Monday, December 24, 2018

Truyện ngắn: THƯƠNG ANH “CÁN NGỐ” - ĐIỆP MỸ LINH

Vừa chuyển sang Yahoo news, thấy tấm hình đoàn di dân từ Nam Mỹ hướng về Hoa Kỳ đang lội bì bỏm trong dòng sông Suchiate, bà Liên ngồi lặng yên; nhưng trong tâm tưởng của bà, hình ảnh từng đoàn người đói khổ/rách rưới/tàn tạ dắt díu nhau đi tìm đất sống – vào thập niên 40 – trong “vùng giải phóng” lại hiện về!
Thập niện 40, bà Liên chỉ là đứa bé con, không thể nào hiểu được tại sao ông Thông – Bố của bé Liên – lại hãnh diện, tự hào để cùng nhiều thanh niên trí thức miền Nam đưa gia đình “thoát ly” đời sống đầy tiện nghi ở thành phố, trốn ra “bưng”, tham gia Việt Minh để chống Tây! Không thể nào bé Liên hiểu và có thể nhớ được cuộc khởi hành đầy phiêu lưu, vô định của gia đình; nhưng bé Liên lại nhớ cảnh hãi hùng khi thấy cầu, đường cái quan, đường xe lửa đều bị Việt Minh phá hủy và nhà cửa, xóm làng của dân cũng đều bị Việt Minh san bằng!



Vì xóm làng, nhà cửa không còn, đồng bào phải đi tìm đất sống. Đó là lý do lúc nào cũng có nhiều đoàn người nheo nhóc, bồng bế nhau đi bộ dọc theo đường cái quan loan lở. Các đoàn người tản cư cứ đi hết làng này qua làng khác. Đến bất cứ làng nào đoàn người tản cư cũng chỉ thấy quang cảnh xơ xác, điêu tàn!



Giữa sự điêu tàn gần như toàn diện của thôn làng lại nổi lên mấy khẩu hiệu chói lọi: “Đả đảo thực dân Pháp tàn phá quê hương ta”, “Toàn dân hy sinh đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược”, v.v… Mỗi khi thấy khẩu hiệu như vậy, ông Thông cười “nửa miệng”, nói nhỏ với bà Thông: “Việt Minh đúng là thứ vừa ăn cướp vừa la làng.”

Thời điểm đó bé Liên chưa có ý niệm gì về địa lý, nhưng khi đoàn người tản cư đến cầu Ông Chừ, bé Liên lại biết mọi người đang hướng về Nha Trang, quê Nội của bé. Lý do bé Liên nghĩ như thế là vì thời gian ông Thông chưa bị thuyên chuyển ra làng Sơn Tịnh – Quảng Ngải, để nhận nhiệm vụ Trưởng Ban Văn Nghệ Quân Khu V – thỉnh thoảng bé Liên thấy ông Thông, với ánh mắt buồn vời vợi, ngồi trên mỏm đá phía bên nay cầu Ông Chừ (Tuy Hòa), lặng lẽ nhìn về phía bên kia cầu. Bé Liên hỏi: “Sao Ba buồn quá vậy?” Ông Thông xoa tóc con: “Ba nhớ bà Nội!” Như chợt nhớ chủ nghĩa “tam vô” do Việt Minh chủ xướng và những lần bị kiểm thảo tư tưởng vì dạy bé Liên học Pháp văn hoặc dạy bé Liên đàn, hát những tình khúc ướt lệ, ông Thông vội vàng tiếp: “Con! Con đừng nói lại với ai, nhen, con!” Bé Liên đáp: “Dạ, con biết rồi.” 

Nhớ lại hình ảnh đói khổ, cơ hàn trong “vùng giải phóng” ngày xưa rồi nhìn quanh quán bún bò trước căn nhà lụp xụp của bà bây giờ – nơi vùng kinh tế mới, sau năm 1975 – bà Liên nhận thấy cuộc sống sau năm 1975 cũng chẳng khác chi cuộc sống cơ hàn trong “vùng giải phóng” khi xưa! 

