Sunday, June 3, 2012

Đọc Thơ “MÙA YÊU CON Thứ Nhất”


Đọc Thơ “MÙA YÊU CON Thứ Nhất”

Đây là một tập thơ lạ. Một tập thơ rất lạ, đối với người đọc thơ bằng ngôn ngữ Việt. Nhưng cũng trên những trang giấy của thi tập “MÙA YÊU CON Thứ Nhất,” độc giả thuộc bất kỳ khuynh hướng văn học nào cũng bắt gặp một phần của mình trong đó -- và cũng bất kể độc giả Việt đó đang ở phần đất nào trên địa cầu. Dù vậy, tập thơ hình thành rất đơn giản: đây là những lời của Trangđài Glassey-Trầnguyễn nói với đứa con còn rất nhỏ của cô, và cũng là một vũ trụ rất mới đang khai mở cho cô.


Đó cũng là lần đầu người ta bắt gặp nhà thơ Trangđài Glassey-Trầnguyễn nói về một thế giới rất riêng tư, và là một thế giới do cô chờ đợi, cưu mang và khai sinh. Văn học Việt, và văn học thế giới, đã có rất nhiều sáng tác hình thành từ những bà mẹ viết cho con mình. Nhưng tập thơ này là một bất ngờ đối với tôi.

Trước tiên là đề tài. Tôi vẫn nhìn Trangđài Glassey-Trầnguyễn như là người viết về những đề tài lớn, nghĩa là những đề tài quan trọng đối với cộng đồng, đối với đất nước. Nhiều năm qua, cô đã cho thấy cách chọn đề tài như thế.

Một phần nữa, tôi lỡ có thành kiến về cô – cùng với những hoạt động và sáng tác của cô – rằng luôn luôn phải là cái gì ghê gớm lắm.

Cô sinh năm 1975 ở Gò Công, và tới năm 1994 mới sang Hoa Kỳ, nghĩa là lớn dậy cùng với những chuyển biến lớn ở quê nhà. Những chuyển biến lớn tới như một trận bão lốc, thổi tung cả triệu người ra khỏi nước, bứt rễ và dời đổi vận mệnh hàng chục triệu người trong nước. Và rồi tôi đọc những dòng chữ trước giờ của cô như một cánh chim bỏ xứ để bay xa ra nhiều vùng trời hải ngoại, nhưng vẫn nhìn đăm đăm về những cảm xúc một thời gắn bó với đất.

Do vậy, những đề tài của cô trước giờ vẫn là có một tầm vóc ghê gớm, kiểu ngôn ngữ tôi ưa nói với bằng hữu về những gì mình khâm phục.

Trangđài Glassey-Trầnguyễn vẫn có cách chọn đề tài kiểu như thế. Chúng ta dễ dàng thấy như thế khi đọc về sơ lược tiểu sử của cô.

Năm 1998, cô sáng lập Dự án Việt Mỹ, Vietnamese American Project – “Lịch sử Cá Nhân trong dòng Lịch sử Cộng Đồng và dòng Lịch sử Dân Tộc,” (Lịch Sử Truyền Khẩu và Sinh Hoạt Cộng Đồng) tại Đại học CSU Fullerton.

Năm 1999, sáng lập Dự án “Little Saigon, Hẻm Báo Chí” – Vietnamese-Language Media Project.

Năm 2004, sáng lập Dự án Việt Bá Linh, Vietnamese Berlin Project – “Tột đỉnh phân chia Nam-Bắc của người Việt trong bối cảnh phân chia Đông-Tây của Đức Quốc.”

Năm 2006, thực hiện Dự án Vietnamese Katrina Project, nghiên cứu về nhu cầu nhà ở của người Mỹ gốc Việt tại Biloxi và New Orleans sau cơn bão Katrina.

Năm 2012, cô đề xướng và tổ chức 3 chương trình về đề tài người Việt và Việt Nam tại Đại hội Quốc tế học tại San Diego (ISA International Studies Association), diễn ra lần đầu tiên trong lịch sử 53 năm của Đại hội. Ba chương trình gồm có 1. bài thuyết trình về người Việt vô quốc gia tại Tonle Sap, Warsaw, và Berlin; 2. phần triển lãm hình ảnh của nhiếp ảnh gia Benjamin Vũ và thuyết trình về đời sống người Việt trên Biển Hồ; và 3. hội luận bàn tròn về digital democracy (dân chủ qua mạng) tại Việt Nam.

