Tuesday, March 8, 2016

Cố Hải-Quân Trung Tá HỒ QUANG MINH Một Sĩ Quan Can Trường, Đảm Lược của Các Đơn Vị Tác Chiến Hải-Quân V.N.C.H. by ĐIỆP MỸ LINH



http://imageprocessor.websimages.com/width/166/crop/0,0,166x231/www.diepmylinh.com/Others/HQMinh.jpeg
Hải-Quân Trung Tá HỒ QUANG MINH

Nhưng, kể từ hôm Minh qua đời đến nay, lúc nào trong tâm thức tôi cũng văng vẳng tiếng hát xưa: “… Về đâu, tâm hồn này bềnh bồng. Về đâu, thân này mòn mỏi trông! Về sau và nhiều năm sau nữa, có buồn nhưng sẽ không bao giờ bằng hôm nay!...” (4)


Tâm bút


Cố Hải-Quân Trung Tá HỒ QUANG MINH
Một Sĩ Quan Can Trường, Đảm Lược của Các Đơn Vị Tác Chiến Hải-Quân V.N.C.H.


ĐIỆP MỸ LINH
Thủy Thủ không số quân




Khi viết hoặc đề cập đến bất cứ nhân vật nào – dù là một nhân vật lịch sử – người ta cũng thường tùy vào cảm tính để đề cập hoặc viết về phương diện tích cực hay tiêu cực của nhân vật đó.


Hôm nay, viết về Cố Hải-Quân Trung Tá Hồ Quang Minh, tôi xin được nhìn Minh ở bình diện tích cực để nhận ra những nét hào hùng và đức tính gan dạ, liều lĩnh cũng như lòng thương Lính của một sĩ quan mà, kể từ khi mãn khóa 8 Sĩ Quan Hải-Quân Nha Trang cho đến ngày cuối của cuộc chiến, chỉ đảm nhận những đơn vị tác chiến. Tôi cũng chỉ xin viết về những trận đụng độ có tôi tháp tùng mà thôi.


Đơn vị đầu tiên mà tôi biết, sau khi làm vợ của Minh, là Duyên Đoàn 26, đóng tại Bình Ba, trong vịnh Cam Ranh.


Duyên Đoàn là một đơn vị của Hải-Quân, có nhiệm vụ bảo vệ những làng xã dọc theo bờ biển Nam Việt-Nam và trà trộn vào dân làng để tìm các nguồn tin tình báo ngõ hầu khám phá và ngăn chận những chuyến chuyển vũ khí của đối phương từ Bắc vào Nam.

Khi mới thành lập, phương tiện hành quân và di chuyển của Duyên Đoàn là ghe Chủ Lực và ghe Di Cư. Ghe Di Cư chạy bằng buồm màu nâu; ghe Chủ Lực chạy bằng máy. Nhân viên mặc bà ba đen và đều tự nguyện xâm vào lồng ngực bên trái hai chữ “Sát Cộng”.

Thời gian Minh chỉ huy Duyên Đoàn 26, gia đình tôi ngụ tầng trên của một trong mấy căn nhà lầu; tầng trệt làm văn phòng. Các sĩ quan khác, hạ sĩ quan và đoàn viên chia nhau mấy ngôi nhà lầu do Pháp để lại. Mỗi ngày, ngoại trừ Thứ Bảy, Chủ Nhật, tôi đi bộ xuống làng Bình Ba để dạy các em học sinh – miễn phí. Hè và những ngày Lễ, tôi theo đoàn ghe đi kích hoặc hành quân.

Duyên Đoàn 26 thường có những đụng độ nhỏ với du kích Việt Cộng trong vùng trách nhiệm. Ít nhất là hai lần, Duyên Đoàn 26 bắt được hai ghe loại lớn của Trung Cộng giả ghe đánh cá nhưng dưới lòng ghe toàn là vũ khí. Hai chiếc ghe được neo trong vịnh Bình Ba một thời gian ngắn để điều tra rồi được dẫn độ về Nha Trang, giao cho Duyên Khu II khai thác thêm. Duyên Khu II – về sau được đổi thành Vùng II Duyên Hải – dưới quyền chỉ huy của Hải-Quân Thiếu Tá Hồ Văn Kỳ Thoại.

