca ngợi. Vì vậy, khó khăn của chúng ta là phải tìm cách dung hoà những sự thực tưởng chừng như không thể hoà gỉải được-- Chiến tranh có đôi lúc được coi là cần thiết, song chiến tranh trong mức độ nào đó vẫn chỉ là sự biểu lộ sự điên khùng của con người.”.

Có lẽ những lời trích dẫn kể trên là định nghĩa hay nhất của chủ thuyết Obama về chiến tranh. Đem áp dụng chủ thuyết này vào hoàn cảnh thế giới nguy hiểm, và đầy bất trắc hiện nay là một việc làm vá trời lấp biển – nhưng ông Obama đã tìm được một người bạn đồng hành tâm đầu ý hợp để đối phó với những vấn đề này.


Bài phân tích của Bob Woodward trên Washington Post ngày 27/1/2013
Nguyễn Minh Tâm dịch

No comments: