Nhị Khê
Trung tuần tháng 10/2012, nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Lực lượng Tự vệ Hàng hải Nhật Bản (Japan Maritime Self-Defense Force - JMSDF), hải quân Nhật đã tiến hành một cuộc biểu dương sức mạnh trên biển với tên gọi truyền thống là “Duyệt binh Chiến hạm” tại vịnh Sagami, thuộc tỉnh Kanagawa.Cuộc Duyệt binh Chiến hạm năm nay diễn ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Nhật Bản và các nước láng giềng như Cộng hòa Nga, Đại Hàn và Trung Quốc, do tranh chấp một số hòn đảo trên biển Hoa Đông và biển Nhật Bản.
Nhật Bản biểu dương sức mạnh trên biển
Ngày 14/10/2012, đến tham dự cuộc duyệt binh chiến hạm của Lực lượng Tự vệ Hàng hải Nhật Bản (JMSDF) với tư cách là Tổng tư lệnh hải, lục, không quân Nhật Bản, TTg Yoshihiko Noda đã đáp trực thăng xuống chiến hạm hộ vệ Kurama chứng kiến cuộc Duyệt binh Chiến hạm năm 2012. Cùng đi với TTg Nova còn có Bộ trưởng Quốc phòng Satoshi Morimoto và một số sĩ quan cao cấp trong Bộ tư lệnh hải quân...
Đứng trên boong chiến hạm hộ tống Kurama, TTg Yoshihiko Nova đã trực tiếp theo dõi các hoạt động biểu dương sức mạnh hải quân. Với những lời lẽ vô cùng cứng rắn, TTg đã huấn thị các binh sĩ đang làm nhiệm vụ bảo vệ lãnh thổ và vùng biển, trong đó có quần đảo Senkaku, phải dũng cảm kiên cường. Ông nhấn mạnh giữa lúc an ninh vùng biển Nhật Bản đang bị uy hiếp, toàn thể binh lính và sĩ quan hải quân phải tăng cường tập luyện, giám sát vùng biển, cũng cố sức mạnh, dũng cảm đối phó khi an ninh đất nước bị đe dọa.
Dịp này, TTg Nova đã chứng kiến 8000 binh lính thuộc Lực lượng Tự vệ Hàng hải Nhật Bản, cùng 45 chiến hạm và 32 máy bay khoe sức mạnh. Trong số 45 chiến hạm này có những chiến hạm đặc biệt như: các tàu tuần dương mang hỏa tiễn Shirataka (829), Kumataka, các hộ tống hạm Shirane (143), Atago, Kurama, Hyuga và Chokai... Ngoài ra, 3 nước đồng minh của Nhật Bản cũng gửi các loại chiến hạm đến tham gia cuộc biểu dương. Đó là tuần dương hạm USS Shiloh của Hoa Kỳ, chiến hạm Persistence của Tân Gia Ba và khu trục hạm Sydney của Úc Đại Lợi. Đây là lần đầu tiên 3 nước nói trên gửi chiến hạm đến vùng biển Nhật Bản tham gia cuộc Duyệt binh Chiến hạm của hải quân Nhật Bản.
Trên 40 ngàn người đại diện các tổ chức hội đoàn cùng dân chúng Nhật Bản đã được mời hoặc rút thăm lên chiến hạm quan sát các diễn biến trong cuộc biểu dương sức mạnh. Đại diện một số nước cũng được mời đến chứng kiến cuộc biểu dương lực lượng của hải quân Nhật Bản.
Một hải đội Khu truc hạm Hải quân Nhật Bản thao dượt vận chuyển.
Từ ngày chính phủ Nhật Bản quốc hữu hóa quần đảo Senkaku, quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Nhật Bản vô cùng căng thẳng. 2012 là năm kỷ niệm 40 năm ngày Trung Quốc Nhật Bản bang giao. Theo kế hoạch, hai nước Trung Nhật đã vạch ra chương trình hoạt động trong dịp kỷ niệm, nhưng Trung Quốc đã tự tiện hủy bỏ chương trình đó, ngoài ra còn hủy bỏ một số hoạt động 2 bên đã bàn bạc. Trong cuộc hội nghị hằng năm của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (International Monetary Fund - IMF) họp ở Tokyo, Thống đốc Ngân hàng và Bộ trưởng Tài chánh Trung Quốc không tham dự, chỉ cử một vài quan chức thấp hơn đến dự. Thái độ không hợp tác trên của Trung Quốc đã bị nhiều nước phê phán. Có điều khác lạ là, dịp này Trung Quốc cử 3 sĩ quan đến tham dự, khiến nhiều người chú ý đến.
