Tâm sự của tác giả.
Khinh tốc Ngư lôi đĩnh HẢI ÂU - PTF 06 là một tuyển tập gồm nhiều truyện ngắn hồi ký dã sử tiểu thuyết viết lại các chuyến công tác, những hoạt động, về tâm tình khắc khoải, anh hùng tính, nỗi lo âu sợ hãi và ưu tư với cuộc chiến Việt Nam của chiến sĩ Lực Lượng Hải Tuần nói chung và của tác giả nói riêng. Tập truyện được viết bằng hai ngôn ngữ Mỹ Việt với cách sắp đặt không giống nhau trong bố cục của tập truyện. Tác giả còn muốn ghi lại những chuyến hải hành công tác đêm mà tác giả đã tham dự và vẫn nhớ mãi trong suốt ba mươi năm qua, kể từ ngày rời khỏi Lực Lượng. Câu chuyện được sáng tác dưới hình thức tiểu thuyết với nhiều hư cấu; tên tuổi thời điểm cũng như địa danh được thay đổi để phù hợp với ý muốn của những người bạn đã từng chiến đấu chung với tác giả. Sự kiện được ghi lại như là những ký ức dĩ vãng căn cứ vào những kỷ niệm thật sự của máu và nước mắt, để tưởng niệm anh linh của những chiến hữu Hải Tuần và Biệt Hải thân thương đã hy sinh cho chính nghĩa tự do, bảo vệ quê hương Việt Nam, ngăn chặn tuyệt đối hoạt động xâm nhập của Cộng sản Bắc Việt xữ dụng biển Nam hải để lén lút chở tiếp liệu, quân dụng, vũ khí... vào miền Nam Việt Nam từ năm 1964 cho đến năm 1970.
Một hoạt động phối hợp các đơn vị đặc biệt rất thành công và đã hầu như xóa tên Hải quân Cộng sản trong cuộc chiến Việt Nam kể từ biến cố vịnh Bắc Việt vào tháng 8 năm 1964. Ngoài ra tác giả còn muốn xác nhận cho những sử gia và các nhà văn Mỹ Việt đã viết về vai trò và lãnh vực hoạt động đặc biệt này của Hải quân Việt Nam, sự hiện hữu và oai hùng của một trang Hải sử thật sự do những chiến sĩ Lực lượng Hải quân đặc biệt và ưu tú của Hải quân Việt Nam, đã làm rạng danh những hậu bối của Đức Thánh tổ Trần Hưng Đạo.
Một trang sử ít được người đời biết đến vì tính cách bí mật của tổ chức và với môi trường hoạt động mà chiến sĩ Hải Tuần và Biệt Hải không được phép nhắc nhở chi tiết cho đến ngày được giải tỏa vào năm 1998 bởi những cơ quan thẩm quyền Mỹ có liên hệ vào tổ chức trong thời gian này. Vì thế một trang Hải sử của Việt Nam bắt đầu được phổ biến dưới nhiều hình thức trong thời gian gần đây từ truyện dài, tham khảo, hồi ký... đã nói lên tầm mức quan trọng của vai tro các chiến sĩ Lực lượng Hải Tuần va Lực lượng Biệt Hải. Tác giả đóng góp vào việc phổ biến này với tư cách là một nhân chứng của biến cố, đã nhiều lần ôm trong vòng tay, khóc những người bạn lính biển tuổi đời ngắn ngủi, đã từng quên chính bản thân mình trong khi thi hành những công tác nguy hiểm mà ít người có thể tưởng tượng có trong cuộc sống bình thãn hàng ngày của mình. Ngoài ra tác giả mong muốn chia xẻ niềm hãnh diện về những gì Lực lượng đã làm và ngợi khen các cựu chiến hữu tóc nay đã trắng nhiều hơn đen, còn sống tại nơi nào đó trên xứ lạ quê người hay đang lê lất cuộc sống trong âm thầm tủi nhục dưới chế độ Cộng sản độc tài, về nhiệm vụ và thành quả mà chúng mình đã hoàn tất một cách oai dũng, trong cuộc đời ngắn ngủi này.
Sự đóng góp vào trang sử anh hùng của dân tộc nói chung và Hải quân nói riêng, với những huyền thoại xảy ra trong thập niên 60 của Khinh tốc Ngư lôi đĩnh PTF 06 mà tác giả đã hãnh diện chỉ huy trong ba năm tại một vùng biển mà cố Đô Đốc thi sĩ Hữu Phương và cũng là cựu Chỉ huy trưởng của Lực lượng Hải Tuần đã đặt tên là "Vùng Biển Đen". Tác giả không hy vọng gì hơn là sẽ làm oai hùng thêm vai trò của con cháu Đức Thánh Trần đã từng lừng danh trên khắp chiến trường sông rạch vùng đồng bằng sông Cửu Long; trong trận quyết chiến bảo vệ lãnh hải Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa, mà các chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã một lần nữa chứng tỏ cho cả thế giới và nước láng giềng Trung Cộng về tinh thần bất khuất, ý chí quật cường, sắt đá và dũng mãnh trong công cuộc chống lại bạo lực để bảo vệ chủ quyền, tự do cho dân tộc, an bình cho quê hương xứ sở của dòng giống Rồng Tiên.
Vào truyện
Tưởng niệm hương hồn niên trưởng cố Thi sĩ Hữu Phương
Cuộc chiến tranh Việt Nam giữa Thế giới tự do và Cộng sản quốc tế đã tăng trưởng cao độ sau biến cố vào đầu tháng 8 năm 1964 tại vịnh Bắc Việt khi các Ngư lôi đĩnh của Hải quân Bắc Việt ngang nhiên tấn công và bắn ngư lôi vào Khu trục hạm Mađox thuộc Đệ thất Hạm đội Hoa Kỳ, ngoài khơi bán đảo Hòn Me trong hải phận quốc tế. Thêm nhiều đồng bào Việt Nam vô tội tại hai miền Nam Bắc sau đó bị chết trong cuộc chiến tranh mới này. Một cuộc chiến tranh tiếp nối công trình tranh đấu của một thế hệ thanh niên yêu nước từ năm 1940 đến năm 1954, giành lại độc lập và chủ quyền quốc gia, đánh đuổi thực dân Pháp ra khỏi lãnh thổ của một dân tộc anh hùng. Hàng vạn người Việt đã hy sinh cho chính nghĩa, máu hồng đã nhuộm đỏ dải đất khô cằn của Mẹ Việt Nam.
Sau khi Hiệp định đình chiến Genève ký kết chấm dứt chiến tranh Pháp Việt và chia cắt quê hương thân yêu ra làm hai miền; con sông Bến Hải tại vĩ tuyến thứ 17 trở thành ranh giới của Nam Bắc, tựa như một thanh gươm sắc bén của loài ma vương đã tàn nhẫn cắt đứt dải đất thiên đường hình chữ ' S ' của dòng Lạc Việt kiêu hùng thành hai mảnh. Tập đoàn lãnh đạo Cộng sản hân hoan ăn mừng chiến thắng trên xương máu của đồng bào, rồi thẳng tay đàn áp tiêu diệt những người quốc gia trước đây đã cùng sát cánh chiến đấu chống trả thực dân Pháp. Trong khi đó người dân tại miền Nam Việt Nam buồn khổ vì biến cố chia cắt đất nước này. Thế rồi Cộng sản Bắc Việt thanh trừng các đảng phái đối lập và bắt đầu lén lút xâm nhập quân dụng, vũ khí và lính chính quy vào miền Nam qua con đường mòn Hồ Chí Minh, chạy quanh co dọc theo dãy núi Trường Sơn hùng vĩ. Ngoài ra Cộng sản còn dùng ghe thuyền chuyên chở đồ tiếp liệu, vượt biển vào các duyên hải Nam Việt Nam để khởi động cuộc chiến tranh ý thức hệ.
Miền Nam Việt Nam đã trở thành tiền đồn của Thế giới tự do ngăn chặn sự bành trướng và tham vọng của đảng Cộng sản thế giới dưới sự lãnh đạo của Nga Sô và Trung Cộng với mưu đồ xâm chiếm Đông Dương kể cả các quốc gia Nam Dương, Phi Luật Tân, Thái Lan, Mã Lai, Tân Gia Ba và có thể luôn nước Ấn Độ.
Vào tháng 11 năm 1963, Thế giới tự do mất hai nhà lãnh tụ nổi tiếng chống Cộng sản. Tổng Thống Việt Nam Cọng Hòa, ông Ngô Đình Diệm bị giết trong cuộc đảo chánh ngày 1 tháng 11 bởi các Tướng lãnh Bộ binh, những người trước đây đã từng hưởng ơn mưa móc và luôn luôn tỏ ra là rất trung thành với Ngô Tổng Thống. Ba tuần lễ sau đó, vào ngày 22 tháng 11 năm 1963, trong khi thăm viếng thành phố Dallas thuộc tiểu bang Texas, Tổng Thống John F Kennedy của Hoa kỳ bị ám sát khi ông ngồi trong chiếc xe du lịch mui trần đi ngang qua thành phố, ông gục chết trước sự chứng kiến của bà vợ hiền là Jacqueline Kennedy và hàng ngàn dân chúng đang chào mừng vị Tổng Thống tài ba của họ. Sự ra đi bất ngờ của hai vị Tổng Thống đã quyết tâm chống Cộng vì sự sáng suốt của họ với tất cả tấm lòng và ý chí bảo vệ các quốc gia vùng Đông Nam Á, đã làm cho chiến tranh Việt Nam xoay chiều và thay đổi nhiều sau đó; một kỷ nguyên và một đường lối mới được áp dụng bởi những cấp lãnh đạo vừa lên cầm quyền tại Việt Nam và Hoa Kỳ.
Cuộc chiến đã tăng cường khi vị Tổng Thống đương nhiệm Hoa Kỳ, người kế vị cựu Tổng Thống John F Kennedy là Phó Tổng Thống Lyndon Johnson quyết định ngăn chận làn sóng đỏ của Cộng sản quốc tế đang lan tràn tại Việt Nam trước khi các quốc gia hội viên Tổ chức Liên phòng Đông Nam Á ( SEATO) có thể sa vào ảnh hưởng của Cộng sản trong ảnh hưởng dây chuyền Dominọ Vào những ngày tiếp theo biến cố đầu tháng 8 năm 1964 tại vịnh Bắc Việt, Tổng Thống Lyndon Jonhson đã ra lệnh oanh tạc trả đủa sự tấn công của các Ngư lôi đĩnh thuộc Hải quân Bắc Việt vào hai Khu trục hạm Mađox và Turney Joỵ Chiến tranh toàn diện đã bắt đầu trên quê hương yêu dấu và đau thương này. Trong khi đó các Tướng lãnh đang cầm đầu chính phủ Việt Nam, mặc dù tỏ ra cương quyết tiếp tục công cuộc chống Cộng sản, họ bị hoang mang vì quá lo củng cố quyền lực và uy tín của mình. Hết cuộc đảo chánh này rồi đến chỉnh lý khác đã ảnh hưởng đến tiềm năng chống Cộng của dân tộc, là trách nhiệm và ưu tiên trong việc ngăn chận Cộng sản Bắc Việt đã và đang lợi dụng tình hình bất ổn tại Miền Nam, xâm nhập, di chuyển quân đội trên con đường mòn Hồ Chí Minh vào trợ giúp Mặt trận Giải phóng Miền Nam, đang ngày càng bành trướng và hoạt động dữ dội khắp lãnh thổ quốc gia.
