Saturday, November 10, 2012

HÀNH TRANG TRÊN TUYẾN ĐƯỜNG VỀ




- Chị người Việt Nam hả chị ?

Nghe tiếng hỏi như reo của người ngồi bên cạnh, một phản ứng tự nhiên, Hân ngưng viết, rời mắt khỏi quyển vở, ngước lên hướng về phía tiếng nói để tìm người hỏi câu hỏi. Qua chiếc mũ vải rộng phủ xuống vầng trán, Hân bắt gặp một đôi mắt nửa như vui mừng, nửa như ngạc nhiên của người phụ nữ tuổi chừng không qúa bốn mươi.Hân chưa kịp trả lời thì người phụ nữ đã tíu tít như chim :
- Chuyến đi này ít người Việt qúa chị. Thấy chị từ nãy, nghi là người Việt Nam nhưng em không dám chào, sợ không phải thì quê xệ . Tò mò lén ngó vào cuốn vở, thấy chị viết tiếng Việt nên em mới dám hỏi đó.
Hân nhìn người đồng hương mỉm cười:
- Chào chị, vâng, tôi người Việt.
- Chị du lịch Việt Nam ăn Giáng Sinh à ? Sao sớm thế? Bây giờ mới là đầu tháng 11 thôi mà! Chắc chị ở lại chơi lâu hả chị?

À, thì ra thế, cứ ai là người Việt mà đi đường bay dừng lại ở Hồng Kông thì ngay tức khắc, được cho là về "du lịch Việt Nam". Điều đó, Hân nghĩ có lẽ cũng thường thôi. Có thể người ta nghĩ rằng vì xa quê hương, lòng người ai cũng xót xa thương nhớ, nhất là lúc sau này, do sự ngọt ngào chiêu dụ của nhà cầm quyền Việt cộng, một số người Việt Nam ở nước ngoài đã bùi tai, nhẹ dạ tin vào sự đổi thay do họ quảng cáo, hớn hở đem tiền đầu tư để không lâu sau đó, mang thảm bại trở về. Ngày đi âm thầm, ngày về cũng âm thầm. Nhưng hai nỗi âm thầm lại khác nhau một trời một vực. Ngày đi âm thầm vì sợ đồng hương tị nạn biết mình thậm thọt về làm ăn với Việt cộng nên đi gần như trốn lén. Trốn lén trong âm thầm nhưng hớn hở hy vọng những thành công trong tương laị Một thành công to lớn về tiền bạc hoặc lẫy lừng về công danh. Nhưng nỗi âm thầm của ngày về thì lại cay đắng không cùng. Càng cay đắng hơn vì nạn nhân không dám thở than, thổ lộ cùng ai mà chỉ một mình nuốt hận, cay đắng vì phải bỏ của chạy lấy người, mang thân về được vùng đất tạm dung là may mắn lắm, vì đã có bao người không những bị nhà nước CSVN tịch thu hết tiền của mà thân lại vướng ách tù đàỵ
