Tuesday, December 25, 2018

PARIS CÓ GÌ LẠ KHÔNG EM ? Từ Thức

HoangsaParacels: Cùng một đề tài do hai người viết đó là ông Từ Thức và Phạm Đỗ Chí viết về Paris. Tác giả Từ Thức rất từ tốn thuyết phục độc giả thay đổi quan điểm nhận xét về thủ đô ánh sáng, trái hẳn với ông Phạm Đỗ Chí, một vietnamese gringo với ý niệm macho dành cho nước Pháp và tình hình kinh tế thế giới.  Ngày tận thế chưa đến với thủ đô Paris.

Paris bẩn, đường phố đầy rác rưởi, phân chó. Paris bất an, homeless ngủ đầy đường, đi đâu cũng đụng ăn mày, ăn xin, sểnh ra là bị móc túi. Paris đắt đỏ, nhìn thấy giá cả cũng đủ khiếp. Paris loạn, ngày nào cũng biểu tình, và có biểu tình là có đập phá, đốt xe, như một nước có chiến tranh.


Những nhận xét đó trên facebook của cô Mạc Việt Hồng , Ba Lan, cũng là nhận xét của nhiều người.
Tại sao một thủ đô tự nhận và được coi là ‘’trung tâm ánh sáng ‘’lại tệ hại đến thế ?.
Nhiều bạn xúi tôi trả lời. Tôi ngần ngại, vì không muốn trở thành cái máy trả lời. Nhưng có vài phút rảnh, hãy tạm giải thích, cho vui :

ĐẮT ĐỎ :

Người Việt, nhất là từ Mỹ sang, thấy giá cả ở Paris đều le lưỡi. Sao đắt thế ? Đắt, bởi vì thuế cao. Mỗi lần bạn mua cái gì, làm bất cứ một dịch vụ gì, trong đó có thuế TVA, thường thường là 20 % . Thuế cao, không phải vì đầy tớ dân cần tiền xài, cất lều cho bồ nhí, nhưng bởi vì ngân khoản xã hội, trợ cấp đủ loại quá nhiều, quá nhiêu khê. Thêm vào đó, thương gia cũng lợi dụng, bởi vì Paris là một trong ba thành phố đông du khách nhất thế giới.

-PHÂN CHÓ : 

cùng với người Anh, người Pháp là người nuôi nhiều chó, mèo nhất. Nhưng quả thực để chó mèo phóng uế tùm lum là một vấn đề tự giác mà người Pháp thua các nhiều dân tộc khác. Paris đã có những đội ngũ đi phạt những chủ chó vô trách nhiệm, nhưng thay đổi thói quen không phải dễ . Mỗi năm, thành phố Paris tốn hàng chục triệu euros để cạo rửa kẹo cao su ngoài đường, hàng chục triệu khác để xoá những graffitis trên tường.
Tại sao không phạt nặng như Singapour ? Bởi vì người Pháp không có văn hóa cấm, phạt.

-MÓC TÚI : 

quả thực, nếu du khách không để ý, dễ tin ( như du khách Nhật chẳng hạn ), sẽ thấy giấy tờ, tiền bạc, iPhone không cánh mà bay . 
Móc túi là một nghề độc quyền của các di dân hay ‘’ du khách ‘’ đến từ các nưóc hậu Cộng Sản nghèo, như Bulgarie, Roumanie, Albanie , nhất là những người sống di động , không đinh cư. 
Tại những nưóc này, có những làng chuyên về nghề móc túi, huấn luyện dân, nhất là con nít để đưa sang các nước giầu, nhất là Pháp, nơi luật pháp lỏng lẻo nhất. 
Luật Pháp cấm giam giữ vị thành niên, trừ trường họp nghiêm trọng.. Nếu bị bắt, trẻ em chỉ việc khai tên tuổi, ra khỏi bót cảnh sát lại tiếp tục hành nghề. Khai tên giả, tuổi giả , vì trên người không có giấy tờ gì . Dần dần trở thành một trò chơi. Cảnh sát chán, chẳng muốn bắt nữa.