Thế rồi chiến tranh Việt Nam leo lên một mức thang nghiêm trọng khi người lính Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đầu tiên theo lệnh của Tổng Thống Lyndon Johnson, đổ bộ lên bãi biển cát trắng cạnh chân núi đèo Hải Vân mây vần, nhìn xuống vịnh Đà Nẳng, trong một buổi sáng sớm nhiều sương mù vào một ngày đầu xuân Năm 1965. Với sự chấp thuận của lưỡng viện Hoa Kỳ, lại một lần nữa sau thế chiến thứ hai và chiến tranh Triều Tiên, nước Cờ Hoa thi hành một quyết định lịch sử, đã gửi quân đội tham chiến tại một quốc gia khác với tư cách là một đại cường quốc lãnh đạo Thế giới tự do.
Trong khi tại Sài gòn, phái bộ Cố vấn quân sự Mỹ tại Việt Nam -MACV- tăng cường nhân viên thì tại các đơn vị quân đội Việt Nam, các Đơn vị trưởng cũng đang làm quen với những Counterpart Hoa Kỳ của họ. The Naval Advisory Detachment (NAD) và phân đội Bảo trì sửa chửa - Mobil Support Team (MST) - đặt dưới quyền chỉ huy của The Studies and Observation Group (SOG), là đơn vị Cố vấn cho Sở Phòng Vệ Duyên Hải (CSS), một tổ chức hành quân Biệt kích đặc biệt trực thuộc Nha Kỷ Thuật - Bộ Tổng Tham Mưu (STD) - . Nhiệm vụ của Sở Phòng Vệ Duyên Hải là thi hành những cuộc hành quân trong Chiến dịch Plowman do Nha Kỷ Thuật và Counterpart là MAC/SOG hoạch định kế hoạch và điều động.
Add caption |
Khinh tốc đỉnh - PTF và Duyên tốc đĩnh PCF tại căn cứ Hải quân Đà Nẳng.
Mười hai Thủy thủ đoàn và 11 Khinh tốc Ngư lôi đỉnh - Patrol Torpedo, Fast (PTF) - 3 Patrol Craft, Fast ( PCF) của Lực Lượng Hải Tuần và những toán Biệt Hải ( SEAL), gồm các quân nhân thuộc các quân binh chủng bạn và người nhái Hải quân được phối hợp tổ chức thành Lực Lượng đặc nhiệm để thi hành những công tác khác nhau phía bắc vĩ tuyến 17. Những công tác đặc biệt kể trên được phân hạng làm bốn loại và đặt tên như sau: " Mint, Cado, Loki và Special ", mỗi công tác hành quân này có một nhiệm vụ phải thi hành khác nhau. Ngoài ra để dễ dàng phân biệt khu vực hành quân, các vùng "Tím, Lục, Xanh, Trắng, Vàng, Đỏ" được đánh dấu trên hải đồ từ vĩ tuyến thứ 17 lên đến vĩ tuyến thứ 20 và vùng hành quân trên biển dọc theo duyên hải Bắc Việt từ phía nam dưới đảo Hòn Cọp lên đến gần đảo Bạch Long Vĩ ở phía bắc, đã được các chiến sĩ oai hùng Hải Tuần và Biệt Hải gọi là "Vùng Biển Đen".
Và hàng đêm, trong bóng tối của vùng trời biển động, âm thầm vượt sóng là đội hình chiến thuật của những chiến đĩnh ma thuộc "Mặt Trận Gươm Thiêng Ái Quốc" đang thi hành công tác ngăn chặn và tiêu diệt Hải quân địch.
Đại úy Lê Thái Nguyên vuốt mái tóc vờn bay theo cơn gió biển. Nguyên là một Sĩ quan tốt nghiệp khóa 10 SQHQ/NT - Nam Dương I - vào năm 1962 từ Trường Hải quân Nha Trang. Đại úy Nguyên đã tình nguyện phục vụ tại Lực Lượng đặc nhiệm này hơn một năm.
Nguyên chăm chú nhìn khoảng cách giữa chiến đĩnh của Hải đội trưởng (OTC) và chiếc Khinh tốc Ngư lôi đĩnh - Patrol Torpedo, Fast (PTF) boat - của anh.
Mùi vị biển mặn trên môi làm cho Nguyên cảm thấy khát nước, anh vói tay lấy chiếc bình thủy dưới chân cột radar, rót vào chiếc ly nhựa, uống một ngụm thật nhiều. Bây giờ là vào khoảng 23 giờ khuya tháng 5 năm 1966 trong một đêm gió thổi mát rượi trên vùng biển vắng thuộc hải phận quốc tế, phía bắc vĩ tuyến 17 tại biển Nam hải. Mặt trăng nửa vành treo lơ lửng trên bầu trời sâu thẳm, phía hữu hạm đội hình của bốn Ngư lôi đĩnh hướng khoảng 4 giờ, ánh trăng phản chiếu trên mặt biển gờn gợn sóng lăn tăn. Nguyên nói thầm vừa đủ cho mình nghe: " Biển đêm nay thật êm." Gió biển mát dịu thổi nhẹ từ hướng đông đông bắc khoảng 5 đến 10 hải lý giờ.
Nguyên chợt nhớ lại buổi thuyết trình tại phòng hành quân, 15 phút trước khi các chiến đĩnh khởi hành đi công tác. Người Sĩ quan hành quân của NAD, Thiếu tá Tom và Đại úy Charlie, thuộc phòng 3 Sở Phòng Vệ Duyên Hải, sau khi thuyết trình về chi tiết của chuyến công tác, đã chúc bốn Hạm trưởng Ngư lôi đĩnh " Nhiều may mắn". Nguyên nhủ thầm: "Mình cần thật nhiều may mắn trong đêm nay" và rồi anh cố gắng không muốn nghĩ đến chuyến "Mission Impossible" này nữa.