Khi xưa, cơ cực nhưng gia đình sum vầy; bây giờ, ông Thông bị tù tại trại tù Nghĩa Phú về “tội” Trưởng Ty Nội An Thị Xã Cam Ranh; Sơn – em của bà Liên – bị giam ở trại tù A-30 về “tội” sĩ quan “Ngụy”; bà Thông qua đời vì bệnh ruột thừa nhưng vì chồng là “Ngụy”, bác sĩ không chịu giải phẫu; em trai kế của Sơn phải vượt biên để khỏi thi hành “nghĩa vụ quân sự” bên Cao Miên; và ông Long, chồng của bà Liên, bị đưa ra Bắc vì có “nợ máu” với nhân dân!

Mỗi khi nghĩ đến ông Long, không thể nào bà Liên không nhớ lại thời gian ông phục vụ tại các đơn vị tác chiến Hải Quân. Là đơn vị trưởng, ông Long phải có ám từ truyền tin; ông chọn Langdon làm ám hiệu. 

Nếu ông Long gan dạ, cứng rắn bao nhiêu thì bà Liên lại ủy mỵ, lãng mạn bấy nhiêu. Vì tâm hồn rất nhạy cảm và cũng vì tiếp xúc với âm nhạc từ bé, cho nên, khi phải trực diện với bất cứ tình huống nào, trong hồn của bà Liên cũng trỗi dậy dòng nhạc thể hiện được tâm trạng của bà vào thời khắc đó. Vì vậy, đang thương nhớ chồng, bà Liên chợt nhận ra tình khúc Tell Laura I Love Her của Ray Peterson đang ngân lên trong hồn. Bà Liên “ngân nga” nho nhỏ và đổi chủ từ cũng như túc từ cho phù hợp với tâm trạng của bà: “…Tell Langdon I love him. Tell Langdon I need him. Tell Langdon not to cry. My love for him will never die…” Vừa “ngân nga” đến đây, bà Liên cảm thấy thương nhớ luôn cả những đơn vị mà ông Long đã phục vụ.

Thời gian ông Long phục vụ tại Vùng I Duyên Hải, mỗi lần đến Tiên Sa thăm chồng, nhìn thành phố Đà Nẵng lung linh trong ánh đèn, bà Liên tưởng như cả muôn vàn ngôi sao đang hội tụ trong thành phố thân yêu.

Ngày trước, Đà Nẵng lung linh, huyền hoặc bao nhiêu thì tháng 03 năm 1975 – sau khi phải “nhận” không biết bao nhiêu đợt đại pháo của cộng sản Việt Nam (c.s.V.N.) – Đà Nẵng quằn quại bấy nhiêu! Cuối cùng, Đà Nẵng tan hoan! Đà Nẵng chỉ còn xác người, máu và nước mắt!

Sau thời gian dài sống trong cảnh cơ hàn ở vùng kinh tế mới, bà Liên vui mừng khi hay tin Đà Nẵng hồi sinh. 

Nhưng, từ khi có laptop – do người em trai bên Mỹ gửi tặng – bà Liên đọc được tin nhiều phố Tàu đã “mọc” lên ngay trung tâm thành phố và dọc theo các bờ biển trong vịnh Đà Nẵng thì bà Liên buồn quá đổi; vì bà Liên hiểu rằng: Những cứ điểm quân sự, chiến lược quan trọng của Việt Nam tại Đà Nẵng đã “rơi” vào tay Trung Cộng! 

Nỗi buồn chưa nguôi, bà Liên lại đọc được tin trên news.zing.vn. Theo bài tường thuật của Đoàn Nguyên, Ngọc Minh: Gần 10 nhà cao tầng đã được xây dựng ở Đà Nẵng, khiến khả năng phòng thủ, tấn công của sân bay Nước Mặn bị tê liệt!... Thiếu tướng cộng sản Trần Minh Hùng – nguyên Phó tư lệnh Quân khu 5 – cũng lo lắng, xác nhận: “Đây là vấn đề hết sức nguy hiểm, vì sân bay này là nơi tác chiến phòng thủ của các đơn vị quân đội”. 

Tại khách sạn cũng như các khu phố Tàu, họ đem người Tàu – nhập cảnh vào Việt Nam không cần Visa – sang Việt Nam làm công cho họ; rồi từ bản hiệu, quảng cáo, hóa đơn đều in chữ Tàu; nhiều cửa hàng lại ngang nhiên không tiếp người Việt Nam, v.v…thì bà Liên khóc! 

