Monday, December 17, 2018

Mỹ thách Trung Quốc đâm tàu Mỹ trên biển Đông

Khu trục hạm Mỹ USS Decatur bị khu trục hạm Trung Quốc chận đường, buộc phải đổi hướng để tránh va chạm ngày 30 Tháng Chín, 2018. (Hình: US Navy)
MANILA, Philippines (NV) – Một viên chức cấp cao của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ thách Bắc Kinh cho tàu chiến của họ đâm tàu chiến của Mỹ đi trên vùng biển quốc tế của Biển Đông nếu muốn leo thang thách đố.
“Chúng tôi không có ý định đi vào vùng biển chủ quyền của Trung Quốc, chúng tôi chỉ muốn đi vào các vùng biển quốc tế, cả trên Biển Đông cũng như tất cả các nơi khác trên thế giới. Đồng thời, chúng tôi hành xử theo luật lệ quốc tế, nên việc dọa đâm tàu chiến Mỹ có thể là hành động của Trung Quốc, nếu họ muốn leo thang và đe dọa một chiếc tàu đang đi trong vùng biển quốc tế căn cứ theo luật quốc tế nên chúng tôi quan tâm. Hy vọng điều đó không phải là quyết định họ thi hành.”


Đó là lời ông Joseph Felter, phụ tá của phụ tá bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ, đặc trách Nam Á Châu và Đông Nam Á nói với một số nhà báo chọn lọc ở thủ đô Manila, Philippines, hôm Thứ Năm vừa qua, được tờ GMA kể lại.

Lời ông Felter nói với báo giới như một cách trả lời gián tiếp của Mỹ đối với lời bắn tiếng đe dọa của một đại tá Trung Quốc nói trong một cuộc hội luận ở Bắc Kinh tuần lễ trước đó do tờ Hoàn Cầu Thời Báo tổ chức. Dai Xu (Đới Húc), cấp bậc đại tá và là chủ tịch Viện An Toàn Hàng Hải và Hợp Tác của Trung Quốc nói “Nếu các chiến hạm Mỹ xâm phạm vùng biển chủ quyền của Trung Quốc thêm nữa, tôi đề nghị đưa hai tàu chiến đến, một chiếc chặn đầu còn chiếc kia đâm vào nó.”

Hoa Kỳ không công nhận tuyên bố chủ quyền chiếm hơn 80% Biển Đông của Trung Quốc. Ngày 12 Tháng Bảy, 2016, Tòa Hòa Giải Quốc Tế tại The Hague, Hòa Lan, phán quyết tuyên bố chủ quyền chiếm hơn 80% Biển Đông của Trung Quốc là vô giá trị. Việt Nam vẫn tuyên bố các vùng biển và các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam dù hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa và một số bãi đá ngầm ở Trường Sa hiện đã trở thành các đảo nhân tạo.

Trong cuộc tiếp xúc với báo chí Phi nói trên, ông Felter cho hay Hoa Kỳ không đẩy mạnh đối đầu với Trung Quốc mà chỉ tiếp tục thực hiện các quyền tự do hải hành cũng như tuân thủ theo luật lệ quốc tế.

Không nêu thẳng tên Trung Quốc hay nước nào khác, ông nói rằng nước này không nên để cho các nước nào khác đe dọa vì nếu như thụt lùi tức là tưởng thưởng cho kẻ bắt nạt.

“Nếu một số hành động của bất cứ nước nào đe dọa hay từ chối cho nước khác thực thi luật lệ quốc tế, nếu cái nước (bị dọa) lại điều chỉnh hành vi và thối lui, chúng tôi có cảm tưởng là chúng ta đang tưởng thưởng kẻ bắt nạt,” theo lời ông Felter được dẫn lại trên tờ GMA.

