Sau ngày tốt nghiệp trường Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang khóa 20 – Đệ Nhị Hổ Cáp năm 1970, tôi được chỉ định đi thực tập trên Khu Trục Hạm USS Chevalier (DDR 805) thuộc Đệ Thất Hạm Đội của HQ Hoa Kỳ cùng với HC2 Nguyễn Ngọc Hoan. Phải thành thực mà nói, tôi hơi “buồn năm phút” khi hay tin mình sẽ đi thực tập trên Destroyer, vì loại tàu này thường đi tuần trên biển với những chuyến công tác hải hành dài hạn và được ghé bờ rất ít. Quả thật chúng tôi đã phải đi tuần tiễu, và hải pháo yểm trợ từ ngoài khơi rất nhiều cho các đơn vị bạn ở vùng bờ biển Bình Tuy và Phan Thiết.
Tuy nhiên để bù lại, chúng tôi cũng được ghé nhiều bến bờ ở ngoại quốc như Hồng Kông, Subic Bay (Philippines), và nhất là sau dịp nghỉ bến ở Singapore chúng tôi đã được tham dự một “Buổi Lễ Vượt Xích Đạo”. Lễ Vượt Xích Đạo là một truyền thống lâu đời của Hải Quân Hoa Kỳ, và Hải Quân hoàng gia Anh mà họ gọi là “Line Crossing Ceremony”. Đây là một truyền thống mà không người thủy thủ nào có thể quên được, và mãi mãi là một điểm son mà họ sẽ luôn luôn hãnh diện trong cuộc đời hải nghiệp của họ. Theo lời yêu cầu của HC2 Lê Văn Long trong Đặc San Đệ Nhị Hổ Cáp 2006, tôi xin tóm tắt lại cuộc vượt xích đạo mà chính tôi đã được may mắn tham dự trong khi đi thực tập trên Khu Trục Hạm USS Chevalier (DD 805) dựa trên một số web sites của HQ Hoa Kỳ, và dựa trên chính ký ức đang tàn tạ trong tôi.
Biển cả từ xưa đến nay vẫn còn là những đề tài đầy bí hiểm, và có nhiều huyền thoại. Những người đi biển ngày xưa thường hy sinh súc vật cúng thủy thần để cầu cho được bình yên, thuận buồm suôi gió khi đi biển, không bị những quái vật và bão táp làm đắm tàu, và cũng để trấn áp những cơn sợ hãi như là có thể bị rơi ra ngoài khi ra đến tận cùng bên mé của trái đất (ngày xưa người ta vẫn còn tin là trái đất hình vuông). Có lẽ từ đó mới xuất phát ra những “Buổi Lễ Vượt Xích Đạo” này, và nguyên thủy có lẽ đây thật sự là một truyền thống để thử thách thủy thủ đoàn xem họ có đủ khả năng chịu đựng trong các chuyến hải hành lâu dài, và đầy bất trắc trên biển hay không. Vào thế kỷ 19 và trước đó, những “Buổi Lễ Vượt Xích Đạo” nhiều khi đã được bày ra với những trò hành xác rất tàn khốc, nhiều thủy thủ đã bị đánh đập hoặc bị kéo lê trên sàn tàu, và có vài trường hợp có người bị tử vong. Ngay cả thời thế chiến thứ hai cũng còn có nhiều thủy thủ phải nằm bệnh xá sau khi vượt xích đạo. “Buổi Lễ Vượt Xích Đạo” bây giờ không còn mang tính chất hành xác tàn bạo như thế nữa, mà là một nghi thức “vui đùa” kéo dài hai buổi với đầy kỷ niệm, và hứng thú cho những người mới vượt xích đạo (equator) lần đầu tiên.
Những người đã từng vượt xích đạo được gọi là Shellbacks hay là những người con của Thủy thần Neptune, những người chưa bao giờ vượt xích đạo được gọi là Pollywogs hay là những con nòng nọc. Về sau, những buổi lễ tương tự cũng được tổ chức khi các chiến hạm vượt đường đổi ngày (International Date Line) hay vượt tuyến vòng Bắc Cực (Arctic Circle) hay Nam Cực (Antarctic Circle). Trong trường hợp hãn hữu nếu người thủy thủ vượt xích đạo tại kinh tuyến 180 (International Date Line – Thái Bình Dương) sẽ được tôn vinh là Diamond Shellback, và hiếm qúy hơn nữa nếu vượt xích đạo ngay tại kinh tuyến 0 (Prime Meridian – Đại Tây Dương) sẽ được cấp bằng Royal Diamond Shellback. Theo truyền thống hải quân, tất cả những thủy thủ trên chiến hạm kể cả hạm trưởng nếu chưa vượt xích đạo cũng sẽ phải tham dự buổi lễ này. Năm 1936, khi Tuần Dương Hạm USS Indianapolis vượt xích đạo với Tổng Thống Franklin Roosevelt đang hiện diện trên chiến hạm này, thì ngay cả vị nguyên thủ quốc gia cũng đã không được miễn trừ, và Tổng Thống Roosevelt cũng đã phải khấu đầu trước những thủy thủ đóng vai Thủy thần Neptune và triều đình của ông ta trước khi được tặng danh hiệu Shellback. Như hầu hết các thủy thủ sau khi đã qua nghi lễ vượt xích đạo, Tổng Thống Roosevelt cũng đã được cấp một chứng chỉ vượt xích đạo.
