Phan lac Tiếp điểm
bộ sách Bông Hồng Tạ Ơn của Nguyển đình Toàn.
NHỮNG NÉT TINH HOA CỦA ĐỜI SỐNG..
Kính thưa quý vị
trưởng thượng,
Kính thưa toàn
thể quý vị và các bạn.
Người xưa có nói
“ Thất thập cổ lai hy”, bảy mươi tuổi xưa nay hiếm. Câu nói ấy với chúng tôi và
anh Nguyễn đình Toàn có lẽ không còn đúng nữa. Ví anh Toàn sinh năm 1936, còn 4
năm nữa tròn 80, và chúng tôi, người đang thưa chuyện cùng quý vị đây, chúng tôi
hơn anh Toàn 3 tuổi. Dù có cố trốn tránh cách nào đi nữa, chắc chắn anh em chúng
tôi không còn trẻ nữa.
Chúng tôi quen
nhau từ năm 1949, khì Hà Nội vừa im tiếng súng. Chúng tôi tử vùng tản cư trở về,
cùng đi học lại, gặp nhau và tập tễnh làm văn nghệ văn gừng. Ở lứa tuổi non trẻ
ấy, chúng tôi tạm quên những vần thơ của thời tiền chiến và đang ngỡ ngàng, ngưỡng
mộ những ngôi sao mới như Quang Dũng, Yên Thao…
.Anh Nguyễn đình
Toàn quê ở Gia Lâm, sát Hà Nội. Làng anh nằm bên tả ngạn sông Hồng và hữu ngạn
con sông huyền thoại của Hoàng Cầm:
“ Sông Đuống trôi đi một dòng lấp lánh…
. Nằm nghiêng nghiêng
trong kháng chiến trường kỳ…”
Vùng đất ấy xưa gọi là Kinh Bắc, với chùa chiền,
lăng miếu thờ Lý Bát Đế còn rải rác đó đây, là cái nôi của Hội Lim, quan họ tình
tứ. của “liền anh, liền chị”. Trong những ngày sơ giao ấy, lấy bút hiệu là Tô hà
Vân, Nguyễn đỉnh Toàn cũng có những câu thơ rất trữ tình đậm mùi đồng nội :
Ngày em về thăm quê tôi
Xóm làng gặp kỳ
mở hội
Chim rủ nhau về ăn
cưới
Hoa thanh bình yêu
nắng mùa xuân
...
Nhưng những ngày tháng yên lành, mơ mộng
ấy của chúng tôi không được bao lâu.. Mấy năm sau tiếng đại bác đêm đêm đã vọng
về Hà Nội. Điện Biên Phủ, một địa danh xa tít bỗng tràn ngập mặt báo Hà thành.
Cuộc đi Nam ào ạt. Tình bạn của chúng tôi cũng tan theo, tưởng không bao giờ gặp
lại.
Nhưng
trong miền đất mới, Sài Gòn, chúng tôi tình
cờ lại gặp được nhau và trở nên thân thiết. Nhưng bạn tôi thì đau ốm, không biết
sẽ “ buông tay” ngày nào. Nguyễn đình Toàn bị bịnh lao phổi. Bịnh này trong thời
gia ấy coi như bất trị. Trong căn nhà nhỏ đơn sơ của người chị, mái lá cong lên
dưới nắng hanh, Toàn có một căn phòng vách nứa riêng biệt ở miệt ngoại ô, gần Tân
sơn Nhất, hàng ngày nghe thấy tiếng chuông từ nghĩa trang Bắc Việt vọng về. Ở đấy
Toàn đã thả thời gian vô định miệt mài đọc, viết, làm thơ và lững lờ sống như
chờ đợi phút cuối của đời mình, như chính anh đã viết:
Anh nằm đấy buổi
trưa và tiếng nắng
Mặt đất mềm bước
chân em chợt nặng
Lá tre vàng dồn thổi
muà thu đi
....
Một người con gái chẳng hề ngần ngại, không sợ lây lan, đã nhiều lần đến
thăm Toàn với những nụ hồng tươi thắm. Thật lạ. Những hôm trời nắng, Toàn ngồi
dựa lưng vào đống chăn gối, búng những nốt đàn buồn và tiếp tục đọc những câu
thơ của mình như một lời tạ từ, tiếc nuối
:
Em đừng khóc, đừng
buồn, đừng nhìn nữa
Cứ cúi đầu, cứ
thế, rồi ra đi
Trời sẽ tối, tiếc
thương rồi sẽ hết
Và dấu giày mai sẽ lá sương che
Cô bé
như nuốt hết những lời ca, nốt nhạc và cả tiếng nắng hanh trên mái lá vào lòng..
