Bài: Trangđài Glassey-Trầnguyễn
Hình: Olivier Glassey-Trầnguyễn
Tốt nghiệp sĩ quan
Khi
còn nhỏ, tôi không có cha, chỉ biết Ba đang đi cải tạo, rồi đi vượt biên. Hình
ảnh duy nhất của Ba mà Mẹ còn giữ lại được sau khi mọi thứ bị tịch thu hay đốt
cháy, là tấm ảnh Ba ra trường sĩ quan Đà Lạt. Ba mặc quân phục, đứng chung
nhiều quân nhân khác. Chỉ có Mẹ mới biết Ba đứng đâu. Khi sang Mỹ, tuy đã phỏng
vấn và viết nhiều tài liệu về các cựu quân nhân của Việt Nam Cộng Hòa, nhưng
tôi vẫn chưa bao giờ được tham dự một nghi thức nào của quân đội. Mãi đến ngày
18 tháng Sáu, 2012.
Tân Thiếu Uý và gia đình |
10
giờ 30 sáng hôm ấy, hai sĩ quan Hải Quân và hai sĩ quan Thủy Quân Lục Chiến
được thăng cấp. Người gốc Việt duy nhất mặc quân phục hôm đó là anh tân khoa
vừa ra trường cử nhân ngành Communications tại Đại học UC San Diego, Nguyễn Hữu
Trần Hoàng. Buổi lễ diễn ra tại Viện Hòa Bình và Công Lý (the Peace &
Justice Institute) trong khuôn viên Đại học tư thục University of San Diego,
một ngôi trường nổi tiếng là diễm lệ, nằm trên đồi, nhìn xuống vùng downtown và
hải cảng San Diego phồn thịnh.
Tân Thiếu Úy và một thân hữu nhí |
Buổi
lễ trang trọng do Trường Hải Quân và Thủy Quân Lục Chiến tại San Diego đảm
trách, với sự hiện diện của sĩ quan giáo sư, Đại úy Patrick Rabun, và vị Linh
mục linh hướng của quân đội Hoa Kỳ. Đại úy Rabun, theo lời Hoàng, là một vị
tướng khả ái, thân thiện với cấp dưới, và rất thực tế. Ông là người phát biểu
trong lễ thăng chức. Có hai điều ông nhấn mạnh cho những sĩ quan mới ra trường.
“Cuộc đời đầy bất công.” Nhưng không vì vậy mà ta không phấn đấu. “Và giờ đây,
các anh là những người lãnh đạo, là tấm gương soi của thuộc cấp. Nhưng không ai
hoàn hảo, nên hãy luôn luôn sống trong tinh thần đào luyện.”
Được
thăng chức, chính thức tiếp nhận vai trò lãnh đạo trong quân ngũ, Hoàng đã cho
tôi biết cảm nghĩ của mình. Anh nói bằng tiếng Việt, “Là một quân nhân trong
quân đội đã là một danh dự cho tôi. Được làm một sỹ quan, tôi cảm thấy tự hào
hơn. Vì ngoài phần đóng góp cho công cuộc bảo vệ đất nước đã cưu mang gia đình
tôi, tôi bây giờ lãnh nhận trách nhiệm chỉ huy và lo lắng cho những chiến binh
ưu tú và dũng cảm nhất trong quân đội. Tôi rất hãnh diện ngày hôm nay được trở
thành một Thiếu Úy Thủ Quân Lục Chiến Hoa Kỳ.”
Không chỉ là một sĩ quan
Ba Má đội mũ và đeo lon cho Tân Thiếu Úy |
Nguyễn
Hữu Trần Hoàng – một Thiếu úy Thủy Quân Lục Chiến – nhưng không chỉ có vậy. Anh
cũng là một thành viên rất tích cực trong cộng đồng người Việt trong nhiều môi
trường khác nhau, từ học đường đến tôn giáo, từ những sinh hoạt sinh viên đến
những công việc xây dựng những thế hệ ngày mai trong cộng đồng nhà lẫn trong xã
hội đa chủng Hoa Kỳ.
