Thursday, May 10, 2012

QUẦN ĐẢO THỔ CHÂU


NGUYỄN VĂN BA
 

Quần đảo Thổ Châu ở về phía tây nam đảo Phú Quốc trong vịnh Thái Lan, khoảng 9.29 Bắc vĩ tuyến và 103.54 Đông kinh tuyến, gồm có khoảng mười đảo lớn nhỏ. Đảo lớn nhất cỡ hòn Sơn Rái (hòn Lại Sơn) trong vịnh Rạch Giá, đảo nhỏ nhất là một mô đá nhô lên khỏi mặt biển.
Như rất nhiều quần đảo khác trên biển Đông và vịnh Thái Lan được đặt tên từ thời Pháp thuộc, Iles Poulo Obi (hòn Khoai), Iles Poulo Condore (Côn Sơn), Iles Poulo Dam (Nam Du)... quần đảo Thổ Châu có tên Tây là Iles Poulo Panjang.Khoảng năm 1970, nhân dịp chính phủ Việt Nam Cộng Hòa tổ chức cắm trại, du khảo và săn bắn dưới biển ở quần đảo Thổ Châu, chúng tôi đã có cơ hội viếng thăm đảo. Phái đoàn tham dự cuộc cắm trại gồm có sinh viên các phân khoa của đại học Saigon, đại học Cần Thơ, Hải học viện Nha Trang, Hải quân VNCH, nhóm thể dục và thể thao thẩm mỹ (kiến càng), nhóm săn bắn dưới biển... Ngoài mục đích cắm trại, du khảo và săn bắn dưới biển, chính phủ muốn nhân cơ hội nầy để một lần nữa xác định chủ quyền của Việt Nam Cộng Hòa trên phần lãnh hải xa xôi nầy, nơi mà trước đó không lâu kết quả từ một số công cuộc khảo sát địa lý vật bằng phương pháp từ tính và địa chấn cho hay đáy biển trong khu vực bao gồm các lớp đá trầm tích dầy nhiều ngàn thước có triển vọng chứa dầu hỏa.Phái đoàn đại học Cần Thơ tập trung ở bến Ninh Kiều trước cổng trại Yết Kiêu, bộ tư lệnh Hải quân vùng 4 Sông Ngòi để được hướng dẫn vào trại và xuống thẳng cầu tàu, nơi chiếc HQ 401 đã có mặt từ trước, chiếc nầy còn có tên bệnh viện hạm Hàn Giang với chữ thập đỏ thật lớn bên hông tàu.

Image
Tàu tách bến lúc chiều đang chầm chập xuống, nước dâng đầy mặt Hậu Giang, gió thổi hây hây mát rượi, sóng gợn lao xao, vỗ lách tách vào mạn tàu. Trên sông, bệnh viện hạm Hàn Giang thật vững vàng, không chút lay động, chúng tôi có cảm tưởng đang ở trên mặt đất liền. Sau lúc bận rộn di chuyển hành lý xuống hầm tàu và ổn định vị trí, nhiều người trở lên boong tàu để tiếp tục thưởng ngoạn cảnh trường giang phong lộng với trùng điệp nhà cửa và vườn cây nối tiếp nhau chạy giật lùi hai bên bờ sông. Cho tới khi cảnh vật mờ dần theo sự thoi thóp của ánh mặt trời, qua màn đêm nhá nhem, chúng tôi còn thấy nhiều anh chị sinh viên tì tay trên những sợi dây thừng của thành tàu như tiếc nuối cảnh đẹp trên sông lần đầu tiên quan sát được từ trên một tàu biển. Sau gần ba ngày hải hành, tàu đến quần đảo Thổ Châu, bỏ neo ngoài xa, cho chúng tôi đổ bộ bằng thuyền nhỏ. Ngay khi vừa đổ bộ, mỗi phái đoàn tự căng lều ở vị trí ấn định gần bờ biển, đào hố vệ sinh, cử người đặc trách từng phần vụ một.Buổi chiều