" Hạm trưởng" Nguyên quay người lại về phía người Sĩ quan Hạm phó của mình là Trung úy Tân, vừa leo lên chiếc cầu thang từ phòng radar, ngay dưới đài chỉ huy chiến đĩnh.
" Mình đã đến điểm Bravo phía đông bắc Hòn Cọp, kể từ giờ phút này chiến đĩnh phải ở trong tình trạng tác chiến đó thưa anh Hai."
" Tôi nhận rõ, kéo còi nhiệm sở tác chiến"
Đại úy Nguyên ra lệnh cho người Hạ sĩ vô tuyến đang đứng bên cạnh trên đài chỉ huy kéo còi: "tè.. tè..tè", thúc giục nhân viên vào nhiệm sở để sẵn sàng tác chiến. Tất cả thủy thủ đoàn nhanh nhẹn mặc áo giáp, phao nổi, đầu đội nón sắt, chạy vào vị trí của mỗi người.
" Trung úy Tân, tôi muốn anh xuống check lại với Thượng sĩ Cường xem thử đã sửa chữa xong áp lực dầu của máy tả mà hồi chiều nhân viên của MST chỉ sửa tạm thời để kịp giờ cho chiến đĩnh khởi hành." Nguyên tiếp tục nói với người Hạm phó:
" Tôi muốn có thể xữ dụng tối đa tốc độ, có lẽ tối nay mình phải hải hành với Flank speed đó nghe Lân." Nguyên ngừng lại chờ Trung úy Tân nhận rõ, xong rồi Tân leo xuống hầm máy để hỏi Thượng sĩ cơ khí Cường và một lát sau trở lên báo cáo cho Nguyên biết là máy tả đã được sửa chữa xong và sẵn sàng khiển dụng tối đa nếu cần.
Đại úy Hạm trưởng đi theo chiếc cầu thang xuống kiểm soát vị trí tàu trên radar. Trung sĩ nhất Hậu, nhân viên điện tử, chuyên viên về radar và máy đo chiều sâu sonar, đưa tay lên chào Nguyên rồi báo cáo:
" Kính chào Hạm trưởng, tất cả đều theo đúng giờ giấc ấn định."
" Nhận rõ Trung sĩ, để tôi kiểm soát lại xem sao."
Dưới ánh đèn màu đỏ trong phòng radar, trên chiếc bàn nhỏ bên góc trái là bản đồ hình thể bờ biển miền Bắc Việt Nam. Chiếc máy radar nằm giữa căn phòng nhỏ. Về phía tay mặt nào là máy móc, hệ thống vô tuyến với nút vặn, dây cáp giăng bày chằng chịt... Đại úy Nguyên check lại vị trí chiến đĩnh mình trên mặt kính radar, đang nằm ở trung tâm của mặt kính là chiếc Hải Âu, tên gọi chiến đĩnh của Nguyên, hai chấm trắng cách đều nằm phía dưới là hai echo của Ngư lôi đĩnh Bạch Đằng và Trường Giang, đang chạy phía sau chiến đĩnh của Nguyên; chấm trắng phía trên là Hải Đăng, chiến đĩnh của Hải đội trưởng đang dẫn đầu đội hình hàng dọc của bốn Ngư lôi đĩnh. Đại úy Nguyên vặn chiếc nút đưa vệt trắng trên mặt kính chạm vào echo phía trên:
" Khoảng cách 280 yards, không đến nỗi tệ lắm trong chuyến hải hành đêm trăng sáng như thế này" Đại úy Nguyên tự nhủ thầm. Rồi anh quay chiếc nút bên trái của chiếc máy radar để đổi tầm quan sát xạ Nguyên có thể check những contact nằm trong khoảng 5, 10 cho đến 35 hải lý. Nguyên không thấy có contact nào nằm từ 5 đến 10 hải lý cả, anh đổi tỷ lệ qua 35 hải lý và đã thấy hiện ra trên mặt kính radar hình thể bờ biển Việt Nam cong cong, nằm về phía tả hạm của đội hình chiến thuật; Mũi Ron ở vĩ tuyến 18 độ Bắc, đang nằm hướng khoảng 8 giờ, khoảng cách 17 hải lý rưởi. Bốn Khinh tốc Ngư lôi đĩnh nay đã vào "Vùng Biển Đen" và những hoạt động tác chiến của chuyến công tác có thể bắt đầu trong giờ sắp tới.
" Chúng ta đang ở tại vùng "Lục" và sẽ thay đổi hải trình vào khoảng 10 phút nữa" Nguyên nói với người Trung Sĩ điện tử, anh này trả lời:
" Dạ vâng, nhờ đêm nay biển lặng gió êm nên công tác diễn ra thật đúng theo chương trình dự định." Nguyên vỗ vai người lính biển thân tín như đồng ý, rồi trở lên đài chỉ huy.
" Hải Âu, Bạch Đằng, Trường Giang, đây Hải Đăng, trả lời."
Đại úy Nguyên nghe giọng nói của Đại úy Tùng từ máy vô tuyến. Đại úy Tùng là Hạm trưởng của Ngư lôi đĩnh Hải Đăng và là Hải đội trưởng của phân đoàn đặc nhiệm trong chuyến công tác đêm nay.
" Hải Đăng, đây Hải Âu, trả lời." Trung úy Hạm phó của Nguyên lên máy trả lời, rồi tiếng của các Hạm trưởng hai chiến đĩnh còn lại thay nhau tiếp tục:
" Hải Đăng, đây Bạch Đằng, trả lời."
" Hải Đăng, đây Trường Giang, trả lời." Tiếng máy liên lạc vô tuyến nghe rất rõ khi thời tiết quá tốt như trong chuyến hải hành này.
