Tuesday, January 23, 2018

GÓP Ý VỚI THIẾU TƯỚNG CỘNG SẢN LÊ MÃ LƯƠNG - ĐIỆP MỸ LINH


Bất ngờ đọc được bài do Lưu Thủy – thuộc cơ quan truyền thông VTC News – phỏng vấn thiếu tướng Cộng Sản Việt Nam Lê Mã Lương, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam về sự kiện Hoàng Sa xảy ra ngày 19-01-1974 giữa Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa và Hải Quân Trung Cộng, tôi muốn góp ý với thiếu tướng Lê Mã Lương.
Là một ngòi bút không chuyên nghiệp và không thích bàn luận về chính trị – nhất là vấn đề chính trị liên quan đến đảng và “nhà nước” Cộng Sản Việt Nam (C.S.V.N.). Nhưng, sau khi đọc bài Lưu Thủy phỏng vấn thiếu tướng Lương, nhận xét đầu tiên của tôi là: Thiếu tướng Lương không có luận điệu tuyên truyền thái quá cho đảng và “nhà nước” C.S.V.N.. Thiếu tướng Lương cũng mạnh dạn nêu ra và xác định rằng Trung Cộng là một đất nước lúc nào cũng nuôi ý đồ xâm lăng Việt Nam và khống chế biển Đông. Một điều nữa cũng đáng cho tôi lưu ý đến bài phỏng vấn này là: Nếu phải đề cập đến miền Nam Việt Nam/chính thể Việt Nam Cộng Hòa (V.N.C.H.) thiếu tướng Lương chỉ “đổ tội” cho chính thể V.N.C.H. một cách tương đối; như câu sau đây: “…Trong sự kiện Trung Quốc tấn công và chiếm đóng trái phép đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974 và sau này là sự kiện Trung Quốc tấn công chiếm đóng trái phép đảo Gạc Ma của Việt Nam năm 1988 cho thấy chúng ta đã sơ suất, thiếu sự đề phòng.”

Nhưng khi Lưu Thủy hỏi: “Sau này, đại tá phi công Nguyễn Thành Trung tiết lộ rằng, việc để mất Hoàng Sa vào tay Trung Quốc năm 1974 còn có trách nhiệm của phía chính quyền V.N.C.H. khi đó đã thiếu quyết đoán. Bởi theo đại tá Trung, khi đó V.N.C.H. vẫn có thể điều Không Quân từ Đà Nẵng ra chiến đấu để giành lại đảo. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?” thì câu trả lời của tướng Lương làm tôi vô cùng thất vọng! Thiếu tướng Lương đáp: “Việc không cho máy bay từ Đà Nẵng bay ra Hoàng Sa để tác chiến là một sai lầm nghiêm trọng về mặt chiến thuật khi đó của chính quyền V.N.C.H. Phải nói là để mất Hoàng Sa là một sai lầm có tính lịch sử. Bởi vì lúc cần sự cố gắng để giữ cho được lãnh thổ, lãnh hải của mình thì lại không dám quyết đoán để đưa ra những quyết định đúng đắn. Nếu mà quyết đoán thì chúng ta không bị mất Hoàng Sa vào tay Trung Quốc…”

Trước nhất, xin nói qua về Nguyễn Thành Trung trong câu hỏi của Lưu Thủy.

Với kinh nghiệm của thời kỳ theo Kháng Chiến chống Tây, Ba tôi thường giải thích cho chị em tôi hiểu rằng: Một trong các lý do khiến Ba tôi bỏ Kháng Chiến để trở về miền Nam là vì Ba tôi nhận thấy, ngoài sự xảo trá/lừa lọc/gian manh không thể lường được, Việt Minh, về sau trở thành C.S.V.N., còn là một tập thể tàn ác hơn cả Tây và Nhật; vì Việt Minh – sau mỗi trận chiến – đều giết tất cả thương binh của họ để khỏi phải mang theo người bị thương!

Vì hiểu bản chất của người C.S.V.N. tàn ác như vậy, cho nên, suốt gần nửa thế kỷ qua, tôi cứ tự hỏi: Tại sao người C.S.V.N. đã giết những người cùng hàng ngũ với họ khi những người này bị thương mà họ lại “dùng” người “đại” phản bội Nguyễn Thành Trung – người đã lừa thầy/phản bạn/phản lại một thể chế mà Nguyễn Thành Trung đã lớn lên/được đi học/được thu nhận vào một trong các quân binh chủng oai hùng/can cường/liều lĩnh của Quân Lực V.N.C.H. và được sang Hoa Kỳ tu nghiệp?

