Tuesday, March 29, 2016

China : Căn cứ tại Djibouti không mang tính quân sự by Thu Hằng


HoangsaParacels: Liệu có thể tin được miệng lưỡi anh Tàu?


mediaHải quân Trung Quốc canh gác cho khách du lịch Trung Quốc lên tàu Lâm Nghi (Linyi) tại cảng Aden. Ảnh chụp ngày 29/03/2015.REUTERS/Stringer
Trung Quốc phát động một chiến dịch “chiêu dụ” bất thường để giải thích về căn cứ hải quân đầu tiên của mình ở nước ngoài, đóng tại Djibouti, và tìm cách làm dịu bớt mối quan tâm của thế giới về sự bành trướng quân sự của nước này. Bắc Kinh khẳng định căn cứ tại Djibouti là sự đóng góp của Trung Quốc đối với an ninh và phát triển trong khu vực.
Dự án xây dựng cơ sở tại Djibouti liên quan đến việc mở hành lang thương mại trên khắp các châu lục và sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc, cũng như giúp quốc gia Đông Bắc Á này kết nối với phần còn lại của thế giới.
Điều ngạc nhiên là thông điệp trên lại hoàn toàn trái ngược với lập trường hiếu chiến của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Bắc Kinh ngang nhiên tuyên bố có chủ quyền tại hầu hết khu vực này nhằm giành quyền kiểm soát tuyến hàng hải thương mại quan trọng. Chính vì vậy, mối quan hệ giữa Trung Quốc và các nước nằm trong vùng tranh chấp chủ quyền, cũng như với Hoa Kỳ, ngày càng trở nên căng thẳng.
Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố không đi theo phong cách “bá chủ” của Hoa Kỳ thông qua việc mở rộng tầm ảnh hưởng quân sự, trong đó có việc thiết lập các căn cứ quân sự ở nước ngoài. Thế nhưng, Trung Quốc lại đang đi đúng theo hướng này với căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài, được đặt tại Djibouti, quốc gia Đông Phi có vị trí chiến lược nằm trên lối vào Hồng Hải dẫn tới kênh đào Suez.
Bắc Kinh đã lặng lẽ thông báo lý do thành lập căn cứ trên và huy động truyền thông Nhà nước tuyên truyền cũng như cố gắng giải đáp mọi thắc mắc về mục đích thật sự của dự án căn cứ tại Djibouti.
Trong thông cáo gửi tới Reuters, bộ Quốc Phòng Trung Quốc xác nhận đã thông báo mục đích của mình về các dự án tại Djibouti tới « các nước và các tổ chức quốc tế có liên quan », đồng thời nhắc lại rằng các cơ sở trên chủ yếu nhằm hỗ trợ các chiến dịch chống cướp biển, hoạt động nhân đạo và gìn giữ hòa bình.
Bản thông cáo của bộ Quốc Phòng Trung Quốc nhấn mạnh : Bắc Kinh « duy trì con đường phát triển hòa bình ... và chưa bao giờ tham gia chạy đua vũ trang hay bành trướng quân sự. Điều này sẽ không bao giờ thay đổi ».
Một nhà ngoại giao phương Tây, được một số quan chức Trung Quốc giới thiệu về kế hoạch trên, phát biểu với Reuters : « Trung Quốc giải thích đó là một phần của “một con đường, một vành đai” chiến lược, giúp nối nước Ethiopia ra biển », nhằm nói đến con đường tơ lụa chiến lược mới của Trung Quốc.
Một nhà ngoại giao khác, cũng được Trung Quốc thông báo về dự án phát triển cơ sở tại Djibouti, nhận định chiến dịch “chiêu dụ” này là một động thái “bất thường” của chính phủ Trung Quốc, thường vẫn “âm thầm mà làm”. Bắc Kinh đang cố tỏ ra minh bạch về các kế hoạch tại châu Phi, vì theo nhận xét của nhà ngoại giao trên :« Trung Quốc không muốn bị xem như một mối đe dọa ».
Ấn Độ nâng cao cảnh giác
Cộng hòa Djibouti, nơi mà Pháp và Mỹ đều có căn cứ quân sự tại đây, cũng nhắc lại đường lối mà Bắc Kinh từng tuyên bố. Theo đó, các cơ sở trên của Trung Quốc sẽ được sử dụng để tiếp nhiên liệu và công tác hỗ trợ hậu cần nhằm chống cướp biển và bảo vệ các tuyến đường thương mại.
Quốc gia Đông Phi này cũng đồng thời “an ủi” phương Tây không nên lo lắng nếu Trung Quốc tìm kiếm “các tiền đồn quân sự”, vì cho rằng trong nhiều thập kỷ qua, các nước phương Tây đã có các căn cứ khắp thế giới.
