Wednesday, January 3, 2018

Thư ngỏ gửi giáo sư Edward Miller - NGUYỄN ĐẠT THỊNH


Thưa giáo sư Edward Miller,

Sau khi đọc bài báo ông viết Behind the Phoenix Program (Đằng Sau Chiến Dịch Phụng Hoàng) đăng trên tờ The New York Times ngày 29 tháng 12, 2017, tôi phải viết lá thư này gửi ông, để xin ông tìm hiểu kỹ hơn về chiến tranh Việt Nam, vì những điều ông viết trong bài báo đều trái với sự thật và vô cùng tai hại nếu ông tiếp tục đem phổ biến trên báo chí, và giảng dạy trong chương trình lịch sử Việt Nam của trường đại học cổ kính và danh tiếng Dartmouth College -chương trình do chính ông phụ trách.



Edward Miller, cái tựa và mầu cờ trang điểm bài báo

Behind the Phoenix Program

Viết về chiến dịch Phụng Hoàng, mà ông không nói rõ chiến dịch đó là gì, mục đích để làm gì, … hầu giúp độc giả người Mỹ có một ý niệm khái quát về nỗ lực chiến lược lớn lao, kéo dài suốt một thập niên, trị giá hàng chục tỉ Mỹ kim đó, thì quả là một thiếu sót đáng tiếc.

Tôi nghĩ tuyệt đại đa số độc giả kể cả những độc giả gốc Việt, còn tron
g tuổi sinh viên, hoặc còn trẻ như ông, đều không biết Phoenix Program là chương trình gì, nếu bị hỏi đột ngột.

Ví von mà nói, thì thiếu sót này cũng quan trọng như việc ông không cho sinh viên biết Việt Nam nằm ở đâu, và đang trong hoàn cảnh như thế nào, khi ông trình bầy với họ về chiến dịch Phụng Hoàng.
Trong bài viết, ông đăng một tấm ảnh chụp cảnh một sĩ quan VNCH đứng nói chuyện với một gia đình nông dân tại Kiến Hòa, dưới bức ảnh ông chú thích “A Vietnamese Army officer interrogating a peasant, flanked by his wife and daughter, in Kien Hoa Province in October 1966,” (một sĩ quan Việt Nam đang cật vấn một nông dân, bà vợ và cô con gái đứng quanh, như để che chở ông ta).
Đối với một người mà Anh ngữ không phải là tiếng mẹ đẻ như tôi, tôi rất ngại ngùng khi phải hỏi ông chữ interrogating ông chú thích dưới tấm hình đó có đúng không? Chữ này có nghĩa là chính thức cật vấn theo phương pháp điều tra. Ông có dụng ý gì khi dùng chữ không chính xác như vậy?
Câu chú thích không mô tả trung thực bức ảnh người nông dân cười vui vẻ, vợ con ông ta cũng không có nét sợ sệt, viên sĩ quan đặt tay trước ngực, nhưng trông thoáng qua, người vô tình có thể thấy như ông đang cầm một khúc cây chỉ vào mặt người vợ.

Tôi muốn nghĩ là ông chỉ vô tình, nhưng bài báo ông viết chứng tỏ ông có thành kiến đối với chiến tranh Việt Nam -cuộc chiến đã bị giới trí thức Mỹ gồm nhiều ký giả, nhiều nhà bình luận trong thời đó xuyên tạc.

Giờ này -nửa thế kỷ sau họ- ông tiếp tục việc họ làm!



Miller chú thích “A Vietnamese Army officer interrogating a peasant, flanked by his wife and daughter, in Kien Hoa Province in October 1966.” Một sĩ quan Việt Nam hạch hỏi một nông dân trong lúc vợ và con gái đứng như để bảo vệ ông ta. (Credit PGA/Associated Press)