Là một cựu sĩ quan Không Quân V.N.C.H., người “đại” phản bội Nguyễn Thành Trung lại không biết được rằng: Phi cơ của V.N.C.H., vào thời 1974, chỉ có thể đủ nhiên liệu để bay từ Đà Nẵng ra Hoàng Sa – chưa tính thời gian phi cơ phải lượn vài vòng quanh Hoàng Sa! Dù có đem theo bình xăng phụ thì phi cơ V.N.C.H. cũng không đủ nhiên liệu để bay trở về Đà Nẵng!

Sau khi điều nghiên, biết rằng nếu gửi phi cơ ra Hoàng Sa thì các phi công ưu tú này sẽ “…Ði không ai tìm xác rơi…” (1) thế là kế hoạch tái chiếm Hoàng Sa bị hủy bỏ! Điều này cho thấy chính phủ/Quân Lực V.N.C.H. luôn luôn tôn trọng mạng sống của quân nhân/đồng bào, trong khi nhà cầm quyền C.S.V.N. thì đưa trẻ em – như trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn tham gia bộ đội từ khi ông Tuấn chỉ 13 tuổi – ra chiến trận! Khi “đụng trận” thì cấp chỉ huy của bộ đội cụ Hồ ra lệnh cho bộ đội cụ Hồ phải thi hành chiến thuật “biển người”!

Tôi đề nghị thiếu tướng Lương và người “đại” phản bội Nguyễn Thành Trung nên tìm đọc tài liệu Hải Chiến Hoàng Sa do các sĩ quan Hải Quân V.N.C.H. biên khảo để thấu triệt chi tiết tại sao Không Quân V.N.C.H. không đưa phi cơ ra Hoàng Sa, năm 1974.

Qua câu trả lời tiếp theo của tướng Lương: “…Không chỉ chính quyền V.N.C.H. mà chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khi đó cũng có những sơ suất. Sơ suất đó là chúng ta vì hoàn cảnh khách quan, vì quá mải mê cho công cuộc chiến đấu để giải phóng miền Nam và thêm vào đó cũng có lúc chúng ta quá tin bạn bè, gửi gắm vào bạn bè mà không thấy được đằng sau là ‘ông bạn lớn’ đã có một ý đồ rất lớn và thâm hiểm như thế…” Tôi nhận thấy tướng Lương chỉ “lương thiện có một nửa”; “một nửa” còn lại là tướng Lương không dám nhìn vào sự thật của thời điểm trận hải chiến Hoàng Sa bùng nổ giữa Hải Quân V.N.C.H. và Hải Quân Trung Cộng.

Sự thật của thời điểm hải chiến Hoàng Sa là: Nhà cầm quyền C.S.V.N. biết Trung Cộng sẽ thực hiện giải pháp quân sự để cưỡng chiếm Hoàng Sa – của V.N.C.H. – nhưng nhà cầm quyền C.S.V.N. im lặng một cách đồng lỏa.

Lý do tôi xác quyết C.S.V.N. đồng lỏa với Trung Cộng là vì dòng chữ này trong câu trả lời của tướng Lương “… quá tin bạn bè, gửi gắm vào bạn bè mà không thấy được đằng sau là ‘ông bạn lớn’…” Hoàng Sa nằm dưới vỹ tuyến 17, trong lãnh hải của V.N.C.H. mà người/đảng/nhà cầm quyền C.S.V.N. lại “quá tin bạn bè, gửi gắm vào bạn bè” là nghĩa lý gì? Có phải nhà cầm quyền C.S.V.N. “vì quá mải mê cho công cuộc chiến đấu để giải phóng miền Nam” (chữ của tướng Lê Mã Lương) cho nên nhà cầm quyền C.S.V.N. đã “nhờ” Trung Cộng “thọc” vào “bên hông” của miền Nam Việt Nam để bộ đội cụ Hồ lợi dụng thời cơ Quân Lực V.N.C.H. bị chi phối – và không còn được Hoa Kỳ yểm trợ vũ khí nữa – đã “tung” quân vào miền Nam Việt Nam, với chiến thuật “biển người”, gây nên nhiều trận chiến khốc liệt hay không?