" Tất cả đơn vị, đây Hải Đăng, đổi hướng 335, đội hình India, vận tốc 25 hải lý giờ, nhận rõ thi hành trả lời."
" Hải Đăng, đây Hải Âu, đổi hướng 335, đội hình India, vận tốc 25 hải lý giờ, thi hành, hết."
" Hải Đăng, đây Bạch Đằng, đổi hướng 335, đội hình India, vận tốc 25 hai lý giờ, thi hành, hết."
" Hải Đăng, đây Trường Giang, đổi hướng 335, đội hình India, vận tốc 25 hải lý giờ, thi hành, hết."
Tất cả bốn Ngư lôi đĩnh lần lượt thay đổi lộ trình về hướng 335 độ. Mặc dầu mới nghe, ai cũng nghĩ rằng việc thi hành lệnh của Hải đội trưởng mất nhiều thời gian, nhưng thật ra khi đã thành thạo nhờ thực tập đêm ngày về vận chuyển chiến thuật, những động tác thay đổi hướng đi, vận tốc, đội hình... rất ăn nhịp và nhanh chóng..
Các Khinh tốc Ngư lôi đỉnh loại Nasty class này có vận tốc tối đa lên đến 55 hải lý giờ (knot) và rất dễ dàng vận chuyển, ngoài ra còn được trang bị một hỏa lực rất hùng hậu gồm một dàn 40 ly gần phía sau lái, hai khẩu Oerlikon 20 ly phòng không đặt tại hai bên hông chiến đỉnh, một khẩu mọt chê 81 ly có thể bắn trực xạ, nằm tại sàn tàu phía trước trên đó có gắn một khẩu đại liên 12 ly 7.
Ngoài ra các toán Biệt Hải còn được trang bị đại bác 57 ly không giật, các vũ khí cá nhân như súng phóng lựu M 79, súng trường M 16, AK 47... Do đó Ngư lôi đĩnh(PTF) rất hữu hiệu trong các cuộc đụng độ với các Ngư lôi đĩnh( PT) cũ kỹ loại Swatow của Hải quân Bắc Việt, với vận tốc thấp hơn nhiều, khoảng từ 35 đến 40 knots, vũ khí trang bị không được hùng hậu và nhất là tinh thần và kinh nghiệm chiến đấu của lính Cộng sản không thể nào sánh với những chiến sĩ can trường của Lực Lượng Hải Tuần.
Bốn Khinh tốc Ngư lôi đĩnh đang trực chỉ về bờ biển phía nam thành phố Hà Tỉnh. Đại úy Nguyên trở về ghế ngồi trên đài chỉ huy, nhìn chung quanh biển khơi. Về phía tả hạm hướng 10 giờ, một vài trái sáng mờ ảo cô đơn vắt trên bầu trời đêm như những ngọn đèn của vũ trụ muôn trùng. Nguyên cảm thấy một phút chạnh lòng, thương cho dân tộc Việt phải sống cơ hàn trong chiến tranh từ năm này qua năm khác. Anh nghĩ đến người chiến hữu bạn thân và cũng là Hải đội trưởng(OTC) trong chuyến công tác này, đó là Đại úy Tùng; một thanh niên không muốn sống dưới chế độ độc tài Cộng sản và đã theo gia đình di cư vào Nam tìm tự do vào năm 1954 khi hiệp định Genève vừa ký kết. Tùng tốt nghiệp khóa 8 SQHQ/NT- Khóa Hổ Cáp I, con Bò Cạp, là một Sĩ quan rất giỏi về hải nghiệp, nhiều kinh nghiệm chiến trường và đã phục vụ trên hai năm kể từ khi Lực Lượng Hải Tuần vừa mới thành lập.
" Tất cả đơn vị, đây Hải Đăng, trả lời." Nguyên trở về với thực tại với tiếng của Đại úy Tùng trong hệ thống liên lạc truyền tin nội bộ, anh vói lấy chiếc handset rồi trả lời:
" Hải Đăng, đây Hải Âu, trả lời " và anh nghe các chiến đĩnh đi sau lần lượt trả lời Hải đội trưởng.
" Tất cả đơn vị, đây Hải Đăng, đổi hướng 285, đội hình India, nhận rõ thi hành, hết." Sau khi Đại úy Nguyên thi hành lệnh của OTC, anh nhìn xuống phòng radar qua khung cửa sổ nhỏ nằm cạnh cần điều khiển máy tàu. Hình thể bờ biển phía nam thành phố Hà Tỉnh đang hiện ra trước mặt đội hình chiến thuật của bốn Khinh tốc Ngư lôi đĩnh. Nguyên hỏi người Hạm phó:
" Trung úy Tân, đội hình còn cách bờ biển bao xả"
Trung úy Tân đứng trước chiếc máy radar, vẻ lo âu hiện lên khuôn mặt của người Hạm phó trẻ tuổi, anh run run trả lời:
" Trình Hạm trưởng, chiến đĩnh cách bờ 11 hải lý và đang tiến sát lại gần; với vận tốc này, chúng ta sẽ đến mục tiêu trong vòng 20 phút nữa."" Nhận rõ." Nguyên quay lại về phía người Hạ sĩ vô tuyến đang mang máy liên lạc đứng cạnh bên và ra lệnh:
" Khẩu mọt chê 81 ly phía trước sẵn sàng tác xạ, điều chỉnh khoảng cách 800 yards." Người thủy thủ lập lại khẩu lệnh của Hạm trưởng đến toán xạ thủ khẩu mọt chê trên sàn tàu phía trước đài chỉ huy và Nguyên thấy toán thủy thủ này đang chuẩn bị các viên đạn mọt chê để chuẩn bị khai hỏa khi có lệnh.