Trầm trọng hơn việc không “giới thiệu” mà chỉ chỉ trích chiến dịch Phụng Hoàng, là việc xuyên tạc một bức ảnh sinh hoạt bình thường và thân thiện giữa quân, dân Nam Việt, tố cáo góc nhìn chủ quan và sai lệch của ông về chiến dịch đó.
Ông nhận xét: “The Phoenix program would become one of the most controversial aspects of America”s war in Vietnam. Sponsored by the C.I.A., Phoenix used paramilitary teams to target undercover Communist operatives in villages throughout South Vietnam. Witnesses claimed that members of the programs teams and their American advisers routinely carried out torture, murders and assassinations, accusations that American officials denied.”
Dịch là: “Sau này, chiến dịch Phoenix sẽ trở thành một trong những khía cạnh gây nhiều tranh cãi nhất trong cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Được tài trợ bởi C.I.A., Phoenix đã sử dụng các đội bán quân sự để nhắm tấn công các tổ chức Cộng sản bí mật ở các làng mạc trên khắp miền Nam Việt Nam. Các nhân chứng tuyên bố rằng thành viên của các nhóm trong chương trình và các cố vấn Mỹ thường xuyên thực hiện tra tấn, giết người và ám sát, cáo buộc mà các quan chức Mỹ phủ nhận.”

Ông nghe Việt Cộng nói như vậy à? Rồi ông tin như vậy và phỏng đoán, “Sau này, chiến dịch Phoenix sẽ trở thành một trong những khía cạnh gây nhiều tranh cãi nhất trong cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam…”.

Năm nay -2018- năm thứ 45 tính từ ngày quân đội Mỹ lên máy bay tháo chạy ra khỏi chiến trường Việt Nam (với sự yểm trợ của quân lực VNCH, bảo vệ đường rút lui cho họ), và năm thứ 43 quân đội anh hùng của Nam Việt thất trận, vì, sau khi tháo chạy, Hoa Kỳ cúp tiếp vận, Nam Việt thất thủ vô cùng đau thương với cuộc tắm máu trắng -hàng trăm ngàn sĩ quan, công chức, bị Việt Cộng giam giữ vô thời hạn, mà vẫn chưa thấy ai tranh cãi về chiến dịch Phụng Hoàng.

Ông viết về những sự kiện cận sử, mà không buồn kiểm chứng, không buồn dẫn chứng; một thí dụ: ông khẳng định “Các nhân chứng tuyên bố rằng …” mà không nói rõ nhân chứng đó là những ai? Họ nói với ông hay với ai? Mặc dù câu “Các nhân chứng tuyên bố rằng các thành viên của các nhóm trong chương trình và các cố vấn Mỹ thường xuyên thực hiện tra tấn, giết người và ám sát, …”, trắng trợn là lời kết tội sát nhân cho những quân nhân Việt Nam và những người Mỹ “cố vấn” của họ được ông máy móc lập lại như chuyện có thật.
Tôi và chắc chắn hàng triệu người Việt Nam nữa, đang có mặt tại Hoa Kỳ xác nhận với ông đó chỉ là một sản phẩm tuyên truyền của Việt Cộng.
Không kiểm chứng, ông cũng không buồn đặt lời cáo buộc độc ác và dối trá của những “nhân chứng vô danh” về tra tấn, giết người và ám sát, dưới hình thức nghi vấn; có thể ông đồng ý với “họ”, buộc tội quân nhân VNCH, quân nhân Mỹ tra tấn, giết người và ám sát.

Ông có quen một giáo sư nào gốc Việt không? Sao ông không hỏi người đó để kiểm chứng, trước khi vô trách nhiệm lên án sát nhân cho vài trăm ngàn quân nhân Việt-Mỹ?

Có thể ông mới nghe họ nói trong chuyến ông sang thăm Việt Nam năm 2013, mướn đò dọc đi thưởng ngoạn cảnh sông nước Tiền Giang tại tỉnh Kiến hòa.



Giáo Sư Edward Miller đi thăm Kiến Hòa

Tôi nghĩ giáo sư cũng biết câu châm ngôn, “một bác sĩ sai lầm trong lúc hành nghề, giết một người; một chính khách sai lầm trong lúc cầm quyền, giết một dân tộc, một nhà làm văn hóa lầm trong lúc quảng bá tư tưởng của mình, giết một thế hệ.”

Câu đó đã ứng nghiệm vào việc 7,222 quân nhân Mỹ tử trận, tại Iraq và A Phú Hãn trong những năm gần đây, và hiện đang ứng nghiệm vào những cuộc bắn giết do những công dân Mỹ, công dân Anh, công dân Pháp gốc Ả Rập bất ngờ nổi lên bắn giết người Mỹ, người Anh, người Pháp chứa chấp, bảo vệ họ.