Câu hỏi của tôi được tướng Lương xác nhận bằng câu này: “Nên có thể nói, việc để mất quần đảo Hoàng Sa là do Việt Nam khi đó chủ quan và dễ tin Trung Quốc”. Vâng! Tướng Lương nói đúng! Chỉ có cụ Hồ/bộ đội cụ Hồ/đảng C.S.V.N. – lúc nào cũng đề cao tình hữu nghị ‘môi hở răng lạnh’ giữa đảng C.S.V.N. và Trung Cộng – thì mới “chủ quan và dễ tin Trung Quốc” (chữ của tướng Lương); riêng người miền Nam chúng tôi thì không lúc nào quên được mối thù truyền kiếp đối với nhà cầm quyền Trung Cộng!

Thật ra nhà cầm quyền C.S.V.N. đề cao tình hữu nghị giữa họ với Trung Cộng thì cũng chẳng có gì đáng trách; vì suốt cuộc chiến 20 năm trên Quê Mẹ tan thương, bộ đội cụ Hồ đã được Trung Cộng và Nga trang bị bằng đủ loại vũ khí tối tân để vượt Trường Sơn, cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam! Sử sách/tài liệu/hình ảnh còn đó.

Thế mà tướng Lương lại phủ nhận một cách công khai qua bài phỏng vấn này, bằng hai câu sau đây: “…vì khi đó quân đội Trung Quốc trang bị lạc hậu, không có gì là hiện đại và thiện chiến cả…Nên sự ủng hộ của Liên Xô khi đó là không có.” Tôi không hiểu tướng Lương cố tình quên sự viện trợ vũ khí của hai nước đàn anh của đảng C.S.V.N. – cũng như đảng C.S.V.N. đã quên đi sự tiếp tay rất đắc lực của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam trong cuộc chiến giữa Quốc Gia và Cộng Sản – hay là tướng Lương muốn gián tiếp tự hào, cho rằng bộ đội cụ Hồ đánh Mỹ Ngụy bằng cây rừng vót nhọn?

Nguyên là Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam mà tướng Lương phát ngôn hai câu như vậy thì tôi xin nhắc để tướng Lương nhớ. Theo tác giả Hoàng Phương, Báo VNExpress, phát hành vào ngày thứ hai, 20/4/2015 | 13:58 GMT+7 thì: Hai chiếc xe tăng ủi sập cổng dinh Độc Lập vào trưa 30-04-1975 là chiếc xe tăng mang số hiệu 390. Đây là xe chiến đấu chủ lực hạng trung do Trung Quốc sản xuất trên cơ sở dây chuyền sản xuất xe T54A của Liên Xô, viện trợ cho Việt Nam năm 1969. Song hành cùng xe tăng 390 tiến vào dinh Độc Lập là chiếc xe tăng T54B mang số hiệu 843, do Liên Xô (cũ) chế tạo và viện trợ cho Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ.

Tướng Lương biện luận như thế nào về chi tiết của hai chiếc thiết giáp này do báo báo VNExpress đăng tải?

Trong những câu trả lời của tướng Lương qua cuộc phỏng vấn do Lưu Thủy thực hiện, tôi rất chú ý câu này: “Hiện nay, chúng ta vẫn đang kiên trì thực hiện chính sách đấu tranh, chủ yếu trên lĩnh vực ngoại giao để gây sức ép nhằm đòi lại những đảo mà Trung Quốc đã chiếm của Việt Nam. Tất nhiên, đây là một cuộc đấu tranh sẽ còn phức tạp, lâu dài và gian nan, song Việt Nam vẫn phải làm.”

Tôi đồng ý với lời phát biểu trên đây của tướng Lương. Nhưng dường như tướng Lương cố tình không nhìn/không thấy sự thật hiển hiện từng ngày từng giờ trên Quê Hương Việt Nam hay là tướng Lương không đủ can đảm nhìn vào/nói ra sự thật?

Sự thật đó là gì? Câu trả lời: Năm 1973 và 1974 – vì sự “gửi gắm” (chữ của tướng Lương) và cũng vì quân Bắc Việt lợi dụng thời cơ, xua quân mở nhiều mặt trận ác liệt tại miền Nam để chi phối tiềm năng quân sự của Quân Lực V.N.C.H. cho nên V.N.C.H. phải mất đảo Hoàng Sa! 

