NgV
Giữa lúc cuộc tranh chấp bãi đá ngầm Scarborough/Hoàng Nham trên Biển Đông vẫn rất căng thẳng và chưa có dấu hiệu nhượng bộ nào từ hai phía, ngày 23/5 Trung Quốc đã điều hàng trăm tàu tới khu vực này. Hành động bất thường này của Trung Quốc thể hiện điều gì với Philippines?
Tàu tuần tra bờ biển Philippines và tàu Hải Giám TQ trong khu vực bãi cạn Scarborough
Phản ứng lại trước thông tin từ Philippes ngày 23/5 cho rằng Trung Quốc đang cố làm leo thang căng thẳng khi điều hàng trăm tàu tới khu vực tranh chấp trên Biển Đông, ngày 24/5, Bắc Kinh đã thừa nhận có gửi thêm tàu thuyền đến khu vực đang có tranh chấp nhưng đổ lỗi cho Manila về tình trạng leo thang này.
Cần nhắc lại rằng Bộ Ngoại giao Philippines ngày 23/5 cho biết đã có 5 tàu của Chính phủ Trung Quốc bị phát hiện tại bãi cạn này cùng 16 tàu cá và 56 thuyền con khác trong đêm 21/5. Cho đến ngày 22/5, 16 tàu cá Trung Quốc vẫn còn tại đây, trong khi số thuyền nhỏ tăng lên đến 76 chiếc. Bộ Ngoại giao Philippines cho rằng việc xuất hiện của các tàu cá này chứng tỏ lệnh cấm đánh bắt do chính Trung Quốc ban hành đã bị vi phạm. Phía Philippines chỉ triển khai tàu từ Lực lượng phòng vệ bờ biển và Cục Tài nguyên thủy hải sản để giám sát hoạt động các tàu Trung Quốc trong khu vực.
Bộ Ngoại giao Philippines quan ngại sự xâm nhập của tàu Trung Quốc tại bãi này sẽ khiến căng thẳng leo thang. Bộ này đã gửi công hàm ngoại giao đến Chính phủ Trung Quốc, thông qua Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila, để kháng nghị vụ việc, yêu cầu các tàu Trung Quốc ngay lập tức rút khỏi bãi cạn và đặc khu kinh tế của Philippines, đồng thời đề nghị “Trung Quốc không tiếp tục có hành động gây thêm căng thẳng trên biển Đông”.
Hôm 24/5, Trung Quốc gọi Philippines là thiếu thành thực trong việc muốn giải quyết vụ giằng co đã kéo dài 2 tháng về một hòn đảo bị tranh chấp ở vùng Biển Ðông. Bộ Ngoại giao Trung Quốc viện dẫn các hành động khiêu khích không nêu rõ của Manila quanh bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham. Đồng thời, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi thừa nhận Trung Quốc đã gửi thêm tàu đến đảo đá Hoàng Nham để tăng cường sự kiểm soát.
Hồng Lỗi nói Trung Quốc có chủ quyền không tranh cãi được ở đảo Hoàng Nham. Hồng nói các tàu bè ở đó là tàu bè của chính phủ làm công tác hải giám và cung cấp một vài bảo đảm cho các tàu đánh cá. Hồng nói qua việc này, ngư phủ Trung Quốc có thể hoạt động tự do ở đó.
Bãi đá ngầm Scarborough đã là địa điểm của cuộc giằng co từ tháng 4 khi một chiến hạm của Philippines tìm cách chặn các tàu đánh cá của Trung Quốc. Các tàu hải giám Trung Quốc đã ngăn không cho các tàu này bị bắt và hai bên từ đó đã lâm vào một cuộc khẩu chiến.
Giáo sư Carl Thayer của Học viện Quốc phòng Australia, nói rằng việc có thêm các tàu của Trung Quốc đến đó chứng tỏ ưu thế của hải quân Bắc Kinh so với hải quân Philippines như thế nào.
Theo giáo sư Thayer, việc có thêm các tàu khác đến nơi gây áp lực lớn cho Philippines, là nước mà vào thời điểm tốt nhất, đội tuần duyên của họ mới may mắn có được một chiếc tàu được sửa chữa tốt ngoài biển. Nhưng để một chiếc tàu có thể đóng ở bãi cạn Scarborough, cách xa quần đảo Trường Sa và những khu vực khác mà tàu phải tuần tra thì sẽ là áp lực lớn đối với các nguồn lực và khả năng của Philippines. Do đó, dường như Trung Quốc đang tạo áp lực phi thường. Tất cả các áp lực đó đều mang tính cách bất bạo động, không đe dọa để chứng tỏ chủ quyền của mình.
Giới hữu trách Trung Quốc thừa nhận hiện có khoảng 20 tàu đánh cá trong khu vực, bất chấp một lệnh cấm đánh cá tạm thời mà Trung Quốc tự áp đặt.
Philippines nói ngư phủ Trung Quốc vi phạm lệnh cấm đó. Ông Thayer thì nói rằng nếu Trung Quốc nghiêm túc về việc dự trữ nguồn cá, thì họ sẽ rút các tàu đánh cá về thay vì tăng thêm. Nhưng ông cho rằng thuyền bè của Trung Quốc vẫn thường vi phạm các lệnh cấm đánh bắt cá của Bắc Kinh.
Ông Thayer nói nếu xét trở lại nhiều năm trước, trong thời gian có lệnh cấm đánh bắt cá, Đài Loan đã báo cáo một số lớn các tàu thuyền của Hoa lục xuất hiện ở ngoài khơi đảo Traipsing mà họ nắm quyền kiểm soát. Năm ngoái, Việt Nam báo cáo có tới 200 tàu đánh cá vi phạm hải phận trung bộ Việt Nam.
Bãi đá Scarborough nằm cách Philippines chỉ khoảng 230 kilomet về phía tây bắc nhưng cách TQ hơn 1200 km, nhưng Trung Quốc đã ngang ngược nhận chủ quyền không phải riêng khu này mà gần như toàn bộ khu vực Biển Ðông.
PetroTimes theo AP
Nam Yết chuyển
No comments:
Post a Comment