Thưa Giáo Sư,

Mục đích của chiến dịch Phụng Hoàng là để đối phó với tình trạng trà trộn như vậy đó -mục đích của chiến dịch nhằm tách những cán bộ du kích Việt Cộng ra khỏi thôn xóm Nam Việt, không cho chúng yên ổn trốn trong rừng người Nam Việt, nhàn hạ xúc gạo trong khạp gạo của người nông dân Nam Việt để nuôi miệng, rồi phá hoại Miền Nam, giết người Miền Nam.
Hy vọng giáo sư cũng đồng ý với tôi về cái khó của Hoa Kỳ phải tìm cho ra 200 tên cuồng tín Hồi Giáo, lẩn trốn giữa rừng người 3.3 triệu tín đồ Hồi Giáo đang sống lương thiện trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Cái khó của Nam Việt chúng tôi lớn hơn rất nhiều, vì Việt Cộng được Trung Cộng và Nga tiếp tế thừa thãi, trong lúc Hoa Thịnh Đốn rút quân, cúp tiếp tế, rồi còn bắt tay với Trung Cộng, ngăn cấm không cho chúng tôi dùng không quân tấn công những chiến hạm Trung Cộng đánh chiếm Hoàng Sa.
Giờ này, Westmoreland, Weyand, và những tướng lãnh chỉ huy chiến trường Việt Nam đều đã qua đời trong nhục nhã thất trận; cho đến ngày họ nuốt hận, nhắm mắt, giới trí thức Mỹ vẫn chưa tìm ra nguyên nhân khiến nửa triệu quân Mỹ tiếp chiến cho 1 triệu quân VNCH mà vẫn không thắng được 30,000 quân du kích Việt Cộng trong suốt ba năm trời (1965-1968).
Cũng giờ này, một dàn tướng lãnh mới của Hoa Kỳ đang mắc nghẹn với cục gân gà Trung Đông, không giải quyết được chiến tranh du kích. Nửa thế kỷ đã trôi qua mà giới trí thức Hoa Kỳ, vẫn chưa nhận định được chân tướng của du kích chiến, để viết ra một binh thuyết hữu hiệu chống du kích.
Không phải là chiến tranh thuần túy, du kích chiến đem nhiều yếu tố khác -như chính trị, dân chúng, truyền thông, … – vào chiến trường nên du kích chiến vượt khỏi tầm tay của những quân nhân thuần túy, chỉ biết giải quyết chiến tranh bằng sức mạnh.
Giáo sư là thế hệ mới, thế hệ con, cháu của thế hệ quân nhân Mỹ tháo chạy ra khỏi chiến trường Việt Nam, mà những kẻ bất tài, bại trận tại Việt Nam, như tôi, đang đặt nhiều hy vọng vào óc sáng tạo của quý vị, tìm ra những tư tưởng chiến lược mới, giải quyết bế tắc của quê hương tôi, và tình hình thế giới.
Xin giáo sư nghiên cứu, khai phá một sinh lộ mới; việc giáo sư đang làm -hùa theo Việt Cộng nói xấu cái xác chưa chôn của Nam Việt- không mở ra một sinh lộ nào cả.
Trong lúc chưa thực hiện được cuộc nghiên cứu tối cần đó, tôi xin giáo sư tạm ngưng, không giảng dạy về chiến tranh Việt Nam tại Darmouth nữa, để thôi, không tiếp tục vai trò cái loa chuyển tiếp và khuyếch đại luận điệu tuyên truyền bóp méo lịch sử, đầu độc thế hệ sinh viên trẻ, làm họ rối trí trong cố gắng tìm hiểu những diễn biến chính xác về cuộc thất trận đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ, hầu nghiên cứu một chiến thuyết mới giải quyết những tranh chấp đang đe dọa sự an toàn của Hoa Kỳ và thế giới.


No comments:

Lễ 51 Năm Giỗ Trận Hoàng Sa 19/1/1974-19/1/2025. Tưởng Niệm 74 Chiến Sĩ Hải Quân Đền Nợ Nước.

Chuyện Bên Lề Một Thủy thủ già sau khi dự lễ 51 Năm Hoàng Sa mời các bạn về nhà hái ổi. Vừa mở cửa xuống xe ông b ỗng nạt:” ”Bình! ...