" Tất cả đơn vị, đây Hải Đăng, giảm vận tốc xuống 10 knots, tôi lập lại one zero knots, chuẩn bị bắn leaflets, thi hành hết."
" Đây Hải Âu, vận tốc 10 knots, hết."
" Đây Bạch Đằng, vận tốc 10 knots, hết."
" Đây Trường Giang, vận tốc 10 knots, hết." Bốn Ngư lôi đĩnh nay đã tiến gần sát mục tiêu tác xạ.
" Khoảng cách bờ biển, 5000 yards, mình vào quá gần bờ, thưa Hạm trưởng."
Đại úy Nguyên nhận rõ báo cáo từ người Hạm phó, tự nhiên anh cảm thấy như có một luồng nhân điện chạy dài từ cổ xuống dọc theo sống lưng. Cảm giác này đến với Nguyên vào những trường hợp hiểm nguy hay sắp xung trận và rồi biến mất khi chiến đĩnh bắt đầu khai hỏa.
" Khoảng cách 1500 yards." Trung úy Tân lo âu run giọng báo cáo từ phòng radar.
Đại úy Nguyên ra lệnh:
" Tất cả các vị trí sẵn sàng tác chiến. Xạ thủ mọt chê chuẩn bị bắn truyền đơn theo lệnh tôi." Người Hạ sĩ lập lại lệnh của Hạm trưởng đến các vị trí. Tất cả thủy thủ đoàn đều hồi hộp và hăm hở trong tư thế sẵn sàng tác xạ.
Hải đoàn đặc nhiệm của Nguyên trong chuyến công tác này, có nhiệm vụ bắn truyền đơn chống ngụy quyền Cộng sản Bắc Việt vào các căn cứ địch quân trú đóng tại bờ biển nằm về phía nam thành phố Hà Tỉnh. Những truyền đơn này còn tuyên truyền cổ xúy cho Mặt Trận Gươm Thiêng Ái Quốc, một tổ chức đối lập mà Mặt Trận thông báo cho dân chúng biết là đang hoạt động mạnh mẽ tại miền Bắc, nhằm lật đổ chế độ Hà Nội. Đây là một loại công tác Tâm lý chiến gây hoang mang trong hàng ngũ lính Cộng sản và khích động sự nổi dậy của những thành phần bất mãn trong chế độ. Theo tin tức tình báo của NAD, tại vùng này, địch đã phối trí dàn pháo binh duyên phòng, vì vậy Đại úy Nguyên và các Hạm trưởng sẵn sàng phản ứng với tất cả kinh nghiệm cũng như sự hiểu biết và cách áp dụng khả năng của Khinh tốc Ngư lôi đỉnh để sống còn, đồng thời bảo vệ thủy thủ đoàn. Hai tay cầm chặt chiếc cần điều khiển máy, Nguyên dặn dò Thượng sĩ vận chuyển Hào, đang giữ tay lái, là người có khả năng và kinh nghiệm nhất trên chiến đĩnh trong nhiệm vụ vận chuyển tàu.
" Tụi Vẹm có lẽ đã biết Lực Lượng mình đang ở tại đây, nhưng sao lại im lặng quá thế này?" Anh thì thầm vừa chỉ đủ nghe với người Thượng sĩ già đang chăm chú vào chiếc la bàn Gyro Compass để giữ hướng đi của chiến đĩnh. Có tiếng kêu lè xè trong máy truyền tin rồi Nguyên nghe tiếng Đại úy Tùng có vẻ như thì thầm trong chiếc microphone:
" Tất cả đơn vị, đây Hải Đăng, đổi hướng 000 độ, đội hình hàng dọc, thi hành hết." Bốn chiến đĩnh nhận lệnh, lần lượt đổi hướng, chạy song song, dọc theo bờ biển, chầm chậm như thách đố và nhữ mồi lính Cộng sản, có lẽ giờ này đang nín thở, tay hờm sẵn trên cò súng hướng về những chiếc tàu ma, màu đen thùi chập chờn trên sóng nước đại dương. Bốn chiến đĩnh nối đuôi nhau với khoảng cách 300 yards giữa hai tàu, chạy về hướng chính bắc.
" Khoảng cách bờ 600 yards, sonar báo cáo chiều sâu 55 feet và giảm nhanh, thưa anh Hai." Trung úy Tân quá lo âu báo cáo cho Nguyên.
" Tôi nhận rõ, sắp sửa tác xạ bây giờ," Nguyên vừa trả lời vừa hy vọng rồi lẩm nhẩm trong miệng: " Gần bờ quá rồi, dễ bị mắc cạn lắm."
" Tất cả đơn vị, đây Hải Đăng, vận tốc 35 knots, tác xạ, tác xạ tự do, thi hành hết."
Nguyên vừa nhận rõ vừa ra lệnh bắn, đồng thời đẩy mạnh cần điều khiển máy tàu về phía trước:
" 81 ly, bắn... bắn tự do... "
Đại úy Nguyên thấy toán nhân viên xạ thủ thả liên tục các viên đạn mọt chê 81 ly vào nòng súng hướng vào bờ. Những tiếng kêu "púp... púp... púp" nghe rõ ràng xen lẫn với khói thuốc súng bay lên cao trên vòm trời đêm. Mùi thuốc súng làm Nguyên thấy rất phấn khởi. Bỗng nhiên anh nghe tiếng nổ bùng dữ dội chung quanh chiến đĩnh, nước biển mằn mặn văng lên tung tóe, ướt cả mặt mày quần áo. Địch đang pháo từ bờ ra thật dữ dội.
Tiếng Hải đội trưởng nghe dồn dập trong máy truyền tin:
" Tất cả đơn vị, đổi hướng 090, đội hình 2, lập lại đội hình 2, flank speed, thi hành, hết." Tất cả chiến đĩnh đồng quẹo tay lái quay một góc 90 độ về bên phải, đổi qua đội hình hàng ngang, giữ khoảng cách 300 yards giữa hai tàu và trực chỉ ra biển khơi, tăng tốc độ lên tối đa vào khoảng 55 hải lý giờ.
