Thursday, August 6, 2015

Mỹ răn đe Trung Cộng, cho B-52 bay thẳng từ Louisiana đến Úc




Một chiếc B-52 hiện nay có thể thả 70,000 pound bom.

DARWIN – Hai chiếc oanh tạc cơ B-52 đã bay suốt 44 giờ không nghỉ, từ tiểu bang Louisiana đến miền bắc nước Úc, trong một cuộc tập trận thả bom giả. Mục đích là để hỗ trợ cho các nước đồng minh ở Á Châu chống lại một mối đe dọa gia tăng của Trung Quốc.
Các chiếc máy bay thả bom cổ điển này được sản xuất trong thập niên 1950. Hai chiếc đã cất cánh từ căn cứ không quân Barksdale ở tiểu bang Louisiana trong tháng Bảy vừa qua. Cặp B-52 này tham gia vào việc mà Ngũ Giác Đài mô tả là một sứ mạng “bảo đảm và răn đe bằng máy bay thả bom.”
Điều này gởi một thông điệp cho nước Úc và các quốc gia Đông Nam Á, nói rằng Hoa Kỳ sẵn sàng và có khả năng hỗ trợ cho các đồng minh của Mỹ.
Nhưng điều đó cũng đã được xem như một lời cảnh cáo cho Trung Quốc và cho thấy phạm vi hoạt động liên tục của quân đội Mỹ trên toàn cầu. Điều này xảy ra trong lúc tình hình căng thẳng gia tăng ở Biển Đông, về việc Trung Cộng xây dựng các hòn đảo và các cơ sở quân sự, trên vùng lãnh thổ bị tranh chấp, theo news.com.auđưa tin.
Sứ mạng này không được công chúng chú ý mấy. Nhưng Đô Đốc Hải Quân Mỹ Cecil D. Haney công nhận đây là một sứ mạng quan trọng.
Trong một văn bản, ông Haney nói, “Những chuyến bay này là một trong nhiều cách thức Hoa Kỳ muốn chứng minh sự cam kết duy trì sự ổn định và hòa bình trong khu vực Ấn Độ - Á Châu Thái Bình Dương.”
Hai chiếc B-52 đã tập dượt tại căn cứ thả bom Delamere, rộng 200,000 hectare, nằm cách căn cứ RAAF Tindal, gần Katherine, khoảng 120 cây số về phía nam.
Hai chiếc oanh tạc cơ này có khả năng trút 70,000 pound bom, loại quy ước hoặc loại hạt nhân, xuống ở hầu như bất cứ nơi nào trên trái đất này.
B-52 có một tầm bay 8,000 dặm không ngừng, tính trên một bồn chứa nhiên liệu, và có thể bay 650 dặm một giờ, ở độ cao tới 50,000 bộ.
Phi trường ở Darwin là một trong các sân bay ở khu vực Á Châu -Thái Bình Dương có một đường phi đạo đủ dài để đón những chiếc máy bay thả bom khổng lồ này.
Việc bay thử đã gây ra sự quan tâm đến vai trò mà những chiếcmáy bay thả bom có khả năng hạt nhân sẽ đóng, trong mối quan hệ quốc phòng Úc – Mỹ. Chuyến bay thử này diễn ra sau khi Thủ Tướng Úc Tony Abbott từ chối những lời đề nghị để cho các oanh tạc cơ đặt căn cứ ở Northern Territory trước đó trong năm nay.
Sự từ chối này được đổ lỗi cho ông David Shear, Thứ Trưởng Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ. Mỹ nói rằng ông Shear đã “nói sai” khi ông điều trần trước Ủy Ban Ngoại Giao Thượng Hoa Kỳ hồi tháng Năm, rằng các oanh tạc cơ và các máy bay trinh sát sẽ được đưa đến nước Úc.
Lời gợi ý này sau đó đã nhanh chóng bị phủ nhận bởi một phát ngôn viên của Tòa Đại Sứ Mỹ ở thủ đô Canberra.
Trung Quốc đã bày tỏ “mối quan tâm nghiêm trọng” đối với một động thái như vậy, khẳng định rằng nước này sẽ “nhất quyết giữ vững chủ quyền lãnh thổ của mình.”


Nguồn: http://www.viendongdaily.com/my-ran-de-tru

No comments: