Saturday, December 22, 2018

Sự cao quý của người châu Âu


Lời tác giả: Trong sử sách Trung Quốc, chúng ta thường nghe rằng người xưa coi trọng việc giữ lời hứa hơn là giữ của cải hay người ta thà chết vì một người huynh đệ tốt còn hơn sống chỉ cho bản thân mình. Ngày nay những hành động như vậy thật là hiếm gặp. Thời đại đó đã biến mất từ lâu; nó cũng là một thời đại mà chúng ta không hiểu. Điều gì đã xảy ra với sự cao quý của người Trung Hoa? Tại sao điều đó không còn nữa? Đó là một vấn đề đáng bàn cãi, tuy nhiên câu chuyện mà tôi kể dưới đây là về sự cao thượng của người Tây phương, song người Trung Quốc vẫn có thể cảm thấy thích thú khi đọc bài viết này.

Người Trung Quốc đã hiều lầm về sự cao quý của người châu Âu

Ngày nay, rất nhiều bậc cha mẹ giàu có ở Trung Quốc đã gửi con cái của họ đến các trường học ưu tú tại Anh quốc với hy vọng chúng có thể trở thành những người cao quý sau khi tốt nghiệp. Họ sớm nhận thấy rằng các sinh viên gia nhập vào ngôi trường tốt nhất tại Anh quốc, trường Eton, ngủ trên giường ván, ăn các món ăn đơn giản và nhận những sự dạy dỗ hàng ngày khắt khe hơn nhiều so với những trường học thông thường. Họ không thể hiểu được sự liên hệ giữa một lối sống khổ hạnh và một tâm hồn thanh cao.

Thật ra, điều này không lạ bởi vì sự cao quý mà người phương Tây kính trọng không phải là sự cao ngạo của những kẻ gặp thời, mà là sự đề cao danh dự, tinh thần trách nhiệm, lòng can đảm và kỷ luật tự giác, đó mới là những giá trị cốt lõi. Điều đó không hề đối lập với những người bình thường và cũng không hề tương đương với một cuộc sống xa hoa.

Giàu có và cao quý không như nhau

Tại sao những trường học ưu tú danh tiếng bậc nhất thế giới lại thực hiện quy trình đào tạo khắc nghiệt và nghiêm túc đến như vậy? Đó là để tạo cho sinh viên cách nuôi dưỡng một ý thức hợp tác và kỷ luật tự giác. Sự cao quý thật sự chính là phải có đầy đủ tính tự chủ và năng lực tinh thần. Loại sức mạnh tinh thần đó phải được tạo dựng từ thuở bé.



Trường Eton đã đào tạo rất nhiều con người ưu tú, trong đó có Công tước đầu tiên của nhà Willington, Arthur Wellesley, người đã đánh bại Napoleon. Wellesley từng là sinh viên đứng đầu của trường Eton và cũng nổi tiếng trong lịch sử quân sự thế giới. Ông để lại một câu nói bất hủ trong trận chiến quyết định với Napoleon. Khi ông đang quan sát quân địch từ phía trực diện, người phụ tá của ông đã nhắc đi nhắc lại lời khuyên rằng ông nên rời khỏi nơi đó bởi vì nó quá nguy hiểm, tuy nhiên ông đã không xê dịch chút nào. Cuối cùng thì người phụ tá của ông đã hỏi ông rằng nếu có điều gì bất trắc xảy ra với ông, thì ông có lời nào để nhắn nhủ lại không. Wellington trả lời mà không nhìn lại, “Hãy nói với họ, câu nói cuối cùng của tôi cũng giống như tôi vậy: Hãy giữ vị trí.”

