Friday, January 4, 2013

Nhật Bản lên kế hoạch bảo vệ Senkaku_. NgV

Nhật Bản đang tiến hành các bước đi nhằm đối phó khả năng Trung Quốc đưa lực lượng đánh chiếm quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.

left align image













Hai tàu tuần duyên Nhật truy đuổi tàu hải giám TQ ra khỏi khu vực 12 hải lý quanh quần đảo Senkaku


Tờ Sankei Shimbun dẫn nguồn thạo tin cho hay Nhật Bản đang sẵn sàng đối đầu các động thái quân sự từ Trung Quốc trong vòng 10 đến 20 năm tới, đồng thời kết hợp các lực lượng phòng vệ trên không, trên biển và mặt đất để chuẩn bị đối phó viễn cảnh Bắc Kinh tiến chiếm Senkaku/Điếu Ngư.
Đây là một trong các chiến lược quốc phòng vừa được chính phủ của tân Thủ tướng Shinzo Abe thông qua. Theo Sankei Shimbun, để khởi động, Tokyo có thể sẽ triển khai 2.200 TQLC tại khu vực gần Senkaku/Điếu Ngư nhằm sẵn sàng cho bất cứ tình huống nào. Đồng thời, Nhật sẽ thực hiện các bước ngăn chặn nguy cơ bị các đơn vị du kích nước ngoài xâm nhập các cơ sở hạt nhân.

Trong khi đó, các quan chức ngoại giao và quốc phòng Mỹ - Nhật sẽ họp tại Washington vào giữa tháng 1 để khởi động các cuộc thương thảo mới về hợp tác quốc phòng song phương, theo Jiji Press. Trong bối cảnh Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động trên biển cũng như khả năng quân sự, các cuộc đàm phán sắp tới sẽ tập trung vào mục tiêu phân định lại vai trò của Nhật và Mỹ trong lĩnh vực tình báo, giám sát và do thám.
Được biết, giới chức Washington muốn Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản không chỉ giới hạn hoạt động tại vùng lân cận Senkaku, mà còn mở rộng phạm vi ra bên ngoài lãnh thổ Nhật. Một vấn đề chủ chốt khác sẽ được bàn đến là củng cố lực lượng hỏa tiễn đánh chặn, cũng như mở rộng quy mô tập trận chung và tăng cường chia sẻ các cơ sở quân sự. Toàn bộ công tác liên quan đến phiên bản điều chỉnh này dự kiến sẽ được hoàn tất sớm nhất vào năm 2014.
Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng Nhật ngày 3.1 công bố bản đồ hành trình của các máy bay Trung Quốc xuất hiện gần Senkaku/Điếu Ngư trong mấy ngày qua. Theo đó, các chuyến bay diễn ra ngày 22.12 và sau đó từ ngày 24 - 26.12. Vào ngày 25.12, truyền thông Nhật đưa tin nước này đã điều máy bay chiến đấu F-15 khi phát hiện máy bay Trung Quốc gần Senkaku/Điếu Ngư.
Vào ngày 01/1 Bộ Quốc phòng Nhật Bản tuyên bố, nước này đang có kế hoạch củng cố an ninh ở khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang nằm trong tranh chấp với Trung Quốc bằng việc triển khai một loại máy bay do thám mới nhất, hiện đại nhất của Mỹ.
Theo các quan chức chính phủ Nhật Bản, chiếc máy bay mà họ nói tới là máy bay do thám không người lái cực kỳ tối tân Global Hawk. Những chiếc máy bay này sẽ bay trên bầu trời biển Hoa Đông từ năm tài chính 2015.
Global Hawk do Hãng Northrop Grumman chế tạo. Đây là loại máy bay được đánh giá là “sự kỳ diệu” của công nghệ Không quân Mỹ. Global Hawk là máy bay do thám không người lái thế hệ mới, hiện đại nhất của quân đội Mỹ. Chiếc máy bay này có khả năng chụp, thu thập, truyền về căn cứ các hình ảnh địa hình, vật thể, trận địa với độ phân giải cực cao. Global Hawk cũng có thể nghe trộm đường truyền tín hiệu và ghi lại các hoạt động dưới mặt đất.

Global Hawk

Global Hawk dài 13,54m, có sải cánh 35,41m và cao 4,62m. Trọng lượng rỗng của máy bay là 3.851kg. Tốc độ tối đa là 800 km/h với trần bay khoảng 20 km. Loại máy bay do thám hiện đại này có khả năng bay liên tục 24 tiếng trước khi hết nhiên liệu và quan sát cả một vùng rộng lớn khoảng 100.000km2, sau đó ghi hình các mục tiêu.
Những máy bay do thám không người lái Global Hawk được trang bị thiết bị cảm biến tích hợp nâng cao (EISS) với hệ thống radar độ phân giải cao giúp máy bay có thể nhìn xuyên qua những đám mây dày đặc và hoạt động hiệu quả trong tình trạng bão cát, cho phép phát hiện những vật thể có chiều dài khoảng 30cm khi đang bay ở độ cao 20km.
Global Hawk thường được sử dụng cho mục đích phát hiện, phân loại và giám sát đối phương từ một khoảng cách rất xa mà vẫn rõ ràng trong khoảng thời gian gần như đồng thời với hoạt động của mục tiêu.
Việc Nhật Bản có ý định tung máy bay do thám tối tân vào đối phó với Trung Quốc ở quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư đã cho thấy quyết tâm của nước này trong việc “bảo vệ chủ quyền”.


Cũng liên quan tới việc bảo vệ Senkaku, cơ quan tuần duyên Nhật dự định sẽ sử dụng lại 10 tàu tuần tra cũ từ 20 đến 25 năm tuổi và tuyển dụng lại nhân viên cảnh sát biển đã nghỉ hưu để tăng cường bảo vệ quần đảo này.

Báo Japan Daily Times (Nhật) ngày 3-1 dẫn nguồn từ một quan chức Nhật cho hay đây chỉ là biện pháp tạm thời trong khi chờ đợi, bởi để đóng bốn tàu tuần tra mới theo kế hoạch tài khóa 2013 phải cần 3-5 năm và phải mất 1-5 năm để đào tạo 150 cảnh sát tuần duyên mới.
Tính đến tháng 3-2012, lực lượng tuần duyên Nhật gồm 12.671 cảnh sát biển và 121 tàu, trong đó 51 tàu tuần tra trên 1.000 tấn. Trung Quốc hiện có 40 tàu trên 1.000 tấn và đang chuyển đổi tàu chiến cũ thành tàu tuần duyên.

Nam Yết chuyển

No comments:

LỜI NÓI THẬT CỦA BÁC SĨ -Tác giả: Dr Hồ Hải /Dr Trinh Kim

Khi vào nghề Y đến nay đã hơn 30 năm, hễ cứ đến ngày này là nhận nhau những lời chúc tụng. Tôi không biết là mình có nên chúc tụng đồng nghi...