Một số khác không về Việt Nam để kinh doanh nhưng họ về vì họ đã mau chóng quên đi cuộc sống đau thương tủi nhục do Việt cộng tạo ra cho họ và cho thân nhân, họ hàng, dân tộc họ sau ngày 30/4/ 1975. Quên con đường vượt biên gian khổ có đầy máu và nước mắt. Quên những tiếng thét hãi hùng tuyệt vọng chìm vào đại dương của những thiếu nữ không may bị hải tặc hãm hiếp, bắt đi. Quên những đôi mắt cứng đơ, trợn trừng uất hận trên những khuôn mặt bê bết máu của những người đàn ông, thanh niên vì phản đối hành vi thô bỉ đối với phụ nữ của bọn hải tặc mà bị chúng giáng búa vào đầu. Quên những xác người nổi chìm theo sóng và làm mồi cho cá. Quên cả hình ảnh bi thương của những em bé bất hạnh nằm thoi thóp nhay vú mẹ khi người mẹ chỉ còn là cái xác rũ xuống bên bờ đảo san hô cùng với những mảnh vụn của xác con tàu. Họ quên hết và không ngần ngại đổi tất cả những ký ức đau thương của đồng loại, của dân tộc và của cả chính họ để lấy tờ nhập cảnh về Việt Nam du lịch mọi miền danh lam thắng cảnh, để khoe áo gấm cho xóm làng thèm thuồng kính nể, để xóa đi hình ảnh thằng Cu con Tí nghèo hèn rách rưới ngày nào, để ăn chơi hưởng thụ vung đô la mua những giờ phút đế vương trên muôn ngàn nỗi nhục nhã khốn cùng của chính dân tộc mình, trên thân xác và tâm hồn ngây thơ tội nghiệp của những em bé gái mười sáu, mười lăm, của những nữ sinh bị cám dỗ bởi đô la và cuộc sống ăn chơi trụy lạc hoặc của những người mẹ khốn cùng, cần tiền chạy chữa thuốc men cho đứa con đang đau ốm.
Chắc là thành phần về du lịch Việt Nam tìm vui vừa kể đông hơn những người về kinh doanh nên sự việc thấy người Việt dừng lại ở phi trường Hồng Kông trước khi lên máy bay đi tiếp, người ta cho ngay là người ấy về du lịch Việt Nam, bởi vì hình ảnh những người về du lịch đó đã thành một sự việc thông thường.
Nghĩ thế, Hân lại mỉm cười:
- Dạ không, tôi không về du lịch Việt Nam. Tôi đi Philippine.
Người thiếu phụ nhìn Hân ngạc nhiên:
- Ủa, người Việt Nam mà sao chị không về Việt Nam mà lại đi thăm nước Philippine chi vậy ? Phi có gì hay đâu mà chị thăm ? Người Phi còn sang Việt Nam du lịch và mua đồ đó chị . - cô dịu giọng - Mà nước Phi cũng gần. Chị thăm Phi xong chị về Việt Nam chơi một chuyến đi. Mà chị ở đâu vậy? Mỹ hả . Chị xa Việt Nam lâu chưa?