Công việc xây dựng cơ sở hậu cần đã được khởi công vào tháng 02/2016 tại đất nước chỉ có hơn một triệu dân. Djibouti đang cố gắng để trở thành một trung tâm vận chuyển quốc tế. Theo truyền thông Trung Quốc, một tuyến đường sắt trị giá 4 tỉ đô la sẽ nối liền thủ đô Addis Ababa của Ethiopia với cảng mới do Trung Quốc đầu tư ở Djibouti.
Nằm ở phía tây bắc Ấn Độ Dương, vị trí chiến lược của Djibouti đã khiến Ấn Độ lo ngại rằng quốc gia châu Phi này sẽ trở thành một viên ngọc trong “chuỗi ngọc trai” khác của Trung Quốc với các liên minh và phương tiện quân sự hiện gồm Bangladesh, Miến Điện và Sri Lanka, để bao vây Ấn Độ.
Các quan chức quân sự Ấn Độ phát biểu với hãng tin Reuters rằng sự hiện diện của hải quân Trung Quốc ở Djibouti sẽ buộc New Delhi mở rộng kế hoạch phòng vệ quân sự, mà cho đến nay chỉ giới hạn trong khuôn khổ hoạt động bộ binh và không quân, xuất phát từ các tranh chấp biên giới với Trung Quốc trên dãy núi Himalaya đã tồn tại từ nhiều thập niên gần đây.
Thiếu tướng Ấn Độ Mandip Singh nêu rõ trong một báo cáo, được đăng bởi Viện Nghiên Cứu và Phân Tích (do Nhà nước tài trợ), rằng cùng với sự tham gia của Trung Quốc tại cảng Gwadar ở Pakistan - một căn cứ quân sự tiềm năng, vai trò của lực lượng hải quân Trung Quốc sẽ được tăng cường đáng kể và có thể trở thành mối đe dọa cho hải quân Ấn Độ.
Ông viết : « Djibouti cũng có thể để cho Trung Quốc đặt nhiều phương tiện hải quân, không quân tầm xa tại đây, có khả năng duy trì giám sát trên biển Ả Rập cũng như các vùng lãnh thổ hải đảo của Ấn Độ ngoài khơi bờ biển phía Tây ».
Còn nhà ngoại giao phương Tây được Reuters phỏng vấn thì nhấn mạnh : « Nếu tôi là Ấn Độ, tôi sẽ rất lo ngại về những động thái của Trung Quốc tại Djibouti ».
Vào cuối năm 2015, một phát ngôn viên của bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ từng nói : « Chúng tôi mong nhận được những lời giải thích rõ ràng hơn, như vai trò và mục đích của cơ sở mới này, đồng thời chúng tôi ghi nhận rằng Trung Quốc tham gia vào các chiến dịch quốc tế chống cướp biển ở Vịnh Aden ».
“Chuỗi ngọc trai” châu Phi
Tại hội nghị thường niên của Quốc Hội Trung Quốc, ngoại trưởng Vương Nghị phát biểu cần phát triển thêm cơ sở hậu cần trên con đường tơ lụa nếu điều kiện cho phép. Tại châu Phi còn có một số các cảng khác mà Trung Quốc và các công ty của nước này đang giúp đỡ xây dựng và phát triển. Dĩ nhiên ngoài các tầu thương mại, tầu hải quân Trung Quốc có thể neo đậu tại đó trong tương lai.  
Một nguồn tin ngoại giao Trung Quốc giấu tên tiết lộ ý tưởng lập căn cứ tại Djibouti được đưa ra năm 2015 khi hải quân Trung Quốc tham gia di tản người nước ngoài tại Yemen.
Các tàu khu trục nhỏ của Trung Quốc tham gia chiến dịch phải chất đầy hàng tiếp tế trên tầu cho những người được sơ tán. Sau đó những con tầu này gặp khó khăn trong việc tiếp nhiên liệu hay đảm bảo nguồn tiếp tế mới. Không giống như Hoa Kỳ, Trung Quốc không có căn cứ hậu cần cố định. Nguồn tin trên nhấn mạnh : « Đó chỉ là một cơ sở hậu cần theo đúng nghĩa ».
Với Bắc Kinh, không thể gọi cở sở tại Djibouti là một “căn cứ quân sự” và các phương tiện truyền thông Nhà nước được lệnh tuyên truyền đúng như vậy.
Tờ Global Times, phiên bản tiếng Anh của tờ Hoàn Cầu Thời Báo, trích lời của các chuyên gia Trung Quốc, ngay sau bài phát biểu của ngoại trưởng Vương Nghị, rằng Trung Quốc không xây dựng một căn cứ quân sự ở Djibouti mà chỉ là một “cơ sở hậu cần”.
Trong khi đó, chính phủ Djibouti lại rất muốn phát triển hợp tác quân sự với Bắc Kinh. « Trung Quốc đã chuẩn bị tốt để hỗ trợ Djibouti, tăng cường khả năng quân sự và đảm bảo an ninh cho nước này ». Đây là lời phát biểu của bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn trong chuyến công du Djibouti năm 2014. Nguyên văn vẫn được đăng trên website của sứ quán Djibouti tại Bắc Kinh.

No comments:

Bạn Đường- Nguyên Giao

  Trong một quán cà phê ở ‘ Thủ Đô Người Việt Hải Ngoại’ một ngày cuối tháng tư năm 1999, Hùng hỏi Giao: - Bạn đến Mỹ năm nào? - Năm 1975,...