-HOMELESS nằm đường :

Hiện tượng này có, vì nhà cửa hiếm, giá địa ốc quá cao. Nhưng nhất là số di dân bất hợp pháp càng ngày càng đông. Vào nước Pháp rất dễ. Và khi vào rồi, rất khó trục xuất, vì luật lệ rắc rối. Người SDF ( sans domicile fixe, homeless ) nằm đầy đường, cảnh sát không dám đụng tới. Nếu dùng biện pháp mạnh, các hội nhân quyền sẽ tố cáo tùm lum. Chưa nói tới dân đi đường, sẵn sàng can thiêp, nhiều khi những người phản đối cảnh sát cũng là người than phiền vì đường phố bất an.
Thị trưởng Paris đã nhiều lần yêu cầu cảnh sát những khu người di dân tụ tập quá đông, nhưng trong trường hợp này , phải có chỗ cho họ ăn ở . 
Ở Pháp, bạn thấy rất thường chuyện xe cảnh sát dẫn đầu, giữ trật tự cho những người nhập cư …bất hợp pháp biểu tình đòi giấy tờ.
Mùa đông , thị xã và nhà nước rất sợ có người homeless nằm đường chết lạnh, sẽ lãnh đủ trước dư luận. Họ gởi người, cùng với các hội đoàn thiện nguyện, đưa những người này vào các trung tâm tạm trú. Nhiều homeless từ chối, vì thích nằm đường tự do hơn. Và không ai có quyền cưỡng bắt người khác phải ngủ ở nơi này, nơi khác nếu họ không muốn

ĂN MÀY, ĂN XIN : 

không phải là chuyện phạm pháp, nếu không gây rối trật tự công cộng. Cảnh sát chỉ có quyền can thiệp trong trường hợp phạm pháp. Cách đây ít lâu, một thị trưởng quyết định cấm ăn xin ở nhũng nơi có nhiều du khách, vì người ăn xin quá nhiều, đôi khi say rượu, có thái độ hung hăng. Các hội đoàn nhân quyền phản đối tùm lum, ông thị trưởng phải rút lại chuyện cấm đoán.
Tóm lại, giải quyết những vấn đề trên rất tế nhị, cực khó, khi nước Pháp còn nặng lòng với triết lý ‘’ Cấm không được cấm ‘’ ( Il est interdit d’interdire, một biểu ngữ nổi tiếng trong cuộc nổi loạn tháng Năm 1968, Mai 68 ).
Đó, tạm trả lời những thắc mắc trên, mà nhiều người ghé Paris đã đưa ra.

ÁNH SÁNG 

Trước đây, một ông viết : tới Paris, tôi chỉ ngồi nhà uống rượu với bạn ; Paris chẳng có gì, ngoài cứt chó. Với ông này thì tôi chào thua, không dám bàn. Người Pháp nói : Cái gì quá lố đều vô nghĩa. 
Nhiều người tới Paris, chỉ kéo nhau tới khu Tàu quận 13 ăn phở bột ngọt, rồi than Paris chẳng có gì đáng coi. Tôi ở Paris mấy chục năm, hay la cà ngoài đường, vẫn chưa khám phá hết cái duyên của thành phố này.
Mỗi người nhìn một thành phố với một nhãn quan. Với tôi, 3 thành phố lưu luyến nhất là Paris, Tokyo và Sài Gòn trước 75. Cái lưu luyến của ta với một thành phố chẳng có gì khách quan. Chỉ là chuyện tình cảm, liên hệ tới những kỷ niệm, những cái rất riêng tư.
À, bạn có biết tại sao Paris có biệt danh là ‘’ kinh đô ánh sáng ? ‘’. Ngày nay, có nhiều nơi ‘’ sáng ‘’ hơn Paris, đèn đuốc xanh đỏ lập loè, nhất là các thành phố mới bên Tàu .. Paris được gọi là kinh đô ánh sáng, vì đó là nơi đầu tiên trên thế giới có đèn đường. Để giảm bớt cướp bóc ban đêm, một ông Tây đã có sáng kiến dựng cột đèn ở những nơi có đông người qua lại.