Bốn PT boats phản ứng nhanh nhẹn như chiếc máy, như trong những lần thực tập vận chuyển dưới bầu trời đêm, nhưng chỉ có khác chăng là mồ hôi rịn ra trong lòng bàn tay, lấm tấm trên vần trán rộng, tim đập nhanh hơn, thần kinh căng thẳng và chung quanh những tiếng nổ bùng vang dội; tay vuốt mặt lia lịa vì nước biển văng lên sau những tiếng nổ bùng như sấm sét rồi tắt ngúm.
Nguyên bình tĩnh giữ vị trí và vận tốc chiến đĩnh, mũi tàu nhấc cao khỏi mặt nước, chiến đĩnh hầu như muốn bay lên khỏi đại dương, chỉ còn lái tàu chạm vào nước biển mà thôi. Đạn pháo binh địch tiếp tục rơi nổ bùng chung quanh Ngư lôi đĩnh, tiếng rít của tầm đạn bay nghe thật rùng rợn, rồi những tia chớp kèm theo tiếng: " ầm, ầm, ầm... " và nước biển phủ khắp sàn tàu. Thủy thủ đoàn của Hải Âu can trường và bình tĩnh bắn trả về phía bờ biển. Những nhân viên này đã được huấn luyện thuần thục, vào sinh ra tử rất nhiều lần và đã quen với nguy hiểm; tuy nhiên đây là lần đầu tiên các chiến đĩnh phải vào thật gần bờ và bắn truyền đơn vào một căn cứ quân sự, hình như NAD muốn thử lửa để xác nhận những tin tức tình báo Hải quân Hoa kỳ đúng hay sai về các đại pháo phòng duyên tại Hà Tỉnh là có thật hay chỉ là tin thất thiệt. Và các Ngư lôi đĩnh là những "con cờ thí" - The Expendables - cho Plowman operations của Mỹ.
Tiếng súng nổ ầm ĩ từ dàn súng 40 ly sân sau hòa lẫn với tiếng " tạc... tạc... tạc" dòn tan từ hai khẩu đại bác Oerlikon 20 ly phòng không bên tả và hữu hạm chiến đĩnh bắn về hướng bờ biển đang xa dần. Những làn đạn vạch thành tia lân tinh bay ngòng ngoèo và rồi tiếng nổ cháy bùng lên khi trúng mục tiêu trên bờ, gây nên những tiếng nổ phụ và những đám cháy lớn rọi sáng cả màn đêm.
Mặt trăng vẫn rọi tia sáng yếu ớt xuống vùng biển đang sôi động bởi pháo nổ đạn baỵ Nguyên có thể thấy những Ngư lôi đĩnh bạn với lái tàu gắn nhẹ vào mặt nước, mũi tàu nhất lên cao trên sóng, Hải Đăng đang chạy bên tả hạm, Bạch Đằng bên hữu hạm, Nguyên không thấy dáng chiến đĩnh Trường Giang vì quá xa, chỉ thỉnh thoảng thấy tia sáng lóe lên từ ổ súng 40 ly của Ngư lôi đĩnh này, đang tác xạ phản pháo vào vị trí địch trên bờ. Đạn pháo phòng duyên của địch vẫn tiếp tục rơi nổ chung quanh các PT boats, tuy nhiên thật là may mắn vì với kích thước nhỏ nhắn, khả năng vận chuyển cao và nhanh nhẹn, có thể Zig zag liên tục, nên các dàn pháo của địch không phản ứng kịp thời với một mục tiêu nhỏ và nhanh như các Khinh tốc Ngư lôi đĩnh. Vì thế các quả đạn chỉ nổ chung quanh và cách chiến đĩnh khoảng từ 30 đến 100 yards mà thôi.
" Khoảng cách bờ 5000 yards thưa anh Hai, mình sắp sửa ra khỏi tầm đạn của tụi Vẹm rồi." Nguyên nhận rõ báo cáo và chỉ thị nhân viên ngưng bắn vì đã xa bờ:
" Tất cả ngưng bắn, Thượng sĩ Quản nội trưởng đi kiểm soát và báo cáo thiệt hại cho tôi. Quan sát viên coi chừng máy bay địch."
Tiếng Đại úy Tùng cất lên trong máy:
" Tất cả đơn vị, đây Hải Đăng, giảm tốc độ xuống đến 25 hải lý giờ, đội hình Delta, chuẩn bi... thi hành, trả lời."
Đại úy Nguyên nhận rõ lệnh của OTC, anh giảm vận tốc xuống còn 25 knots và vận chuyển chiến đĩnh vào đội hình chống máy bay, vị trí mới của chiến đĩnh nằm ở hướng 4 giờ của OTC. Trong khi đó Bạch Đằng vận chuyển tàu vào hướng 8 giờ của Hải đội trưởng và Trường Giang tiến lên vào vị trí và làm thành hình thoi. Đội hình chiến thuật này dùng để chống trả các phi cơ địch bay ra từ các căn cứ Không quân Bắc Việt trong đất liền. Lợi điểm của đội hình là có thể xữ dụng tất cả hỏa lực trên chiến đĩnh và hổ trợ lẫn nhau về mọi hướng tấn công, gây khó khăn cho phi cơ Cộng sản khi muốn đâm nhào xuống thả bom hay bắn đại liên để tiêu diệt các Ngư lôi đĩnh.
" Tất cả đơn vị, đây Hải Đăng, báo cáo thiệt hại, trả lời."
" Hải Đăng, đây Hải Âu, không thiệt hại, hết."