Hoàng
có một vẻ ngoài bình dị, nhưng đời sống của anh rất phong phú. Trong nhiều năm
qua, anh vẫn tham gia sinh hoạt trong các hội sinh viên Việt Nam tại UC San
Diego, như Hội VSA và Bút nhóm Gạch Nối. Ngoài ra, anh cũng tình nguyện làm phụ
giáo tại các trường tiểu học trong suốt hai năm vừa qua, giúp đỡ những học sinh
tại các vùng dân cư có thu nhập thấp trong Quận San Diego. Phần lớn các học
sinh mà anh giúp là người gốc Mễ Tây Cơ, nên anh cũng dùng tiếng Tây Ban Nha để
hướng dẫn các em.
Là
một Trưởng trong phong trào Thiếu Nhi Fatima, một đoàn thể Công Giáo tiến hành
tại Giáo xứ Cộng đoàn Thánh Phêrô ở Torrance, Hoàng đã nhận
được nhiều bằng tưởng lệ vì những đóng góp thiết thực của anh trong việc
hướng dẫn sinh hoạt tâm linh, đức dục, và thể dục cho thanh thiếu niên trong
Giáo xứ. Anh đã sinh hoạt Thiếu Nhi trong suốt mười tám năm qua. Một sự bền bỉ
đáng quý.
Hoàng
còn có một biệt tài mà ít ai biết, vì anh vốn ít nói: tài đóng kịch. Đây cũng
là lần đầu tiên tôi gặp Hoàng trong sinh hoạt sinh viên. Khi Bút Nhóm Gạch Nối
tại UCSD thực hiện Dự án "Tưởng Niệm Thuyền Nhân Việt Nam,"
Hoàng 'được' chọn vào vai thuyền trưởng trong vở kịch "Vượt Biển." Ở
phần hai của vở kịch, kịch bản bắt Thuyền trưởng phải bị sóng cuốn đi mất tích,
nhưng Hoàng bảo đó là một cái chết vô nghĩa. Hoàng muốn Thuyền trưởng chết vì
cứu một thuyền nhân trên tàu. Tôi được các em sinh viên nhờ làm cố vấn cho Dự
án và làm đạo diễn cho vở kịch. Thấy yêu cầu của Hoàng hợp lý, tôi đã để cho
"Thuyền trưởng Hoàng" được chết có ý nghĩa. Hoàng chọn nhảy xuống
biển để vớt một thuyền nhân vị thành niên, hy sinh mạng mình cho tha nhân. Bên
cạnh dự án Tưởng Niệm Thuyền Nhân, Hoàng vẫn góp mặt trong các chương trình văn
hóa và thiện nguyện của VSA, nhất là những đêm Culture Night tại trường UCSD.
Trong
mùa cuối của chương trình học tại UCSD, Hoàng đã được điểm A cho lớp tiếng
Việt. Cô giáo Kim Loan, có mặt tại buổi lễ thăng chức, đã nói, "Bài luận
cuối mùa của Hoàng rất khá! Có chuẩn bị kỹ lưỡng." Cô cười thật hãnh diện
khi thấy học trò của mình chững chạc trong cương vị mới. Khả năng tiếng Việt
của Hoàng khá dồi dào, tuy anh vẫn khiêm tốn cho rằng tiếng Việt của mình còn
giới hạn. Khi mới gặp, tôi nghe Hoàng nói vậy thì cũng 'tin' như vậy. Sau này,
khi có dịp trao đổi với Hoàng trong sinh hoạt với các nhóm sinh viên, tôi mới
biết, mình đã lầm to.
Con nhà binh
Bốn sĩ quan được thăng chức |
Thiếu
úy Nguyễn Hữu Trần Hoàng chào đời tại Bình Trưng Đông, huyện Thủ Đức, là con
của ông bà Nguyễn Hữu Hinh và Trần Thị Sen. Anh có hai em trai, Nguyễn Minh
Hoàng và Nguyễn Huy Hoàng. Ông Nguyễn Hữu Hinh vốn là một cựu Đại úy pháo binh
trong Quân đội Việt Nam Cộng Hòa, phục vụ trong quân ngũ từ năm1968 đến 1975.