Đối với nhiều người Trung Quốc, sự quý phái có nghĩa là sống trong một ngôi biệt thự, lái xe Bentley, chơi gôn, làm một kẻ tiêu tiền hoang phí và xem người ta như đầy tớ. Trong thực tế, đó không phải là sự cao quý, mà là tâm thần của những kẻ mới giàu lên. Đối với những người Trung Quốc này, sự giàu có và sự quý phái có nghĩa như nhau. Thực ra thì, chúng hoàn toàn khác biệt. “Giàu có” liên quan đến sự sung túc về của cải vật chất trong khi đó “sự quý phái” liên quan đến sự sung túc về tâm hồn.

Hoàng tử nước Anh Harry là một ví dụ điển hình về sự quý phái. Sau khi tốt nghiệp Học viện quân đội Hoàng gia Anh quốc, ông được cử đến tiền tuyến Afghanistan để làm một xạ thủ súng máy. Gia đình hoàng gia biết rõ sự nguy hiểm ở nơi tiền tuyến, nhưng họ vẫn tin tưởng rằng phụng sự Tổ quốc là một trách nhiệm cao quý. Do vậy, việc làm đó là tất nhiên.

Trong suốt chiến tranh thế giới thứ II, một bức ảnh đã được lưu truyền rộng rãi tại nước Anh. Đó là bức ảnh chụp nhà vua George VI của nước Anh đang thăm khu nhà ổ chuột tại London. Ông đứng trước một căn nhà tồi tàn, nơi ở của một phụ nữ già nghèo xơ xác và hỏi, “Tôi có thể vào không?” Điều này phản ánh một sự tôn trọng đối với những người ở tầng lớp thấp hơn. Một người quý tộc thật sự biết cách tôn trọng người khác.

Vào ngày 21 tháng Giêng năm 1973 trong tòa lâu đài “Place de la Concorde” ở Paris, một tù nhân sắp sửa bị hành hình. Bước đến máy chém, người tù nhân vô tình dẫm lên chân của người đao phủ, ngay lập tức cô ấy nói: “Tôi xin lỗi, thưa ông.” Trong cùng ngày hôm đó, chồng của người phụ nữ ấy, vua Louis XVI đã để lại những lời nói điềm tĩnh và cao thượng khi đứng trước tên đồ tể tàn bạo: “Ta chết một cách vô tội bởi những tội danh được gán cho ta. Ta tha thứ cho kẻ đã gây ra cái chết của ta, và cầu Chúa rằng máu của ngươi sẽ không bao giờ rơi trên đất Pháp.” Một vài phút sau, vua Louis XVI và hoàng hậu của ông bị chém đầu. Hai thế kỷ sau, Tổng thống Pháp Francois Mitterrand, trong buổi lễ kỷ niệm 200 năm cuộc Cách mạng Pháp đã phát biểu một cách long trọng, “Vua Louis XVI là một người tuyệt vời, và cái chết của ông là một bi kịch.”

Vào ngày 28 tháng Mười năm 1910, một người đàn ông 83 tuổi quyết định hiến tặng tất cả tài sản của ông cho người nghèo để giải thoát linh hồn của họ khỏi cuộc sống đầy đau khổ. Ông bước ra khỏi ngôi biệt thự của mình, và cuối cùng ông chết như một người vô gia cư trong một sân ga nhỏ hoang vắng. Ông chính là nhà văn vĩ đại người Nga Leo Tolsoy. Nhiều năm sau, nhà văn nổi tiếng người Áo Stafan Zweig đã bình luận về Tolstoy, “Nếu ông không chịu đựng sự đau khổ thay cho chúng ta thì ông đã không có được tiếng thơm toàn nhân loại.”

Tất cả những người đã được đề cập ở trên đều có những số phận khác nhau, nhưng họ đều có chung một điểm: sự cao quý.

Sự cao quý đại diện cho phẩm giá và nhân cách cao cả

Ở phương Tây, cho đến thế kỉ thứ 18, giới quý tộc vẫn là chủ đạo và đóng vai trò vô cùng quan trọng trong xã hội. Thậm chí cho đến tận ngày nay, Vương quốc Anh vẫn phong tước và danh hiệu cho những người cao quý.