Thì ra, người và đảng c.s.V.N. quyết tâm tận diệt người cùng dòng máu, cùng ngôn ngữ ở miền Nam chỉ với mực đích đưa người Trung cộng vào Việt Nam để đồng hóa người Việt Nam! Niềm oán hận đối với những người đã và đang đày đọa gia đình của bà và đưa toàn nước Việt Nam vào thời bao cấp rồi bán từng phần đất nước cho Trung cộng vừa dâng lên thì một anh công an cầm cái soon nhỏ, bước vào quán. Bà Liên hỏi:

-Dạ, anh cần chi?

-Bác bán cho tôi năm tô bún. Mua nhiều thế bác có cho thêm thịt thà gì không?

-Dạ, tôi sẽ thêm một miếng giò heo hầm.

-Ôi, Giời! Mua năm tô mà chỉ thêm có một miếng giò “nợn” thì về chia thế “.éo” nào được! Ai ăn, ai nhịn?

Nghĩ đến cảnh gia đình mình, một thẻo thịt heo cũng không dám ăn, chỉ để bán, lấy tiền mua gạo và bo bo, bà Liên than:

-Rất tiếc! Tôi không thể cho thêm mỗi tô một miếng giò heo; nhưng tôi sẽ cho thêm mỗi tô một lác chả cá, thay vì miếng dò heo. Được không, anh? 

-Ôi Giời! Buôn bán gì mà keo kiệt thế! Ngoài Bắc heo chạy từng đàn, chả ai thèm ăn; chỉ có người trong này mới xem miếng ăn bằng …cái nhà!

Bà Liên cúi mặt, im lặng làm năm tô bún. Khi thấy bà Liên chỉ bỏ thêm năm miếng chả cá, anh công an sừng sộ:

-Này! Này! Buôn bán thế hả? 

-Dạ, sao ạ?

-Còn miếng giò “nợn” “núc” nãy hứa tại sao không cho vào? Quán này có giấy phép, môn bài hay không mà dám “nường gạc” công an nhân dân, hả?

Biết anh công an nói ngược để đòi thêm, bà Liên nén nước mắt, múc miếng giò heo cho vào soon của anh ta. Bưng soon bún, trước khi quay đi, anh ta còn “tặng” bà Liên một câu nữa:

-Ông mà tìm ra quán bún nào khác thì ông “.éo” thèm “chở nại”!

Từ sự tủi thân, dư âm của một bài hát thời kháng chiến vọng về. Bà Liên vừa quẹt nước mắt vừa “ngân nga” nho nhỏ: “Đây quán bên đường, mái khói lên chạnh nỗi lòng. Đây quán bên đường, chờ mong khách qua đường thương…” Vừa “ngân nga” đến đây, niềm phẫn uất về tình trạng đất nước hiện tại lại dâng lên, bà Liên đổi lời ca mấy chữ cuối câu: “…. Nếp quán xinh xinh, thương anh ‘cán ngố’ ra đi cướp nước… để tặng cho Tàu….” (1) Vừa “ngân nga” đến đây, bà Liên chợt nhận ra ông Tùng – cán bộ hồi hưu ở ngoài Bắc, sau khi vợ chết, được người con trai mời vào sống với gia đình cậu ấy và trở thành khách thường xuyên của bà Liên – đứng cạnh gốc cây me tây từ bao giờ. Lòng thầm lo, không biết ông Tùng đã nghe mấy chữ cuối hay không, bà Liên tỏ vẻ thân thiện:

-Dạ, ông khỏe không? Một tô bún đặc biệt như thường lệ, phải không ạ?

-Vâng. Hôm nay lạnh, vắng khách, nhỉ!

-Dạ, thời tiết lạnh mà ai cũng lo mua sắm quà Noel cho nên ế quá!

-Thế bà đã mua quà “Nô-Ên” chưa?

-Trời! Tôi mà có tiền mua quà Noel thì Mẹ con tôi đâu phải bán bún bò! Còn ông? 