Hân hơi khó chịu. Khó chịu vì bị hỏi dồn dập thì ít, nhưng vì sự mời chào rủ rê về Việt Nam thì nhiều nhưng nàng vẫn mỉm cười trả lời nhưng chỉ trả lời phần nào câu hỏi:
- Dạ tôi xa Việt Nam đã hơn hai mươi lăm năm và đi Phi thăm một người bạn bịnh.
Người phụ nữ đồng hương lại vui vẻ líu lo :
- Mèn đét ! nếu chị xa Việt Nam lâu vậy thì chị càng nên về. Đến em mà mỗi năm em còn về vài lần kia mà. Về một lần cho biết đi chị . Bộ chị không nhớ Việt Nam sao ? Việt Nam bây giờ thay đổi lắm. Thành phố được xây dựng lớn hơn. Nhiều biệt thự sang trọng đẹp đẽ hơn. Người ta giàu hơn, dân đông hơn và nhà nước thì cũng dễ dãi hơn. Phố xá lúc nào cũng tấp nập đông vui. Hàng quán mọc lên như nấm và bán không thiếu một sự gì. Mà lại rẻ rề à chị. Người Việt mình về du lịch nhiều lắm. Họ mua đủ thứ đem đi. Em nói thiệt nghe, chị không về thì là cả một sự thiếu sót đó chị à!
Tiếng "à" được kéo dài ra và người đồng hương có vẻ tự hào về sự hiểu biết của chị về Việt Nam. Chị chấm dứt đoạn "quảng cáo" bằng một tràng cười.
Hân im lặng :” Bộ chị không nhớ Việt Nam sao ?” Chao ôi, câu hỏi như mũi dao xuyên vào tim vào óc. Tôi nhớ Việt Nam lắm chứ. Nhưng chính vì nhớ mà tôi không về đó chị. Nếu nói ra điều mâu thuẫn thế thì chắc gì chị hiểu được ý tôi. “Việt Nam bây giờ thay đổi lắm”. Ðúng thế, phải thay đổi chứ. Thay đổi để sống còn mà. Mỗi năm bao nhiêu tỉ mỹ kim từ các nguồn kinh tài và từ quỹ nhân đạo các nước trên thế giới đổ vào Việt Nam thì ít nhất bề ngoài cũng phải có chút gì thay đổi để hợp lý và có lý do kiếm thêm đô la cho nặng túi. Còn chiều sâu thì sao? cái mô hình của xã hội tư bản đỏ, độc tài, tham lam và tàn bạo thì ai cũng biết nhưng người đồng hương này lại tuyệt nhiên không nói đến. “Thành phố được xây dựng lớn hơn.” Có lẽ người đồng hương muốn nói đến những trung tâm du lịch to lớn sang trọng được xây dựng. Các miền danh lam thắng cảnh được tu bổ và khuếch trương với mục đích duy nhất là tạo hấp lực cho du khách, để cũng từ nơi đó, có biết bao em bé Việt Nam gầy gò rách rưới, thất học chạy bám theo chân du khách, giành giựt đánh bóng từng đôi giày, bán từng cái quạt, hộp diêm và nhục nhã khốn khổ hơn là chầu chực để húp từng tô nước phở thừa! “Nhiều biệt thự sang trọng đẹp đẽ hơn... Người ta giàu hơn...” Hân muốn nói với người phụ nữ rằng người bạn đồng hương ơi, người ta giàu hơn, mà người ta ở đây là ai vậy ? nếu không là những cán bộ, những đảng viên cao cấp, những người hét ra lửa. Họ đang là chủ nhân những ngôi biệt thự sang trọng mà chị vừa khen đấy. Còn những người dân hiền lành khốn khổ của chúng ta ư? Họ ở đâu chị biết không ? Họ ở đâu sau khi vườn ruộng đất đai của họ bị nhà nước cướp không để xây biệt thự ? Chị có thấy những cuộc biểu tình vô vọng đòi lại nhà cửa ruộng vườn của những người nông dân khốn khổ kia không ? “chính quyền thì cũng dễ dãi hơn” vâng, chắc là chị nói đến sự dễ dãi của những người công an và nhân viên đại diện cho chính quyền của họ ở các khu xét hành lý phi trường. Họ sẽ dễ dãi lắm nếu khi qua mặt họ, những du khách Việt Nam (chỉ những du khách Việt Nam thôi, còn người ngoại quốc thì họ không dám động đến!) biết điều, kèm vào tấm giấy thông hành tờ hai chục đô la.  Càng chắc chắn là chị không nhắc đến sự “dễ dãi” mà nhà nước CSVN đã và đang áp dụng với những người như Luật gia Lê Chí Quang, Nguyễn Khắc Toàn, nhà báo Nguyễn Vũ Bình, BS. Phạm Hồng Sơn, BS. Nguyễn Đan Quế, Linh mục Nguyễn Văn Lý  đâu.  Và còn nữa chị ạ còn rất nhiều người tù với tội danh “phản động”, hay “gián điệp” nhưng không có ăn, hoặc đã bị tử hình âm thầm mà không hề có một phiên toà nào xét xử. “Hàng quán mọc lên như nấm” vâng, trong đó, chắc chắn là có những “ Quán Thiên Đường “. Những quán thiên đường này đưa phần đông tuổi trẻ VN. vào hố sâu trụy lạc và băng hoại.  Ru họ ngủ mê ngủ mệt để họ mơ hồ hay không còn có ý thức gì về quốc gia, về dân tộc. Ý chí, sức kháng cự và sự suy luận của họ bị thui chột để chỉ còn biết một chiều, tung hô bác Hồ vĩ đại và đảng ta anh hùng đánh thắng đế quốc Pháp, Mỹ xâm lược .........