Ông cũng hy vọng các nước ASEAN và Trung Quốc đạt được thỏa thuận cho một Bộ Quy Tắc Ứng Xử (COC) để bảo vệ quyền lợi của các nước có quyền lợi trên Biển Đông. Đồng thời ông cũng cho rằng Bộ COC cũng không từ chối các quyền của những nước khác không có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông khi họ thể hiện các cam kết hợp pháp ở khu vực.

Ông Felter cho hay vụ khu trục hạm USS Decatur bị chiến hạm Trung Quốc chận đường ở khu vực gần đảo nhân tạo Ga-ven ở Trường Sa khiến nó phải chuyển hướng để tránh va chạm hồi cuối Tháng Chín là một biến cố “không may” nhưng “Chúng tôi không thay đổi cách hành xử. Nếu tàu Mỹ thối lui trong một cung cách nào đó thì nó gần như thưởng cho hành động bắt nạt. Bởi vậy, chúng tôi tiếp tục hành sử quyền của chúng tôi dựa theo luật lệ quốc tế.” Nói khác, ông cho hay Hoa Kỳ sẽ không thay đổi lập trường về Biển Đông.

Cuối tháng trước, Mỹ cho tuần dương hạm trang bị hỏa tiễn tấn công tầm xa USS Chancellorsville đi gần quần đảo Hoàng Sa. Trong khoảng thời gian này cũng cho khu trục hạm USS Stockdale tiếp dầu từ tàu tiếp vận USNS Pecos trên eo biển Đài Loan. Bắc Kinh cho phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Ren Guoqiang (Nhậm Quốc Cường) tuyên bố Bắc Kinh sẽ gia tăng các hoạt động để bảo vệ chủ quyền.

Những năm gần đây, Hải Quân Mỹ đã thực hiện các chuyến “tự do hải hành” và cả “tự do phi hành” qua vùng Biển Đông, thách đố tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Nhiều chiến hạm của Mỹ đã đi vào bên trong phạm vi 12 hải lý của một số đảo hoặc đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp và biến thành các căn cứ quân sự từ quần đảo Hoàng Sa đến quần đảo Trường Sa.

Mỗi vụ xảy ra, Bắc Kinh đều đưa tàu chiến đi theo canh chừng, xua đuổi. Vụ nghiêm trọng nhất xảy ra ngày 30 Tháng Chín, 2018 khi khu trục hạm USS Decatur đi vào bên trong phạm vi 12 hải lý của đảo nhân tạo Ga-ven, quần đảo Trường Sa. Trung Quốc cho một khu trục hạm chận đường nên tàu Mỹ đã phải đổi hướng để tránh va chạm khi hai tàu chỉ cách nhau khoảng 40 mét.

Cũng trong Tháng Mười Một vừa qua, Mỹ đã có nhiều hành động thách đố tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Hai nhóm đặc nhiệm dẫn đầu bởi hai hàng không mẫu hạm USS John Stennis và USS Ronald Reagan đã thực tập phối hợp tác chiến trên Biển Đông. Hai pháo đài bay B-52 bay qua vùng biển Trường Sa.

Trong cuộc hôi thảo ngày 17 Tháng Mười Một, 2018 tại Washington, DC, đô đốc Phil Davidson, tư lệnh lực lượng Mỹ tại Ấn Độ-Thái Bình Dương, báo động rằng Trung Quốc đang bố trí “một trường thành hỏa tiễn SAM (great wall of SAMs) trên Biển Đông.”

Ông cảnh cáo rằng hành động của Trung Quốc “vi phạm chủ quyền của tất cả các nước khác khả năng bay, đi tàu và hoạt động (trên các vùng biển quốc tế) theo luật lệ quốc tế.” (TN)

No comments:

HƯƠNG GÂY MÙI NHỚ… Tản Mạn - Nhất Hùng

Truyện Kiều của Nguyễn Du có câu thơ rất ý nhị: “Mành tương phơn phớt gió đàn, Hương gây mùi nhớ trà khan giọng tình”