Ông bị tù cải tạo 7 năm, và gia đình sang Mỹ theo diện H.O. năm 1993.
Tuy
sang Mỹ khi mới 9 tuổi, nhưng Hoàng nói tiếng Việt rất lưu lóat, và có thể viết
tiếng Việt khá hoàn chỉnh – tuy có thể không thèm bỏ dấu phần cuối của bài luận
thi cuối khóa nếu sắp hết giờ! Anh vẫn giữ một nếp sống rất Việt Nam – có lẽ do
sự giáo dục từ trong gia đình. Bạn bè ít ai biết được Hoàng là một người con
chí hiếu, vì anh là một người khá kín đáo. Với đồng lương lính đang thời sinh
viên, Hoàng đã giúp Ba Má mua nhà để gia đình có nơi an cư, và sang một cơ sở
thương mại để ông bà lập nghiệp. Mỗi tháng, anh đều thu xếp để lái xe về thăm
nhà, cho dù Má vẫn muốn phải chi người con quân ngũ của mình có thể về nhà
thường hơn.
Mỗi
lần lái xe từ San Diego về Torrance để tham gia sinh hoạt Thiếu Nhi,
Hoàng lại mang theo thức ăn do Má nấu để ăn từ từ. Mùa thu này, Hoàng sẽ
xa nhà, xa miền Tây Hoa Kỳ nắng ấm, để đến đóng quân ở miền Đông. Anh sẽ không
được ăn cơm Má nấu. Sẽ không được gặp gia đình trong cả nửa năm. Sẽ sống giữa
tuyết lạnh mùa đông. Tôi không biết ai sẽ buồn hơn: Hoàng, hay Má của Hoàng.
Cũng
vì không muốn có một người con gái phải làm chinh phụ chờ mình, nên chàng Thiếu
úy Thủy Quân Lục Chiến nhất quyết không nghĩ đến chuyện hẹn hò. "Vì không
muốn ‘người khác’ phải khổ," Hoàng nói vậy, tuy Ba Má thì đã mong có dâu
và cháu nội cả mấy năm nay. Nhưng nếu Hoàng muốn tránh không để ‘người khác’
phải khổ khi xa mình, thì anh không thể tránh cho ‘người nhà’ phải khổ khi xa
anh. Ba Má – có lẽ nhất là Má, vì Má rất khắn khít với Hoàng – sẽ trở thành
những chiếc bóng vào ra, mong ngày con nghỉ phép về thăm nhà.
Đời
lính – lúc nào cũng là những chia xa với gia đình, những bôn ba rày đây mai đó,
sống một đời theo kỷ luật và tinh thần chiến đấu, phục vụ, và chịu đựng cả
những thiệt thòi. Cứ tưởng khi xem những bản nhạc lính của miền Nam trước 1975
trên các video ca nhạc là xem lại một quá khứ. Chuyện nhà binh – không
phải chỉ là chuyện của 'thế hệ trước,' khi binh đao khói lửa còn tràn lan trên
quê hương thưở nào. Chuyện nhà binh cũng là chuyện của những thế hệ hôm nay của
người Việt tại hải ngoại, của hậu duệ của các quân nhân của hôm qua.
Tôi
chợt nhớ ra, không phải là một chuyện ngẫu nhiên khi Hoàng thích nghe những bài
nhạc tiền chiến. Phải chăng, từ trong tiềm thức của cha mẹ, từ trong kinh
nghiệm của thế hệ trước, cái mầm phôi của một đời quân ngũ đã hình thành, để
khi Hoàng thành nhân, anh đã chọn con đường mà như đã có cái duyên cái nợ với
anh từ lâu.
No comments:
Post a Comment