 

Hân vẫn im lặng nhìn người phụ nữ. Nàng thấy không trách gì người đồng hương này được. Vì ngay như số người được xem là khoa bảng, hay những kẻ đã một thời hưởng bổng lộc quốc gia và cả một số người từng bị cộng sản cho nếm mùi tù đắng cay cải tạo mà Hân cũng còn nghe họ nói những lời tương tự như những điều người phụ nữ này vừa mới nói kia mà. Có kẻ còn cảm ơn Việt cộng, vì nhờ có ngày mất nước nên gia đình con cái họ mới có dịp đi nước ngoài, mới thành bác sĩ, kỹ sư, mới có xe hơi... nhà lầu....mới làm chủ tiệm.... Nghĩ đến đây Hân lắc đầu chán nản.
- Bộ em nói không đúng sao mà chị lắc đầu ?
Hân bật cười buồn:
- Không, tôi có nói chị nói sai đâu.  Chị nói đúng nhưng chỉ đúng với sự nhận xét và hiểu biết của chị.  Tôi thì nghĩ khác và có nói ra chắc gì chị thông cảm được.
- Thì chị cứ nói cho em nghe.  Em dễ thông cảm người ta lắm. Em thông cảm chị được mà. Tự nhiên em thấy mến chị và thích nghe chị nói, dù chị có vẻ dè dặt với em.  À, tên chị là gì ?
Hân thấy sự nhận xét của người đối diện có phần đúng. Nàng có thói quen dè dặt với người lạ, nhất là người này lại cứ quảng cáo du lịch cho nhà nước Việt cộng,  một loại quảng cáo không hấp dẫn và thú vị với Hân.
- Chị chưa trả lời em. Tên chị là gì ?
Hân cười miễn cưỡng:
- Tôi tên Hân.
- Em tên Linh Thảo.  Em nhỏ hơn chị mà. Gọi em là em được rồi.  Chị kêu em bằng chị nghe dị quá đi!
Hân buột miệng:
- Tên đẹp qúa.
Hân nói thế nhưng lại cảm thấy cái tên không hợp lắm với ngoại hình của người mang nó. Dường như đoán được ý nghĩ của Hân, Linh Thảo cười hồn nhiên nhưng giọng nàng nhỏ xuống:
- Thiệt ra thì em tên Sáu vì em thứ sáu, nhưng khi em có bồ, anh ấy kêu em là Linh Thảo. Em thấy hay qúa nên xài luôn. Đổi cả trong giấy tờ từ ngày vượt biên đó. Bây giờ em lấy ảnh rồi và tụi em đã có hai con.

Hân bật cười và cảm thấy có chút cảm tình với người phụ nữ vì sự mộc mạc đến ngây thơ của nàng.
Không hiểu sao, Hân nhỏ nhẹ:
- Linh Thảo có biết vì sao tôi xa quê hương lâu thế mà lại không về thăm quê hương không ?

- Làm sao ai mà biết . - Linh Thảo đổi giọng - À... chị không nói làm sao em biết. Nói cho em nghe đi. Chị sao chớ em còn cả hơn một giờ nữa mới lên máy bay lận.

- Có thể những điều tôi nói, Linh Thảo cho là kỳ cục hay không đúng đâu.  Nhưng thôi, tôi cũng nói cho Linh Thảo nghe.  Thông cảm đến đâu thì thông cảm. Chỗ nào cho là không đúng, muốn hỏi thì cứ hỏi.

- Không sao, chị cứ nói đi. Em nói rồi, em thông cảm chị được mà !

Hân xoay hẳn người, nhìn sâu vào mắt Linh Thảo:

- Tôi hỏi thật, Linh Thảo trả lời thật nghe.  Linh Thảo có  thích sống dưới chế độ Cộng sản không?

- Mèn đét ! sống với cộng sản thì ai mà thích chị. Lúc nào họ cũng bắt phải khen bác Hồ và đảng. Em đâu có thích nhưng về chơi thì em thích về.

http://www.cinet.gov.vn/userfiles/image/2012/antuong_270110.jpg 
Linh Thảo lại cười giòn tỏ vẻ thích thú sau câu nóị
Hân cố gắng tìm những lời đơn sơ nhất:
- Cũng như Linh Thảo, tôi không thích sống dưới chế độ bất công độc tài của cộng sản nên hơn hai mươi lăm năm trước, tôi vượt biên tìm tự do. Sự ra đi hoàn toàn do tôi chọn lựa.  Vì tôi chọn lựa nên tôi phải trung thành với sự chọn lựa của tôi.  Vậy nên việc không về thăm Việt Nam của tôi giản dị lắm. Tôi không thích họ thì tôi không về. Nói cho rõ hơn, ngày nào cộng sản còn cai trị nước Việt nam thì tôi vẫn không về.

Linh Thảo nhìn Hân băn khoăn:
- Vậy ....vậy ...chi. chỉ về khi không còn họ thôi hả.... mà chị nghĩ chừng nào thì không còn họ hả chị ?