Thời điểm đó, nếu quân Bắc Việt không lợi dụng thời cơ để tạo nên các trận chiến khốc liệt tại miền Nam Việt Nam thì Hạm Đội của Hải Quân V.N.C.H. không phải phân tán mỏng lực lượng để chuyển đạn ra vùng này/chuyển quân đến vùng kia/chuyển quân dụng đến vùng nọ/tuần tiễu dọc bờ biển/tuần tiễu xa bờ, v.v… thì Hạm Đội Hải Quân V.N.C.H. sẽ huy động các chiến hạm có khả năng tác chiến cao để gửi ra Hoàng Sa chứ Hạm Đội Hải Quân V.N.C.H. sẽ không bao giờ đưa chiến hạm đang đại kỳ/tiểu kỳ (đang được sửa chữa/tu bổ) – như Hộ Tống Hạm Nhật Tảo HQ 10 – ra Hoàng Sa!

Chi tiết này cho thấy chính nhà cầm quyền C.S.V.N./bộ đội cụ Hồ là kẻ gián tiếp tiếp tay với Trung Cộng trong việc Trung Cộng cưỡng chiếm Hoàng Sa của miền Nam Việt Nam.

Như thế còn chưa đủ! Sau khi cưỡng chiếm được miền Nam, nhà cầm quyền C.S.V.N. lại cho Trung Cộng thuê tất cả vị trí chiến lược thiết yếu trên lãnh thổ Việt Nam thì làm thế nào khi hết giao kèo thuê đất, nhà cầm quyền C.S.V.N. có thể “đuổi” được những công ty/số người Tàu và con cháu Tàu lai này ra khỏi nước Việt Nam?

Có thể nhà cầm quyền C.S.V.N. cũng như tướng Lương nghĩ rằng: Người Trung Quốc chỉ thuê dài hạn rồi họ sẽ trả lại khi hết hạn kỳ chứ nhà cầm quyền C.S.V.N. có bán đất đâu mà sợ mất!

Người Việt nào cũng biết, năm 1954, hiệp định Genève được ký kết chia nước Việt Nam làm hai phần: Miền Bắc thuộc về Việt Minh; miền Nam thuộc về Quốc Gia. Chữ ký của hai bên chưa được khô mựt thì bộ đội cụ Hồ đã thực hiện những điều sau đây:

1.- Khởi động cuộc chiến tranh du kích tại miền Nam. Tài liệu vẫn còn và chính ông Lê Duẫn cũng đã xác nhận.

2.- Vừa ký xong Hiệp Định ngưng bắn năm 1968 để quân dân hai miền Nam Bắc ăn Tết thì bộ đội cụ Hồ lại mở cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân để sát hại không biết bao nhiêu đồng bào vô tội tại Huế. Hình ảnh và tài liệu vẫn còn.

3.- Năm 1973, Nam và Bắc Việt Nam cũng ký Hiệp Định ngưng chiến; nhưng bộ đội cụ Hồ vẫn tấn công các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến tại bờ sông Thạch Hãn.

Giữa người Việt cùng huyết thống và trước sự giám sát của các cơ quan quốc tế mà nhà cầm quyền C.S.V.N./bộ đội cụ Hồ còn tráo trở như vậy để cuối cùng cưỡng chiếm miền Nam. Bây giờ, đối với Trung Cộng – một nước mạnh/đông dân, từ ngàn xưa, lúc nào cũng muốn chiếm cứ Việt Nam – thì thử hỏi Trung Cộng có thèm tuân thủ theo những giao kèo thuê đất chỉ ký riêng giữa người Tàu Cộng Sản và người C.S.V.N. hay không? 

Dĩ nhiên là sẽ không bao giờ Trung Cộng thèm tuân thủ theo điều kiện trong giấy giao kèo thuê đất mà họ đã ký với C.S.V.N. – cũng như nhà cầm quyền C.S.V.N. và bộ đội cụ Hồ đã không tôn trọng các Hiệp Định đã ký với chính thể V.N.C.H. trước kia!

Mất đảo Hoàng Sa và Gạc Ma, tướng Lương đau lòng, phải thốt lên: “Việc Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa và sau này là cưỡng chiếm đảo Gạc Ma năm 1988 là việc làm phi phạm (?)*, xâm phạm thô bạo vào chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Đây là hành vi phải lên án mạnh mẽ và không thể biện minh dù bằng bất cứ lý do nào.” Thế thì tướng Lương nghĩ như thế nào về “cuộc xâm lăng không tiếng súng” của Trung Cộng vào Việt Nam, từ mấy thập niên qua?

