Ông Carlyle Thayer, Giáo sư Học viện Quốc phòng Australia (VnMedia) - Các chuyên gia nước ngoài cho rằng sẽ không có công ty nào mạo hiểm nhận thầu các lô dầu khí Trung Quốc. Việc mời thầu này của Trung Quốc được cho là hành động trả đũa đối với Luật Biển của Việt Nam.
Ngày 28/6, phát biểu tại Hội thảo quốc tế về Biển Đông do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tổ chức tại Washington (Mỹ), Thượng nghị sĩ Mỹ Joe Liberman cho rằng việc Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) mời thầu thăm dò, khai thác tại 9 lô dầu khí trên Biển Đông là hành động “vô căn cứ và chưa hề có tiền lệ”.
Ông khẳng định các lô dầu khí này đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam được luật pháp quốc tế thừa nhận. Sau phát biểu của Thượng nghị sĩ Liberman, các học giả quốc tế đã thảo luận vấn đề áp dụng luật quốc tế trong việc giải quyết và kiểm soát các tranh chấp.
Ngày 27/6, cũng tại hội thảo, một số học giả quốc tế đã khẳng định rằng các lô dầu khí mà CNOOC mời thầu thăm dò, khai thác tại Biển Đông đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.
Ông Carlyle Thayer, Giáo sư Học viện Quốc phòng Australia, cho rằng Trung Quốc đã trả đũa việc Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển bằng cách mời thầu thăm dò, khai thác tại 9 lô dầu khí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Theo ông, đây là một hành động mang tính chính trị nhiều hơn là hành động có tính thương mại.
Cùng chung quan điểm trên, Tiến sĩ Bonnie Glasser, chuyên gia về châu Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cảnh báo rằng bất cứ công ty dầu khí nước ngoài nào có ý định tham gia thầu với Trung Quốc tại các lô nằm trong vùng thềm lục địa của Việt Nam đều phải thấy mức độ rủi ro rất cao và phải "suy nghĩ thật kỹ" trước khi quyết định.
Về Luật Biển vừa được Quốc hội Việt Nam thông qua, Giáo sư Thayer khẳng định đây là một "bước đi rất tích cực" vì Việt Nam muốn và cần thiết phải khai thác biển của mình. Ông nhận định đến năm 2025, một nửa Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam là từ biển, vì vậy Việt Nam cần luật biển để điều chỉnh và xác định rõ ràng nhiệm vụ của các cấp, các ngành.
Chuyên gia phân tích năng lượng châu Á Simon Powell tại Công ty Dịch vụ tài chính CLSA (Hong Kong) phân tích rõ chín lô dầu khí Tổng Công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc đòi mở thầu thực ra khó có thể thu hút các công ty nước ngoài. Ông phân tích đầu tư khai thác ở chín lô dầu khí này chắc chắn sẽ không có lãi bởi cần phải đầu tư lớn để đặt đường ống dẫn khí từ chín lô dầu khí này vào đất liền Trung Quốc với khoảng cách khá xa trong khi giá khí đốt hiện nay ở Trung Quốc lại rẻ.
Theo tờ Wall Street Journal, chuyên gia Laban Yu, thuộc Công ty Đầu tư chứng khoán và ngân hàng Jefferies Hong Kong Ltd., cho rằng chính phủ Trung Quốc đã sử dụng Tổng Công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc như công cụ phục vụ cho mục đích chính trị của Trung Quốc.
Ông nhận định tuyên bố mở thầu chín lô dầu khí của Tổng Công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc chỉ có thể hiểu là bước thăm dò xem Trung Quốc có thể mở rộng tuyên bố chủ quyền tới đâu ở biển Đông hơn là vì lý do kinh tế. Ông cho rằng sẽ không có công ty dầu khí nước ngoài nào mạo hiểm nhận thầu tại khu vực này.
Tờ Wall Street Journal cho biết phát ngôn viên của tập đoạn CNOOC vắng mặt và họ không thể liên hệ để có lời bình luận từ CNOOC.
Linh Linh - (tổng hợp)
Nam Yet chuyen
No comments:
Post a Comment