Cũng năm 2012, cô thực hiện Dự án song ngữ “Tháng Tư Đen, Tháng Tư Sáng: Từ Đắng Cay Hậu Chiến đến Bình An Tâm Hồn” – Black April, Bright April Project dưới sự bảo trợ của California Endowment Health Journalism Fellowship, do Trường Báo Chí và Thông Tin Annenberg của Đại học USC tổ chức. Với sự cộng tác của Việt Báo, Sacramento Bee, và nhiều tờ báo Việt ngữ trên toàn cầu.

Và cũng năm 2012, Trangđài Glassey-Trầnguyễn xuất bản tuyển tập thơ “Mùa Yêu Con: Thứ Nhất.”

Hẳn nhiên, diễn tiến biên niên như thế  cũng cho thấy rằng, đối với nhà thơ TrangĐài Glassey-Trầnguyễn, đứa con trai của cô cũng có một tầm vóc lớn, một quan tâm lớn, và là một đề tài lớn.

Và thực sự, đứa con là một góc Thiền Đường của cô, nơi đó cô thấy dung nhan của Thượng Đế và là những mênh mông trời đất thơ mộng:

“Jean Valjean,
một trong “Những người cùng khổ” của Victor Hugo,
tin rằng
khi yêu một người
là ta được chiêm ngắm dung nhan của Thượng Đế
mẹ cũng vậy
trong phút đầu gặp con
*
con chào đời
trời đất thở ra tơ
cả vũ trụ ngượng ngùng, thôi hối hả...” (MÙA YÊU CON Thứ Nhất, trang 50)

Tập thơ “MÙA YÊU CON Thứ Nhất” có gần 40 bài thơ, ngắn dài khác nhau, dày 100 trang, trong đó có 2 ca khúc phổ thơ – thực hiện bởi các nhạc sĩ Trần Quang Lộc và Nguyễn Phan Nhật Nam – cùng với 2 bài Thay Lời Ngỏ của Hoàng Mai Đạt, Vũ Đình Trọng, trong khi trang Lời Bạt  do Trần Trung Đạọ viết. Bìa Nguyễn Thị Hợp, phụ bản Nguyễn Thị Hợp & Nguyễn Đồng.

Cũng cần nói, trong Phụ Lục có bài tùy bút “những mùa Xuân xuyên niên” – dài 4 trang. Và cũng chính bài này đã được nhà văn Phạm Xuân Đài (Chủ Bút của Diễn Đàn Thế Kỷ) nhận định là: “...chú mới đọc kỹ bài viết "những mùa xuân xuyên niên" của cháu, và bàng hoàng. Bài ấy đúng là một kiệt tác, cháu ạ.” Kiệt tác... Không quá lời tí nào. Thực sự là như thế.

Độc giả cũng sẽ đi từ bất ngờ này cho tới ngạc nhiên khi đọc “MÙA YÊU CON Thứ Nhất.”

Từ những âm vang bất ngời khi gặp lại cổ văn tiếng Việt, như:

kết mầm cuối hạ
khai dạ xuyên thu
đông ấm duyên cù
đầu xuân khai nhụy (trang 19)

Ngôn ngữ trên nghe trang trọng như những câu đối Tết, và dĩ nhiên tuổi trẻ trưởng thành ở hải ngoại sẽ không nắm bắt được hết cảm xúc từ những dòng chữ mang cả khung trời Nguyên Đán như thế.

Hay là những dòng thơ lục bát, đơn sơ như ca dao:

... mê con như núi mê non
như sông mê suối, mê mòn Thái Sơn
mê con mẹ ngủ chập chờn
để nghe con thở, mẹ mơn man thèm... (trang 31)

Không chỉ viết trang trọng như một nữ sĩ ngày xuân, không chỉ viết như lời bà mẹ miền quê hát ru con, nhà thơ TrangĐài Glassey-Trầnguyễn cũng sử dụng thể thơ ba chữ, một thể thơ thích nghi với cách tập vần cho trẻ em mà ông bà mình đã làm quen qua Tam Tự Kinh (xin nhắc vài dòng: Nhân chi sơ, tính bản thiện, tính tương cận, tập tương viễn...). Và bây giờ thì:

 ... sữa là huyết
đắm càn khôn
mẹ về con
đời cuộn chảy (trang 24)