Nhìn tấm ảnh của thiếu tướng Lương kèm với bài phỏng vấn, tôi thấy tướng Lương còn trẻ. Tôi kỳ vọng rằng tướng Lương sẽ tận dụng những ưu điểm và lòng phẩn uất của ông đối với Trung Cộng để “làm một chút gì” cho Quê Hương Việt Nam! Nhưng khi đọc đến câu tướng Lương dẫn lời phát biểu của “… đồng chí Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã từng có lần phát biểu là chúng ta vẫn kiên trì, bởi nếu đời chúng ta không đòi được thì đời con cháu chúng ta sau này sẽ đòi lại được.”(2) thì tôi lắc đầu, chán nản!

Để vơi bớt nỗi ngán ngẩm về một câu phát biểu vô trách nhiệm của phó thủ tướng Cộng Sản Vũ Đức Kham, tôi tìm đọc tiểu sử của tướng Lê Mã Lương.

Khi đọc đến đoạn gia đình của tướng Lương có ba người con; một cô con gái đang sống cùng chồng con tại Đức và một cô con gái đang du học tại Anh thì…tôi chán nản, tắt computer! Lúc này tôi mới nhớ lời Ba tôi dạy tôi: “Đừng bao giờ tin/hy vọng vào bất cứ người Cộng Sản nào cả!”

ĐIỆP MỸ LINH

http://www.diepmylinh.com/

1.- Không Quân Việt Nam Hành Khúc của Văn Cao. 

2.- Những dòng chữ nghiêng được trích từ bài phỏng vấn. 

Ghi Chú của HSP:
*Nguyên văn tướng Lương dùng chữ nghe lạ tai "phi phạm" hay "phi pháp".  Ôi tiếng Việt của tôi.(HSP)

Tài liệu dẫn chứng do bà Điệp Mỹ Linh chuyển.



Thiếu tướng Lê Mã Lương: Phải đòi bằng được Hoàng Sa bị Trung Quốc cưỡng chiếm


(VTC News) - Thiếu tướng Lê Mã Lương khẳng định, việc Trung Quốc cưỡng chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là hành vi xâm phạm thô bạo vào chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam nên dù bất cứ giá nào, Việt Nam vẫn kiên trì thực hiện cuộc đấu tranh để giành lại.
44 năm trước, ngày 19/1/1974, Trung Quốc nổ súng tấn công và chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
VTC News đã có cuộc phỏng vấn Thiếu tướng Lê Mã Lương, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam để cùng nhìn nhận, đánh giá lại sự kiện này cũng như những bài học lịch sử mà Việt Nam rút ra.
“Âm mưu thâm độc từ lâu”
- Là một tướng lĩnh quân đội và cũng là một người nghiên cứu về lịch sử, ông đánh giá thế nào về sự kiện ngày 19/1/1974, ngày mà quân đội Trung Quốc đã tấn công và chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam khi đó đang do chính quyền Việt Nam Cộng hòa (VNCH) quản lý?
Rõ ràng đây là một sự kiện rất đáng buồn. Buồn vì chúng ta để mất phần lãnh thổ của mình. Nếu như khi đó chúng ta thể hiện được sự tỉnh táo và quyết đoán thì nó sẽ không xảy ra sự mất mát rất lớn ấy.




Thieu tuong Le Ma Luong: Phai doi bang duoc Hoang Sa bi Trung Quoc cuong chiem hinh anh 1
Thiếu tướng Lê Mã Lương: "Lợi ích quốc gia dân tộc là lợi ích cốt lõi, là lợi ích số một. Nếu không nghĩ đến lợi ích quốc gia, dân tộc thì mình còn bị ảnh hưởng, còn bị thiệt thòi, mất mát rất nhiều trong một số mối quan hệ quốc tế". 