-Con tôi biếu tôi cái “ai pát, ai piết” (Ipad) gì đó; tôi học cách xử dụng mà muốn điên cái đầu!

- Ông xử dụng được chưa?

-Biết sơ sơ để đọc tin tức tiếng Việt thôi chứ không được như bà. 

Bà Liên chuyển đề tài:

-Mời ông dùng bún. Biết ông thích huyết heo, hôm nay tôi thêm cho ông một miếng đấy.

-Bà khéo thế, thảo nào quanh đây ai cũng nói tốt về bà.

-Dạ, họ thương thì họ nói vậy chứ tôi cũng chẳng khác gì những phụ nữ lam lũ quanh đây. Mời ông dùng kẻo nguội.

Vừa trộn tô bún, mùi ớt bột, mùi mắm ruốt, mùi sả, mùi thị bò, mùi giò heo hầm tỏa ra làm cho dịch vị của ông Tùng tiết ra rất nhiều; nhưng ông Tùng cố gắng gắp từng miếng nhỏ, ăn chậm rãi để tỏ ra ông cũng lịch sự như người miền Nam.

Hồi mới vào Nam – bổn tính hay khoe – ông Tùng muốn mọi người gọi ông là “cán bộ” cho oai. Nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn, nhận ra được sự ghẻ lạnh của mọi người và ông Tùng nghe loáng thoáng nhiều người gọi cán bộ là “cán ngố” thì ông chối bỏ danh từ “cán bộ”.

Thế mà lúc nãy lại nghe bà Liên hát một câu trong bài ca thời chống Pháp và bà Liên cũng dùng danh từ “cán ngố”, ông Tùng vừa ăn chầm chậm vừa tìm cách gợi chuyện:

-Biết bà cũng khá lâu mà chưa được nói chuyện nhiều với bà, tôi muốn hỏi thăm bà một điều, được không ạ?

-Dạ, được chứ.

-Câu bà hát lúc nãy có phải từ một bài ca thời kháng chiến hay không?

Nghi là “tai họa” sắp đến, bà Lan tìm cách làm cho vấn đề nhẹ đi:

-Tôi nghe ai hát đâu đó rồi bắt chước hát theo; vậy mà ông biết bài đó sáng tác vào thời kháng chiến. Hay thiệt!

-Thời kháng chiến, ở Quân Khu V, có một gia đình trong Nam theo kháng chiến. Ông bà ấy tên gì tôi chả nhớ; chỉ nhớ đứa con gái của ông bà ấy còn bé xíu mà ca hát suốt ngày; con bé ấy thường hát bài này khi chị em nó ngồi cạnh quán nước và cái hầm tròn để dễ nhảy xuống hầm khi máy bay đến.

Bà Liên mất bình tĩnh, nhưng vẫn cố đưa đẩy câu chuyện để ông Tùng khỏi nghi:

-Vậy à?

-Về sau, nghe tin gia đình con bé ấy hồi cư tôi cũng hơi buồn.

-Tại sao ông lại buồn?

-Thời ấy tôi là liên lạc viên của Quân Khu V. Công văn đến, công văn đi, “lệnh lạc” gì tôi cũng chu toàn cho nên ông Bố của con bé ấy thương tôi lắm. Thương tôi mà trốn đi lại không cho tôi đi cùng, thế bảo sao không buồn!

Dù chẳng nhớ được liên lạc viên tại Quân Khu V là ai, bà Liên cũng chuyển tài: 

-Thôi, chuyện xưa rồi, ông buồn làm chi.

-Không những tôi buồn mà tôi còn lo nữa cơ; vì không biết gia đình con bé ấy có thoát được “nanh vuốt” của bọn chúng hay không!

-“Nanh vuốt” của bọn nào, thưa ông?

-Thì bọn Việt Minh chứ bọn nào!

-Trời đất! Ông là cựu đảng viên, cựu cán bộ mà lại nói như vậy? Ông không sợ à?

-Sợ gì? Tôi chỉ còn cái mạng què này chứ còn gì mà sợ!

-Thôi, ông Tùng ơi! Ông không sợ nhưng tôi sợ lắm!

Ông Tùng chưa kịp nói gì thì một người khách bước vào:

-Lạnh “wá”! Cô cho em tô bún thiệt cay, nhen!