Tôi không nhớ ngày tháng và giờ nhưng tôi nhớ dường như năm 1964, Duyên Đoàn 26 mở cuộc tấn công vào Vĩnh Hy – một “ổ” Việt Cộng. Trên chiếc Chủ Lực, Hải-Quân Thiếu Tá Hồ Văn Kỳ Thoại đứng một bên, Hải-Quân Trung Úy Hồ Quang Minh đứng giữa và Hải-Quân Đại Úy cố vấn Graham đứng một bên. Cả ba sĩ quan đều không mặc áo giáp, không đội nón sắt và đứng gần mũi ghe Chủ Lực khi đạn của Việt Cộng từ sườn núi bắn xối xã ra đoàn ghe. Đoàn ghe vừa ủi bãi tấn công vừa bắn trả dữ đội. Bất ngờ Đai Úy cố vấn Graham trúng đạn, quỵ xuống trong khi Thiếu Tá Thoại và Trung Úy Minh vẫn đứng thẳng để chỉ huy. Khi nhận ra Đại Úy Cố Vấn Graham bị thương, Thiếu Tá Thoại chỉ thị Minh cho lệnh ghe Chủ Lực rút lui để tản thương.


Thời gian đang là Chỉ Huy Trưởng Giang Đoàn 23 Xung Phong tại Vĩnh Long, Minh được lệnh về Saigon thành lập Giang Đoàng 30 Xung Phong; hậu cứ trong Trại Cữu Long, Thị Nghè. Chỉ sau một thời gian ngắn được thành lập, Giang Đoàn 30 Xung Phong trở thành một trong những đơn vị tác chiến Hải-Quân tạo được nhiều chiến công trên sông rạch – nhất là Cuộc Hành Quân Tam Giác Sắt.

Địa thế Tam Giác Sắt là sự nối liền của xã An Điền, xã An Tây và xã An Phú, thuộc tỉnh Bình Dương. Tam Giác Sắt là chiến khu D – còn gọi là chiến khu Dương Minh Châu – của Việt Cộng.
Hành Quân Tam Giác Sắt là những cuộc hành quân hỗn hợp, quy mô và được chia ra nhiều đợt khác nhau. Giang Đoàn 30 Xung Phong tham dự Cuộc Hành Quân Tam Giác Sắt thứ II, khởi động ngày 09 tháng 01 năm 1967.
Lực lượng Hải-Quân sau đây được đặt dưới sự chỉ huy của – sĩ quan thâm niên hiện diện – Hải-Quân Đại Úy Hồ Quang Minh:
  • Giang Đoàn 30 Xung Phong, Chỉ Huy Trưởng là Hải-Quân Đại Úy Hồ Quang Minh.
  • 10 chiến đỉnh và một sĩ quan do Giang Đoàn 24 Xung Phong tăng phái
  • 8 giang đỉnh và một sĩ quan do Đại Đội Tuần Giang tăng phái   


Các đơn vị Hoa-Kỳ tham chiến:


  • Một Lữ Đoàn của Sư Đoàn 1
  • Một Lữ Đoàn của Sư Đoàn 25
  • Lữ Đoàn 173 Nhảy Dù
  • Thiết Đoàn 11
  • Với sự tham dự của pháo đài bay B-52. (1)


Việt Cộng có ưu thế hơn quân V.N.C.H. vì địa đạo hiểm trở và bờ sông cao hơn mặt nước rất nhiều. Chính từ những bờ sông quá cao này, Việt Cộng bắn ra đoàn giang đỉnh một cách thuận lợi trong khi những nòng súng cối trên chiếc Combat (chiến đấu đỉnh) hoặc trên chiếc Commandement (soái đỉnh) và Fom (truy kích đỉnh) không thể ngẫng cao hơn để bắn cầu vòng!

Thế nhưng, bằng vào sự chủ động gan dạ, quyền biến và sự liều lĩnh đầy mưu lược của một sĩ quan ngành chỉ huy, Minh đã chuyển đơn vị Hải-Quân từ thế thủ sang thế công và đem chiến thắng vẻ vang về cho quân bạn và Giang Đoàn 30 Xung Phong.


Sau chiến thắng Hành Quân Tam Giác Sắt II, đích thân Tổng Thống V.N.C.H. Nguyễn Văn Thiệu viếng thăm, ủy lạo và gắn huy chương cho binh sĩ Giang Đoàn 30 Xung Phong cũng như binh sĩ của 10 chiến đỉnh thuộc Giang Đoàn 24 và binh sĩ của 8 giang đỉnh của Đại Đội Tuần Giang. Riêng Minh được gắn Bảo Quốc Huân Chương – một huy chương cao quý nhất của Q.L./V.N.C.H. Từ đó Minh được tặng danh xưng “Người Hùng Tam Giác Sắt” (2)


Khi anh Nguyễn Công An đọc điếu văn đến đoạn trên, tôi chợt nhớ là thời gian đó Minh bảo mấy anh Lính khiêng chiếc xa-lông một chỗ ngồi, từ phòng khách nhà tôi, đem xuống chiếc Commandement để Tổng Thống Thiệu ngồi.