Vì Singapore nằm ở phía Bắc bán cầu và cách xích đạo một khoảng rất ngắn, nên sau năm ngày nghỉ bến tại đây chiến hạm chúng tôi cố tình trực chỉ hướng Nam mặc dù không có công tác gì mà chỉ cốt để thủy thủ đoàn có cơ hội được vượt xích đạo. Ngày hôm trước những hạ sĩ quan và thủy thủ kinh nghiệm lâu năm và đã từng vượt xích đạo được nắm quyền chỉ huy chiến hạm thay thế các sĩ quan, họ được phép vào phòng ăn của các sĩ quan và được ngồi cả trên ghế hạm trưởng. Những Shellbacks hóa trang thành những thủy thần với vương miện, hay ăn mặc như những hải tặc với gươm giáo súng ống đầy đủ. Họ nghĩ ra đủ mọi cách để “quay” những con nòng nọc, nhất là các sĩ quan, như bắt mặc quần áo trái, đi giầy 10 giờ 10 như chúng ta ngày xưa trong những giờ bị đàn anh quay brimade. Hạm phó chiến hạm của chúng tôi chưa bao giờ vượt xích đạo nên cũng phải bò chung quanh chiến hạm như chúng tôi. Trong lúc bò như vậy chúng tôi còn bị những Shellbacks dùng những ống phòng tai quất vào mông đau điếng (Về sau chúng tôi đã khám phá ra có nhiều sĩ quan đã biết trước, nên đã mặc quần rất dày để khi bị đánh sẽ đỡ đau hơn).
Sau đó chúng tôi lần lượt còn phải chui vào những ống lớn chứa đầy những rác rưởi, đồ phế thải từ nhà bếp hay nhảy vào những hồ nước biển trộn lẫn với dầu nhớt y chang như lúc chúng ta tắm “Suối Tiên” và “Suối Dầu” trong thời kỳ huấn nhục ở quân trường SQHQ Nha Trang ngày nào. Ngoài những trò “hành xác” kể trên, những con nòng nọc là chúng tôi cũng còn bị “quay văn nghệ” như phải ôm hôn những bụng phệ của các Shellbacks to lớn đã thoa đầy mỡ hay mù tạt, hạm phó đã phải huýt gió một bản nhạc trên hệ thống phát thanh của chiến hạm (PA system), những chàng thủy thủ đẹp trai phải hóa trang thành các cô gái đẹp và nhảy với các Shellbacks v.v. Sau cùng chúng tôi cũng bò tới được trước mặt thủy thần Neptune và triều đình của ông ta. Chúng tôi được lệnh phải hôn lên chiếc nhẫn tượng trưng cho uy quyền của ông ta và còn phải quỳ xuống ôm và hôn chân ông ta nữa. Sau đó các quần áo dơ được vất đi và chúng tôi được phép tắm rửa để lột xác thành các Shellbacks.
Sau “Buổi Lễ Vượt Xích Đạo” chúng tôi đã được cấp phát một chứng chỉ vượt xích đạo, nhưng rất tiếc tôi đã làm thất lạc chứng chỉ này năm 1975 khi rời khỏi Việt Nam. Tôi cũng đã tìm cách để xin lại một phó bản của chứng chỉ này nhưng không thành công vì Khu Trục Hạm USS Chevalier đã được chuyển giao cho Hải Quân Nam Hàn năm 1972, và đã được giải giới năm 2000 nên bộ Hải Quân Hoa Kỳ không còn lưu giữ những dữ kiện về chiến hạm này.
Theo tôi nhận xét và có lẽ các bạn khi đọc bài này cũng đồng ý là chương trình brimade của trường Sĩ Quan Hải Quân/Nha Trang chúng ta có lẽ đã được “phôi thai” từ nghi thức vượt xích đạo này. Thí dụ như mặc quần áo trái, đi giày 10 giờ 10, tắm “Suối Tiên” và “Suối Dầu”, chương trình thi hoa hậu v.v. Sau những ngày nghỉ bến ở Singapore và cuộc vượt xích đạo chiến hạm, tôi lại được lệnh trở về Việt Nam để tiếp tục hải pháo yểm trợ các đơn vị bạn ở vùng Phan Thiết, Bình Tuy. Từ vùng biển này chúng tôi đã được trực thăng trong bờ ra đón về phi trường Cát Lở (Vũng Tàu) để kết thúc một cuộc thực tập tuy chỉ có hơn ba tháng ngắn ngủi nhưng đầy lý thú và nhiều kỷ niệm.
Tài liệu tham khảo:
http://en.wikipedia.org/wiki/Line-crossing_ceremony http://www.desausa.org/pollywog_to_shellback.htm Dữ kiện về USS Chevalier (DD/DDR-805):
USS Chevalier (DD/DDR-805) was a Gearing-class destroyer of the United States Navy, the second Navy ship named for Lieutenant Commander Godfrey DeC. Chevalier (1889–1922), a pioneer of naval aviation. Chevalier was launched 29 October 1944 by Bath Iron Works, Bath, Maine; sponsored by Mrs. G. De C. Chevalier; and commissioned 9 January 1945, Commander F. Wolsieffer in command Chevalier was transferred to South Korea on 5 July 1972. She served in the Republic of Korea Navy as ROKS Chung Buk. She was sold for scrap and dismantled in December 2000.
Dương Thiệu Tùng
http://www.denhihocap.com/ds2009/blvxd.html
No comments:
Post a Comment