Báu vật và Hồng ân – Mùa của tình yêu bất diệt
Vũ Ðình Trọng
Giới thiệu Tuyển tập
thơ của Trangđài Glassey-Trầnguyễn, PiVA Poets in VietnAmerica xuất bản, ấn phí
$10, bưu phí $3. Liên lạc: 7791 Santa Catalina, Stanton CA 90680, 714 204 8340,
vietamproj@gmail.com, www.trangdai.net.
Tập thơ “MÙA YÊU CON
Thứ Nhất” của Trangđài Glassey Trầnguyễn là chứng cớ của cuộc tình tay ba giữa
Trangđài, Cưng, và Cục Cưng của cô, như cô cho biết. Tuy nhiên, đối với tôi,
đây là một tác phẩm không chỉ dành cho “cuộc tình tay ba” của Trangđài mà đó
còn là một món quà quý giá đối với ai đã từng được làm Mẹ, từng được làm Cha,
và hơn lúc nào hết, nó quý giá với tất cả mọi người con.
Ai trong chúng ta không là con của một người Mẹ?
Tôi là một người đàn ông, nên không được trải qua chín tháng
cưu mang một mầm sống. Chín tháng hạnh phúc vô biên chỉ dành cho người phụ nữ
khi được từng ngày, từng giờ, cảm nhận được cái hạnh phúc vô biên của một hình
hài bé nhỏ trong “lòng son.” Chín tháng cưu mang, được Trangđài chắt lọc chỉ
trong bốn câu thơ:
kết mầm cuối hạ
khai dạ xuyên thu
đông ấm duyên cù
đầu xuân khai nhụy
(tứ thời)
Cho dù ký ức về Mẹ nhạt nhòa dần theo ngày tháng, nhưng
Trangđài giúp tôi tạo lại hình ảnh của chính tôi ngay trong lòng son của Mẹ. Ðể
tôi hiểu rằng, dù muộn, cuộc “hiệp thông” trong “đớn đau,” để “vượt qua cái
chết,” để “khải hoàn trong con” của Mẹ là một hình ảnh tuyệt vời nhất mà Thượng
Đế đã ban tặng cho mỗi chúng ta.
trong cuộc lâm bồn
mẹ hiệp thông cùng mầu nhiệm khổ giá
mẹ vượt qua cái chết
để khải hoàn trong con…
và trong cuộc đại vượt qua này
phần thưởng của mẹ là chính con
(hiệp thông)
Ðó là một cuộc đổi
đời, từ vai trò làm vợ. Nhưng tôi nghĩ rằng cuộc đổi đời này không chỉ có ý
nghĩa cho những người Mẹ; người Cha cũng tự đổi đời ngay khi nghe tiếng khóc
chào đời của con. Tôi cũng đã hưởng được cảm giác đổi đời ấy khi là người thân
đầu tiên được ẵm con trên tay, ngắm nhìn gương mặt, sờ nắm bàn tay, bàn chân
con, để rồi vui mừng khi thấy con mình chào đời an toàn, lành lặn.
đời mẹ mở
để quy về con
hồn mẹ thắm
để soi sáng con
tim mẹ lành
để ân tứ con
vai mẹ nở
để cưu mang con
ngực mẹ rộng
để ấp ủ con
tay mẹ chắc
để bồng bế con
bụng mẹ ấm
để ru ngủ con
chân mẹ vững
để dắt dìu con
mắt mẹ sáng
để nhìn ngắm con.
(đổi đời)
Trong phòng của tôi có treo một khung kính mà tôi mua với
giá một đô la hồi mới qua Mỹ. Khung kính có một bông hồng màu vàng và những
dòng chữ màu đen:
“Mothers
Mothers and roses are much the same.
Both are God's masterpieces –
Each with a different name.”
