Tuesday, January 22, 2013

Mỹ lo xung đột Senkaku nổ ra do sai lầm trong đối sách





Nhật Bản tăng cường bay tuần tra liên tục 24/24 trên không phận quần đảo Senkaku (ảnh Sankei)
Trang Tin tức Nhật Bản cho biết mới đây, Chính phủ Mỹ đã phát đi tín hiệu yêu cầu đối với Chính phủ Nhật Bản, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản không được bắn pháo hiệu nhằm vào các máy bay Trung Quốc bay ở vùng trời gần quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.

Liên quan tới việc này, nguồn tin từ Washington cho trang tin Đa chiều (Hong Kong) ngày 17/1 biết chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ý thức được rằng nguy cơ bùng nổ xung đột Nhật-Trung do căng thẳng leo thang ở Senkaku (Điếu Ngư) đã tăng cao. Nếu Chính phủ Nhật Bản áp dụng các biện pháp, trong đó có việc bắn pháo hiệu, xung đột Nhật-Trung có thể xảy ra và đó không phải là tai nạn ngoài ý muốn, mà là sai lầm trong quyết sách. Đồng thời, Mỹ cũng lo lắng bị Nhật Bản cuốn vào xung đột này.
Trang Tin tức Nhật Bản dẫn nguồn tin giấu tên cho biết yêu cầu nêu trên đã được Chính phủ Mỹ truyền đạt cho quan chức cao cấp của Chính phủ Nhật Bản sang thăm Mỹ vào thượng tuần tháng 1/2013. Do vào thượng tuần tháng 1/2013, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Chikao Kawai sang thăm Mỹ, cho nên, rất có thể quan chức này chính là người đã nhận được yêu cầu của phía Mỹ.

Đối với việc “bắn cảnh cáo,” phía Nhật Bản cho rằng bất cứ nước nào cũng có hành động tương tự đối với các phương tiện xâm phạm không phận, coi thường cảnh cáo bằng vô tuyến điện, tiếp tục xâm phạm không phận. Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích của Trung Quốc, không có cái gọi là “bắn cảnh cáo,” một khi đạn bắn ra có nghĩa là xung đột sẽ bắt đầu.
Giới học giả Mỹ cũng lo lắng nếu Tokyo bắn pháo hiệu cảnh cáo máy bay Trung Quốc, có thể Bắc Kinh cho rằng đó không phải là pháo hiệu mà là viên đạn.

Hiện nay, Chính phủ Mỹ đã ý thức được rằng khả năng bùng nổ xung đột ở Điếu Ngư đã vượt qua rủi ro “súng bị cướp cò.” Nhằm ngăn chặn căng thẳng tiếp tục leo thang, giới chức Washington kêu gọi Trung-Nhật bình tĩnh trong vấn đề Điếu Ngư, đồng thời, Mỹ cũng thể hiện sự kiềm chế trong phát ngôn của mình.
Khi trả lời phỏng vấn của trang tin Đa chiều, Bộ Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh Mỹ nhiều lần kêu gọi các nước tuyên bố chủ quyền đối với Điếu Ngư/Senkaku giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình. Điều quan trọng hiện nay là các bên cần có hành động tránh để cho căng thẳng leo thang và ngăn chặn khả năng hòa bình, an ninh và kinh tế khu vực bị phá hoại bởi phán đoán sai lầm.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Kurt Campbell cũng nói với Đa chiều rằng Mỹ lo lắng về những diễn biến hiện nay ở Điếu Ngư/Senkaku. Đây là vấn đề quan trọng hàng đầu được Mỹ đưa ra bàn thảo với Nhật Bản trong chuyến thăm Nhật Bản của ông Campbell vào tuần này. Phía Mỹ đồng thời sẽ yêu cầu Nhật Bản phải thận trọng trong hành động liên quan tới Điếu Ngư/Senkaku. Điều đáng chú ý là trong phần trả lời câu hỏi của trang tin Đa chiều, ông Campbell cố ý không đề cập tới Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật.