Trước hết, phải nói sự kiện ngày 19/1/1974 là nằm trong một chuỗi sự kiện trong âm mưu của Trung Quốc chứ không phải là hành động đơn lẻ. Đây là mưu đồ thâm hiểm của Trung Quốc đã có từ rất lâu rồi. Âm mưu này đã có từ những năm 50 của thế kỷ trước và đây là một ý đồ nhất quán và lâu dài.
Phải nói đó là một vấn đề nằm trong chiến lược bành trướng của Trung Quốc, họ muốn khống chế ta, khống chế Biển Đông. Do đó, đây không phải là sự ngẫu nhiên hoặc tranh thủ lúc ta đang đánh nhau để họ làm cái việc đã rồi theo kiểu “thừa nước đục thả câu” như thế.
Trung Quốc đã có âm mưu từ lâu, tư tưởng của họ là nhất quán. Sự nhất quán đó đã có tới cả nửa thế kỷ rồi chứ không phải là mới hình thành đâu.
Nếu nhìn lại các sự kiện lịch sử, chúng ta sẽ thấy ngay từ năm 1946, khi ta đang phải đương đầu với sự xâm lược trở lại của thực dân Pháp thì lúc này Trung Quốc (thời Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch) đã tranh thủ chiếm luôn đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa) và đảo Ba Bình (thuộc quần đảo Trường Sa).
Lần thứ hai vào năm 1956, Trung Quốc chiếm gần như toàn bộ phần phía đông của quần đảo Hoàng Sa. Đến năm 1959, lần thứ ba Trung Quốc mang quân chiếm nốt phần phía tây của quần đảo Hoàng Sa.
Lần thứ tư là năm 1974, lợi dụng tình thế Mỹ rút hạm đội 7 ra khỏi vùng biển của Việt Nam thì phía Trung Quốc mang quân tấn công phần phía tây quần đảo Hoàng Sa.
Ngày 14/3/1988, lúc ấy quân đội chúng ta vẫn đang làm nhiệm vụ thời chiến ở biên giới Tây Nam và phía bắc. Trung Quốc đã đưa quân vào chiếm đảo Gạc Ma ở quần đảo Trường Sa.
Vì vậy cho nên khi nhận xét đánh giá về vấn đề này thì phải thấy được nguyên nhân sâu xa của nó.
Trong sự kiện Trung Quốc tấn công và chiếm đóng trái phép đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974 và sau này là sự kiện Trung Quốc tấn công chiếm đóng trái phép đảo Gạc Ma của Việt Nam năm 1988 cho thấy chúng ta đã sơ suất, thiếu sự đề phòng.
“Sai lầm nghiêm trọng về chiến thuật”
- Sau này, Đại tá phi công Nguyễn Thành Trung tiết lộ rằng, việc để mất Hoàng Sa vào tay Trung Quốc năm 1974 còn có trách nhiệm của phía chính quyền VNCH khi đó đã thiếu quyết đoán. Bởi theo Đại tá Trung, khi đó VNCH vẫn có thể điều không quân từ Đà Nẵng ra chiến đấu đề giành lại đảo. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Việc không cho máy bay từ Đà Nẵng bay ra Hoàng Sa để tác chiến là một sai lầm nghiêm trọng về mặt chiến thuật khi đó của chính quyền VNCH. Phải nói là để mất Hoàng Sa là một sai lầm có tính lịch sử.
Bởi vì lúc cần sự cố gắng để giữ cho được lãnh thổ, lãnh hải của mình thì lại không dám quyết đoán để đưa ra những quyết định đúng đắn. Nếu mà quyết đoán thì chúng ta không bị mất Hoàng Sa vào tay Trung Quốc.
Khi ấy, quân đội Trung Quốc chỉ có MiG-21 và họ không thể bay nổi từ lục địa để ra Hoàng Sa tác chiến, kể cả khi máy bay MiG-21 của Trung Quốc có xuất phát từ đảo Hải Nam để bay ra Hoàng Sa thì cũng không có đủ nhiên liệu để về và sẽ rơi xuống biển.
Không chỉ chính quyền VNCH mà chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khi đó cũng có những sơ suất. Sơ suất đó là chúng ta vì hoàn cảnh khách quan, vì quá mải mê cho công cuộc chiến đấu để giải phóng miền Nam và thêm vào đó cũng có lúc chúng ta quá tin bạn bè, gửi gắm vào bạn bè mà không thấy được đằng sau là “ông bạn lớn” đã có một ý đồ rất lớn và thâm hiểm như thế.
Vì thế cho nên khi sự việc xảy ra thì chúng ta bị những bất ngờ. Nếu khi đó ta không chủ quan, đừng quá tin tưởng vào Trung Quốc, ta tìm hiểu tư tưởng chiến lược của Trung Quốc thì ta sẽ có những ứng phó phù hợp hơn.