Khi xã hội quý tộc ở phương Tây trở thành xã hội của thường dân, tầng lớp trung lưu cũng không hề tạo ra làn sóng phủ nhận và phê phán văn hóa quý phái. Trái lại, họ còn gửi con em mình đến học ở những trường học ưu tú để học hỏi, để được tặng danh hiệu về tất cả các loại biểu chương hay trang phục, một huy hiệu và một tước vị cao quý, để qua đó họ có thể kế thừa hoàn chỉnh thể hiện của sự cao quý.

Nói về giới quý tộc Vương quốc Anh, một nhà báo người Trung Quốc là Chu An Bình đã từng nói rằng nguyên nhân giúp cho giới quý tộc Anh có thể tồn tại đến ngày nay là nhờ vào sự ủng hộ của dân chúng. Nhìn chung, người Anh luôn tin rằng tinh thần của giới quý tộc đại diện cho phẩm giá và nhân cách cao cả.

Khi vua Henry I của Anh mất năm 1135, cháu trai Stephen và cháu nội Henry II của ông đều tự nhận mình là người thừa kế ngai vàng hợp pháp. Khi đó, Stephen đang ở Vương quốc Anh nên đã được thừa kế ngai vàng. Henry II, lúc này lại đang ở lục địa châu Âu, đã rất tức giận khi nghe tin và tập hợp quân đội tấn công Stephen. Khi ấy, Henry II vẫn còn rất trẻ và chưa có kinh nghiệm nên không có kế hoạch tốt. Khi vừa mới tiến vào bờ biển Bristish Isles (quần đảo ở miền đông bắc Đại Tây Dương, ngăn cách với lục địa châu Âu bởi biển Bắc và biển Măng-sơ), đội quân của Henry II đã cạn kiệt tiền và lương thực.

Vậy Henry II đã làm gì sau đó? Ông đã làm một việc mà không có bất cứ người Trung Hoa nào có thể làm. Đó là viết thư cho Stephen để cầu cứu. Trong thư, ông nói với Stephen rằng ông đã không lên kế hoạch chu đáo và quân đội của ông giờ đây đã hết lương thực. Ông mong Stephen viện trợ để ông có thể đưa đội quân đánh thuê trở về châu Âu. Và Stephen đã rất hào phóng gửi tiền cho Henry II. Và ngay sau đó, Henry II lại phát động cuộc chiến tranh lần thứ 2 để giành lấy ngai vàng.

Người dân Trung Hoa sẽ nghĩ rằng Henry II là kẻ vô ơn bạc nghĩa. Một người vừa mới giúp bạn vượt qua khó khăn, và bây giờ bạn lại tấn công người ấy. Nhưng nhiều quý tộc châu Âu lại khoan dung với địch thủ của mình. Một vài năm sau, khi Henry II trưởng thành hơn, ông lại dẫn một đội quân khổng lồ tấn công Stephen một lần nữa. Và lần này, ông đã giành chiến thắng. Một kết quả thú vị ở đây là ông đã kí một hiệp ước với Stephen cho phép Stephen tiếp tục ngồi trên ngai vàng và Henry II sẽ chỉ lên làm vua sau khi Stephen qua đời.

Trong con mắt của người bình thường, một người cuối cùng giành chiến thắng mà lại không có được ngai vàng thì cũng chẳng có giá trị gì. Ở Trung Quốc, trong một trận chiến giành ngai vàng, một bên chắc chắn phải chết. Câu chuyện sau đây cũng để lại ấn tượng sâu sắc..
Hai người con trai của vua Edward III thuộc dòng họ Công tước xứ Lancaster của Anh và hậu duệ của Công tước xứ York đều mong muốn có được ngai vàng. Điều này đã dẫn đến cuộc chiến tranh giữa hai dòng họ. Nhưng rồi Henry VII của dòng họ Lancaster kết hôn với con gái của Công tước xứ York. Và sau khi hai người kết hôn, hai dòng họ hợp nhất thành một và lập ra Vương triều Tudor.