sau khi cơm nước, nhóm chúng tôi tản bộ dọc theo bờ biển nơi nắm trại. Đó là một bãi cát hình cánh cung rộng cỡ bãi Trước Vũng Tàu, cát và nước thật sạch, những đợt sóng nối tiếp tay chạy vào bờ mang theo những mảnh vỏ sò, vỏ ốc đã nhẵn bóng vì cọ xát, nhiều sợi rong nâu vương vãi đó đây. Chạy dọc bãi cát phía trên bờ nhiều đám cỏ chông sắc cạnh làm đau chân những người không mang giày dép, những đám rau muống biển lá tròn và rộng, hoa trắng tím hình kèn giống như hoa rau muống miệt đồng ruộng Hậu Giang, hai loại cỏ nầy có rễ ngâm dưới cát, luôn mọc mạnh, vươn lên, không bao giờ bị cát phủ lấp, có tác dụng ngăn chận sự di chuyển của cát biển lên bờ; xa hơn và tiếp cận với cỏ chông và rau muống biển là những bụi dứa gai, gõ biển... rồi rừng dừa sai trái nối tiếp với rừng thưa trên cao. Hình ảnh đập mạnh nhất vào mắt chúng tôi là một con vích (rùa biển) lớn cỡ bằng cái nia bị cột dưới một gốc cây ven bờ. Đây là lần đầu tiên tôi thấy loại rùa lớn như vậy. Bốn đứa chúng tôi ngồi trên lưng, rùa vẫn bò tới bò lui tự nhiên, ghê thay cho sức mạnh của nó!Phía biển, một chiếc khinh tốc đinh (PCF) bỏ neo cạnh bệnh viện hàm Hàn Giang lúc nào chúng tôi không rõ, và từ ngoài xa thật xa, trên mặt biển phẳng lặng, một khối nước trắng xóa đang tiến nhanh vào đảo. Đó là một chiếc khinh tốc đinh khác, chiếc nầy giảm tốc độ và bỏ neo cạnh chiếc trước.Buổi tối chúng tôi đến nhà một ngư phủ lão thành để tìm hiểu tình hình dân cư trên đảo. Tiếp chuyện với gia chủ, ngoài chúng tôi còn có ba chiến sĩ hải quân đem theo nước đá, cà phê.... làm quà và góp chuyện.Ngư phủ lớn tuổi nhất trong nhà cho biết những nét chính:- Đảo Thổ Châu có khoảng hai mươi gia đình dân chúng sống bằng nghề đánh cá từ đời ông cha. Nghề chánh là lưới tôm cá và làm khô, nhất là vi cá mập, khô cá gộc, tôm khô và khô cá đường. Một năm đôi ba dân khô được chở vào Rạch Giá bán để đổi lấy xăng dầu, máy móc, ngũ cốc và các thứ cần dùng khác. Trường hợp cần thiết có thể đi chợ An Thới ở cực nam đảo Phú Quốc, gần đường hơn. Ngoài các gia đình ngư dân, trên đảo còn có một tiểu đội địa phương quân từ tiểu khu Kiên Giang đến trấn đóng. Cứ mỗi ba tháng, toán mới đến thay thế toán cũ trở về đất liền. Ngoài ra thỉnh thoảng có các tàu tuần của Hải quân Việt Nam Cộng Hòa và tàu đánh cá Thái Lan, bỏ neo trong lòng đảo tránh gió bão hoặc mua bán đổi chác với ngư dân. Mỗi năm dân chúng trên đảo phải di chuyển hai lần từ bãi ngự (là bãi chúng tôi đang cắm trại) sang bãi Dông và ngược lại tùy theo gió mùa đông bắc hay tây nam để được đỉnh núi giữa đảo che gió, khổ nhất là những tháng giao mùa, nơi nào cũng bị gió không biết trốn tránh