Saturday, January 5, 2013

Sẽ tái diễn cuộc chiến 1979 trên mặt trận biển?


Phan Nguyễn Việt Đăng (Danlambao) - Bản tin nhỏ về chuyện hải quân Campuchia đột nhiên giết hại chủ ghe người Việt tại Hà Tiên, Kiên Giang vào ngày 2 tháng 1-2013, đang tạo nên một mối nghi ngờ cho nhiều người rằng liệu trong tương lai sẽ tái diễn lại cuộc chiến gọng kìm phối hợp giữa Trung Cộng và Campuchia vào năm 1977-1979 đối với Việt Nam?
Không phải là vô cớ khi trên bàn trà đàm của dân chúng đang râm ran về một âm mưu hiểm ác của anh bạn vàng 16 chữ Trung Cộng. Tương tự như việc viện trợ và sử dụng lực lượng Khmer Đỏ như một mũi tấn công vào năm 1977, giờ thì Trung Cộng cũng đang ra mặt siết chặt tay với Campuchia để tạo một thế liên minh chiến lược ở Đông Dương, mà chủ ý có thể thấy rõ là nhằm vào Việt Nam. 

Theo lời kể của Tiểu khu Biên phòng 55, Kiên Giang thì anh Phạm Văn Hương, 36 tuổi, chủ ghe 93487-TS từ Hà Tiên, Kiên Giang, đi đánh bắt tại vùng biển Phú Quốc, bị tàu hải quân tên Kampot kiếm cớ dừng tàu, xin cá rồi gây sự. Sau đó một lính hải quân của Campuchia đã rút súng bắn chết anh Hương ngay tại chỗ.

Đây là một sự kiện bất thường, mặc dù theo tin tức thì sau đó hải quân tàu Kampot đã nhận lỗi. Ở đây, lời xin lỗi có thể được coi là một chiến thuật, hoặc lời xin lỗi đó đã được dựng nên theo lệnh của Ban Tuyên Giáo CSVN.

Campuchia từ sau Hội nghị ASEAN 2012 đã ra mặt “chọn chủ” và bày tỏ những ngôn ngữ bất cần Việt Nam, không giống như sự trung thành vốn có, kể từ sau khi chính phủ bù nhìn Heng Samrin từ năm 1979 và với Hun Sen được dựng lên làm thủ tướng từ năm 1985.

Hãy điểm lại những gì Trung Cộng đã hậu đãi với Campuchia gần đây, cũng đủ cho những nhà nghiên cứu quân sự bình dân phải giật mình, đặc biệt là về hải quân.

Hải quân Hoàng Gia Campuchia với thực lực chủ yếu do Trung Cộng tài trợ, bắt đầu đẩy mạnh từ năm 2005, nhân danh việc giúp cho Campuchia chống lại nạn cướp biển, buôn lậu và bảo vệ các cơ sở dầu khí trong tương lai.

Cũng nhờ và sự giúp đỡ này mà từ năm 2007, Campuchia nâng lực lượng hải quân từ 1000 lên 3000 thuỷ thủ với khoảng 35 tàu tuần tra biển hiện đại, đồng thời xây dựng lực lượng thuỷ quân lục chiến thiện nghệ khoảng 2000 người, hoàn toàn do Trung Cộng đào tạo.

Không quân Campuchia mới đây cũng thông báo sẽ mua 12 chiếc trực thăng Z-9 của Trung Quốc với giá gần 200 triệu USD để phục vụ công tác quân sự và nhân đạo. Số trực thăng này Cũng hoàn toàn nhằm phục vụ ở biên giới biển và đất liền.

Những chuyển động quân sự đầy “hữu nghị” của 2 nước cũng rầm rập. Trong tháng 5-2012, Tướng Lương Quang Liệt của Trung Cộng cũng đã được mời đến thăm Phnom Penh 4 ngày. Đã có một cuộc họp kín giữa Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh và Lương Quang Liệt, mà kết quả là ngay sau đó Campuchia nhận được 20 triệu USD cho các vấn đề quân sự. Mọi việc diễn ra chưa đến 24g đồng hồ.

Điểm qua những chuyện này, để thấy rằng ngoài chuyện Trung Cộng rùng rùng đưa tàu chiến xuống biển đông, phía Bắc VN, để hoàn thành đại nghiệp lưỡi bò, thì ở vùng biển phía Nam, Campuchia với bộ mặt lạnh lùng cùng mối thù truyền đời nhắm vào Việt Nam cũng đang được chuẩn bị vũ khí từng ngày.

Đã rất lâu rồi, chuyện Campuchia sát hại thường dân Việt Nam công khai đã không còn, vì đó là chuyện hết sức nhạy cảm với những gì đã xảy ra trong lịch sử. Và chỉ có khi nào chiến tranh thật sự sẽ đến, Campuchia mới ra tay tàn sát người Việt vô cớ.

Tháng 4-75, Khmer Đỏ tràn xuống Phú Quốc chiếm đảo Thổ Chu và tàn sát 500 dân thường, kể cả phụ nữ, trẻ em. Họ đã chuẩn bị cho một cuộc chiến.

Câu khẩu hiệu nổi tiếng của Khmer Đỏ lúc bấy giờ là “thực hiện 1 diệt 30, sẳn sàng hy sinh 2 triệu người Campuchia để tiêu diệt 50 triệu người Việt Nam”.

Tất cả những dữ liệu này đưa ra, nhằm chứng minh rằng thế giọng kìm của Trung Cộng - Campuchia đã hình thành. Lịch sử có thể tái diễn lại cuộc chiến 1979, nhưng lại là trên biển, thậm chí là cả trên đất liền với bản tính hung hãn ngấm ngầm của Campuchia.

Hôm nay hải quân Campuchia giết 1 ngư dân Việt có thể như một cách thăm dò và xin lỗi. Nhưng nếu sự kiện này diễn ra thêm một lần nữa, thì rõ ràng mọi thứ đã vào cung đường vạch sẳn của Trung Cộng. Không có dự báo nào chắc chắn, nhưng mọi hướng suy nghĩ và đề phòng là điều tất yếu cần tính đến.

Việt Nam có sợ chiến tranh không? Theo lịch sử chính thống ghi lại, thì có vẻ như Việt Nam chưa bao giờ sợ hãi bất kỳ cuộc chiến xâm lăng nào, có chăng đáng sợ, là khi tổ quốc đầy dẫy kẻ bán nước, hoặc những nhà lãnh đạo hèn hạ luôn biết cách chịu nhục trước ngoại bang để vinh thân, chà đạp dân tộc mình.

Phan Nguyễn Việt Đăng 

No comments:

Hình Ảnh Hội Cửu Long Cử Hành Tưởng Niệm Ngày Hoàng Sa Jan 19 2025

  https://photos.app.goo.gl/xyeih9uC9VaU3eGx6