Những cuộc chiến tranh thời kì Trung cổ ở phương Tây cũng khá giống với những cuộc chiến trong thời kì Xuân Thu của Trung Quốc. Trên chiến trường là kẻ địch nhưng rời chiến trường thì vẫn là bạn hữu. Và cũng có rất nhiều cuộc chiến thời Trung cổ giống như những cuộc chơi của trẻ nhỏ ngày nay.

Một số chính trị gia châu Âu có truyền thống đặc biệt – một vị vua, dù đã bị lật đổ, vẫn luôn được đối xử một cách lịch sự đàng hoàng. Điều này đã phản ánh phong cách hiệp sỹ của người châu Âu. Đó cũng là lý do vì sao trong những cuộc đấu tranh giành quyền lực ở châu Âu rất hiếm khi xảy ra việc tuyệt diệt kẻ thù – vốn thường xuyên xảy ra trong những cuộc chiến tại Trung Quốc.

Đây chính là sự thể hiện rõ nhất của tinh thần cao thượng, tinh thần ấy cho chúng ta biết được rằng đôi khi “cái chết” còn ý nghĩa hơn “cuộc sống tầm thường”.

Tranh giành địa vị một cách khoan hồng, rộng lượng

Giới quý tộc châu Âu thích để lại vấn đề để giải quyết sau đó hơn là đánh mất phong thái của mình. Vào năm 1688, khi tấn công người cha của vợ mình – James II, William III thấy rằng ngai vàng lẽ ra phải thuộc về mình. Và vì thế ông đã giành lấy ngai vàng và giam cầm James II. Ông đã giam lỏng người cha vợ của mình trong một lâu đài gần biển và đồng thời cũng để một chiếc thuyền nhỏ ở gần lâu đài đó. James II đã thấy chiếc thuyền ấy và dùng nó để chạy trốn đến châu Âu.

Sau khi phương Tây phát triển trở thành xã hội dân chủ, truyền thống quý tộc vẫn được duy trì trong những tầng lớp chính trị cao hơn. Chẳng hạn như, trong cuộc nội chiến của nước Mỹ, khi miền Nam phải đối mặt với việc bị đánh bại về lực lượng quân sự, một số quan chức đã đề xuất kế hoạch phân tán lực lượng – đưa binh lính sống cùng nhân dân và rời lên vùng đồi núi để tiến hành chiến tranh du kích. Nhưng chỉ huy trưởng, đại tướng Robert Lee không thông qua đề xuất này; ông nói rằng: "Chiến đấu là nghĩa vụ của quân lính. Nếu chúng ta làm như vậy đồng nghĩa với việc chúng ta đẩy trách nhiệm ấy sang dân thường. Cho dù không phải là một chiến binh xuất sắc, tôi cũng sẽ không đồng ý làm như vậy. Tôi thà chết như một tù nhân chiến tranh để mang lại cuộc sống yên bình cho nhân dân".

Kẻ thù của ông là vị tổng thống lừng danh, Abraham Lincoln. Tổng thống Lincoln cũng là người khoan hồng, rộng lượng như một nhà quý tộc. Ban đầu, theo quân pháp lẽ ra tổng thống đã nên bắt giam và xử tử tướng Robert Lee. Nhưng vì mong muốn xoa dịu lòng hận thù giữa 2 miền Bắc Nam nên tổng thống Lincoln đã nói với tướng Lee rằng: "Đã đến lúc ông về hưu rồi. Tại sao ông không về nhà đi?". Và ngay sau đó, tướng Lee đã về hưu trong danh dự và bắt đầu viết ký sự về cuộc đời mình.