Trong khi hai phụ nữ nói chuyện nho nhỏ, ông Tùng nhìn con đường nhựa, lòng nhớ lại chuyến xe đò xuyên Việt đầu đời đã đưa ông từ Hải Phòng vào Nam.

Xe qua bất cứ thành phố nào ông Tùng cũng thấy nhiều và rất nhiều cơ xưởng đồ sộ và nhà cao tầng, mới xây, trông rất “hoành tráng”. Lúc xe chạy dọc bờ biển, ông Tùng lại thấy khách sạn cao nghệu được xây san sát bên nhau; ra khỏi thành phố thì nhà cửa lại xập xệ, tiêu điều, tàn tạ như thời ông ở Quảng Ngãi. 

Hỏi chàng “lơ” xe, ông Tùng mới biết các cơ xưởng “khổng lồ” và khách sạn dọc các bờ biển là của Trung cộng; những tòa nhà “hoành tráng” là của cán bộ cao cấp c.s.V.N.; những vùng điêu tàn là vùng kinh tế mới dành cho gia đình của “Ngụy quân, Nguy quyền” sống. 

Xe chạy đến Đà Nẵng, vô tình nhìn về hướng Tiên Sa, lòng ông Tùng chợt chùng thấp; vì ông nhớ lại thời gian ông và người bà con bị Biệt Hải của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa bắt trong vùng biển Hải Phòng, khi ông theo người bà con đi câu. 

Sau khi bị bắt, ông Tùng rất lo sợ, vì ông nghĩ sẽ bị “Ngụy” giết ngay. Không ngờ, ông và người bà con được giải giao về Làng Kiểu Mẫu Thế Giới Tự Do bên Cù Lao Chàm, sống chung với các “đồng chí” của ông – đã bị bắt trước ông. Ông Tùng, người bà con của ông, cũng như các “đồng chí” của ông đều được đối xử tử tế, ăn uống sung sướng và mỗi ngày được “Ngụy” giảng dạy về đời sống, thái độ sống trong thế giới văn minh. 

Sự văn minh của “Ngụy” không bao giờ ông Tùng có thể thấy được trong tập thể bộ đội, đảng viên của c.s.V.N.. Đó là “Ngụy” thường nói “cảm ơn”, “xin lỗi” và ông Tùng “phục lăn” sĩ quan “Ngụy”; vì họ không những nói mà còn hát tiếng “nước ngoài”!

Ông Tùng nhớ mãi buổi chiều gần Giáng Sinh, sau giờ “học tập”, ông Tùng cùng các “đồng chí” của ông đang được giải giao về hướng khu vực dành riêng thì nghe thiếu úy “Ngụy” vừa đi cạnh toán tù vừa “gật gù” vừa hát nho nhỏ “…We wish you a Merry Christmas. We wish you a Merry Christmas and a Happy New Year.” (2)
https://www.youtube.com/watch?v=AhoVwJGvFI8
Không nghe thiếu úy hát tiếp, ông Tùng hỏi: “Ơ kìa, anh đang hát nghe vui đáo để mà sao lại ngưng?” Thiếu úy cười: “Bài hát tới đó là hết, biểu tui hỏng ngưng sao được!” Nhận thấy thiếu úy có vẻ vui tính, dễ giải, ông Tùng nói rất nhỏ: “Anh! Anh cho tôi hỏi thăm chút, được không?” Thiếu úy cười: “Vâng, anh cứ nói.” Ông Tùng hỏi: “Nghe nói, sau thời gian học tập, chúng tôi sẽ được phóng thích trở ra Bắc, phải không, anh?” Thiếu úy đáp: “Vâng. Đúng, để các anh truyền lại cho đồng bào miền Bắc và bộ đội cụ Hồ về những điều các anh đã biết, nghe và thấy tại miền Nam.” Ông Tùng cảm thấy ớn lạnh ở sóng lưng! Thời chưa bị bắt, ông Tùng biết rõ: “Thằng” tù miền Bắc nào được “Ngụy” thả về lại miền Bắc cũng – không trước thì sau – sẽ bị đảng và người c.s.V.N. thủ tiêu, chết không biết nguyên nhân!