Thieu tuong Le Ma Luong: Phai doi bang duoc Hoang Sa bi Trung Quoc cuong chiem hinh anh 2
Tàu cá có vũ trang của Trung Quốc khiêu khích chiến hạm của hải quân VNCH ở Hoàng Sa tháng 1/1974. (Ảnh tư liệu)

Nếu ta không chủ quan, thì khi đó quân đội nhân dân Việt Nam có thể bằng mọi giá sẽ chọn được thời cơ thích hợp, chỉ cần khoảng một tuần lễ là có thể lấy lại Hoàng Sa. Tỉnh táo thì không đến mức như vậy.
Nên có thể nói, việc để mất quần đảo Hoàng Sa là do Việt Nam khi đó chủ quan và dễ tin Trung Quốc.
“Có lỗi với tiền nhân”
- Trong một số hội thảo về lịch sử, về Biển Đông cũng như trả lời trên báo chí, Thiếu tướng nói sự kiện để mất Hoàng Sa và sau này là một số đảo ở Trường Sa vào tay quân Trung Quốc đã khiến những người lính như ông khi đó và cả về sau này luôn cảm thấy “có lỗi với tiền nhân”...
Không phải bây giờ, mà ngay từ hàng chục năm trước, tôi cũng đã có dự cảm về vấn đề Biển Đông sẽ là vấn đề mà Trung Quốc không dễ “buông tha” rồi.
Sau này, anh Nguyễn Thành Trung cho biết tại thời điểm năm 1974, nếu như phía chính quyền VNCH cho phép máy bay từ Đà Nẵng bay ra Hoàng Sa để phản công thì vẫn có thể giữ hoặc chiếm lại được đảo. Tôi tin điều đó.
Không chỉ sự kiện ở Hoàng Sa năm 1974 mà ngay cả sự kiện Trung Quốc tấn công đảo Gạc Ma của Việt Nam năm 1988, nếu chúng ta quyết đoán thì khi đó vẫn có thể giữ được đảo.
Vì khi đó máy bay của chúng ta đã có thể bay ra để ứng cứu và tác chiến rồi. Thậm chí, có đồng chí phi công thời đó sau này còn nó với tôi là chỉ việc cho máy bay bay ra đảo, đơn giản chỉ cần bay thẳng thôi, không cần bỏ bom thì quân chiếm đóng của Trung Quốc khi đó đã sợ “thần hồn nát thần tính” rồi, vì khi đó quân đội Trung Quốc trang bị lạc hậu, không có gì là hiện đại và thiện chiến cả.
Thế nhưng, chúng ta đã không làm được điều đó. Ở đây cũng phải thấy là nó cũng có yếu tố lịch sử. Lúc bấy giờ là Liên Xô đang ở ngưỡng của của sự suy yếu, khủng hoảng, và bắt đầu “kiềng” Mỹ và cả Trung Quốc. Nên sự ủng hộ của Liên Xô khi đó là không có.
Chính điều ấy đã tác động đến tư duy của những lãnh đạo của ta khi đó, phải chịu những sức ép lớn khi đưa ra quyết định.
Lịch sử Việt Nam là lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm để dựng nước và giữ nước, chúng ta đã từng hy sinh máu xương thậm chí còn nhiều hơn thế để giữ nước mà chúng ta vẫn phải chấp nhận, 21 năm kiên trì chiến đấu chống Mỹ cứu nước thì thêm sự hy sinh nữa để giữ biển, giữ đảo tại sao lại không thể làm? Tại sao khi cần có sự sáng suốt để quyết định một việc liên quan đến quốc gia, lãnh thổ mà chúng ta không làm được?
Cho nên đến tận bây giờ, thế hệ những người lính chúng tôi cảm thấy rất có lỗi với tiền nhân. Các bậc tiền nhân đã giữ được biển đảo, song cuối cùng chúng ta chỉ vì thiếu một quyết đoán sáng suốt mà đã để cho phần đất đảo của mình rơi vào tay đối phương.
Phải kiên trì đấu tranh để đòi lại chủ quyền biển đảo
- Việt Nam cần phải làm gì để giành lại chủ quyền biển, đảo mà Trung Quốc cưỡng chiếm trái phép, thưa ông?
Hoàng Sa là của Việt Nam, điều này không thể phủ định, chối cãi. Chủ quyền đó không chỉ được khẳng định, xác nhận bằng máu xương của người Việt mà còn được xác nhận bằng rất nhiều tư liệu, sử liệu của cả sử sách nước ta từ thời nhà Tây Sơn, nhà Nguyễn lẫn tư liệu của phương Tây, của người Pháp ghi chép lại.
Việc Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa và sau này là cưỡng chiếm đảo Gạc Ma năm 1988 là việc làm phi phạm, xâm phạm thô bạo vào chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Đây là hành vi phải lên án mạnh mẽ và không thể biện minh dù bằng bất cứ lý do nào.