ở đâu.Buổi nói chuyện xoay quanh nhiều vấn đề khác nhau, trong đó có chuyện con rùa biển to lớn chúng tôi vừa gặp lúc chiều.Lão ngư phủ giải thích:- Con vích biên bắt được từ mấy hôm trước, dự định mai làm thịt đãi ông Trần Văn Ân và phái đoàn từ Saigon ra. Thịt nó coi vậy mà ngon lắm, cầu mấy chục người ăn chưa chắc đã hết.Cụ Trần Văn Ân lúc đó là cố vấn của tổng thống VNCH. Năm nay cụ đã 88 tuổi, đang sống ở Pháp, do tình cờ chúng tôi nối lại liên lạc với cụ, được cụ xác nhận và làm sáng tỏ thêm một số sự kiện ở đảo Thổ Châu năm xưa.Số là đêm ấy cụ Ân ngủ trong một chòi lá nhỏ gần nơi con vích bị cột, nghe tiếng nó thở, nghĩ đến ngày mai nó bị hy sinh, cụ ân chạnh lòng nhớ lại những ngày tù tội của mình ở Côn Đảo. Sáng sớm cụ mời chủ nhân con vích đến cho hay đêm qua nằm mơ thấy đã ăn thịt vích và xin được phóng sinh con vật. Chủ nhân con vích vui lòng chấp thuận lời yêu cầu Cụ ân nhờ người khắc chữ “sanh” trên mu con vích và cho tám người khiêng con vật đưa trả về biển. Thời gian sau nầy chúng tôi có đi thăm quần đảo Côn Sơn và quần đảo Hoàng Sa bốn mùa gió lộng, có gặp lại những con vích biển tương tự, có con còn lớn hơn nữa, thịt vích đỏ tươi như thịt bò, sớ to, ăn ngon, hiền, không có phong, không gây dị ứng.Cũng chung quanh câu chuyện về con vích biển tối hôm ấy, được biết chúng tôi là những thầy giáo, ngư ông đã hỏi khéo:- Bọn ngư phủ chúng tôi tuy sống gần loài rùa biển nầy nhưng không biết nhiều về nó. Mấy thầy học cao, hiểu nhiều hơn, có thể nào cho chúng tôi nghe chút chuyện?Một đồng nghiệp của chúng tôi dạy động vật học, hiện còn ở Việt Nam, tối hôm đó đã đáp lễ ngư ông:
- Rùa thuộc nhóm bò sát, đại cương có thể chia làm hai loại : loại mu cứng như rùa, đồi mồi, cần được...; loại mu mềm như con vích nầy hoặc cua đinh. Môi trường sống thay đổi từ biển như vích, đồi mồi, tới nước lợ cửa sông như cần đước, rùa và nước ngọt hoàn toàn hoặc nước đồng đây hơi chua như rùa và cua đinh. Riêng rùa không thôi đã có nhiều thứ, nào rùa vàng, rùa quạ, tùy theo mu dưới màu vàng hay đen; rùa nấp thường e lệ khép yếm lại dấu kín cổ và đầu trong mu, mới nhìn giống như một cái hộp, rồi còn rùa hôi, rùa sen... Con vích còn gọi là ba ba hay rùa biển rất thường gặp trong khu vực nam Thái Bình Dương, tới mùa sanh nở từng bầy có nơi đến hàng ngàn con nửa đêm bò lên bãi cát đào lỗ đẻ trong vô đó, mỗi lô chừng 10 tới 12 trứng, khác với trứng gà, tròng trắng trứng rùa không đặc khi nấu chín, tròng đỏ lớn và rất béo vì có nhiều chất mỡ. Đẻ xong, vích mẹ đái cho ướt cát, nhún bốn chân lên cao, buông mình xuống như cái chày nện cát thật dè dặt, đang đêm vắng lặng, áp tai xuống mặt