Wednesday, January 24, 2018

Thông cáo phát hành ngay Việt Nam: Đàn áp các nhà hoạt động nhân quyền

Những người ủng hộ môi trường bị đặt vào vòng ngắm
(New York, ngày 24 tháng Giêng năm 2018) – Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu, Việt Nam cần hủy bỏ các cáo buộc đối với nhà bảo vệ nhân quyền Hoàng Đức Bình cùng một bị cáo khác, Nguyễn Nam Phong, và phóng thích họ ngay lập tức. Phiên tòa hình sự xử hai người được ấn định vào ngày 25 tháng Giêng năm 2018, tại Tòa án Nhân dân huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
Cả hai người đều bị cáo buộc theo bộ luật hình sự vì tham gia các cuộc biểu tình và vận động phản đối thảm họa môi trường biển quy mô lớn do công ty thép Formosa của Đài Loan gây ra dọc bờ biển miền trung Việt Nam hồi tháng Tư năm 2016.
“Lại một lần nữa chính phủ Việt Nam vận dụng bộ luật hình sự hà khắc để trừng phạt những người dân chỉ thực thi quyền biểu tình và tự do ngôn luận,” ông Brad Adams, Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Phiên tòa này chỉ chứng tỏ điều mọi người đã rõ từ lâu: rằng các nhà lãnh đạo Việt Nam không tôn trọng nhân quyền của chính người dân nước mình.”
Hoàng Đức Bình, 34 tuổi, là Phó Chủ tịch Phong trào Lao động Việt, một tổ chức độc lập được thành lập từ năm 2008 để thúc đẩy quyền của người lao động. Tháng Mười hai năm 2015, công an câu lưu anh vì phân phát tờ rơi kêu gọi chính quyền cho phép thành lập các công đoàn độc lập. Tờ rơi trích dẫn lời hứa của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc người lao động Việt Nam sẽ có thể thành lập và tham gia các công đoàn độc lập theo nội dung dự thảo của thỏa thuận kinh tế Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương. Hoàng Đức Bình kể với báo Người Việt rằng mình bị đánh đập trong khi bị câu lưu. Các nhà hoạt động là bạn bè anh đến đồn công an để đòi thả anh cũng bị hành hung.
Hoàng Đức Bình đã liên tục và công khai lên tiếng ủng hộ các tù nhân chính trị bị giam, giữ. Anh cũng tham gia nhiều cuộc biểu tình phản đối Formosa và góp phần tổ chức các nhóm vận động đòi bồi thường thiệt hại cho ngư dân vì cuộc sống bị ảnh hưởng do đợt xả chất thải độc năm 2016. Anh bị cáo buộc tội “lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” theo điều 258 của bộ luật hình sự. Anh và Nguyễn Nam Phong cũng bị cáo buộc tội “chống người thi hành công vụ” theo điều 257.
“Đây là một nghịch cảnh vừa hài vừa bi, ở chỗ chính quyền Việt Nam cáo buộc một nhà bảo vệ nhân quyền với tội danh lợi dụng quyền tự do dân chủ, trong khi sự thực là người dân Việt Nam chẳng hề có tự do, dân chủ hay nhân quyền,” ông Adams nói.
Báo Nghệ An, cơ quan ngôn luận của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Nghệ An, luận tội Hoàng Đức Bình “thường xuyên đăng tải, chia sẻ trên Facebook cá nhân những thông tin, tài liệu tuyên truyền nói xấu chế độ, cổ vũ phong trào đa nguyên, đa đảng. Lợi dụng sự cố môi trường biển miền Trung, với tư cách Phó chủ tịch ‘Phong trào Lao động Việt,’ Hoàng Đức Bình đã xúc tiến, thành lập ‘Hiệp hội ngư dân miền Trung’ với ý đồ tạo dựng tổ chức ngoại vi, tập hợp lực lượng, lôi kéo giáo dân, ngư dân miền Trung tham gia vào tổ chức; tìm chọn ‘hạt nhân’ kích động biểu tình, phá rối an ninh trật tự.”