Vì sợ sẽ bị các “đồng chí” thủ tiêu, đến lượt được tha để trở về Bắc, ông Tùng xin ở lại với “Ngụy”; nhưng không được chấp thuận. Cũng may, khi trở về Bắc, ông Tùng được một người bà con bên vợ – có “thế lực” trong hợp tác xã – “bao che” cho nên ông còn sống để bây giờ…

Dòng ý tưởng của ông Tùng vừa đến đây, tiếng cô khách hàng đưa ông trở về thực tại:

-Em “dìa”, nhen, cô. Mai mốt em ra ăn nữa.

-Cảm ơn em. 

Tiếng ông Tùng:

-Đấy, ai cũng thích ăn bún của bà; bà sẽ giàu lên mấy hồi.

Đoán có lẽ ông Tùng bất mãn điều gì với c.s.V.N., bà Liên nói lên sự thật:

-Sau 1975, người giàu lên thì chỉ có đảng viên và những nhân vật cao cấp của đảng c.s.V.N. thôi, ông à!

Con trai của ông Tùng cũng là đảng viên đảng c.s.V.N., nhưng cuộc sống chỉ hơn cuộc sống của vợ con của “Ngụy” tý đỉnh, nhờ cậu ta biết “mánh mung”; nhưng sau khi “mánh mung” cậu ta cũng phải nộp cho cấp trên khá nhiều thì mới có thể phục vụ tại đơn vị đó. Ông Tùng nói ra nỗi xót xa trong lòng.

-Đảng c.s.V.N. thoát thân từ những bà Mẹ quê lam lũ, những anh chị nông dân ít học, các dân tộc thiểu số. Nhưng, khi mục tiêu “thống nhất” đạt được rồi thì chính thành phần nông dân lam lũ, các bà Mẹ quê và các bộ lạc dân tộc thiểu số bị “đá đít” trước nhất. Ai đời, con cháu của người thiểu số đi học mà phải “đu giây” hoặc được bỏ vào bao ny-long rồi Bố kéo qua sông, qua suối! Nhân dân vào bệnh viện thì cứ hai bệnh nhân nằm chung một giường; người thân thăm nuôi phải nằm dưới gầm giừng người bệnh hoặc dọc hành lang hay ngoài sân bệnh viện! Còn tiền thuế của dân thì đảng c.s.V.N. dùng để xây tượng đài!

-Ông Tùng ơi! Sao hôm nay ông nói nhiều điều… dễ sợ quá!

-Sợ gì? Dân Việt Nam mình thiếu anh hùng hay sao mà xây tượng “thằng” Lenin, “thằng” Phi-đeo (Fidel Castro)? Bà biết tại sao c.s.V.N. thích tạo ra những đồ án lớn như dựng tượng đài hay không?

-Biết, nhưng bà Liên lại lắc đầu. Ông Tùng tiếp:

-Bà vào “gú gồ”, tìm vietnamnet.vn, bà sẽ thấy bài Tượng Đài Và Chuyện “Bát Cơm” Của Nhiều Người. Trong bài ấy có câu đại ý như thế này: “…Nhân vụ việc bức ‘Tượng Đài Chiến Thắng’ ở Bắc Cạn bị gảy đổ ta mới biết bức tượng chỉ có giá 2 tỷ trong toàn bộ công trình 14 tỷ. Đó là thông tin do chính ông Hoàng Văn Trường, Giám đốc Sở Văn Hóa, Thể thao, Du lịch Bắc Cạn cho dư luận biết qua báo chí…” Thế thì 12 tỷ sai biệt “chạy” vào túi ai? Còn Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng – sau khi “no nê”, của cải giấu kỹ ở “nước ngoài” – xoay ra tố tham nhũng để lấy tiếng. Ông Trọng củng cố “uy tín” chính trị vừa xong thì Chủ Tịch nước Trần Đại Quang “lăng” ra chết! Thế là Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng “nhà ta” kiêm luôn chức Chủ Tịch nước cho “trọn gói”!

-Thôi, thôi, ông Tùng ơi! Ông nói nghe “ghê” quá! Tôi… sợ lắm!

-Bà sợ chuyện chính trị thì để tôi nói chuyện thể thao cho bà nghe, nhé!