Thieu tuong Le Ma Luong: Phai doi bang duoc Hoang Sa bi Trung Quoc cuong chiem hinh anh 3
Việc Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa và sau này là cưỡng chiếm đảo Gạc Ma năm 1988 là việc làm phi phạm, xâm phạm thô bạo vào chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Thiếu tướng Lê Mã Lương
Hiện nay, chúng ta vẫn đang kiên trì thực hiện chính sách đấu tranh, chủ yếu trên lĩnh vực ngoại giao để gây sức ép nhằm đòi lại những đảo mà Trung Quốc đã chiếm của Việt Nam. Tất nhiên, đây là một cuộc đấu tranh sẽ còn phức tạp, lâu dài và gian nan, song Việt Nam vẫn phải làm.
Phải kiên trì đấu tranh để đòi lại chủ quyền biển đảo. Nói như đồng chí Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã từng có lần phát biểu là chúng ta vẫn kiên trì, bởi nếu đời chúng ta không đòi được thì đời con cháu chúng ta sau này sẽ đòi lại được.
Qua đó cho thấy, đây vẫn là một cuộc đấu tranh cam go lẫn dài lâu, song Việt Nam vẫn phải kiên trì thực hiện.
- Thưa ông, trong bối cảnh quan hệ quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay, từ sự kiện đã xảy ra trong quá khứ như đã nói ở trên, chúng ta rút ra bài học cốt tử gì?
Thứ nhất, vấn đề cốt tử ở đây chính là Việt Nam cần phải luôn luôn tỉnh táo và sáng suốt để giữ vững chủ quyền của dân tộc, của đất nước mình. Cụ thể ở đây là Đảng và những nhà lãnh đạo, những người đưa ra những chiến lược, sách lược có liên quan trực tiếp đến vận mệnh của cả quốc gia, dân tộc.
Thứ hai là trong quan hệ quốc tế, bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc mình lên trên hết. Phải lấy lợi ích quốc gia, dân tộc mình làm trọng, là tiêu chí đầu tiên trong mọi mối quan hệ.
Thực tế trong quan hệ ngoại giao cho thấy đã có rất nhiều nước khác họ làm như thế rồi, và trong quá khứ, Việt Nam cũng đã tuân thủ nguyên tắc này.
Lợi ích quốc gia dân tộc là lợi ích cốt lõi, là lợi ích số một. Nếu không nghĩ đến lợi ích quốc gia, dân tộc thì mình còn bị ảnh hưởng, còn bị thiệt thòi, mất mát rất nhiều trong một số mối quan hệ quốc tế.
Năm 2018 được dự báo tình hình thế giới và khu vực còn diễn biến rất phức tạp, có những sự kiện sẽ tác động trực tiếp đến Việt Nam. Bối cảnh đó đòi hỏi chúng ta càng phải kiên định mục tiêu lợi ích cốt lõi của mình.
Thứ ba là, chúng ta cần phải phát huy nội lực của chính mình, phải nâng cao nội lực của mình lên thì mới có sức đề kháng trước các âm mưu của ngoại bang, của thế lực thù địch bên ngoài hòng can thiệp, phá hoại chúng ta.
Người Việt cần phải thể hiện được bản sắc của mình trong các vấn đề quốc tế, cần có sự kiên định và kiên trì. Nên dù đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ ngoại giao, song cũng đừng quên đi tự lực cánh sinh là rất quan trọng, chỉ có tự lực cánh sinh thì Việt Nam mới đảm bảo được lợi ích cốt lõi và giữ vững được độc lập, chủ quyền của mình.
- Xin trân trọng cảm ơn ông.
Video: Gạc Ma - nỗi đau không bao giờ quên
 (Thực hiện)



LƯU THỦY


No comments:

Lễ 51 Năm Giỗ Trận Hoàng Sa 19/1/1974-19/1/2025. Tưởng Niệm 74 Chiến Sĩ Hải Quân Đền Nợ Nước.

Chuyện Bên Lề Một Thủy thủ già sau khi dự lễ 51 Năm Hoàng Sa mời các bạn về nhà hái ổi. Vừa mở cửa xuống xe ông b ỗng nạt:” ”Bình! ...