Ngày 15 tháng Năm năm 2017, Hoàng Đức Bình đang đi trên xe của Linh mục Nguyễn Đình Thục, cũng là một nhà bảo vệ nhân quyền, thì bị cảnh sát giao thông chặn xe. Linh mục Nguyễn Đình Thục viết trong một bản tường trình được đăng tải trên trang web của Mạng lưới Truyền hình Sài Gòn SBTN rằng một nhóm người mặc thường phục cùng với cảnh sát mặc sắc phục “Đột nhiên xuất hiện, giật cửa xe và ập vào thô bạo kéo một người đang ngồi trong xe ô tô của tôi là anh Hoàng Đức Bình ra khỏi xe và đem đi mất,” mà không có lệnh bắt người. Tối hôm đó, đài truyền hình Nghệ An đưa tin về vụ bắt giữ Hoàng Đức Bình. Trong tờ biên bản bắt giữ được chiếu trên truyền hình, anh Bình viết rằng “Tôi không đồng ý vì công an Nghệ An đã đánh đập và bắt tôi trái luật.”
Nguyễn Nam Phong, 37 tuổi, làm tài xế cho Linh mục Nguyễn Đình Thục. Anh bị công an tỉnh Nghệ An bắt giữ hồi tháng Mười một căn cứ trên một sự việc xảy ra từ ngày 14 tháng Hai năm 2017, khi hàng trăm giáo dân giáo xứ Song Ngọc đi đến Tòa án Nhân dân huyện Kỳ Anh ở tỉnh Hà Tĩnh để nộp đơn kiện Formosa. Vụ việc đã bị chính quyền địa phương giải tán và nhiều người cho biết đã bị bắt giữ hoặc bị hành hung.
Khi những người tham gia biểu tình đang bị giải tán, Nguyễn Nam Phong đang lái xe chở một số giáo dân khác, trong đó có Hoàng Đức Bình thì bị nhiều người mặc thường phục và cảnh sát mặc sắc phục bao vây quanh xe và yêu cầu anh mở chốt khóa cửa xe. Sau này, Linh mục Nguyễn Đình Thục viết trong một lá đơn công khai đề nghị được ra làm nhân chứng về vụ việc này, rằng chính mình đã gọi điện yêu cầu Nguyễn Nam Phong không mở cửa xe vì lo cho sự an toàn của những người trong xe, và Nguyễn Nam Phong đã làm theo lời ông. Rốt cuộc, công an cho cẩu cả chiếc xe cùng với các hành khách bên trong đi.
Hơn 100 nhà hoạt động hiện đang bị giam giữ ở Việt Nam vì đã bày tỏ quan điểm phê phán chính quyền, tham gia các cuộc biểu tình ôn hòa, gia nhập các nhóm tôn giáo không được chính quyền phê chuẩn, hoặc tham gia các tổ chức dân sự hay chính trị bị Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền cho là nguy cơ đối với quyền lực độc tôn của mình. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói rằng Việt Nam cần phóng thích họ vô điều kiện và sửa đổi tất cả các điều luật có nội dung hình sự hóa hành vi bày tỏ chính kiến ôn hòa.
“Không có dấu hiệu nào cho thấy Việt Nam đang giảm tốc đợt đàn áp căng thẳng nhằm vào các nhà hoạt động nhân quyền trong 14 tháng qua,” ông Brad Adams phát biểu. “Các nhà tài trợ và đối tác thương mại quốc tế cần lên tiếng mạnh mẽ về những vi phạm này.”

Muốn đọc thêm tin, bài của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền về Việt Nam, vui lòng truy cập:http://www.hrw.org/vi/asia/vietnam

Muốn có thêm thông tin về tù nhân chính trị Việt Nam, vui lòng truy cập:

Muốn có thêm thông tin, vui lòng liên hệ:Ở Brussels, Brad Adams (tiếng Anh): +1-347-463-3531 (di động); hay email: adamsb@hrw.org. Twitter: @BradMAdams
Ở Washington, DC, John Sifton (tiếng Anh): +1-646-479-2499 (di động); hay email: siftonj@hrw.org. Twitter: @johnsifton
Ở Brussels, Phil Robertson (tiếng Anh, tiếng Thái): +1-917-378-4097 (di động), hay email: robertp@hrw.org. Twitter @Reaproy

No comments:

Cận vệ Chủ tịch nước Lương Cường bị tố 'lạm dụng tình dục': phản ứng của các bên

Hình ảnh,Phiên tòa xét xử vụ tố cáo lạm dụng tình dục được tường thuật trực tiếp trên đài truyền hình tại Chile. Trong hình: Nhân viên an ni...