Có rất nhiều điều về tinh thần quý tộc mà chúng ta khó có thể hiểu được, ví như về đế quốc Rockefeller. Khi còn học đại học, John D. Rockefeller thường tự là ủi quần áo của mình, tự đơm khuy áo, không hút thuốc, cũng không uống rượu và hiếm khi đi xem phim. Ông ghi chép từng đồng xu đã chi tiêu. Gia đình Rockefeller sống rất tiết kiệm nhưng họ lại rất hào phóng trong việc quyên góp cho cộng đồng. Bill Gates cũng là một ví dụ tương tự. Ông đem những may mắn của ông dành tặng cho xã hội. Ban đầu, những con người này tiết kiệm rồi sau đó quay trở lại đóng góp cho xã hội và đó cũng là một điều rất đáng ngưỡng mộ về tinh thần cùa giới thượng lưu.

Từ một góc nhìn nào đó, tinh thần ấy có thể được xem như là sự hào phóng. Nhưng từ góc nhìn khác, nó lại được xem như là trách nhiệm với xã hội. Do đó, trong ý thức chủ đạo của xã hội phương Tây, ý thức trách nhiệm với xã hội rộng khắp ấy là một điều rất cảm động.

Một ví dụ khác là trong ngành công nghiệp biển phương Tây, có một quy định không thành văn là khi tàu gặp vấn đề và có thể sẽ bị đắm, thuyền trưởng sẽ là người cuối cùng rời khỏi tàu – một số thuyền trưởng thậm chí còn chọn chìm cùng con tàu của họ. Đó cũng chính là ý thức trách nhiệm xuất phát từ tinh thần cao thượng.


Trong bộ phim Titanic, khi con tàu sắp chìm, thuyền trưởng đến khoang điều khiển và quyết định sẽ chết cùng con tàu của mình. Đó chính là ý thức trách nhiệm. Khi tàu bắt đầu chìm dần, thuyền trưởng mời một ban nhạc nhỏ trên tàu chơi nhạc chỉ để giúp mọi người có thể bớt hoang mang lo sợ. Sau khi họ chơi nhạc xong, nhạc trưởng đứng nhìn những nhạc công khác bỏ đi. Và khi hành khách lại hoảng sợ, ông quay về vị trí của mình và chơi violon. Và rổi, tất cả các nhạc công khác cũng quay lại và tiếp tục chơi nhạc. Vào thời điểm trước khi con tàu chìm hẳn, họ bắt tay nhau và nói lời tạm biệt. Người nhạc trưởng nói rằng: "Niềm vinh dự trong cuộc đời tôi là được chơi nhạc với tất cả mọi người tối nay."

Đây chính là sự thể hiện rõ nhất của tinh thần cao thượng, tinh thần ấy cho chúng ta biết được rằng đôi khi "cái chết" còn ý nghĩa hơn "cuộc sống tầm thường".
Từ quan điểm đó, tinh thần cao quý không có liên hệ gì với sự giàu có. Những người có được một tâm hồn cao quý có thể không giàu và những người giàu sang có thể không cao quý.

Bản chất của tâm hồn cao quý

"Một quý ông thực sự là người xem nhẹ tiền bạc…". Người Anh cho rằng một quý ông phải là một người quý phái với phẩm chất chính trực, sự công minh, không e sợ trước khó khăn và còn có khả năng hy sinh bản thân mình. Anh ta không chỉ là một người có danh dự, mà còn là một người có lương tâm. Cũng giống như học giả khoa học chính trị nước Pháp Alexis de Tocqueville đã nói: "Bản chất thực sự của tinh thần cao quý nằm ở danh dự".

Tinh thần cao quý không liên hệ gì đến những điều kiện vật chất. Nhà văn Trung Quốc Eileen Trương nói rằng ngày xưa, một nhân viên vận hành thang máy ở Thượng Hải sẽ không bước ra để điều khiển thang máy cho đến khi anh ta ăn vận thật đàng hoàng. Đó cũng là một biểu hiện của tinh thần cao quý.