Từ Thức





Ôi Paris, Một Thời Hoa Lệ Nay Còn Đâu
Paris và các TP Tây Âu biểu tình vì trung lưu bất mãn như ở Mỹ

Hình ảnhPHAM DO CHI - Ông Phạm Đỗ Chí thăm lại Paris sau nhiều năm

Đã từ hơn 10 năm tác giả chưa có dịp trở lại Paris, thành phố hoa mộng của ký ức tuổi thơ và trong suốt nhiều năm đi công tác ở Phi châu được dịp ghé đổi máy bay ở đây.

Nhưng ngày đặt chân trở lại cuối tuần trước (thứ Bảy 1/12), sau khi ghé thăm BBC ở London, tôi bàng hoàng xúc động thấy Paris thay đổi quá nhiều vì các hỗn loạn trong đường phố.

Thú tản bộ ở các con phố trung tâm bị hạn chế bởi mất an ninh, và tôi còn bị sốc vì hình ảnh nhóm 'Áo Vét Vàng (gilets jaunes) biểu tình đập phá dữ dội ngay trên đại lộ 'hoàng hôn' Champs-Elysees thân yêu của nhiều du khách.

Ngay hôm đầu nhiều người Pháp cũng còn xúc động tìm hiểu động lực của cuộc biểu tình này mới chuyển sang bạo động- bắt đầu từ những cuộc biểu tình từ giữa tháng 11 - do giới lái xe vận tải chặn đường và làm tê liệt hệ thống giao thông.

Nhóm Áo Vàng không thuộc cả phe tả lẫn phe hữu, chỉ biết là đang chống lại việc tăng thuế xăng dầu.

Hôm 4/12, thủ tướng Pháp Eduard Philippe lên tiếng tạm hoãn tăng thuế xăng dầu, coi như nhượng bộ lớn của chính phủ vì Tổng thống Emmanuel Macron từng coi đây là biện pháp cần thiết để tiến đến môi trường bớt ô nhiễm cho Pháp và Âu châu.

Bạo lực cường độ mạnh

Nhưng nhóm biểu tình không ngừng ở đó. Họ tiếp tục với cường độ bạo lực mạnh hơn và đòi hỏi các cải tổ chính sách kinh tế và xã hội sâu rộng hơn. Đến hôm thứ bảy 8/12, thì cảnh bạo động cũ lại tái hiện khủng khiếp hơn với trên 10,000 người biểu tình ở Paris ngay trên đại lộ chính Champs-Elysees.Hình ảnhINPHO - Bạo động từ cuộc biểu tình "áo vàng" đã gây sốc cho Pháp

Biểu tình cũng lan rộng ra các tỉnh lớn khác của Pháp, ước tính có tới trên 136,000 người tham dự.

Ngày 10/12, TT Macron sau khi tham khảo rộng rãi các giới chính trị Pháp đã ban hành biện pháp tăng lương tối thiểu quan trọng, giảm thuế giới trung lưu và thành phần về hưu có lương thấp, nhằm cải thiện đời sống giới trung lưu và công nhân lao động.





Ngay hôm sau 11/12, giới sinh viên học sinh ở Paris cũng xuống đường ủng hộ nhóm Áo Vàng, tuyên bố là "Chính phủ không chịu lắng nghe tiếng nói của giới trẻ".
Hình ảnhGETTY IMAGES

Rõ ràng là các áp lực chống đối trong dân chúng đã không giảm bớt và có chiều hướng tiếp tục mạnh trong những ngày tới.

Trong hai tuần qua, thì các nguyên nhân được nhóm biểu tình tuyên bố rõ ràng hơn, họ phản ảnh sự bất mãn về đời sống kinh tế khó khăn của giới đa phần là trung lưu, nêu ra vật giá tăng cao trong đa số các mặt hàng và dịch vụ thiết yếu, đồng thời kêu gọi chính phủ tăng lương bù đắp, nhưng phải cắt giảm mạnh các chi tiêu khác được nhóm này coi là phung phí, thí dụ cho phúc lợi của một số giới thượng lưu đã về hưu.