Một số ký giả thường được mời đến chứng kiến các cuộc Duyệt binh Chiến hạm trong những năm trước, đã có nhận xét:
Thứ nhất, dịp này Nhật Bản lại giới thiệu cho mọi người biết trang bị hiện đại hóa của hải quân, đặc biệt là một số chiến hạm chưa từng thấy như các chiếc tuần dương mang hỏa tiễn Shirataka (829), Kumataka, các tàu hộ tống Shirane (143), Atago, Kurama, Hyuga và Chokai cũng những chiếc trực thăng của MSDF cất cánh từ boong tàu hộ tống Ise.
Thứ hai, lần này có tới 45 chiến hạm hiện đại tham gia, cộng với 3 chiến hạm của 3 nước đồng minh tham dự lần đầu, tất cả là 48 chiến hạm hiện đại. So với cuộc Duyệt binh Chiến hạm lần trước chỉ có 39 chiến hạm, không những tăng thêm 9 chiến hạm các loại, còn có nhiều chiến hạm hiện đại hơn. Điều đó chứng tỏ sức mạnh của Lực lượng Tự vệ Hàng hải Nhật Bản ngày càng được nâng cao về lượng và chất.
Số người đại diện các tổ chức, hội đoàn cùng dân chúng được mời và rút thăm đến tham dự năm nay cũng lên đến 42 ngàn người. Đó là con số chưa từng có trong các cuộc Duyệt binh Chiến hạm trước đó. Điều này cũng chứng tỏ, sau khi Nhật Bản quốc hữu hóa quần đảo Senkaku/Điếu ngư, Trung Quốc đã tăng cường nỗ lực giành giật quần đảo này hung hãn hơn, dân chúng Nhật Bản ngày càng quan tâm đến sức mạnh của Lực lượng Tự vệ Hàng hải.
Một quan chức cao cấp trong Bộ Quốc phòng Nhật Bản nói với ký giả, dịp này Lực lượng Tự vệ Hàng hải cố gắng hết sức mình để càng nhiều người dân thấy được sức mạnh của hải quân Nhật Bản, khiến cho càng nhiều người ngày càng quan tâm đến nhiệm vụ bảo vệ vùng biển và đất nước Nhật Bản hơn nữa.
Điều đáng chú ý thứ ba là sự có mặt của các chiến hạm đồng minh như tuần dương hạm USS Shiloh nặng trên 9.900 tấn của Mỹ, chiến hạm Persistence nặng 8.500 tấn của Tân Gia Ba và khu trục hạm Sydney nặng 4.200 tấn của Úc Đại Lợi trong cuộc Duyệt binh Chiến hạm năm 2012. Đó là điều xưa nay chưa từng có. Trước đây, Nhật Bản từng gửi chiến hạm tham gia một số hoạt động quốc tế, nhưng chưa hề có chiến hạm của một quốc gia nào tham gia ngày Duyệt binh Chiến hạm của Nhật. Điều này chứng tỏ các nước đồng minh vô cùng quan tâm đến vũng biển hoặc lãnh thổ Nhật Bản. Nếu vùng biển Nhật Bản bị xâm phạm, các nước đó sẽ đứng về phía Nhật Bản.
Truyền thống hải quân Nhật Bản.
Hàng không mẫu hạm trực thăng Hyuga DDH 181 Hải quân Nhật Bản.
Từ năm 1868, Nhật hoàng Minh Trị sau khi nắm quyền đã tiếp tục công cuộc cải cách công nghiệp hóa và quân sự hóa nhằm ngăn ngừa các cuộc tấn công của ngoại quốc. Ngày17/01/1868, Binh bộ tỉnh (tương đương Bộ Quốc phòng ngày nay) được thành lập, dưới sự lãnh đạo của các nhận vật quan trọng thời đó là Tomomi Iwakura, chính khách đóng vai trò quan trọng trong cuộc Minh Trị Duy Tân; Công tước Tadayoshi Shimazu và Hoàng tử Akihito Komatsu.
Ngày 26/03/1868, cuộc Duyệt binh Chiến hạm đầu tiên (first Naval Review) trong lịch sử Nhật Bản được tổ chức tại vịnh Osaka, với 6 tàu chiến từ các lực lượng hải quân của 6 phiên (tỉnh) Saga, Ch?sh?, Satsuma, Kurume, Kumamoto và Hiroshima.
Là quốc gia vùng biển, Nhật Bản phải xây dựng một đội hải quân hùng mạnh. Trong cuối thế kỷ thứ 18, hải quân Nhật Bản từng có tên gọi là Hải quân Đế quốc Nhật Bản (Imperial Japanese Navy). Đội quân trên biển này ra đời từ những cuộc xung đột ban đầu với các quốc gia trên lục địa Châu Á, khởi đầu từ thời kỳ Trung cổ. Sau đó đã đạt đến đỉnh cao trong các hoạt động vào thế kỷ thứ 16 và 17, lúc diễn ra sự trao đổi văn hóa với các cường quốc Châu Âu trong Thời đại khám phá (Age of Discovery).