Sau lễ gắn huy chương, Minh được đài phát thanh Quân Đội phỏng vấn. Minh đáp lời nữ xướng ngôn viên: “Việt Cộng chết đếm không xuể. Xác nổi lềnh bềnh. Phải khó khăn lắm, khi di chuyển, đoàn chiến đỉnh mới không đụng vào xác người!”


Qua những giờ phút mừng vui chiến thắng, Minh và tất cả sĩ quan, hạ sĩ quan và đoàn viên thuộc Giang Đoàn 30 Xung Phong phải trực diện với nỗi buồn chung của đơn vị. Đó là vấn đề lo hậu sự cho những quân nhân đã đền nợ nước.


Để thể hiện tình đồng đội, Minh ra lệnh tất cả quân nhân thuộc Giang Đoàn 30 Xung Phong phải cạo đầu để tang cho những chiến hữu đã hy sinh trong Cuộc Hành Quân Tam Giác Sắt. Ngày cử hành tang lễ, nhân viên Giang Đoàn 30 Xung Phong đều không đội mũ, ngồi trên mấy chiếc GMC đến viếng quan tài các bạn đồng đội. Đến địa điểm hành lễ, mọi người tham dự đám tang và gia đình tử sĩ đều xúc động, bồi hồi khi thấy một đoàn dài quân nhân Hải-Quân đầu cạo nhẵn và nghe Chỉ Huy Trưởng Hồ Quang Minh – đầu cũng cạo nhẵn – đọc điếu văn và xác định rằng tất cả quân nhân thuộc Giang Đoàn 30 Xung Phong đều cạo đầu, để tang cho những quân nhân đã gục ngã trong Cuộc Hành Quân Tam Giác Sắt!

Những quân nhân từng phục vụ cùng đơn vị với Minh không ai có thể phủ nhận lòng thương Lính của Minh. Lòng thương Lính của Minh khiến tôi nghĩ đến sự dã man và tàn bạo của Đại Tướng Cộng Sản Việt-Nam Võ Nguyên Giáp.
Trong cuộc chiến tranh Việt-Nam, cũng như trận Điện Biên Phủ với Pháp, Đại Tướng Việt Cộng Võ Nguyên Giáp đã bắt chước chiến thuật biển người của Trung Cộng để xua thanh niên Việt-Nam vào chỗ chết! Điểm đáng lưu ý là: Trong số không biết bao nhiêu thanh niên Việt-Nam bị Tướng Giáp xua vào trận địa để thực hiện chiến thuật biển người, không ai thấy hoặc biết có con, cháu hoặc người bà con nào của Tướng Giáp cả! Đại Tướng Võ Nguyên Giáp đã xây đắp đời binh nghiệp của Ông bằng cách bắt chước một chiến thuật đầy man rợ! Vì vậy, một danh Tướng của Hoa Kỳ, Tướng William Childs Westmoreland – Tư Lệnh Bộ Chỉ Huy Cố Vấn quân sự Mỹ tại miền Nam Việt-Nam – nhận xét về Đại Tướng Võ Nguyên Giáp như sau: “Of course, he was a formidable adversary. By his own admission, by early 1969, I think, he had lost, what, a half million soldiers? He reported this. Now such a disregard for human life may make a formidable adversary, but it does not make a military genius…”.
Tôi đồng ý với nhận xét của Tướng Westmoreland. Một sĩ quan biết quý trọng mạng sống của thuộc cấp mà vẫn đem chiến thắng về cho đơn vị thì đó là một sĩ quan có mưu lược và nghệ thuật chỉ huy cao. Cố Hải-Quân Trung Tá Hồ Quang Minh là một trong những sĩ quan này!
Năm Mậu Thân, 1968, Giang Đoàn 30 Xung Phong tăng cường cho quận Bảy, giữ an ninh thủy lộ và yểm trợ Biệt Động Quân trong vùng Bình Điền, Bình Chánh và Chợ Lớn. Thời gian này Giang Đoàn 30 cũng có những đụng độ với Việt Cộng; nhưng những đụng độ này không đủ tầm cỡ để thỏa mãn tính năng động của Minh.
Mãi cho đến khi thuyên chuyển về Giang Đoàn 26 Xung Phong, hậu cứ tại Long Xuyên, Minh mới có cơ hội “vẫy vùng” trở lại trên những dòng sông quyện phù sa và máu – máu của thanh niên hai miền Nam Bắc Việt-Nam – tại Vùng IV Sông Ngòi.
Chính tại Vùng IV Sông Ngòi tôi mới thấy rõ lòng quý mến và tin tưởng của quân nhân Địa Phương Quân đồn trú trong các đồn rải rác dọc những bờ sông hoang vắng dành cho quân nhân thuộc các đơn vị tác chiến Hải-Quân. Tình cảm của Địa Phương Quân cộng với tinh thần “huynh đệ chi binh” và lòng quả cảm của Minh đã thúc đẩy Minh – đôi khi – bất chấp cả lệnh của Tỉnh Trưởng, tự động đưa đoàn giang đỉnh đến giải cứu các đồn Nghĩa Quân khi nghe lời kêu cứu của họ!