Họ đặc biệt bất mãn với vấn đề tầng lớp trên hay gọi là "elites" đã quá được chiều đãi trong xã hội Pháp. Nhất là việc ông Macron mới đây đã bãi bỏ thuế gia sản cho những người có tổng số tài sản vượt trên 1,3 triệu Euro, như là biện pháp cần thiết ngăn giới nhà giàu hay đầu tư bỏ Pháp sang định cư ở các nước láng giềng với thuế thấp hơn.

Nhìn kỹ hình ảnh trên truyền hình và nghe họ phát biểu, tôi nhìn ra ngay đây không phải là các cuộc biểu tình như thường lệ (routine) của nhiều tầng lớp dân Pháp, gần như hàng năm dạo trước, khi chính phủ ra luật hay áp dụng chính sách nào đụng đến "rượu vang và pho mát" (vins et fromages) rất thiêng liêng của họ.

Qua tuyên bố có lý luận mạnh mẽ và tính cách bạo động dữ dội, cuộc xuống đường tuy của nhóm nhỏ Áo Vàng lại có vẻ phản ánh một bức bối (malaise) sâu xa của cả thành phần trung lưu trong xã hội phức tạp của Pháp.

Và ngay trong hai tuần qua, biểu tình có nhóm cũng Áo Vàng riêng biệt lan sang thủ đô Brussels của nước Bỉ, rồi lại lan rộng sang cả Ý.

Nhà máy sớm muộn cũng bị đóng cửa, công nhân mất việc, doanh nghiệp thua lỗ hoặc phá sản. Lúc đó tất cả các hứa hẹn tốt đẹp mà bảo hộ mang lại sẽ tan thành mây khóiTS Phạm Đỗ Chí

Cũng là những tiếng nói giận dữ của giới trung lưu và công nhân than phiền đời sống khó khăn, lương đi xuống, thuế và vật giá tăng cao…
Hoa Kỳ đã chứng kiến như thế

Cuộc bầu cử Hoa kỳ năm 2016 với chiến thắng bất ngờ của Tổng thống Donald Trump, đi ngược lại hầu như tất cả thăm dò bầu cử, đã được coi như thể hiện sức mạnh của tiếng nói trung lưu mạnh mẽ và cũng giận dữ như thế ở Mỹ, trong đa số thành phần cử tri nam hay nữ, da trắng hay da màu, và trẻ hay già.

Rồi đến cuộc bầu cử ở Anh với chiến thắng của nhóm Brexit, đánh dấu ý muốn rời xa khối thị trường chung Âu châu, giảm cạnh tranh thương mại và thay vào đó chủ nghĩa bảo hộ sản xuất. Nay lại đến lượt Pháp với nhóm Áo Vàng và rồi Bỉ và Ý cũng nổi lên chống chính phủ.
Hình ảnhGETTY IMAGES - Người biểu tình Áo Vàng trước Khải hoàn môn

Phải chăng đây là khuynh hướng thế giới mới đáng chú ý, thể hiện từ khi ông Trump thắng cử ở Mỹ, tiếp theo là hiện tượng Brexit ở Anh, và nay khuynh hướng bảo thủ lớn dần trong các nước Tây Âu khác?

Quan điểm chung này là phản ánh tình trạng bất mãn của giới trung lưu và lao động Âu Mỹ từ gần ba thập niên qua, với thu nhập dựa trên giá cố định (real income) tăng rất chậm do ảnh hưởng của toàn cầu hóa, trái ngược hẳn với thu nhập thực tế tăng vọt của cùng giới trung lưu và thương nhân lên hàng "đại gia" trong các nước mới nổi (emerging markets), hưởng lợi rõ rệt từ gia tăng thương mại quốc tế và toàn cầu hóa.

Đây là kết luận của một nghiên cứu quan trọng do kinh tế gia Branko Milanovic của Ngân hàng Thế giới (World Bank) xuất bản năm 2012, dựa theo một hình thống kê nổi tiếng mang tên Đồ thị Con Voi về Toàn Cầu Hóa (Globalization 'Elephant Chart'), đưa đến kết luận là những người bị thua thiệt, thất lợi (non-winners) trong ba mươi năm toàn cầu hóa 1988-2008 lại chính là giới trung lưu ở Phương Tây.