Tôi mua nó tình cờ trong một buổi “garage sale.” Tôi muốn nó
nhắc nhở tôi rằng mình đang sở hữu một báu vật, của riêng mình và của cả nhân
loại. Một báu vật không chỉ dễ vỡ vì tuổi tác hay bệnh tật, mà còn rất dễ vỡ
bởi những lời nói mang theo những hạt muối mặn. Trangđài đã làm tôi choáng ngợp
khi cô xem đứa con là “hồng ân” của Thượng Ðế. Cảm nghiệm được điều này, mới
thấy tình Mẹ bao la như thế nào:
nếu Chúa yêu nhân trần
bằng Thánh Giá
mẹ yêu con
bằng hồn, xác, tâm, thân
Chúa tận hiến trên đồi cao
xứ lạ
mẹ mỗi ngày
tận hiến
với hồng ân
(tận hiến)
Con và Mẹ cùng “tôn thờ” nhau. Nếu như Con chỉ bắt đầu “tôn
thờ” Mẹ từ khi có trí khôn, thì Mẹ “tôn thờ” con ngay từ khi con còn là một mầm
sống nhỏ nhoi trong “lòng son” của Mẹ:
lưu vong con đến trong lòng
tạm cư dạ mẹ, tình hồng yêu con
đến ngày rời khỏi lòng son
cung lòng mẹ mở vì con hai lần
(lưu vong)
… đến lúc con chào đời:
con chào đời
trời đất thở ra tơ
cả vũ trụ ngượng ngùng, thôi hối hả
cả cuộc đời xoay quanh khăn, sữa, tã
cả một ngày mẹ chăm chút riêng con
(nhác bóng Thiên Ðường)
… lúc dứt sữa, … và cho đến cuối đời:
Mẹ dứt sữa Con
Con dứt sữa Mẹ
mạch lưỡng-nhất từ nay thôi chảy trong người
mà chảy giữa cuộc đời
xuyên suốt Mẹ và Con.
(dứt sữa)
Ðọc “MÙA YÊU CON” của Trangđài, tôi lại được trở về một “mùa
yêu Mẹ” thật tuyệt vời. Có lẽ, vì Mẹ và Con là hai dòng chảy, hai mạch sống,
hai thực thể, cho dù bị cắt rời vẫn là Một.
Trangđài viết cho riêng cô, nhưng trong cái riêng ấy chất
chứa một cái chung mà chúng ta thường hay ca tụng - Tình Mẹ. Thế nhưng, tôi tự
hỏi, có ai trong chúng ta, những người con, biết được, hiểu được Mẹ mình nghĩ
gì, làm gì cho ta, khi ta còn là một mầm sống bám víu trong "lòng
son" của Mẹ, cho đến khi được nhìn thấy ánh mặt trời?
Ký ức về Mẹ trong những ngày thơ ấu của tôi rất ít, nhưng
cũng may là có một chuyện mà tôi nhớ mãi cho đến bây giờ. Ðó là một ngày mưa
tầm tã, tôi nằm co quắp trên giường vì sốt trong căn nhà ọp ẹp đầy những chậu
hứng nước mưa. Mẹ đi chợ về với cái giỏ nhẹ tênh vài bó rau. Mẹ xà xuống rờ
đầu, rờ chân tôi rồi vội bồng tôi lên, khoác vội chiếc áo mưa nhỏ không che đủ
hai mẹ con, chạy đến nhà ông y tá đầu xóm. Ðó là lần đầu tiên tôi cảm nhận được
mùi mồ hôi của Mẹ, cảm nhận được tiếng nhịp tim loạn xạ của Mẹ, khi Mẹ ôm thật
chặt tôi trong lòng, như muốn lấy hết cơn sốt của tôi.
Trangđài cho tôi trở về thời thơ ấu, khi trí óc non nớt của
tôi chưa đủ hiểu Mẹ đã làm gì cho tôi trong mấy năm đầu đời. Cô kể chuyện riêng
của cô, chuyện của bà mẹ trẻ. Tôi hình dung chuyện riêng, chuyện của Mẹ con
tôi. Ðể tôi nhớ thêm được rằng trong cuộc sống của tôi, dù ra sao chăng nữa,
vẫn luôn có một dòng sữa Mẹ chảy âm thầm trong huyết quản.
sữa là huyết
đắm càn khôn
mẹ về con
đời cuộn chảy
Một dòng sữa nuôi lớn tôi, một dòng sữa xuyên suốt “trong
mối tình Trời-mẹ-con.” Một mối tình bất diệt.
Thơ, văn của Trangđài mang lại nhiều điều mới lạ, trong cách
nhìn của riêng cô. Chữ nghĩa, với cô, không thể dùng tùy tiện mà phải có một
thời gian để “chữ, hơi, và ý lắng vào nhau.” Chính vì thế, thơ văn của Trangđài
là “chân-dung-bằng-chữ” của một tâm hồn nhìn cuộc sống đa chiều với tình yêu
thương.
Vũ Ðình Trọng
No comments:
Post a Comment