Cô như muốn bắt chiếc người con gái đang
nổi tiếng ở bên Tây, F Sagan “ Buồn ơi chào mi”, và cô đã có những câu thơ liều
lĩnh, thật lạ và vui:
Nếu mà con rắn
cuốn chân tôi
Thì tôi ngửa mặt vỗ tay cười.
Chính trong thời gian này NĐT đã thái
nghén và viết cuốn truyện đầu tay của anh , cuốn Chị Em Hải.
Sau người con gái ấy đi đâu, tôi không
biết nữa ( Xin bà Toàn đừng buồn, hãy coi đây như một áng mây mỏng bay qua cửa
sổ. Mà lúc ấy bà Toàn còn nhỏ, chúng tôi chưa biết. Và như chúng tôi còn nhớ,
khi bà và NĐT gặp nhau, bà còn gọi chúng tôi là chú. Chúng tôi cũng từng từng
nghe bà nói, chỉ cần anh Toàn sống dược 3 năm
là đủ hạnh phúc rồi. Nay cuộc hôn nhân ấy đã gần 50 năm, và ông bà Toàn đã
sẵn sàng đón nhận cháu gọi mình là cụ, vì cháu nội ông bà Toàn đã lập gia đình).
.Một hôm chúng tôi đến thăm Toàn, đọc mấy
trang bản thảo Chị Em Hải, thấy lạ. Chữ viết đẹp như múa Tôi mượn cả cuốn bản
thảo đem về đọc và khoe với ông anh tôi, Phan lạc Phúc. Ông anh tôi đọc suốt đêm,
rồi ngỡ ngàng, bảo: “ Cái này ở đâu ra ?”
Tôi bảo “ Của bạn em.” Ít ngày sau một chương sách của NđT xuất hiện trên nhật
báo Tự Do. Tôi mang chút tiền còm bản quyền cho Toàn với lời nhắc của thi sỹ Hà
thượng Nhân : “ Anh này viết lạ lắm, bút pháp rất mới, in dược đấy”. Hà thượng
Nhân lúc đó là một trong những người chủ trương cơ sở xuất bản Tư Do và cùng làm
việc với ông anh tôi tại Phòng 5 Bộ Tổng Tham Mưu. Sau ông làm Tổng Giám Đốc đài
phát thanh Sài Gòn. Chị Em Hải nhờ đó được Cơ Sở Tư Do in phát hành vào năm
1960.
Trước
khi cuốn sách được in, ông anh tôi đề nghị tác giả “ Bỏ bút hiệu Tô hà Vân mà lấy
tên thật làm bút hiệu.Tên mới này nó mạnh mẽ hơn, mời gọi hơn.” Từ đó Văn Học
Miền Nam, trên nửa thế kỷ qua, có một nhà văn, một thy sỹ và một nhạc sỹ được mọi người biết đến và yêu mến là Nguyễn đình
Toàn.
Như
thế chính Chị Em Hải còn là “ người đưa
lối” cho Toàn làm biện tập viên cho đài Sàn Gòn do Thiếu Tá Phạm xuân Ninh, tức
thi sỹ Hà thượng Nhân làm Tổng Giám Đốc.
Bịnh
tinh của Toàn như trôi đi theo những ngày trưởng thành của VNCH.
Cuộc
xâm lăng Miền Nam do Bắc Việt phát động bùng lên. Động viên toàn quốc. Toàn bình
phục đủ sức để làm công chức, nhưng không
đủ sức để nhập ngũ. Mục Nhạc Chủ Đề do Toàn phụ trách và đích thân đọc lời giới
thiệu và dẫn giải được đón nhận nồng nàn. Và cũng chính thời gian này anh viết
Những Kẻ Đứng Bên Lề. Sau đó là Ngày Tháng, Áo Mơ Phai, mang những nét nhớ
nhung về Hà Nội. Tác phấm này năm 1970 được trao giải Văn Học Toàn Quốc. Sau nữa
là tập thơ Mật Đắng...
Ngày 30 tháng 4 ùa tới, tình bạn của chúng
tôi lại một lần nữa cách chia.
Ở lại với Sài Gòn, để ngâm ngùi với “ thành
phố đã mất tên” và những ngày tù tội, hơn 10 năm sau mới tới được Hoa Kỳ và NĐT
đã có cơ may cầm bút lại.