- Tôi không biết chắc là chừng nào thì không còn họ.  Có thể là vài năm, vài tháng, cũng có thể lâu hơn. Nhưng hơn ba mươi năm cai trị đất nước, chúng ta thấy rõ những điều: thứ nhất, ngươì dân thì bị nhà cầm quyền lấy tài sản, thu nhà, cướp đất. Họ đưa đơn thưa thì không ai xử. Họ biểu tình thì bị đàn áp, bắt tù. Thứ hai, những người dám nói thật sự sai trái của nhà cầm quyền hay giúp đỡ dân chúng nộp đơn khiếu nại thì bị tù và kết án là phản động, là tuyên truyền chống phá nhà nước, là gián điệp như luật sư Lê Chí Quang, nhà báo Nguyễn Vũ Bình, Nguyễn Khắc Toàn và Bs. Phạm Hồng Sơn. Thứ ba, những bậc tu hành chân chính thì bị tù hay quản thúc như Linh mục Nguyễn Văn Lý, Hoà Thượng Thích Quảng Độ Giáo hội Hoà Hảo cũng bị canh phòng, cấm đóan. Tóm lại, chỉ những ai vâng lời đảng, làm những điều đảng sai khiến thì mới được yên thân . Hơn nữa, đọc lịch sử Việt Nam và cả lịch sử của các nướ c trên thế giới thì qua đó, tôi thấy chắc chắn một điều rằng chế độ nào mà độc ác quá thì không được lòng dân và phải có ngày bị tiêu diệt.

Linh Thảo nhìn xuô’ng chân. Hai mũi giày nàng day day trên thảm nhưng nét mặt dường như đang suy nghĩ. Một phút sau, Linh Thảo ngước nhìn Hân:

- Em cũng nghe nhiều người nói vậy đó. Ác giả ác báo hả chị ? Ác độc qúa thì làm sao mà thiên hạ ưa cho nổi.  Nơi em ở, có mấy gia đình cũng nói như chị. Họ nhớ Việt Nam nhưng nhứt định không về thăm Việt Nam. Đến hè, họ đi chơi ở các tiểu bang khác hay đi Pháp, đi Đức thăm bà con ho.. Em thì thích về vì em có mấy con bạn thân ở quê hồi nhỏ nó cứ rủ em về. Ở ngoại quốc, em không có bạn thân nên nhiều lúc buồn. Về thì vui thiệt nhưng tốn kém quá.  Lại bỏ con cho ông xã em coi, ông xã em than hoài.  Ổng bảo em đừng về nhưng không về thì lần nào gọi điện thoại mấy con bạn em cũng réo...
Linh Thảo ngưng nói, mở xắc tay, lấy trong ví hai tấm ảnh đưa ra trước mặt Hân:
- Chị coi, ông xã em nè. Ảnh thương em lắm nhưng em hơi lấn ảnh. Em mà bắt chước chị không du lịch Việt Nam hả, người vui nhất là ảnh đó chị ! Còn đây, hai thằng con em. Chị coi tụi nó ngộ và dễ ghét không? Giống cha nó i hệt à chị !

Trước khi Linh Thảo cầm cái túi hành lý nhỏ chào Hân lên máy bay, nàng dúi cho Hân một tấm danh thiếp:
- Về lại Mỹ, kêu em nghe chị Hân! Đây là số điện thoại tiệm sửa xe của ông xã em.

Nhìn Linh Thảo lẫn vào dòng người trôi vào tunnel, Hân cảm thấy không buồn, không vui.
 