Giáo sư Hứa Kỷ Lâm nói: "Một người đạp xe ba bánh đã hỗ trợ cho hơn một tá trẻ em mồ côi và đã cho tất cả những đứa trẻ đó đến trường bằng đồng lương còm cõi của mình". Chúng ta có thể nói rằng đó là phản ánh của một tâm hồn thanh cao. Do vậy, một tinh thần cao quý có thể rất gần gũi với chúng ta và mọi người đều có thể học cách làm điều đó.

Danh từ "quý phái" trong tiếng Anh không chỉ có nghĩa là "dòng dõi quý tộc" mà nó còn mang ý nghĩa về sự huy hoàng, sự ưu tú, tài giỏi và đáng tôn kính.

Tinh thần cao quý bao gồm cả phẩm chất cao quý, tình yêu bao dung, thiện tâm, tâm hồn trong sáng, tinh thần trách nhiệm, sự ngoan cường, lòng tự tôn, lương tâm, không xu nịnh, không cầu xin, không tự thương xót bản thân và đặt danh dự và đức hạnh lên trên tất cả mọi thứ.

Tinh thần cao quý là phẩm chất bắt buộc phải có đối với các nhà quý tộc. Nếu như những người bình thường có thể rèn luyện tâm tính của họ một cách kiên định, họ cũng có thể đạt được tinh thần cao quý. Chúng ta nên nhấn mạnh tinh thần của giới quý tộc.

Dù sao đi nữa, ngày hôm nay, người ta có thể sở hữu một biệt thự cao cấp, lái một chiếc xe hơi hạng sang, được vây quanh bởi những cô gái xinh đẹp và tiêu dùng các loại hàng hóa đến từ châu Âu, nhưng đó chỉ là hình thức bên ngoài của đời sống vật chất của giới "quý tộc". Nó không phản ánh được những phẩm chất tinh thần và thẩm mỹ của con người. Cái mà các phương tiện truyền thông truyền đạt cho chúng ta chỉ là một cuộc sống giàu có về vật chất, vốn là điều thực sự hời hợt, trẻ con và không có chút quan hệ gì với tinh thần quý tộc thật sự.

Ba yếu tố quan trọng của tinh thần cao quý

Đầu tiên là sự giáo dục văn hóa bao gồm việc chống lại những cám dỗ vật chất và sự hưởng thụ cuộc sống, và rèn luyện một tâm tính đạo đức cao quý.

Thứ hai là trách nhiệm xã hội, là một tầng lớp xã hội, họ phải đạt được sự tự kỷ luật, trân quý danh dự của một con người và biết giúp đỡ những nhóm người đang chịu thiệt thòi, phục vụ cộng đồng và đất nước.

Thứ ba là sự giải thoát tâm hồn; chỉ giữ lại một ý chí độc lập, nói không với quyền lực và tiền tài, giữ vững quyền tự trị về đạo đức và trí thức, và từ chối không trở thành nô lệ của quyền lực chính trị và ý kiến của số đông.
Ý nghĩa thật sự của sự cao quý nằm ở tâm hồn và tư cách đạo đức cao quý của một cá nhân. Điều tốt nhất về sự quý phái là một người sống một cuộc đời trung thực, khoan dung, và tự trọng. Người đó sẽ không từ bỏ phẩm giá của mình vì tiền. Từ quan điểm đó, tinh thần cao quý không có liên hệ gì với sự giàu có. Những người có được một tâm hồn cao quý có thể không giàu và những người giàu sang có thể không cao quý.

Nguồn:Theo The Epoch Times 

No comments:

HƯƠNG GÂY MÙI NHỚ… Tản Mạn - Nhất Hùng

Truyện Kiều của Nguyễn Du có câu thơ rất ý nhị: “Mành tương phơn phớt gió đàn, Hương gây mùi nhớ trà khan giọng tình”