Mấy năm trước đây, nhân buổi ra mắt cuốn
Bông Hồng Tạ Ơn tại San Jose, thi sỹ Hà thượng Nhân, lúc này đã ngoài 90, rất yếu,
đi xe lăn tới dự. Nhiều người lên nói về cuốn sách, có người nói đặc biệt về Chương
Trình Nhạc Chủ Đề, về giọng nói êm đềm tha thiết mở đầu bằng câu “ Em yêu dấu...”
Diễn giả tha thiết nói “ Chúng tôi mê mệt đón nghe tiếng nói ngọn ngào của người
giới thiệu chương trình, hơn là nghe tiếng hát...”Lời phát biểu ấy vừa dứt, Hà
trưởng Môn dơ tay, và máy vi âm đươc chuyển tới ông. Ông nói : “ Khi hồ
sơ ( xin việc) của anh đến tay tôi, tôi thuận nay và mời anh làm cho đài. Tôi
quá bận ,không có thì giờ theo dõi kỹ việc anh làm. Tôi cũng không biết anh có
nhiều tài năng như thế. Tôi..., tôi thành thực xin lỗi anh”. Lời “ xin lỗi”ấy ông
nói rất từ tốn, dõng dạc, thận trọng, mọi người hiện diện không ngờ và bàng hoàng.
Chúng tôi ngồi cạnh Toàn, chúng tôi cũng bàng hoàng. Toàn đứng lên, chấp tay đa
tạ.
Tất
cả hội trường như lặng đi trong không khí tương kính ít có giữa những người đã
làm xong việc đời, nhưng vẫn giữ vẹn toàn khí tiết và trách nhiệm.
Chẳng
bao lâu sau, Hà trưởng Môn mất/
Vài nét như thế tưởng cũng tạm đủ về thân
thế tác giả Nguyễn đình Toàn.
Và bây giờ chúng ta trở lại với bộ sách
mới của anh : Bông Hồng Tạ Ơn, viết thêm và tái bản.
***
Nếu phải tìm một cuốn sách nào phản ảnh được
đầy đủ, ngập tràn sinh động của VNCH từ những ngày còn trứng nước, rồi trưởng
thành, trên dưới 20 năm cho đến những phút cuối cùng tan giã, chúng tôi nghĩ,
không có cuốn sách nào viết về VNCH, bằng cuốn Bông Hồng Tạ Ơn của Nguyễn đình
Toàn.
Một
bộ 2 cuốn, tổng cộng 1308 trang, không kể
bìa, nói về 234 tác giả, những người làm
văn học, nghệ thuất của Miền Nam.
Sao vậy?
Vì nói về quê hương, xét cho kỹ không phải
là nói về đất đai, cảnh trí, mà là con người.
Chính con người làm nên quê hương, tình quê
hương.
.
Nguyễn đình Toàn, như một định mệnh đã an bài,
anh vừa là một nhà văn, một thi sỹ và cũng là một nhạc sỹ nữa trong một công dân
VNCH. Anh đã gắn chặt vào đài phát thanh Sài Gòn từ những ngày đẩu thập niên 60
cho đến khi Sài Gòn sụp đổ, kéo theo những ngày dài tan hoang, tù tội, chia lià,
nhung nhớ và chất ngất tiếc thương.
Nên, viết về những kỷ niệm của một người
bạn anh đã gặp, một lời nói anh đã ghi, ngắn thôi, như còn rộn rã âm vang của một
khung trời ngày cũ.
Nói
một cách khác, từng con chữ của anh trong bộ sách này, như một chìa khóa diệu kỳ
làm thức dậy trong ta lung linh cả một cảnh trời quê hương, dù chất ngất đắng
cay nhưng vẫn rất thân thương, tiếc nuối.
Tác giả đã viết lịch sử bằng cả tâm hồn
thương quý với ngôn ngữ của thi ca.
Cụ
thể hơn, bộ sách chỉ nói về sinh hoạt văn học của Miền Nam mà thôi.
Tuy
chúng ta cũng bắt gặp một số tác giả ở bên kia vỹ tuyến 17 hay những người đã có
những sinh hoạt trước năm 1954 như Lưu trọng Lư, Thơ Thơ, Phạm Quỳnh, Phan Khôi...
Nhưng bản chất của các bài viết ấy, nói về những người ấy, như để làm sáng, làm
rõ những khác biệt giữa hai miền, hai chế độ.