Hai tuần ở Philippine trôi qua thật nhanh. Hân biết thêm được vài điều mới lạ.  Không biết Việt Nam hiện nay thay đổi ra sao, riêng Philippine, ở thành phố Manila thì Hân thấy đẹp và có nhiều nét văn minh Âu Mỹ. Các tên cửa tiệm và các biển quảng cáo đều bằng tiếng Anh. Nếu không nhìn biển người Á Đông tóc đen đi lại hối hả trên các đường phố thì Hân không nghĩ rằng mình đang ở một nước vùng Châu Á.
Thành phố Manila đông dân. Sáng trưa chiều tối người đi lại tấp nập. Ngay trung tâm thành phố, có những cao ốc tráng lệ. không khác những tòa nhà nhiều tầng ở bất cứ thành phố nào trên nước Mỹ. Cũng tại đây, có một vài shopping lớn bán đủ mặt hàng ngoại quốc, từ mỹ phẩm đến các loại quần áo hiệu đắt tiền.
Chung quanh đó là những khu biệt thự kín cổng cao tường có người gác 24/24. Chỉ khác một điều là thỉnh thoảng, cạnh những cao ốc đẹp đẽ ấy , cạnh những khu biệt thự sang trọng ấy là những khóm nhà tôn nghèo nàn vá víu đủ màu, tấm mới, tấm rỉ, mọc vô trật tự chen chúc bên nhau.  Nhận xét đầu tiên của Hân về thành phố Manila của Philippine là ở đây, có hai thế giới riêng biệt rõ ràng : cực giàu và cực nghèo. Số người ở giữa hai giới này có lẽ rất là khiêm nhượng.

Phần lớn người giàu ở thành phố Manila nhà nào cũng có ít nhất một hai người giúp việc, một người tài xế và dù xe hơi ở đây giá cao, nhưng những gia đình giàu có thường có hai ba xe.  Hân được giải thích rằng, ở đây, thành phố giới hạn lượng xe cộ di chuyển nên tùy theo bảng số được cấp, mỗi xe, một tuần có hai ngày không được chạy ngoài đường, vì thế, nhiều gia đình bắt buộc phải có hai xe để nếu bảng số chiếc này bị cấm thì họ dùng chiếc có bảng số không bị cấm trong ngày đó để di chuyển.

Ngược lại, người nghèo thì rất là tội nghiệp. Họ sống chụm vào với nhau, trẻ con người lớn ăn mặc lôi thôi lếch thếch nhưng màu sắc. Chợ họ họp ngay ngoài trời trông không khác gì những khu chợ bình dân, chợ chồm hổm ở các xóm ngõ Việt nam mà Hân có dịp biết qua.
Người dân sống ở Manila phần lớn di chuyển bằng xe bus hay những chiếc xe gọi là tricycle.  Đó là xe gắn máy, được ráp vào bên cạnh, phía tay mặt một ghế ngồi gần giống như hình thù chỗ ngồi của chiếc xe xích lô đạp Việt Nam nhưng nhỏ hơn và có bánh, có mui bằng kẽm che nắng mưa và có khung kim loại lắp kính hay ni lông dày che bụi phía trước mặt. Đặc biệt nhất là xe jeep. Người bạn bản xứ giải thích cho Hân biết, để có những chiếc xe jeep chở hành khách này, họ dùng đầu máy xe từ nước ngoài, chế cái mình ở trong nước và ráp lại thành những chiếc xe jeep có một hình thù đặc biệt Philippine mà không nước nào có được.

Ngoài vòng đai thành phố, những cao ốc vắng mặt, chỉ còn lại những khu nhà tôn cái cao cái thấp không khác những khu nhà tôn trong thành phố, nằm chen chúc với nhau.  Xa hơn là những mảnh ruộng lúa phì nhiêu , có nơi vừa gặt, có nơi lúa chín đang nằm chờ tay người và cũng có những mảnh ruộng lúa còn xanh con gái.

Những Thứ Bảy và Chủ Nhật, Hân theo gia đình người bạn đi dự lễ nhà thờ, dự một vài buổi tiệc, vài cuộc thuyết trình tại địa phương. Hân thấy kinh đọc trong nhà thờ và những cuộc nói chuyện có tính cách đại chúng đều dùng tiếng Anh. Tiếng Phi thì Hân thấy người Phi dùng để nói chuyện với nhau nhiều hơn là dùng trên giấy tờ, văn bản.