Trong khi đoàn chiến đỉnh giang hành đến đồn đang kêu cứu, Minh tiên liệu trước, và ra lệnh những khẩu đại pháo trên Monitor, Commandement 01 và fom sẵn sàng – hễ địch quân khai hỏa là tất cả hỏa lực của chiến đỉnh đáp trả ngay.
Những khi đạn của hai bên xé không gian và đạn của địch rơi quanh đoàn chiến đỉnh, tôi thấy Minh vẫn trầm tĩnh đứng thẳng – không áo giáp, không nón sắt – gần mũi chiếc Commandement 01 để chỉ điểm và ra lệnh cho đoàn chiến đỉnh phản công. Đối với tôi, hình ảnh đẹp nhất và in đậm nét trong tâm tưởng tôi là mấy chiếc fom hoặc PBR (River Patrol Boat – Giang Tốc Đỉnh) – khi Minh là Chỉ Huy Trưởng Liên Giang Đoàn Tuần Thám hoặc Liên Giang Đoàn Ngăn Chận – từ cuối đoàn chiến đỉnh, rẻ nước, vượt nhanh lên, vừa lướt “vèo vèo” trên mặt sông vừa thi hành khẩu lệnh của Minh: “Cho  ‘gà cồ’ của mày ‘gáy’ hướng 3 giờ” Hoặc “Cho ‘gà cồ’ của mày ‘gáy’ hướng 10 giờ”, v. v…
Nhân viên Giang Đoàn 26 thường bảo nhau: “Đi hành quân tụi mình đừng đứng gần ổng. Mạng ổng lớn, mình đứng gần ổng, đạn ‘né’ ổng là tụi mình lảnh đủ!” Tôi không hiểu nhận xét của mấy anh Lính đúng được bao nhiêu phần trăm. Nhưng tại kinh Trèm Trẹm, buổi chiều, Minh rời vùng hành quân, giao đơn vị cho Chỉ Huy Phó là Đại Úy Trần Kim Hoàn thì tối đó chiếc Commandement 01 bị người nhái Việt Cộng gài mìn, nổ, chìm, mang vào lòng sông những người Lính đã từng sống chết với Minh!
Nhận được tin chiếc Commandement 01 bị chìm, Minh tức tốc trở lại vùng hành quân bằng đường bộ.
Vài hôm sau, tôi thấy Người Nhái Hải-Quân lặn xuống, vớt lên những xác người đã phồng to, căng cứng trong quân phục Hải-Quân! Tôi khóc! Và tôi thấy Minh mím môi, nét mặt của Minh đanh lại và ánh mắt của Minh trông hoang vắng lạ thường!
Thời gian Giang Đoàn 26 Xung Phong được lệnh chuyển vùng hành quân về quận Gò Quau, Chương Thiện, tôi phải trở về Saigon lo việc gia đình. Minh điện thoại cho tôi hay rằng Minh đã gặp Thiếu Tá Phép, Quận Trưởng quận Gò Quau và Phó Quận Hành Chánh mà tôi không nhớ tên. Khi nói chuyện, ông Phó Quận Hành Chánh hỏi Minh rằng có phải tên thật của Điệp Mỹ Linh là Thanh Điệp hay không? Nếu đúng thì ngày trước ông Phó Quận Hành Chánh cùng học với tôi tại trường trung học Võ Tánh Nha Trang và ông Phó Quận Hành Chánh biết tôi chơi đàn Accordéon. Vậy là hai ông yêu cầu Minh bảo tôi đem Accordéon theo khi tôi trở lại vùng hành quân để chung vui với dân làng và mọi người trong dịp Tết.
Chiều 30 Tết, dân làng tề tựu tại vuông sân rộng ngay trước Quận Đường để thưởng thức văn nghệ “cây nhà lá vườn” thì Việt Cộng pháo kích ào ạt! Mọi người chạy tán loạn. Kẻ chạy về làng, người trở về vị trí phòng thủ, kẻ trở ra giang đỉnh. Minh cho lệnh đoàn giang đỉnh phân tán mỏng để tránh tổn thất và cũng để tìm vị trí của địch mà phản công.
Khi bị hỏa lực hùng hậu của Giang Đoàn 26 phản pháo, Việt Cộng ngưng pháo kích để khỏi lộ mục tiêu.
Lúc giang hành trở lại văn phòng quận Gò Quau, Minh hỏi các chiến đỉnh xem “Thủy Thủ không số quân” đang ở trên chiếc nào? Không ai thấy tôi cả! Thấy Minh có vẻ lo, anh truyền tin pha trò để Minh cười cho vui: “Chắc Thủy Thủ của Chỉ Huy Trưởng…đào ngũ rồi!” Minh cười gượng: “Mẹ, Bả mà đào ngũ, ai nuôi con tao, mày!” Rồi Minh liên lạc vô tuyến với Thiếu Tá Phép để hỏi về tổn thất nhân mạng và cũng để tìm tôi. Thiếu Tá Phép cho biết “tụi nó pháo trật lất” và “Thủy Thủ không số quân” bình yên, đang ngồi trên nền xi-măng vì không nỡ bỏ cây đàn Accordéon!
Sự việc kể trên cho thấy, khi đụng trận, Minh lo cho đơn vị và thuộc cấp trước!
Trong thời gian hành quân dài hạn tại Kinh Ngang để yểm trợ cho Sư Đoàn 21 Bộ Binh, Giang Đoàn 26 Xung Phong thường bị phục kích từ hai bên bờ sông. Mỗi khi bị phục kích, Giang Đoàn vừa bắn trả vừa ủi thẳng vào nơi xuất phát tiếng súng của địch quân. Trước hỏa lực như vũ bão của Giang Đoàn, địch quân đành “chém vè”. Những cuộc đụng độ này tuy không lớn như những cuộc chạm súng tại kinh Trèm Trẹm, Neak Loeung – biên giới Miên Việt – hoặc xã Hộ Phòng, quân Gia Rai, Bạc Liêu (3) nhưng an ninh vùng Kinh Ngang được bảo đảm tối đa. Tư Lệnh Sư Đoàn 21 Bộ Binh – Chuẩn Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi – rất hài lòng.
Một buổi trưa, cũng tại Kinh Ngang, tin từ Sư Đoàn 21 Bộ Binh cho Minh biết, tối đó, Sư Đoàn 21 sẽ làm lễ mừng Chuẩn Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi được vinh thăng Thiếu Tướng. Ban tổ chức mời Minh, vài sĩ quan và tôi đến tham dự.

Tối đó, khi được yêu cầu một tiết mục văn nghệ, tôi hát tình khúc Only You; vì tôi biết, nếu hát nhạc Việt, không thể nào tôi “qua mặt” được những ca sĩ nhà nghề như Elvis Phương, Giao Linh, Thanh Tuyền, Phương Dung, v. v… đang giúp vui hôm đó.
Sáng sớm hôm sau, trên đường trở lại vùng hành quân, Minh được tin một chiếc LCM (Langding Craft Mechanized – Quân Vận Đỉnh) của Giang Đoàn 26 vừa trúng thủy lôi, chìm! Minh bảo tài xế tăng tốc độ tối đa và Minh chỉ thị cặp fom đón Minh tại một bờ sông mà tôi không nhớ tên!
Trong khi cặp fom đưa trở lại vùng hành quân, tôi cũng thấy Minh mím môi, nét mặt đanh lại và ánh mắt của Minh cũng hoang vắng lạ thường!
Tôi không nhớ khi chiếc Commandement 01 và chiếc LCM bị chìm, Minh có ra lệnh cho toàn nhân viên Giang Đoàn 26 Xung Phong cạo đầu hay không. Nhưng tôi nhớ, mỗi khi “quá giang” các giang đoàn khác để vào vùng hành quân của Giang Đoàn 26, tôi – dù đang mặc quân phục Thủy Thủ – cũng “bị” Chỉ Huy Trưởng hoặc Thuyền Trưởng của đơn vị đó bắt ngồi bên trong chiến đỉnh.
Đến vùng hành quân, sau khi từ chiến đỉnh của Giang Đoàn bạn bước sang chiến đỉnh của Giang Đoàn 26, nếu thấy Minh, tôi đứng nghiêm, đưa tay chào: “Thủy Thủ không số quân Điệp Mỹ Linh ‘trình diện’ Chỉ Huy Trưởng!” Minh cười lớn, nói với bất cứ quân nhân nào thấy cảnh này: “Bả trình diện tao! Mày thấy tao ‘ngon’ không, mày?” Rồi mọi người cười vang.
Những kỷ niệm về sự “trình diện” của “Thủy Thủ không số quân” tưởng đã chìm sâu trong quá khứ; vì tôi hoàn toàn không nhớ được. Nhưng, trong tang lễ của Minh, khi các cựu quân nhân thuộc Hội Hải-Quân Houston, mặc quân phục đại lễ, đến chào tiễn biệt Minh và trao lá cờ Việt-Nam Cộng Hòa cho tôi thì những kỷ niệm xưa cuồn cuộn dâng trào trong hồn tôi! Tôi khóc nhiều và nhận ra những kỷ niệm đó tươi đẹp, trắng xóa và sôi nổi không khác chi những lượn sóng do những chiếc fom hoặc PBR rẻ nước, lướt “vèo vèo” trên những dòng sông xưa, tạo nên.
Vì hồn tôi đang dậy sóng, cho nên, khi cảm tạ Hội Hải-Quân Houston và quan khách, tôi đã quá xúc động, đứng nghiêm trước di ảnh của Minh và tức tửi lập lại câu nói xưa – chỉ thay đổi động từ: “Thủy Thủ không số quân Điệp Mỹ Linh xin chào vĩnh biệt Chỉ Huy Trưởng Hồ Quang Minh!” Sau đó, anh Võ Công Mạnh, cựu sĩ quan thuộc Giang Đoàn 30 Xung Phong nói với tôi: “Thấy chị chào vĩnh biệt Ổng, tôi khóc!”Anh Lưu Đức Huyến, trong Hội Hải-Quân Houston, cũng bảo: “Thấy chị chào ảnh anh Minh, tôi chịu không được! Tôi muốn khóc!”
Tôi nhìn Minh ở khía cạnh tốt đẹp nhất của một sĩ quan tác chiến. Dù Minh có khuyết điểm – đã là người, ai không có khuyết điểm – thì những khuyết điểm đó, xin quý vị nam giới cũng nên tự hỏi, đã có vị nào, dù ít hay nhiều, không vướng phải?
Điều quan trọng nhất là: Khi nước nhà nguy biến, Quân Lực cần những sĩ quan gan dạ, liều lĩnh, mưu lược và biết quý trọng mạng sống của thuộc cấp – như Cố Hải-Quân Trung Tá Hồ Quang Minh – để chỉ huy chứ Quân Lực không cần và cũng không muốn đưa những nhà hiền triết hoặc tu sĩ ra chiến trận!
Viết đến đây, lòng tôi không còn những rung động lãng mạn như thời mới lớn để ru hồn bằng thơ của Hàn Mạc Tử:
Người đi một nửa hồn tôi mất,
Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ!
Nhưng, kể từ hôm Minh qua đời đến nay, lúc nào trong tâm thức tôi cũng văng vẳng tiếng hát xưa: “… Về đâu, tâm hồn này bềnh bồng. Về đâu, thân này mòn mỏi trông! Về sau và nhiều năm sau nữa, có buồn nhưng sẽ không bao giờ bằng hôm nay!...” (4)
ĐIỆP MỸ LINH
Thủy Thủ không số quân


1.- Quân Sử Việt-Nam/Hội Sử Học Âu Châu
2.- Điếu Văn do anh Nguyễn Công An, cựu quân nhân Giang Đoàn 30, đọc
3.- Những trận đụng độ này Đ.M.L. đã viết rồi; xin miễn lập lại trong bài này.
4.- Bài Không Tên Số 8 của Vũ Thành An



No comments:

Ông Trump lại kêu gọi mua Greenland sau khi để mắt đến Canada, Kênh đào Panama

Tổng thống đắc cử Donald Trump của Mỹ tại Phoenix, Arizona, 22/12/2024 (REUTERS/Cheney Orr).  Tổng thống đắc cử Trump tiếp tục kêu gọi Hoa K...