Trong các triều đại sau, Nhật Bản bắt đầu chính sách tích cực hấp thụ các kỹ thuật hải quân phương Tây, chủ trương thu hút các chuyên viên nước ngoài trong các lĩnh vực hải quân nước này không có kinh nghiệm. Đặc biệt là không lực phục vụ cho hải quân. Năm 1918 Nhật Bản mời một Phái bộ Quân sự Pháp gồm 50 thành viên, kèm theo nhiều kiểu máy bay mới nhất, nhằm tạo dựng nền tảng cho lực lượng không quân trong Hải quân Nhật Bản. Chúng bao gồm các kiểu Salmson 2A2, Nieuport, Spad XIII, hai chiếc Breguet XIV, cũng như các khí cầu Caquot. Năm 1921, Nhật Bản mời Phái bộ Sempill đến làm cố vấn trong một năm rưỡi. Nhóm chuyên viên người Anh này huấn luyện và cố vấn cho Hải quân Đế quốc Nhật Bản nhiều kiểu máy bay mới như chiếc Gloster Sparrowhawk và nhiều kỹ thuật mới như ném ngư lôi, kiểm soát vùng trời và vùng biển.
Năm 1921, hải quân Nhật Bản hạ thủy chiến hạm H?sh?. Đó là chiến hạm đầu tiên trên thế giới được thiết kế theo kiểu hàng không mẫu hạm. Sau đó phát triển một đội hàng không mẫu hạm độc nhất vô nhị trên thế giới thời bấy giờ.
Chiến hạm yễm trợ thuỷ bộ Shimokita LST 4002
Với chủ trương xây dựng một đội hải quân hùng mạnh, Hải quân Đế quốc Nhật Bản là lực lượng hải quân đầu tiên trên thế giới trang bị đại bác 356 mm trên chiếc Kong?, đại bác 406 mm trên chiếc Nagato. Đồng thời nó cũng là lực lượng hải quân duy nhất trên thế giới trang bị đại bác 460mmm cho hạng tàu Thiết giáp hạm Nhật Bản Yamato.
Năm 1928, hải quân Nhật Bản cho hạ thủy một hạng tàu khu trục cải tiến với tên gọi là Fubuki, được trang bị tháp pháo hoàn toàn kín có gắn cặp súng đại bác có thể chống máy bay. Thiết kế hạng tàu khu trục mới này nhanh chóng được các lực lượng hải quân khác bắt chước. Chiến hạm Fubuki cũng được trang bị ống phóng ngư lôi kín đầu tiên chống được mảnh đạn. Nhật Bản cũng phát triển ngư lôi Kiểu 93 610 mm có nạp oxy, được xem là kiểu ngư lôi tốt nhất thế giới cho đến tận cuối Đệ nhị Thế chiến.
Năm 1941, hải quân Nhật Bản sở hữu 10 thiết giáp hạm, 10 hàng không mẫu hạm, 38 tàu tuần dương (hạng nặng và hạng nhẹ), 112 tàu khu trục, 65 tàu ngầm, và một số lượng lớn tàu hỗ trợ …
Sau Đệ nhị Thế chiến, các loại chiến hạm chủ yếu của Lực lượng Tự vệ Hàng hải Nhật Bản (tên mới của Hải quân Đế quốc Nhật Bản) đều là chiến hạm cũ của Hoa Kỳ. Sau đó Nhật Bản quyết tâm phát triển các loại chiến hạm chế tạo ở trong nước. Kể từ năm 1981, Nhật Bản bắt đầu tổ chức Duyệt binh Chiến hạm 3 năm 1 lần, tạo điều kiện cho Lực lượng Tự vệ Hàng hải Nhật Bản phát triển mau lẹ. Chiến hạm tham gia các cuộc Duyệt binh Chiến hạm đều sản xuất trong nước. Hiện nay, Lực lượng Tự vệ Hàng hải Nhật Bản có 143 chiến hạm các loại. Các loại chiến hạm loại to và loại vừa đứng hàng thứ 3 trên thế giới. Trong số này có 48 khu trục hạm và hộ vệ hạm, với những trang thiết bị tiên tiến, kỹ thuật tinh nhuệ. Có thể nói hiện nay sức mạnh của Lực lượng Tự vệ Hàng hải Nhật Bản đứng đầu Châu Á, thứ nhì thế giới, sau Hoa Kỳ.
Trong dịp kỷ niệm 60 thành lập Lực lượng Tự vệ Hàng hải, lần đầu tiên Nhật Bản tổ chức triển lãnh các bức hình và tranh ảnh giới thiệu các cuộc Duyệt binh Chiến hạm truyền thống để biểu dương uy thế của Hải quân Đế quốc Nhật Bản kể từ thời Minh trị đến Chiêu Hòa tại trường Đại học Hải quân ở Hiroshima.
Qua cuộc Duyệt binh Chiến hạm 2012, một lần nữa Nhật Bản chứng tỏ sự cương quyết bảo vệ lãnh thổ và vùng biển của mình, trong đó có quần đảo Sunkaku.
Nam Yết chuyển
No comments:
Post a Comment