Tuần lễ thứ hai, người bạn đưa Hân đến thăm Cabanatuan, một ngôi làng cách Manila độ hơn ba tiếng lái xe.  Đường đến Cabanatuan, hai bên, cạnh những ruộng lúa, cạnh những bãi đất còn hoang vu, cạnh những ngôi nhà máy cũ kỹ bị bỏ hoang chỉ còn sườn, là nhà dân. Dân ở đây sống quây quần từng đám một. Nhìn nhà cửa của họ nghèo nàn, vá víu, nhìn bày trẻ con, em ở trần, em mặc áo, tụm năm tụm ba hồn nhiên đùa giỡn hay nhảy ô quan với nhau trên những mảnh sân đất ướt, nhìn những nhóm đàn ông, thanh niên mọi lứa tuổi nhàn rỗi ngồi trước cửa nói chuyện gẫu hay chụm đầu vào nhau chăm chú chơi một trò chơi nào đó, nhìn những bà mẹ ngồi lặng lẽ ôm con nhỏ ngồi trước hiên nhà, Hân buồn và nhớ Việt Nam. Nhớ VN và Hân tự hỏi rằng, tương lai của những cô bé, cậu bé đang đùa chơi hồn nhiên kia rồi sẽ ra sao trong cái miền quê nghèo nàn xa bóng văn minh này ? Hình ảnh cuộc sống tội nghiệp này có giống tí nào với hình ảnh VN của mình không ? Họ nghèo qúạ nghèo đến nỗi nghèo hơn cả những hình ảnh Hân còn nhớ được ở cuộc sống di cư từ miền Bắc vào Nam bốn năm chục năm về trước. Nghèo hơn cả các đảo tị nạn khi vượt biên sau tháng 4/1975 mà Hân đã đi qua. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, dù dân ở đây nghèo, rất nghèo, nhưng ít nhất, họ còn được sống một cuộc sống Tự Do và quyền làm người của họ còn được chi’nh quyền và pháp luật bảo vệ và tôn trọng.

*
Một buổi chiều cơm nước xong, Hân một mình đi vào phòng đọc sách. Tình cờ thấy trái địa cầu, Hân xoay tìm vị trí Manila và Việt Nam. Manila đây và Việt Nam cũng ở đây.  Một đường thẳng băng ngang biển sẽ nối Manila với Quy Nhơn. Hai thành phố chỉ cách nhau có một khoảng biển trời xanh nhỏ. Nhìn sững chữ Quy Nhơn và hình thể VN, Hân lấy ngón tay sờ nhẹ lên hình cong chữ S. Tay Hân chợt run và lòng bỗng như có muôn ngàn cơn bão. Mắt Hân cay và ướt. Hân cảm thấy chóng mặt, nàng ngồi xuống chiếc ghế gần đó, hai mắt vẫn dán vào phần đất quê hương trên trái địa cầu, Hân chìm vào cơn xúc động. Ôi, Qui Nhơn, một điạ danh thân yêu của nước tôi đây sao ? Nước Việt Nam của tôi ở bên kia bờ biển đó sao ? Tôi ở đây, bên này bờ biển, gần qúa nhưng sao mà xa qúa.  Như với tay đến được Việt Nam nhưng Việt Nam của tôi thì thật sự vẫn ngàn trùng xa cách. ..
Những hình ảnh về quê hương mà Hân còn nhớ được ào ạt hiện về. Như những lượn sóng đổ dồn vào bờ biển, Hân thấy nhớ quê hương quá. Nhớ tuổi thơ , nhớ mái trường ngói đỏ, nhớ những người bạn cùng lớp đã từng sóng bước bên nhau dưới những hàng me cao vừa đi vừa trò chuyện. Nhớ những khuôn mặt học trò thơ ngây, những đôi mắt tròn xoe trong sáng, và nhớ đến xót xa phần mộ cha mẹ mà từ ngày Hân đi vắng người nhang khóị
Từ những nhớ thương xa xót, Hân nghe vang vang mẩu đối thoại giữa nàng và Linh Thảo:
“ ... Ủa, người Việt Nam mà sao chị không về Việt Nam mà lại đi thăm nước Philippine chi vậy ? .... " Người Phi còn sang Việt Nam du lịch và mua đồ đó chị... " “Bộ chị không nhớ Việt Nam saa? ..... "
" ..... Cũng như Linh Thảo, tôi không thích sống dưới chế độ bất công độc tài của cộng sản nên hơn hai mươi lăm năm trước, tôi vượt biên tìm tự do ... "

“ Việt Nam bây giờ thay đổi lắm”...” ... “Em nói thiệt nghe... chị không về thì là cả một sự thiếu sót đó chị à!”
" ... Sự ra đi hoàn toàn do tôi chọn lựa......Vậy nên việc không về thăm Việt Nam của tôi giản dị lắm. Tôi không thích họ thì tôi không về. Nói cho rõ hơn, ngày nào cộng sản còn cai trị nưóc Việt nam thì tôi vẫn không về."