cát ta nghe như có ngàn tiếng chày ình ịch.Ngày tháng nở, vích mẹ đang đêm lại từng vào đón con ra biển.Bà vợ lão ngư phủ đột nhiên ngắt lời:- Mèn ơi? Thầy hai nói đúng quá trời, nói như thấy chuyện xảy ra trước mắt vậy. Có một bữa sáng, tui dắt con chó Mực đi dọc theo bờ biển, con Mực hửi cát, sủa lên gâu gâu rồi lấy hai chân trước bươi cát lên, mấy chục chỗ như vậy, mỗi chỗ tui lượm được chừng chục trứng, ngộ là trứng sắp thiệt dè dặt, lấy ra khỏi lỗ rồi không thể nào sắp trở lại mà không dư 2, 3 trứng. Bữa đó tui lượm bộn bề à, đâu cả thúng giê trứng vích.Cậu con trai đặt câu hỏi:- Người ta nói rùa cắn trời gầm không nhả là tại trứng rùa nở lúc trời gầm chuyển mưa nên rùa không sợ trời gầm phải không thầy?Anh bạn tôi đã giải thích thật khoa học:- Không phải vậy đâu anh. Thật ra là thính giác con rùa rất kém nên nó không mấy khi phản ứng với tiếng động. Nếu bị rùa cắn, cứ lấy cái gì đó thọt vô lỗ mũi nó, hô hấp bị ngưng trệ qua đường mũi, nó mở miệng tức thì.Bạn tôi còn nói nhiều chuyện nữa về con vích, chuyện rất hấp dẫn, rất tiếc là tôi không còn nhớ hết.Một đồng nghiệp khác dạy Văn cũng góp chuyện:- Rùa là con vật khá quen thuộc với người Việt Nam. Ca dao có câu “Chiều chiều én lượn trên trời, rùa bò dưới đất, khỉ ngồi trên cây”. Chuyện ngụ ngôn có kể cuộc chạy đua giữa thỏ và rùa. Rùa chậm nhưng kiên trì nên tới đích trước, thỏ chạy nhanh nhưng tự cao, chểnh mảng, ngủ quên giữa đường, chừng thức dậy thì đã muộn.Ngư ông khen nức nở:- Chuyện thiệt ý nhị, mấy cháu của ông phải luôn lấy đó làm gương, kiên nhẫn và tự tin.Anh bạn Văn tiếp lời:- Ông bà mình nói rùa có căn tu, đình nào trước bàn thờ sắc thần cũng có hai con hạc đứng trên lưng rùa, còn vô chùa cũng vậy, ta thấy rùa đội bia, người xưa bất bình vì lẽ hạc đứng trên lưng rùa nên có câu “Qui hạc xưa nay ở một đình, cớ sao con trọng lại con khinh”. Rùa là con vật hữu hình duy nhất trong tứ linh: long, lân, qui, phượng. Sách Tàu có ghi “thần long kiến thủ bất kiến vi”, rồi lần xuất hiện ở núi Trường Bạch, phượng từng đàn gáy ở Kỳ Sơn nơi Khổng Minh sáu bận ra quân đánh Tào Tháo, nào ai đã thật sự thấy rõ rồng, phượng và kỳ lân ra sao hay tất cả chỉ là do tưởng tượng. Sử nước ta có chuyện Trọng Thủy, Mỹ Châu, thần Kim Quy hay thần rùa, nỏ thần hay mống rùa bắn ra hàng ngàn mũi tên có khả năng chận đứng sức tiến công của muôn vạn hùng binh... Sử Tàu có ghi, xưa thiệt là xưa thần rùa xuất hiện trên sông Hoàng Hà, trên lưng có hình bát quái, càn khảm cấn chấn tốn ly khôn đoài, là bản đồ của vũ trụ. Hà Nội có hồ Hoàn Kiếm, Saigon có công trường con rùa trước cửa viện Đại Học Saigon...Một anh hải quân có lẽ là bợm