Trong khi toàn cầu hóa đem lại phép lạ phát triển tột độ cho các nước mới nổi và tạo ra cơ hội cho hàng triệu "đại gia" trong các xã hội đó, làm ăn phấn chấn trong sản xuất và xuất cảng rồi tích lũy tài sản khổng lồ, bằng chứng cụ thể nhất là ở Trung Quốc, và phần nào lan đến cả Việt Nam.
Thánh đường Sacré-Cœur, Paris thu hút nhiều du khách

Riêng trở lại kinh tế Mỹ và Tây Âu như Anh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha hay Bỉ, tác động chính của toàn cầu hóa đã là gì?

Nhóm trung lưu và lao động công nghệ chế xe hơi máy móc đã mất nhiều việc làm hay có thu nhập tương đối trì trệ trong thời gian lâu dài.

Cùng với việc 'outsourcing', chuyển doanh nghiệp, dịch vụ ra nước ngoài tìm nhân công rẻ, giá thành của lương bổng trong hệ thống sản xuất Âu Mỹ đã được giữ thấp trong nhiều năm qua.

Cùng với chính sách tiền tệ giữ lãi suất thấp trong các nước này, giá lương và vốn tư bản (wages and capital cost) đều thấp, do đó phần lợi nhuận được duy trì ở mức khá cao và nhờ đó thị trường chứng khoán Âu Mỹ liên tiếp đạt các kỷ lục mới trong ba thập niên qua, trừ vài lúc có trận khủng hoảng tài chính như các năm 2007-08.

Kết quả rõ ràng là giới tư bản chóp bu đã giàu thêm rất nhiều, còn giới công nhân và trung lưu đứng yên hay thụt lùi. Niềm bất mãn kinh tế xã hội sâu xa trong các giới này là thế.

Tăng bảo hộ mậu dịch chẳng giúp được gì

Tuy các quan sát viên chính trị hay giới lãnh đạo có thể bắt mạch đúng tâm trạng bất mãn của giới trung lưu hay lao động, và nhu cầu chính trị nội bộ cần đem lại việc làm cho nhân công mỗi xứ, nhưng phần 'chữa bệnh' sẽ sai nếu từng nước muốn áp dụng chủ nghĩa bảo hộ sản xuất.

Bài học kinh tế căn bản của mọi thời đại, là chính sách này sẽ làm thương mại quốc tế trì trệ hay sút giảm, đưa đến tăng trưởng kinh tế thụt lùi cho chính Âu Mỹ và cả thế giới.

Bảo hộ kinh tế là phương sách hay được các chính trị gia dùng để lấy lá phiếu của người dân, vì ở trên bề mặt, các chính sách bảo hộ hứa hẹn rằng công nhân sẽ không mất việc, nhà máy sẽ không bị chuyển ra nước ngoài, lợi nhuận sẽ nằm lại trong nước, qua đó góp phần tăng thu ngân sách và khi tái đầu tư, sẽ tiếp tục phát triển kinh tế.

Nhưng những lời hứa này đã lờ đi một nguyên tắc căn bản của kinh tế thị trường, đó là đồng vốn phải được tự do sử dụng ở nơi có hiệu quả nhất. Nếu nhà máy mà không sản xuất ra các sản phẩm cạnh tranh được với phần còn lại của thế giới thì sản phẩm sẽ không bán được, dù sản phẩm đó có nhãn Made in USA hay Made in EU chăng nữa.

Nhà máy sớm muộn cũng bị đóng cửa, công nhân mất việc, doanh nghiệp thua lỗ hoặc phá sản. Lúc đó tất cả các hứa hẹn tốt đẹp mà bảo hộ mang lại sẽ tan thành mây khói.

Trong khi đó, Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, và các nước khác sẽ có các biện pháp đáp trả chính sách bảo hộ của Hoa Kỳ và Tây Âu.