Nhưng thực sự, Trangđài Glassey-Trầnguyễn vẫn là một nhà thơ cách tân, và cách sử dụng ngôn ngữ của cô có khi chỉ để đọc bằng mắt, chứ không phải làm thơ để ngâm hay để hát. Như dùng dấu vô cực, tức số 8 nằm ngang. Thí dụ:

và mẹ tranh thủ, tranh thủ tối đa

+ {để mê con, thích con, thương con, hôn con, thơm con, nựng con, mắng yêu con, nhiếc yêu con, tỉ tê với con, mơ về con, giỡn với con, lí lắc với con, u ơ với con, ghiền con, thèm con, ngắm con, mơ mộng cùng con, thọc lét con, nhớ con, hờn con, ôm con, ngọng ngịu với con, vì con} +

tất cả vì con... (trang 48)

Viết như thế, thơ không ngâm hay hát nổi, vì dấu cộng và dấu vô cực khi phát âm là làm gián đoạn dòng thơ. Và thế, thơ chỉ để đọc bằng mắt.

Cùng cần ghi nhận rằng, dấu cộng (+) có sẵn trên bàn phím, nhưng dấu vô cực () lại phải tìm rất là vất vả (nếu bạn không quen thuộc gõ chữ) trên bảng symbol ở Microsoft Word.

Một điểm riêng của Trangđài Glassey-Trầnguyễn là cô nhìn qua hình ảnh con mình, và thấy cả một Nước Trời. Như những dòng thơ:

nếu Chúa yêu nhân trần
bằng Thánh Giá
mẹ yêu con
bằng hồn, xác, tâm, thân
Chúa tận hiến trên đồi cao
xứ lạ
mẹ mỗi ngày
tận hiến
với hồng ân (trang 49)

Thế giới Thiên Đường đó, cũng trải đầy hình ảnh của chồng cô, người sinh trưởng từ Thụy Sĩ. Cô kể về đêm, nằm nghe, giữa đứa con mới sinh (có hơi thở như cối xay lúa) và người chồng mà cô quen gọi là Cưng (có hơi thở như xưởng cưa gỗ thông):

... giữa cối xay lúa và xưởng cưa gỗ thông
cối xay lúa bằng đá
rì rào rì rào rì rào
làm tại Mỹ
nhưng từ lò Việt Nam
với thiết kế Thụy Sĩ
xưởng cưa gỗ công nghệ
ầm ào ầm ào ầm ào
nhập từ Châu Âu
bản quyền của núi Alps
cả hai đều đánh thức tôi... (trang 60)

Làm thế nào nhà thơ có thể viết những dòng tuyệt vời như thế, với những hình ảnh thơ mộng như thế? Nếu không phải cô cũng là những trận gió bay thì thầm giữa những cánh quạt cối xay lúa và rừng thông núi Alps?

Nhà văn Lê Thị Huệ, trong Thư Chủ Biên, Gió O, tháng 10, 2011 đã nhận định:

“Và đặc biệt cây bút trẻ Trangđài Glassey-Trầnguyễn đang phiêu lưu vào cõi thơ văn tiếng Việt trên mạng trong thời gian gần đây. Chữ nghĩa cẩn trọng chọn lọc và các trục ý thức như là một trí tuệ phiêu lưu, Trangđài Glassey-Trầnguyễn là một phiêu lưu sáng tạo với văn chương Việt đầy hứa hẹn vì tính chất độc lập và bản lĩnh chọn lựa của cô.”

Xin chúc mừng nhà thơ Trangđài Glassey-Trầnguyễn với thi tập “MÙA YÊU CON Thứ Nhất” – khi đã làm được những gì rất khó làm: chụp bắt được những trận gió từ cánh quạt cối  xay lúa, và trải vào những dòng chữ tiếng Việt để làm ngợp hương núi thông (chữ từ trang 61) trên những trang giấy một cách trang trọng. Đây là một tập thơ lạ, đúng vậy, rất lạ.

Phan Tấn Hải
GHI CHÚ: Độc giả tìm mua “MÙA YÊU CON Thứ Nhất,” xin liên lạc:
vietamproj@gmail.com, www.trangdai.net. Ấn phí $10, bưu phí $3. Hay địa chỉ:
7791 Santa Catalina, Stanton CA 90680. Tel: 714 204 8340.

No comments:

Cận vệ Chủ tịch nước Lương Cường bị tố 'lạm dụng tình dục': phản ứng của các bên

Hình ảnh,Phiên tòa xét xử vụ tố cáo lạm dụng tình dục được tường thuật trực tiếp trên đài truyền hình tại Chile. Trong hình: Nhân viên an ni...