nhậu cũng vui vẻ đóng góp:- Ở miệt U Minh Cà Mau rùa nhiều lắm, mỗi khi dân chúng đốt rừng tràm làm ruộng làm rẫy hay cháy rừng do sấm sét, rùa bò ra đầy đàn đầy đống, hàng trăm hàng ngàn con. Miệt Chương Thiện cũng thiệt là nhiều rùa. Thịt rùa nhậu “bắt” lắm, chỉ cần một nhúm muối hay một nắm lá sả, rau ngổ, rau đắng... là có ngay một bữa nhậu ngon lành. Thịt rùa xé phay trộn với rau răm rồi đưa cay thì “đã” hơn thịt gà giò mấy bậc, gan rùa ăn bổ tì, dân nhậu “mết” món này lắm. Ở Cần Thơ có mấy quán nhậu làm món rùa rang hay rùa hấp nổi tiếng là ngon như quán Vĩnh Ký, Vĩnh Phát, Lan Xuân, Bảy Rùa...Người hỏi, người trả lời, câu chuyện cứ thế mà tiếp diễn đến gần 2 giờ sáng.Trong các ngày sau đó, chúng tôi mang ống thở mặt nạ, chân vịt và súng bắn cá, có người mang cả bình dưỡng khí, theo đoàn người săn bắn quanh đảo, có xuồng cấp cứu đi theo. Mỗi buổi chiều thợ săn và cá bắn được tập trung trước chòi Chúa Đảo để cân, sắp hạng và phát giải thưởng. Có người bắn được những con cá mú nặng đến 30, 40 kí lô, chiều dài gần bằng chiều cao một đứa bé chín, mười tuổi.Không ai gặp cá mập, tuy nhiên đến ngày thứ ba có một sinh viên săn cá tử nạn vì bị cá lớn lôi mà cắt dây không kịp để quấn vào san hô ngợp thở. Cuộc thi săn bắn dưới biển chấm dứt từ hôm đó dù còn rất nhiều người đi săn với tính cách cá nhân.Trong thời gian cắm trại ở đảo, ngoài việc săn bắn và thám sát khu vực đáy biển tiếp cận bãi Ngự, chúng tôi còn có cơ hội quan sát đất đá và cây cỏ trên đảo, săn bắn và khảo sát hải sinh vật ở bãi Dông, thăm hòn Nhạn và hòn Từ.Chúng tôi vượt núi, nói là núi nhưng không cao quá 100 thước, theo đường mòn, chặt phá dây mây và gai góc, lùm bụi để sang bờ biển bên kia đảo. Bãi Dông mùa ấy sóng gió tơi bời, lúc nước giựt bày ra vô số mỏm đá ngầm. Những chỗ nước yên tĩnh mặc dù tương đối vẩn đục, chúng tôi đã gặp vô số ốc xà cừ hình nón, ốc nầy giống y ốc đắng miệt vườn nhưng lớn bằng cái chén ăn cơm, người Nha Trang gọi là ốc đụn. Nhiều sinh viên bắt ốc lấy thịt ra, cạo sạch lớp rong rêu ngoài để lộ những kiến trúc có vân tuyệt đẹp, hoặc đem về phòng thí nghiệm ngâm trong acid thật loãng đôi ngày, vỏ vôi bị hòa tan chỉ còn lại toàn xà cừ óng ánh, đó chính là vật liệu dùng làm tranh sơn mài, liễn, tủ cẩn ốc xà cừ. Có mấy sinh viên Đại Học Cần Thơ viết về chuyện nầy đăng trên nội san phân khoa, dùng chữ Bãi Giông, dựa theo chữ Giông Tố, tự một tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng. Một thầy Việt văn sửa lại là Dông, thì ra ngay cả nhà văn Vũ Trọng Phụng cũng viết trật chính tả, nói chi đến sinh viên.Hòn Nhạn là nơi vô số chim biển tụ tập, nhất là về đêm. Nó giống