Monday, June 11, 2012

Chiều nhạc ba châu lục: Huntington Beach Music Art School



Bài: Trangđài Glassey-Trầnguyễn
Hình: Olivier Glassey-Trầnguyễn

Buổi chiều nhạc do 86 em học viên dưới 18 tuổi của trường nhạc Huntington Beach Music Art School (HBMAS) trình diễn thượng tuần tháng Sáu vừa qua là một chương trình đặc biệt. Chương trình diễn ra từ 2 đến 7 giờ chiều ngày Chúa Nhật nắng ấm đầu mùa hè tại Hội trường Văn Lang trên đường Moran. Các học viên đa số độc tấu đàn violin và dương cầm, nhưng cũng có những tiết mục đồng tấu và song tấu.
Không gian trình diễn còn được nhuận sắc bởi các họa phẩm do học viên trong lớp Vẽ của Cô Nguyễn Diệu Thúy thực hiện, gồm các bạn Trâm Đặng, Thiên Nhiên, và Catherine. Tuy chuyên về vẽ, Cô Thúy cũng phụ trách phần nhạc lý cho Trường.

Ba châu lục

Điều đặc biệt thứ nhất là Trường kết hợp được những yếu tố âm nhạc của ba châu lục: Âu, Á, và Mỹ.

Bé Josephine Ngọc Ân lần đầu trình diễn

Trường tọa lạc tại khu Phố Cổ (“Old World Village”) tại thành phố biển Huntington Beach, rất gần với trung tâm sinh hoạt Bella Terra trứ danh của ‘surf city.’ Nhờ mang dáng dấp hoài cổ, kiến trúc trong khu Phố Cổ tạo ra một không gian riêng giữa một thành phố Tây Nam Hoa Kỳ hiện đại, mang đến một cảm giác nửa Đại Tây Dương, nửa Thái Bình Dương.

Các phòng học nhỏ, xinh, có cửa sổ thơ mộng, và một khung cảnh thật êm đềm, làm cho người đến thăm dễ quên rằng, chỉ với vài phút lái xe, họ đã gặp ngay xa lộ 405 nhộn nhịp của Quận Cam. Nhưng quan trọng hơn hết, là giáo trình nhạc được soạn theo phương pháp cổ điển Châu Âu, nhằm giúp cho học viên, sau khi theo học đến 18 tuổi, có thể chơi nhạc thành thạo ở mức trình diễn và có thể dạy kèm nếu muốn.

Hiệu trưởng của trường và phu nhân, Thầy Phạm Tấn Triệu và Cô Nguyễn Diệu Thúy, là ‘phần hồn Á Châu’ của trường. Họ tận tụy với học viên, ân cần giải thích và trao đổi với phụ huynh về việc học của các em, và thực hiện những buổi nhạc ngay giữa lòng Little Saigon. Nhân dịp Nghệ sĩ trứ danh Đặng Thái Sơn sang Hoa Kỳ năm nay, Trường cũng tổ chức những Master Class để các em có dịp nhận được sự hướng dẫn từ dương cầm thủ tài hoa này.

Bên cạnh đó, Trường cũng song hành với sinh hoạt âm nhạc tại Hoa Kỳ, tham gia vào những chương trình nhạc chọn lọc, và dùng sinh hoạt âm nhạc cổ điển tại địa phương làm điểm đối chiếu. Chính các học viên của trường cũng trở thành những ‘gia sư’ và người trình diễn trong sinh hoạt âm nhạc dòng chính cũng như của riêng cộng đồng Việt tại đây.

Khán giả lý tưởng



Các học viên và Thày Cô của trường HBMAS
Điều đặc biệt thứ hai là lượng khán giả. Trước đó một tháng, vợ chồng chúng tôi đưa con đi xem vở nhạc kịch “Seussical the Musical” tại Tri-School Theatre của Servite High School, một trường trung học tư thục dành cho nam sinh tại Anaheim. Dàn diễn viên thượng thặng toàn là sinh viên của ba trường Connelly, Rosary (cả hai đều là trung học tư thục nữ), và Servite. Tôi chưa từng gặp khán giả nào nhiệt tình và đồng nhất như tại buổi nhạc kịch này. Sau mỗi bài hát chính, tiếng vỗ tay làm nức cả không gian, những nụ cười hưởng ứng sáng hơn cả đèn pha trên sân khấu. Sau khi hạ màn, gần 2/3 khán giả kéo đến đứng chờ ở khoảng sân bên cạnh hậu trường để tiếp tục tưởng thưởng các diễn viên nhí, vốn là con cái của họ.


Chiều nhạc của Trường HBMAS làm tôi nhớ đến cái tuyệt vời của ‘những khán giả phụ huynh.’ Chính ông bà, cha mẹ, anh chị em, và những người thân khác trong gia đình là những khán giả cần thiết nhất cho mỗi học viên. Họ đặt nền tảng cho sự tự tin của các em, nhất là những em có xu hướng trở thành những người trình diễn chuyên nghiệp.

Mà tôi nghĩ, các phụ huynh không chỉ chuyên chăm lắng nghe con mình tại buổi trình diễn này. Họ là những khán giả kiên nhẫn và trung thành nhất của các em, nhất là khi các em bắt đầu tập một bài nhạc mới. Em Josephine Nguyễn Ngọc Ân lần đầu trình diễn trên sân khấu, nhưng đã được ‘trình diễn’ tại nhà nhiều lần, trước một khán giả lý tưởng gồm có Ba, Mẹ, và em trai. Mẹ của em mỗi ngày đều kèm con tập đàn sau khi làm bài tập về nhà, và trong những tuần lễ trước khi diễn, luôn ngồi bên cạnh khi bé tập đàn để nhắc con mình đàn cho đúng cách. Trước ngày trình diễn, Ngọc Ân nói, “Con rất hồi hộp, nhưng cũng rất hớn hở vì sắp được trình diễn!”

Những phụ huynh như Mẹ của bé Ngọc Ân là những phụ giáo tuyệt vời nhất cho Trường – những phụ giáo mà Trường không mất tiền để thuê, nhưng lại là những phụ giáo tận tâm và bền bỉ nhất.

Giữa lòng cộng đồng

Cô Nguyễn Diệu Thúy nói, “Trước đây, Trường hay tổ chức cho các em trình diễn ở xa, nhưng sáu năm nay, Trường đã tổ chức tại Trung Tâm Little Saigon, để về gần với cộng đồng hơn.” Trường tổ chức recital một năm hai lần, và cũng thực hiện những buổi nhạc gây quỹ, chẳng hạn cho nạn nhân sóng thần tại Nhật.

Tôi rất tán thành việc Trường tổ chức những sinh hoạt cho học viên tại Little Saigon. Chắc chắn với giáo trình và tiêu chuẩn giảng dạy của trường, các học viên chuyên tâm và hiếu học sẽ đạt đến trình độ mỹ mãn, và có thể thi thố tài năng cũng như trình diễn trong các sinh hoạt âm nhạc dòng chính. Ở đây, không chỉ phụ huynh có dịp cho con mình đóng góp vào những sinh hoạt trong cộng đồng, mà còn góp phần vào việc hình thành và nuôi dưỡng một truyền thống hiếu nhạc tại Little Saigon. Với những sinh hoạt như thế này, về lâu dài, cộng đồng sẽ có những tài năng thượng thừa và một môi trường âm nhạc sống động. Việc cổ xúy và nuôi dưỡng khả năng âm nhạc của những thế hệ mai hậu sẽ trở nên khả thi và thuận lợi hơn với những ngôi trường nghệ thuật như Huntington Beach Music Art School. Để liên lạc Trường: (714) 852 1396, phamtantrieu.com, hay tantrieu2004@yahoo.com.

No comments:

Cận vệ Chủ tịch nước Lương Cường bị tố 'lạm dụng tình dục': phản ứng của các bên

Hình ảnh,Phiên tòa xét xử vụ tố cáo lạm dụng tình dục được tường thuật trực tiếp trên đài truyền hình tại Chile. Trong hình: Nhân viên an ni...