-Dạ.

-Bà nghĩ như thế nào về trận đá banh vừa rồi?

-Dạ, tôi ít theo dõi thể thao. 

-Giải AFF Su-zu-ki chỉ là một giải vùng Đông Nam Á, chứ đâu phải giải vô địch Á Châu; thế mà “chúng nó” “loạn” lên, cả “rừng” xe gắn máy khuấy động thành phố suốt đêm rồi con trai thì tung cờ, con gái thì cởi áo, chỉ mặc xì-líp “đi bão” rồi hô vang “Tự hào quá Việt Nam”! Tự hào cái quái quỹ gì khi Trung cộng dẫm nát Quê Hương mà tuổi trẻ chỉ biết ăn chơi, bia rượu, đàn điếm? Đúng là một xã hội điên loạn, đầy măc cảm tự ty!

-Tôi ước chi người trẻ dùng năng lực của họ để tiếp tục thực hiện những cuộc biểu tình tuyệt vời như khi c.s.V.N. cho Trung cộng thuê ba đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. 

-Vụ biểu tình …“xẹp” rồi! Nhưng gần đây có một người trẻ như bà mong ước.

-Ai vậy, thưa ông?

Ông Tùng lấy Iphone ra, quẹt quẹt vài lần rồi đáp:

-Đây, bà đọc đi. Yêu Sách Tám Điểm Năm 2019
Của Người Dân Việt Nam. Trong bản tin này họ nhắc đến một sinh viên đại học tên Tôn Phi.
Bà Liên sợ, nói tránh đi:

-Dạ, cảm ơn ông. Nhưng mắt tôi kém lắm, đọc không được.

Ông Tùng có vẻ không vui, cất Iphone vào túi rồi nói:

-Sau chuyến xe xuyên Việt đầu đời tôi mới hiểu rằng chúng tôi đã bị lừa!

-Hôm trước ông bảo ông đã theo “cách mạng” từ năm ông 12 tuổi mà sao bây giờ ông nói ông bị lừa?
-Mười hai tuổi biết cái – sắp thốt ra tiếng …“.éo” thì ông Tùng vội sửa lại – đếch gì mà theo! Lúc ấy gia đình tôi chuyên nghề nông cả mấy đời ở Quảng Ngãi. Năm đó mất mùa, hàng xóm bảo Ba Mẹ tôi xin cho tôi làm liên lạc viên, mỗi tháng được đảng cấp tám ký gạo lại được mua thực phẩm ở hợp tác xã cho nên tôi mới vào.

-Ông người Bắc mà tại sao gia đình ông mấy đời làm nghề nông ở Quảng Ngãi?

-Năm 1954, “chúng nó” bắt tôi phải đi tập kết; ra ngoài Bắc lấy vợ, sinh con thì nói tiếng Bắc...

Ông Tùng vừa nói ngang đây thì đứa cháu nội đến, gọi ông về. Ông Tùng trả tiền rồi từ giã bà Liên:

-Chào bà, nhá! Ô, quên, cảm ơn bà đã thêm cho tôi miếng huyết heo.

-Dạ, không có chi. Ông là khách quen mà.

Ông Tùng cười, nắm tay đứa cháu, quay đi. Bước chầm chậm trên con đường nhựa loan lổ – như tâm hồn của ông lúc bấy giờ – ông Tùng hồi tưởng lại những gì ông đã thấy trên chuyến xe xuyên Việt mà ông đã đi. 

Trong khi ông Tùng thở dài, lòng cay đắng và đầy phẫn uất vì đã nhận ra sự phản bội của đảng c.s.V.N. đối với Quê Hương, dân tộc cũng như đối với ông và “đồng chí” của ông thì bà Liên nhìn theo phiến lưng cong và dáng đi khập khễnh của ông. 

Bà Liên chợt cảm thấy tội nghiệp cho những người như ông Tùng; vì đến gần cuối đời mới nhận ra được bề trái của đảng c.s.V.N.!

ĐIỆP MỸ LINH

1.- Quán Bên Đường của Lê Trọng Nguyễn.

2.- We Wish You A Merry Christmas, không nhớ tên tác giả.



























No comments: