Sunday, March 13, 2016

Trả Lại Sự Thật Cho Lịch Sử Việt Nam by Nguyễn Ngọc Bích

LTS.- Ngày 3-3-2016, Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích từ trần trên chuyến bay tới Phi Luật Tân dự Hội Nghị về Biển Đông. Hôm nay, Thứ Bảy 12 tháng Ba, lễ tang được chính thức cử hành tại Virginia. Nhân dịp này, Việt Báo trân trọng giới thiệu một trong những bài viết sau cùng của Giáo sư  Bích, đề cập tới những diễn tiến tại đại học Cornell,  trong nỗ lực làm sáng tỏ sự thật về chiến tranh Việt Nam,  từ việc ông tham dự cuộc hội luận “Voice from the South Vietnam” năm 2012 tới việc tác giả “Giải Khăn Sô cho Huế” nói chuyện tại Cornell năm 2015. Giáo sư  Bích đã viết bài này vào đêm 16 tháng 12 năm 2015, dành riêng Việt Báo Tết Bính Thân. Khi bài tới, báo đã in xong. Nhờ vậy, đây là lần đầu tiên bài viết được phổ biến. Vào ngày tiễn đưa vị học giả một đời tận tụy với văn hóa lịch sử dân tộc, xin mời đọc bài viết nhiều tâm huyết của ông.
 
BICH_southvietnamsympsiumHình ảnh ngày hội luận Cornell 2012 về Đệ Nhị Cộng Hòa VN trước Kehin Center tại Đại Học Cornell. Hàng thứ hai, người thứ nhất từ phải, người đầu bạc áo trắng cúi tựa lan can là Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích. Người đứng dưới GS Nguyễn Ngọc Bích là bình luận gia Trần Bình Nam, tức cựu dân biểu Trần Văn Sơn, vừa từ trần sáng Thứ Sáu 11-3-2016 ở Calif.


Hội-thảo "Những Tiếng Nói từ Miền Nam" ("Voices from the South") ở Cornell University do Giáo sư Keith W. Taylor đứng ra mời và tổ-chức vào tháng 6 năm 2012. 
            Là một cựu-chiến-binh đã từng tham chiến tại Việt-nam, sau khi về Mỹ, ông Keith W. Taylor đã muốn tìm hiểu thêm về nước ta.  Ông học tiếng Việt, tiếng Hán, chữ nôm và đã viết cuốn sách rất giá trị trong tiếng Anh, The Birth of Vietnam  - “Việt Nam Khai Quốc”, do University of California Press in ra năm 1983- kể lịch-sử nước ta từ thuở lập quốc đến thế-kỷ X.  Gần đây nữa, năm 2013, ông lại có một cuốn sách để đời do Cambridge University Press ở Anh in ra mang tên A History of the Vietnamese ("Một cuốn sử về người Việt").
            Trong nhiều năm dạy ở Cornell, ông Taylor đã bị ảnh-hưởng không ít bởi lối trình bầy lịch-sử truyền-thống của chúng ta: rằng Việt-nam là một dân-tộc thống nhất với một lịch-sử tuyến-tính, kết thúc (làm như lịch-sử có kết thúc) bằng sự thống nhất dưới sự giầy xéo của xe tăng Nga vào Dinh Độc Lập ngày 30 tháng Tư 1975.  Nhưng rồi ông tỉnh ra rằng lịch-sử Việt-nam đã có nhiều giai-đoạn phân ly, chia cách.  Như ở thế-kỷ XVI đã một thời-gian dài nước ta có ba chính-quyền (nhà Mạc, nhà Lê với sự phò trợ của chúa Trịnh, rồi chúa Nguyễn ở miền Nam) hoặc giai-đoạn Trịnh-Nguyễn phân tranh (trên 200 năm), rồi sự tranh hùng giữa hai nhà Nguyễn (Nguyễn Tây-sơn và Nguyễn Gia-miêu, chưa kể là mấy anh em nhà Tây-sơn cũng chia nước ra làm ba) và nhất là Việt-nam sau Genève 1954.  Thành thử không thể thiên-vị phe này để gọi phe kia là "ngụy" được.
            Chính vì thế mà cách đây ít năm ông đã viết một bài dài phân-tích, cho rằng lối trình bày cũ không sát thực-tế, là quá một chiều.  Từ đó ông nhìn lại lịch-sử Việt-nam cận-hiện-đại để thấy Miền Nam trong ít nhất 21 năm (1954-1975) đã thực-sự là một quốc gia được quốc-tế công-nhận rộng rãi (hơn rất xa miền Bắc CS trong nhiều lãnh-vực và trong nhiều nghĩa).  Từ đó ông nảy sinh ra ý-tưởng phải nghiên cứu một cách đứng đắn về Miền Nam, về hai nền Việt-nam Cộng-hòa.
            Đó là lý-do vì sao ông, tức là Cornell University, là nơi đầu tiên trong các đại-học lớn ở Mỹ tìm cách mời một số diễn-giả mà đã có vai trò đáng kể trong những lãnh-vực như chính-trị, ngoại-giao, an-ninh quốc-phòng, kinh tế tài-chánh, thông tin tuyên-truyền thời Đệ nhị Cộng-hòa đến trình bầy cho khoảng 100 học-giả đến từ khắp nước Mỹ và cả một số nước khác (Pháp, Anh, Canada...) về những kinh-nghiệm xây dựng dân-chủ, qua một hiến-pháp (1967) tôn trọng tam quyền phân lập và những quyền căn-bản của người dân, qua một nền kinh tế tự do nhưng có điều tiết, khuyến khích phát triển nông-nghiệp và công-nghiệp, xuất khẩu, và đang trên đà bứt phá (takeoff).
            Đến từ Chicago, Illinois, là Hoàng Đức Nhã, ông trình bầy về những nỗ lực xây dựng một nền dân-chủ ngay trong chiến-tranh.  Như các cuộc tranh cử có cạnh tranh, trong Quốc-hội có đối-lập, có khối này khối nọ.  Và ông Thiệu dám cưỡng lại tổng-thống Mỹ Nixon và ông Kissinger trong những ngày cuối của hòa-đàm Ba-lê khi thấy hiệp-định như Kissinger và Lê Đức Thọ thỏa-thuận quá bất lợi cho miền Nam.
            Ủng-hộ cho lập-luận của ông Hoàng Đức Nhã là ông tòa Phan Quang Tuệ, đến từ San Francisco, và ông Trần Văn Sơn, một cựu-sĩ-quan Hải-quân và một dân-biểu đối-lập, đến từ Phila.  Ông Sơn, một thành-viên trong khối đối-lập của Luật-sư Trần Văn Tuyên (29 dân-biểu, đa-phần thân Phật-giáo), cho biết là khối đối-lập của ông có tiếng nói rõ ràng trong Quốc-hội, được báo chí đưa tin đầy đủ và sự an-toàn cá-nhân của các thành-viên trong khối không bị đe dọa.  Tuy phút chót không đến được nhưng B.S. Mã Xái cũng đã gởi bài nói về sự "đóng góp của Đảng Tân Đại Việt vào việc xây dựng dân-chủ ở miền Nam."
            Sang lãnh-vực xây dựng quốc gia có bài thuyết-trình của cựu-tổng-trưởng Thương mại và Kỹ-nghệ Nguyễn Đức Cường đến từ San Jose.  Gốc kỹ-sư, ông Cường trình bầy bằng những con số thuyết-phục về các chương-trình do chính-quyền đưa ra thời đầu thập-kỷ 1970 để kìm lạm-phát (kinh tế thị-trường), phát triển đầu tư và công-kỹ-nghệ (như khu chế xuất Biên-hòa), tìm ra dầu hỏa v.v.  Riêng cựu-thứ-trưởng Cải cách Điền địa và Phát triển Nông-nghiệp Trần Quang Minh, đến từ Louisville, Kentucky, nói về chương-trình "Người cày có ruộng" (1970), thành công tới mức khi CS vào cũng không thay đổi gì được, cũng như chương-trình về thực-phẩm quốc gia, tất cả trong một khung-cảnh chiến-tranh toàn-diện trên toàn-quốc.
            Về mặt an-ninh quốc-phòng thì có hai bài, một của Trung-tướng Lữ Lan đến từ Virginia nói về an-ninh diện-địa và một của Phó-đề-đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, tư lệnh Khu Duyên hải vùng I, tư lệnh trực-tiếp của hải-chiến Hoàng-sa 1974 và cũng là tác-giả cuốn Can trường trong chiến bại.  Ông đến từ Houston, Texas, và đã cho biết trong chi-tiết những diễn-biến của trận hải-chiến để đời này trong lịch-sử nước nhà, với những anh-hùng  như Ngụy Văn Thà và 71 đồng-đội hải-quân hy sinh trong trận chiến đó.
            Ngoài ra, ông Phan Công Tâm thuộc Trung-ương Tình-báo mô-tả một số hoạt-động của ông ở Cao-miên cũng như sang tận Phi-châu mang con gái ông Bokassa sang nước Trung-Phi.
            Riêng tôi nói về công-tác thông tin quốc-ngoại, không chỉ ở Sứ-quán VNCH tại Hoa-thịnh-đốn (1967-1971) mà còn trong thời-gian tôi làm Trung-tâm-trưởng Trung-tâm Dân-vụ (lo cho các nhà báo ngoại-quốc đến làm tin ở VN) và Cục-trưởng Cục Thông tin Quốc-ngoại, hơn một lần phụ-tá cho Tổng-thống Nguyễn Văn Thiệu để tiếp đón các nhà báo Tây-phương (như Oriana Fallaci, Patrice De Beer, v.v.) và thậm chí trong cả chuyến đi họp Thượng-đỉnh San Clemente với Tổng-thống Mỹ Nixon, sau đó đi diện kiến Đức Giáo-hoàng và trên đường về, ghé thăm Tổng-thống Phác Chánh Hy của Đại-Hàn và Tổng-thống Tưởng Giới-thạch ở Đài-loan (Trung-hoa Dân-quốc).
            Cựu-Đại-sứ Bùi Diễm, đến từ Maryland, thì cho một cái nhìn tổng-quan về quan-hệ Việt-Mỹ, những ngộ-nhận đáng tiếc để sau đó dẫn đến những sai lầm trong chính-sách của Hoa-kỳ đối với VNCH.  Chuyến đi Cornell này còn để lại cho tôi một số ký-ức thật đẹp vì Đại-sứ Bùi Diễm, "boss" cũ của tôi ở Tòa Đại-sứ Washington, và chúng tôi đã hẹn gặp nhau ở phi-trường Rochester (với tôi bay thẳng từ Cali về) để sau đó tôi thuê xe lái qua vùng Finger Lakes (Mấy hồ thật đẹp có hình như mấy ngón của một bàn tay) leo núi xuống đồi đôi khi thật ngoạn mục qua vùng mấy vườn nho làm rượu vang trước khi đến trường Cornell.
            Tóm lại, chuyến đi như một cuộc du ngoạn song cũng nhân cơ-hội đó mà 12 diễn-giả gốc từ miền Nam đã nói lên được một cách khá đầy đủ và dõng dạc về những thành-tựu rất đáng kể và đáng nể của VNCH, nhất là nền Đệ nhị Cộng-hòa, một quốc gia càng ngày càng chứng minh được nếp sống văn-minh và dân-chủ cao-độ so với miền Bắc u tối cùng thời.
            Hội-luận Cornell, "Những Tiếng Nói từ Miền Nam," đến quá muộn (37 năm sau khi mất miền Nam) nhưng vẫn là một "corrective" cần thiết đối với lịch-sử.  Và qua hội-luận đó, Giáo-sư Keith Taylor đã trả lại được phần nào sự thật cho lịch-sử--gần như "ở ngay trong lòng địch" vì cũng chính ở Cornell, chính khoa Đông-Nam-Á-học ở đây, đã là "lò phản-chiến" của Mỹ trong chiến-tranh VN với ông George McT. Kahin viết cùng với ông John W. Lewis cuốn "Thánh Kinh" của phong trào phản chiến Mỹ (và trên thế-giới), cuốn The United States in Vietnam (A Delta Book, 1967), một cuốn sách méo mó xuyên tạc khá tệ hại.
            Sau hội-luận Cornell 2012, các bài tham-luận đã được in thành sách dưới tên VOICES from the Second Republic of South Vietnam (1967-1975), K.W. Taylor, editor (Cornell Southeast Asia Program Publications, 2014). Năm nay, đánh dấu 40 năm ngày miền Nam bị đẩy vào cảnh sụp đổ,  ông Taylor lại đi thêm một bước nữa trong việc trả lại sự thật cho lịch-sử Việt-nam khi ông mời nhà văn Nhã Ca lên Cornell nói về sự thật Tết Mậu Thân tại Huế. Cuốn Giải khăn sô cho Huế của Nhã Ca đã được  Olga Dror dịch thành Mourning Headband for Hue (Indiana University Press, 2015).
            Tiến sĩ Olga Dror là một nhân vật khá lạ.  Là người gốc Do Thái sinh tại Nga, bà nói lưu loát tiếng Việt và đã dịch cuốn sách của Nhã Ca sang tiếng Anh cũng không kém văn chương.  Trong quá-khứ bà đã từng nghiên cứu về folklore Việt-nam và viết được một cuốn sách rất giá trị mang tên Cult, Culture and Authority: Princess Liễu Hạnh in Vietnamese History ("Thờ phụng, Văn-hóa và Quyền-uy: Chúa Liễu Hạnh trong Lịch-sử VN," University of Hawaii Press, 2007).  Để có thể dịch được cuốn của Nhã Ca, bà đã nghiên cứu và đào sâu về trận Mậu-thân ở Huế cũng như tìm cách xác-định về vụ thảm-sát Tết Mậu-thân ngoài đó.  Do đó mà cuốn sách có một phần dẫn nhập thật dài và chi-tiết (50 trang) trình bầy kiểu nói có sách mách có chứng tất cả những sự tranh cãi về trận Mậu-thân tại Huế, chẳng hạn như vai trò của Hoàng Phủ Ngọc Tường và Nguyễn Đắc Xuân, trong thời-gian Cộng-sản chiếm đóng Huế trong 23 ngày.  Chỉ riêng phần dẫn nhập này với đầy đủ cước-chú các nguồn tin cũng đủ đáng để cho ta mua cuốn sách rồi.
            Tháng trước sang Cali để dự “Đại-nhạc-hội Việt-nam Cộng-hòa Trở Lại”, hôm ghé thăm Việt Báo gặp anh Trần Dạ Từ, anh bảo tôi: "Ông ơi, ông đã tham dự hội luận "Voices from the South" ở Cornell năm 2012 để lấy lại sự thật cho miền Nam, vậy thì ông phải viết về chuyến đó cho báo Tết năm nay!"
            Như mọi khi, tôi hay có tật ừ.  Thế là...
 
Đồng Xuân, bang Trinh Nữ, Hoa Kỳ Quốc
Viết xong đêm 16 tháng 12, 2015
Nguyễn Ngọc Bích
https://vietbao.com/p112a250361/tra-lai-su-that-cho-lich-su-viet-nam

No comments:

Tin Nhanh

Nga đưa nhiều tàu chiến và không quân bay lượn gần đó và Đan Mạch bất lực. Sự thật Greenland còn sống sót đến ngày hôm nay còn NATO và Mỹ ở ...