" Hải Đăng, đây Bạch Đằng, không thiệt hại cho chiến đĩnh, một nhân viên bị thương nhẹ, hết."
" Hải Đăng, đây Bạch Đằng, chiến đĩnh bị trúng đạn tại mũi phía tả hạm, trên mặt nước, không nguy hiểm, nhân viên phòng tai đang sửa chữa, hết."
" Đây Hải Đăng, chiến đỉnh tôi cũng chỉ bị thiệt hại nhẹ, thủy thủ đoàn an toàn, tất cả đổi hướng 165, vận tốc 35 knots, đội hình Delta, công tác hoàn tất, chúng ta trở về căn cứ, thi hành... hết."
Đại úy Nguyên nhận rõ lệnh và thi hành, đổi hướng cùng một lúc với các Ngư lôi đĩnh bạn, vẫn duy trì đội hình con thoi, hướng về phía nam đông nam. Anh chợt nghĩ đến lời của hai Sĩ quan phòng hành quân rồi nhủ thầm: "Thiếu tá Tom và Đại úy Charlie nói đúng, mình quá may mắn thoát chết trong chuyến công tác này."
Nguyên nhìn chiếc đồng hồ đeo tay, đã 2 giờ 20 phút. Vầng trăng nửa vành vẫn còn treo lơ lửng về phía hữu hạm của đội hình chiến thuật, trên cao hướng hai giờ, hướng của bờ biển Việt Nam, nhẹ tỏa tia sáng yếu ớt xuống mặt biển với những đợt sóng dài từ hướng tả hạm chếch trước mũi tàu. Tiếng nói của Đại úy Tùng nghe vang lên trên máy, xóa tan ý nghĩ trong đầu Nguyên:
"Hải Âu, Bạch Đằng, Trường Giang... đây Hải Đăng, tôi xin ngợi khen các bạn, chúng ta đã hoàn tất công tác một cách thật tốt đẹp, job well done, my friends... " Tùng ngưng nói một lúc rồi anh tiếp tục: " Cám ơn các bạn rất nhiều."
Tất cả im lặng không trả lời, nhưng Nguyên biết trong lòng mỗi người, ai cũng rất hãnh hiện về những thành quả đã đóng góp cho chuyến công tác. Cũng như những chuyến công tác đầy nguy hiểm trước đây, Đại úy Nguyên cảm thấy con người của anh thay đổi từ tinh thần của một hiệp sĩ đang chiến đấu trở về một cá nhân bình thường sau khi cuộc chiến tàn. Thỉnh thoảng Nguyên phân vân tự hỏi chiến tranh sẽ tiếp tục cho tới khi nào và Nguyên cùng các chiến hữu Hải Tuần, Biệt Hải có kiên nhẫn và còn can đảm chiến đấu đến giờ phút cuối cùng hay không? Anh hồi tưởng lại ngày trọng đại trong cuộc đời hải nghiệp của mình khi nghiêm trang nhận thanh kiếm danh dự từ người Tổng Thống hiền từ của nước Việt Nam Cọng Hòa và cùng các bạn đồng khóa quỳ xuống tuyên thệ trong ngày tốt nghiệp tại trường Hải quân Nha Trang. Cho đến giờ phút này anh vẫn luôn luôn hãnh diện đã giữ trọn lời thề: " Hy sinh vì dân tộc" của Hải quân Thiếu úy Lê Thái Nguyên trong ngày Nam Dương I ra khơi.
" Tất cả đơn vị, đây Hải Đăng, thay đổi đội hình India, chuẩn bi... thi hành, hết."
Bốn Ngư lôi đĩnh lần lượt trở về vị trí hàng dọc trong khi vẫn giữ nguyên vận tốc 35 hải lý giờ. Nguyên ra lệnh cho nhân viên giải tán nhiệm sở tác chiến đã kéo dài hơn 4 tiếng đồng hồ:
" Tất cả nhân viên, giải tán nhiệm sở tác chiến, tăng cường quan sát viên." Thủy thủ đoàn và năm nhân viên toán SEAL, thu dọn vũ khí rồi lần lượt tìm chỗ nghỉ lưng, nhắm mắt lại, thiu thiu ngủ, cố tìm một giây phút lảng quên trong cuộc đời nhiều gian nguy của người chiến sĩ Lực Lượng đặc biệt, trong khi bốn Khinh tốc Ngư lôi đĩnh đang hải hành vào vùng Tím, khá an toàn vì các máy bay Cộng sản không bay xa quá căn cứ tại phía bắc, sợ những phi cơ thuộc Đệ thất Hạm đội Hoa Kỳ chận đánh. Đại úy Nguyên nhìn lên bầu trời nhiều sao, gió biển mát lạnh mơn man thổi vào khuôn mặt, anh cổi chiếc áo giáp, để bên cạnh cột radar, gài lại cổ chiếc áo bà ba đen rồi nghĩ thầm: " Thế là xong một chuyến phiêu lưu hải hành đêm."
Chuyến công tác mà Hải đội đặc nhiệm ( Task Group) thi hành đêm nay có tên là "Mint", một trong bốn loại hành quân mà Lực Lượng Hải Tuần và Lực Lượng Biệt Hải trách nhiệm. Ba loại công tác khác có tên là: " Cado, Loki và Special operations". Sáu khu vực hành quân đặc biệt Hải quân: " Tím, Lục, Xanh, Trắng, Vàng, Đỏ" chia vùng hành quân dọc theo duyên hải Bắc Việt từ vĩ tuyến thứ 17 đến vĩ tuyến thứ 20 và bốn loại công tác hành quân trong một vùng trời đại dương nguy hiểm đã được các chiến sĩ oai hùng Hải Tuần và Biệt Hải đặt tên là: "Vùng Biển Đen "...
Lê Bá Thông.
Nam Yết chuyển
No comments:
Post a Comment