như vườn cò Long Thanh (Sa Đéc) hay các sân chim miệt Cà Mau ngày trước. Điều khác là ở sân chim ta gặp đa số là cò, diệc, sến... còn ở đây là chim biển như nhạn, hải âu... Mùi nước đái quỉ (ammoniac) khai nồng do chim tiết ra, ngày nầy qua ngày khác luôn lảng vảng trong không khí. Triển vọng khai thác phân chim ở hòn Nhạn để làm phân phosphate ammoniac (đạm và lân) bón ruộng không đáng kể so với trường hợp tương tự trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mùa nhạn đẻ, dân chúng trên đảo hay ra đây lượm trứng về dùng.Hòn Từ nhỏ hơn đảo chính một chút, cây cối rậm cạp, có rất nhiều khoai, loại giống như khoai mỡ trên đất liền, da sần sùi, đầy râu ria, thịt trắng đục, nhơn nhớt, củ lớn bằng bắp vế xấp, luộc chín ăn vẫn rất ngứa miệng.Sau chuyến đi, chúng tôi có ngồi lại viết một bài phúc trình về đất đá và sinh vật ở đảo Thổ Châu, một phần bài nầy đã được trích đăng trên nội san của Đại học Cần Thơ. Tôi không nhớ hết chi tiết vì đã lâu và rất nhiều lãnh vực chuyên môn khác mà tôi không mấy am tường. Tuy nhiên tạm ghi lại ở đây những điều tổng quát, họa chăng có người biết nhiều hơn thì xin thêm vào cho được đầy đủ.Nhìn thấy từ trên mặt, quần đảo Thổ Châu cấu tạo bởi đá cát có nhiều chất sắt, hạt độ từ cực thô đến cực nhuyễn, với nhiều hướng trầm tích khác nhau như đã gặp ở An Thới (Cây dừa và Mũi Ông Đội) Phú Quốc, sự sắp lớp của đá cát còn tương đối nguyên vẹn chứng tỏ khu vực chưa chịu ảnh hưởng của những thời kỳ tạo sơn hay nguyên nhân địa động khác. Thú vật trên rừng có trăn và một loại khỉ mà người địa phương gọi là con cù lần, không thấy dấu hiệu của ác thú.Ốc biển có nhiều loại, nhiều cỡ, nhiều vẻ, nhiều màu. Nhóm hai mảnh có sò, hàu... đặc biệt là ốc tai tượng, loại dùng đựng nước thánh trong nhà thờ, có con bề ngang tới năm tấc, ở đại giới tuyến Úc châu, loại này lớn tới 1.2m. Dưới đáy biển vào những ngày nắng, ốc tai tượng mở rộng hai vỏ ra, nhuyễn mạc có rong cộng sinh màu sắc thật rực rỡ dùng ánh sáng để quang tổng hợp, nếu tưởng đó là một đám rong, ta đặt chân lên hải mảnh vỏ sò sẽ khép chặt lại giữ chặt chân ta. Trong những trường hợp đó chỉ có cách nhanh nhẹn dùng dao bén thọc vào miệng ốc, cắt bắp thịt (cơ) nối liền hai mảnh vỏ nếu không sẽ bị chết ngộp dưới đáy biển. Ốc này được Hoa kiều trong Chợ Lớn mua về lấy thịt chế tạo bào ngư (giả). Chúng tôi bắt ốc tai tượng đem lên bờ nấu cháo với dừa khô có sẵn trên đảo. Sau này trên đường vượt biển tị nạn, thời gian ở đảo Poulo Tengah Mã Lai, tôi cũng đã lặn xuống biển bắt ốc tai tượng về nấu cháo với dừa khô.Nhóm một mảnh vỏ có ốc anh vũ, vòng xoắn lơi, thật nhiều gai; ốc bẹn giống một bàn