Nhưng họ sẽ không đáp trả bằng cách bảo hộ sản xuất trong nước của họ, vì làm như vậy chỉ tự hại mình. Ngoài việc kiện ra tòa thương mại quốc tế, họ còn có thể đánh thuế cao và dùng các rào cản khác đối với hàng hóa và dịch vụ của Âu Mỹ, trong khi vẫn giữ mức đối xử công bằng giữa các quốc gia còn lại với nhau.

Kết quả là bằng các biện pháp bảo hộ, Hoa Kỳ và Tây Âu không những không giữ được công ăn việc làm và lợi nhuận ở trong nước, mà còn mất bớt cả thị phần đang có ở nước ngoài.

Hoa Kỳ có chỉ hướng cho Tây Âu?

Với chính sách bảo hộ được áp dụng mạnh mẽ ở Mỹ sau gần hai năm qua dưới Tổng thống Trump và nhất là gần đây với thương chiến Mỹ-Trung, lương bổng ở Mỹ đã tăng nhanh cho lao động, đảo ngược tình trạng từ nhiều năm trước.

Việc làm và đầu tư đang trở lại Mỹ, nhưng sẽ gây thêm áp lực giá cả vì giá thành sản xuất đã đang cao hơn với việc áp thuế quan lên nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Trung quốc, mặc dù chính phủ liên bang đang tăng lãi suất liên tiếp để ngăn lạm phát trở lại nhanh hơn.

Do tỉ trọng của lương bổng và giá vốn tư bản cao hơn (do lãi suất tăng), phần tỉ trọng của lợi nhuận sẽ thấp đi, và việc thị trường chứng khoán Mỹ đang thụt giảm mạnh trong 3-4 tháng qua thể hiện điều này, ngoài nỗi lo trì trệ kinh tế sắp trở lại theo chu kỳ.

Cuộc hưu chiến 90 ngày trong cuộc thương chiến Mỹ-TQ là để mong hai bên đi đến thỏa thuận trong đó Trung Quốc sẽ phải áp dụng chính sách thương mại toàn cầu công bình hơn.

Nếu đạt được, toàn cầu hóa sẽ trở lại và tiếp tục mạnh mẽ thúc đẩy thương mại quốc tế, thị trường chứng khoán Mỹ mới có cơ hội hồi phục và tăng trưởng bền vững hơn.

Hoa Kỳ có thể tiếp tục xuất cảng các nông sản thiết yếu trong các tiểu bang ủng hộ ông Trump. Đây là hai điều kiện thiết yếu như 'lá bài tẩy' của Tổng thống Trump.

Về phần Trung Quốc, Chủ tịch họ Tập mong sẽ ổn định được chính trị nội bộ và ngưng được cơn khủng hoảng kinh tế tiền tệ đã tiếp diễn từ 8 tháng qua.

Nhưng giới trung lưu và lao động Âu Mỹ sẽ tiếp tục phải tranh đấu khốc liệt với sự cạnh tranh từ các nước mới nổi.

Hiệu quả của sản xuất và nhất là năng suất lao động sẽ là đề tài số một của chính sách kinh tế các nước tiên tiến này trong thập niên mới, để tránh sự sa sút gây bất mãn cho giới trung lưu như trong 30 năm qua.

Và đặc biệt, cơn 'malaise' (bức xúc) hiện tại của Tây Âu sẽ không dễ giải quyết, vì là nơi cơ chế thị trường chưa thực sự hoàn thiện như ở Mỹ, và các ảnh hưởng của khuynh hướng dân chủ xã hội và nhất là truyền thống văn hóa của họ còn mạnh, sẽ cản trở phần nào khuynh hướng đi theo thị trường trọn vẹn.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của TS Phạm Đỗ Chí từ Florida, Hoa Kỳ.

No comments:

HƯƠNG GÂY MÙI NHỚ… Tản Mạn - Nhất Hùng

Truyện Kiều của Nguyễn Du có câu thơ rất ý nhị: “Mành tương phơn phớt gió đàn, Hương gây mùi nhớ trà khan giọng tình”