Một học giả Washington nói với trang tin Đa chiều rằng việc Mỹ không đề cập tới Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật trong bối cảnh tình hình Điếu Ngư/Senkaku căng thẳng tuy sẽ làm Nhật Bản cảm thấy khó chịu, nhưng không làm thay đổi quan hệ Mỹ-Nhật cũng như sự tồn tại của hiệp ước này. Chính quyền Mỹ cho rằng vào thời điểm này, dù có nhấn mạnh tới Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật thì cũng không có ích lợi gì đối với tình hình đang quá căng thẳng ở Senkaku.

Ngoài ra, theo nghiên cứu viên cao cấp Bonie Glaser của Trung tâm Chiến lược Quốc tế Mỹ (CSIS), khả năng xảy ra xung đột ở biển Hoa Đông ngày một lớn. Tình hình căng thẳng hiện nay ở Senkaku không chỉ tồn tại rủi ro “súng bị cướp cò” mà còn đối mặt với rủi ro “cố tình đối kháng.”
Trung Quốc và Nhật Bản đang thách thức giới hạn đỏ của nhau. Nếu Trung Quốc tiếp tục cử máy bay tới Điếu Ngư/Senkaku và Nhật Bản bắn pháo hiệu cảnh cáo, Bắc Kinh sẽ có hành động tiếp theo. Trong bối cảnh tình hình căng thẳng ở Senkaku leo thang theo diễn tiến như thế, ông Glaser cho rằng khả năng Mỹ bị cuốn vào xung đột Nhật-Trung sẽ trở thành sự thật.

Trung Quốc chỉ trích Mỹ "phản bội" khi ủng hộ Nhật

Theo AFP, ngày 19/1, Tân Hoa xã tuyên bố những lời cảnh báo ngầm của Mỹ rằng Bắc Kinh không được thách thức quyền kiểm soát của Nhật Bản đối với quần đảo tranh chấp đã khuyến khích chính phủ "thiên hữu nguy hiểm" ở Tokyo và "phản bội" lại cam kết giữ lập trường trung lập của Washington về vấn đề này.
Trước đó vào hôm 18/1, phát biểu trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Nhật Bản Fumio Kishida tại Washington, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton khẳng định Mỹ phản đối"bất cứ hành động đơn phương nào" nhằm phá hoại quyền quản lý của Nhật Bản với quần đảo Senkaku (Điếu Ngư), dù không đề cập trực tiếp đến Bắc Kinh.
Phản ứng trước tuyên bố trên, THX đã đăng bài bình luận chỉ trích lập trường của Washington, cho rằng nó "tạo ra hoài nghi về sự đáng tin (của Mỹ) với tư cách là một cường quốc có trách nhiệm trong khu vực."
Theo hãng tin chính thức Trung Quốc, Washington đã "không khôn ngoan khi bày tỏ ủng hộ Nhật Bản trong tranh chấp đảo với Bắc Kinh và hành động thiếu công bằng này đã phản bội ý định tuyên bố trước đây là giữ lập trường trung lập."
Theo THX , cam kết của Mỹ về "một liên minh quân sự chặt chẽ hơn với Nhật Bản sẽ chỉ khuyến khích xu hướng thiên hữu nguy hiểm của Tokyo."
Vietnamplus (theo AFP)
Tin liên quan mới nhất
Ba tàu hải giám Trung cộng lại xâm nhập lãnh hải Senkaku/Điếu Ngư
Mỹ cảnh báo: Bắc Kinh không nên khiêu khích Tokyo

Dân Phan chuyển

No comments:

Hình Ảnh Hội Cửu Long Cử Hành Tưởng Niệm Ngày Hoàng Sa Jan 19 2025

  https://photos.app.goo.gl/xyeih9uC9VaU3eGx6