tay khum hay dùng để dằn giấy hoặc mắc ở một đầu dây đờn độc huyền. Ốc xà cừ cũng thuộc nhóm một mảnh vỏ, gồm có loại hình nón đã nói ở bãi Dông, vòng xoắn nhặt; loại hình lưỡi liềm có chín lỗ (ốc cửu khổng, ốc bào ngư thiệt) lớn lắm chỉ bằng bàn tay. Rong có đại diện đủ loại, xanh lục, nâu và đỏ. Rồi còn cá biển đủ màu, đỉa biển đen thui, dài thoòng, gần như bất động, con nhum đầy gai tua tủa, san hô mềm lẫn cứng, và còn nhiều thứ khác nữa...Nói chung, cảnh trên bờ và nhất là dưới biển ở quần đảo Thổ Châu còn nguyên thủy, nguyên vẹn, chưa bị ảnh hưởng của con người so với những nơi khác như Nha Trang, Đại Lãnh, Vũng Tàu, Hà Tiên, Hòn Tre, hòn Sơn Rái, An Thới... Thế nên đã có hai giáo sư về môi sinh học (Ecology) thời đó nói rằng nếu có quyền chọn lựa giữa khai thác dầu trong khu vực, nghĩa là hủy diệt môi trường thiên nhiên và không khai thác dầu để bảo tồn thiên nhiên, họ sẽ chọn việc thứ hai.Trên đường về tàu ngược bắt cặp bến An Thới nơi có bộ Tư lệnh Hải quân vùng 4 Duyên Hải và căn cứ Hải quân Phú (ruốc để phái đoàn có dịp thăm viếng đảo nầy. Ở đây hầu hết mọi người đã mua các thổ sản như nước mắm nhĩ, khô cá thiều, tiêu xanh ngâm dấm... làm quà cho thân nhân, bè bạn. Nhiều người mua đồ trang sức, trang trí bằng đồi mồi và san hô làm vật lưu niệm. Cũng ở An Thới, một số người xuống tàu đò về Rạch Giá, tiết kiệm hai ngày đường biển hoặc để tránh sóng gió như ở bận đi. Tối đó xuống tàu đò, sáng hôm sau đến Rạch Giá.Một năm sau chuyến du khảo quần đảo Thổ Châu, tôi được hồng thiệp mời dự lễ cưới của một chiến sĩ Hải quân và một sinh viên trường. Họ quen nhau lần ấy và người hùng đã theo tiếng gọi của giai nhân xin về phục vụ ở bộ Tư lệnh Hải quân vùng 5 sông ngoài tại Cần Thơ để được gần nàng. Hôn lễ thật tưng bừng, cô dâu chú rể thật xứng đôi vừa lứa.Hôm nay viết bài nầy tôi hồi tưởng lại những hoàng hôn trên vùng biển Thổ Châu, nhớ bãi Ngự với từng đợt sóng bạc đuổi nhau trườn mình trên cát. Nhớ bờ cát vàng ửng nắng đang từ từ lịm tắt, hàng dừa ven biển thật xanh, cao vút, đàng xa là núi Thổ Châu chỗ nâu chỗ lục tương ứng với màu của đá cát và rừng cây. Trên nền trời trong, đàn hải âu đang trải rộng đôi cánh trắng và xa hơn nữa trên mặt biển phẳng lặng, chiếc khinh tốc đinh của Hải quân Việt Nam Cộng Hòa như một lưỡi sóng bạc tung mình lướt tới.Ôi quê hương Việt Nam! Nơi nào cũng đẹp. Nơi nào cũng là kỷ niệm.
 Nam Yết chuyển

No comments:

Cận vệ Chủ tịch nước Lương Cường bị tố 'lạm dụng tình dục': phản ứng của các bên

Hình ảnh,Phiên tòa xét xử vụ tố cáo lạm dụng tình dục được tường thuật trực tiếp trên đài truyền hình tại Chile. Trong hình: Nhân viên an ni...