Hãy nhìn đám tang cùa cụ Phan Khôi thì
rõ dưới sự ghi nhận của Tô Hoài mà ông đã trích dẫn : “ ...từ trên một căn lầu,
nhìn qua của sổ xuống đường, thấy đám ma ông Phan Khôi đi qua, đằng sau chỉ chỉ
có một mình chị Hằng Phương đi đưa...”
Chỉ đơn giản thế, chỉ vài giòng, ta đã thấy
rõ sự khác biệt giữa hai miền Nam, Bắc.
Cụ thể hơn, đặc tính của bộ sách là sự phóng
khoáng, tự nhiên như Lời Thưa của sọan giả. “Đây không phải là cuốn sách nghiên
cứu hay phê bình văn học nghệ thuật” mà chì là “nhằm chia xẻ chút hiểu biết về
những gì còn nhớ đuợc về các tác phẩm, tác giả mà mình ưa thích...”.
Đúng
thế thật,“những gì còn nhớ được” nên sự thiếu sót là lẽ đương nhiên, mọi sự cứ
tự nhiên tuôn chảy, không theo một thứ tự nào. Kỳ phát hành đầu cách đây mấy năm
là 190 và kỳ này lên đến 234 người đã được ghi nhận. Đa số họ là những người cùng
thời với soạn giả, hay những người sinh hoạt truớc hay sau ông, nhưng liên hệ
trực tiếp đền sự hình thành của Việt Nam Cộng Hoà.
Vì là
sự ghi nhận “ những gì còn nhớ được”, nên người đọc cũng tuỳ ý mở ra bất trang
nào, nói về bất cứ ai, đọc vẫn thất thú vị, không lệ thuộc vào bố cục của toàn
cuốn sách.
Bên
cạnh những nét tưởng như đơn giản trên lại là những nhận định thật sắc bén và vô
cùng tế nhị. Tế nhị về người, về những nét đặc thù của những sáng tác.
Như
khi nghe bài Còn Chút Gì Để Nhớ, thơ Nguyễn hữu Định, Phạm Duy phổ nhạc, ông đã
viết: “ không biết có bao nhiêu người ( nghe nhạc) đã ao ước được đến Pleiku”,
và thán phục sự tinh tế của người soạn nhạc. Nhưng ở một chỗ khác, nhận định về
Phạm Duy, ông viết : “ ...Người ta có cảm tưởng những gì ông ( Phạm Duy) nói được
thì ông làm được. Kể cả những điều ông làm cho người ta nhăn mặt”.
Có biết bao những nhận xét tinh tế như thế
với hơn 200 tác giả, khiến ta tự hỏi “Làm
cách nào mà soạn giả đã ghi nhận được như vậy?”
Thật là hiếm quý. Cả bộ sách như một cuộc
dong chơi mà vô cùng phong phú.
Đó
là bộ sách ghi nhận những nét đặc thù, tinh hoa của đời sống sống một thời.
Hơn bao giờ hết, tôi thấy bạn tôi, Nguyển đình
Toàn là một người vô cùng giàu có. Ông đã không thủ đắc riêng mà đã trao gửi lại
gia tài này cho mọi người, cho văn học, cho mai hậu. Bởi càng đọc càng thấy lạ,
thấy hay, thấy thân quý vì đó chính là đời sống thân thương của chúng ta, của
VNCH.
Và hơn bao giờ hết những “ Ngày Tháng” tưởng
như dong chơi của bạn tôi, Nguyễn đình Toàn, bỗng trở nên vô cùng hữu ích..
Một
nét đặ thù khác là suốt chiều dài của hơn môt ngàn trang sách, chúng ta hầu như
ít khi bắt gặp những nụ cười. Phải chăng
đó là hậu ý của tác giả viết về một giai đoạn đau buồn, cực kỳ oan trái của dân
tộc trong thế kỷ qua và vẫn còn tiếp diễn.
Một hậu ý của bao nỗi sót sa !
Nói một cách tổng quát, Bông Hồng Tạ Ơn, là bộ sách to lớn nhất, “khoẻ
mạnh” nhất so với những cuốn sách trước đây của chính Nguyển đình Toàn. Ông không
còn là “Những Kẻ Đứng Bên Lề “ nữa. Ông đã nhập cuộc bằng tất cả rung động, cảm
xúc, ý chí và thân xác mình qua những ngày
dài tù tội.
Xin
cám ơn tác giả.
Xin đa tạ quý vị đã lắng nghe.
Phan lạc Tiếp
13 tháng 5
năm 2012.
No comments:
Post a Comment