Chờ cơn xúc động lắng xuống, Hân bước ra khỏi phòng sau khi lau khô những dòng nước mắt.

*

Gia đình người bạn tiễn Hân ra phi trường về Mỹ. Trước khi hoà vào dòng người ra phi đạo, Hân quay đầu nhìn lại đúng lúc gia đình người bạn quay lưng. Tina đi bên cạnh chồng, bé bỏng và hạnh phúc như một cặp tình nhân đang thời tình yêu chín nhất. Lúc nào cũng thế,Tina vui và tư tin, dù trong bất cứ trạng huống nào. Hân đứng lặng, nhìn theo người bạn gái đang mang trong người chứng bịnh ung thư mà lòng dạt dào vừa cảm phục vừa thương xót.

Đâu đây giọng Tina bỗng ngọt ngào:

“ Xin cảm ơn gia đình và bằng hữu đã ở bên tôi, nâng đỡ và yêu thương tôi trong mọi hoàn cảnh. Nhất là lúc nàỵ  Buổi tiệc sinh nhật của tôi năm nay thật là đặc biệt. Đặc biệt vì quanh tôi có đông đủ mọi người. Gia đình và bằng hữu. Ngay cả những người bạn mà tôi yêu qúi từ nửa trái địa cầu cũng đã đến với tôi, như thế, còn diễm phúc nào hơn trong đời sống nàỵ Tôi đã nhận nhiều hơn cho và những món quà tinh thần vô giá đó chắc chắn lúc nào cũng ở trong tôi và tôi sẽ hết lòng trân qúỵ  Như mọi người đã biết, sự suy nghĩ của tôi về đời sống này là tôi không tính đường dài bao nhiêu năm mình sống mà luôn nghĩ đến chiều dày, cách sống và giá trị về đời sống mình tạo được khi mình sống. Tôi luôn luôn tự hỏi mình rằng: với xã hội, tôi đã xứng đáng là một công dân tốt chưa.  Với gia đình tôi đã là một người con ngoan, một người vợ hiền và người mẹ đủ lòng chịu đựng và hy sinh chưa ? Với bằng hữu và với những người thân yêu đang sống quanh tôi, tôi có vô tình hay cố ý làm điều gì cho họ buồn phiền đau khổ không và nhất là với chính bản thân, tôi đã rèn luyện cho tôi được những gì để đời sống được thăng hoa và ý nghĩa ....."
Hân ngồi vào ghế và thắt dây an toàn. Trước mặt nàng là một mặt hình tivi nhỏ. Đường bay hiện ra trên mặt truyền hình. Chiếc máy bay như hình dấu cộng từ từ rời thành phố. Bên kia bờ biển xanh, thẳng hàng với Manila, hai chữ Quy Nhơn rõ ràng từng nét.

"... Mà nước Phi cũng gần. Chị thăm Phi xong chị về Việt Nam chơi một chuyến đi...." ..... " Em nói thiệt, chị không về thì là cả một sự thiếu sót ..."

“ ..Sự ra đi hoàn toàn do tôi chọn lựa. Vì tôi chọn lựa nên tôi trung thành với sự chọn lựa của tôi...”
"... Giá trị của đời sống là ở đó ... đo bằng lòng trung thành của mình đối với chính bản thân mình, với mọi việc mình quyết định, mọi suy nghĩ và hành động của mình về đời sống và trong đời sống chứ không đo bằng thời gian dài hay ngắn....”
Lời phát biểu cảm tưởng của Tina trong ngày sinh nhật của nàng đã làm mọi người rơi nước mắt và cũng là hành trang Hân đã mang theo.

Hân lại nhìn lên màn ảnh, gần một tiếng đồng hồ nữa, máy bay ghé trạm Hồng Kông.

Ngô Minh Hằng

No comments: