Bài: Trangđài Glassey-Trầnguyễn
Hình: Olivier Glassey-Trầnguyễn
ngày đại lễ thường niên
Khu vui chơi cho trẻ em và gia đình |
Ngày
quốc khánh vốn quan trọng đối với bất cứ quốc gia nào. Đối với người
Thụy Sĩ, kể từ năm 1891, ngày mừng Độc Lập này đánh dấu sự chính thức
hình thành và thống nhất của một Liên Hiệp, vốn được thiết lập từ năm
1291 với ba tổng Uri, Schwyz, và Unterwalden. Vào ngày này cách đây 821
năm, dân cư trong ba tổng đến với nhau, kết tình huynh đệ, và thề
nguyền sẽ luôn luôn tương trợ nhau. Sau gần 600 năm xây dựng, Liên Hiệp
Thụy Sĩ chào đời năm 1891. Trong ngày này, người Thụy Sĩ thường thổi
những loại kèn thật dài (kèn được để nằm dài trên đất, với loa kèn thật
to và cuống kèn thật nhỏ để người chơi kèn đứng thổi vào cuống), nghe
diễn văn, hát quốc ca, mặc quốc phục, rước đèn buổi tối, đốt lửa trại,
treo cờ quốc gia và cờ của các tổng (canton), thưởng thức bánh ngọt có
hình lá cờ Thụy Sĩ, nhâm nhi những món quốc hồn quốc túy như fondue và
raclette, và đốt pháo bông.
bên dòng Hudson, NY đến Swiss Park, CA
Thụy
Sĩ là một quốc gia Châu Âu có diện tích nhỏ và dân số thấp, chỉ gần tám
triệu người (so với năm 1960, chỉ có 5.4 triệu). Với một dân số thấp,
con số người Thụy Sĩ sống ở hải ngoại lại tương đối cao, khoảng 10%
tổng dân số. Ba quốc gia với số người Thụy Sĩ nhập cư cao nhất là Pháp
(với 25% dân số Thụy Sĩ hải ngoại), Đức (khoảng 11%), và Hoa Kỳ.
Tuy
vậy, dù ở nơi nào, người Thụy Sĩ cũng quây quần lại để mừng ngày Quốc
Khánh và gặp gỡ nhau. Ở Nữu Ước, Hội đồng hương Thụy Sĩ cũng tổ chức
Hội chợ mừng Quốc Khánh ngay bên cạnh dòng sông Hudson trong những công
viên rộng lớn. Ở tiểu bang này còn có những nhóm người Thụy Sĩ tổ chức
các sinh hoạt trượt tuyết, leo núi, và trại hè thanh thiếu niên hằng
năm. Các tổ chức của người Thụy Sĩ hải ngoại đều hướng về việc đưa con
em sinh đẻ ở xứ người về lại quê cha đất tổ, nhất là để giữ gìn văn hóa
và ngôn ngữ qua những chương trình kéo dài hàng tuần. Tại Nam
California, Hội đồng hương Thụy Sĩ có óc tổ chức nên đã gầy dựng được
cả một khuôn viên và cơ sở riêng cho mình, gọi là Swiss Park Inc. và
Banquet Hall tại Whittier.
thử thách trong và ngoài
Tuy
nhiên, có được một “Swiss Park” như ngày hôm nay là kết quả của những
trầm kha và thử thách. Ông Ueli Burkhardt kể lại, “Hai mươi năm trước,
mọi người đã bỏ cuộc. Tổ chức của chúng tôi bị nợ nần tứ giăng vì không
biết quản lý tài chính và không có kinh nghiệm kinh doanh.” Đó cũng
chính là thời điểm ông Ueli, đương kim Thư Ký Tài Chính (Financial
Secretary) của Swiss Park Inc., quyết định gia nhập Hội và giúp Hội
xoay ngược từ chỗ nợ nần đến tình trạng phồn thịnh. “Giữ được Swiss
Park đến ngày hôm nay là phần thưởng lớn nhất cho tôi,” ông nói.
Vốn
là chủ nhân của một công ty sản xuất dụng cụ tại Nam California, nên dù
không là một chuyên viên tài chánh, ông Ueli lại có khả năng điều hành
và tổ chức doanh nghiệp. Ông đề nghị giao Banquet Hall của Hội cho một
công ty chuyên về quản lý để họ cho thuê trong các sinh hoạt họp mặt và
cưới hỏi. Hội Swiss Park Inc. nhận được một phần huê hồng từ lợi nhuận
này. Với số tiền này, cộng với nhiều nổ lực gây quỹ khác, Hội dần dần
trả dứt nợ, và mở rộng những chương trình công ích, nhất là giúp đỡ
người cao niên.
Hiện
nay, thử thách lớn nhất của Hội là việc duy trì văn hóa. Trong ngày
Swiss Fair năm nay chẳng hạn, Hội đã không có dịp bán Rivella, một thức
uống ưa thích của người Thụy Sĩ, vì FDA không cho phép nhập như những
năm trước. Hơn nữa, Hội cũng muốn mời những tài năng trẻ từ Thụy Sĩ đến
trình diễn, nhưng vì luật lệ di dân ngày càng gắt gao tại Hoa Kỳ, Hội
đã không thể xin hộ chiếu cho những tài năng này được thi thố với cộng
đồng hải ngoại. Ông Ueli nói, “Thế hệ chúng tôi ngày mỗi già đi, mà
không có cách gì đưa những nhạc công trẻ, vốn được huấn luyện về dân
nhạc Thụy Sĩ tại quê nhà, đến đây để giúp giới trẻ Thụy Sĩ tại Mỹ có được món ăn tinh thần này.”
như ngày Tết Nguyên Đán
Tuy
ngày quốc khánh thường mang tính lịch sử và chính trị đối với một nước,
tôi lại cảm thấy Swiss Fair có vẻ gần với ngày Tết Nguyên Đán của người
Việt hải ngoại. Thứ nhất, đây là một ngày lễ đậm nét văn hóa, từ ẩm
thực đến giải trí, từ cách tổ chức đến cách trang hoàng, từ việc sử
dụng tiếng mẹ đẻ (Thụy Sĩ có bốn vùng ngôn ngữ: Pháp, Đức, Ý, Romansh)
cho đến trang phục, từ không khí trung lập – hòa bình cho đến những tổ
chức văn hóa hiện diện tại các quầy thông tin. Ngay cả các trò chơi
cũng mang âm hưởng một tuổi thơ Thụy Sĩ, như trò chơi crossbow shooting
– có lẽ cũng phổ cập như trò đánh trổng đối với trẻ em Việt Nam.
Một gia đình nói tiếng Việt đưa nhau đi Hội Chơ
Thứ
hai, Hội chợ Thụy Sĩ có nhiều điểm phản ánh đời sống điền dã, vốn là
một đặc thù của nếp sống địa phương, làng xã rất phổ cập ở quốc gia
này. Tất cả mọi thứ đều được làm bằng tay, từ các sản phẩm thủ công đến
áo quần truyền thống, và nhất là những món bánh ngọt rất dễ ghiền. Nó
cho người ta cái cảm giác thân mật, gần gũi của một ‘bếp nhà’ và ‘món
ngon Mẹ nấu.’ Hơn nữa, nhờ có công viên xanh mát phía trong, nhiều gia
đình có chỗ để vui chơi ăn uống với nhau, tạo nên một hình ảnh thân
thiết và đầm ấm.
Thứ
ba, đây là ngày lễ mà mọi người mặc những bộ quần áo đẹp nhất, khoác
lên những nụ cười hân hoan nhất, và có lẽ họ cũng cảm thấy mình “Swiss”
nhất trong ngày này. Trẻ con xinh xắn trong những bộ áo cổ truyền có
hoa văn từ miền núi Alps, đặc biệt là hoa xuyên tuyết Edelweiss. Các
phụ nữ mặc những chiếc váy theo từng địa phương. Đây là điều mà tôi đặc
biệt ngưỡng mộ ở dân tộc Thụy Sĩ: họ vẫn theo kịp dòng phát triển khoa
học kỹ thuật và thông tin của thế giới, nhưng vẫn giữ cho mình những
nét văn hóa cố hữu được truyền từ nhiều đời.
Phải
chăng sự trung lập và khả năng duy trì hòa bình đã tạo điều kiện cho
dân tộc Thụy Sĩ giữ được nếp sống và bảo tồn văn hóa một cách triệt để
như vậy? Đây cũng là quốc gia đứng đầu thế giới với con số người đoạt
giải Nobel cao nhất. Nhưng cho dù lý do sâu xa là gì đi nữa, thì việc
giữ gìn văn hóa của người Thụy Sĩ vẫn là một nét đẹp và điều cần giữa
dòng văn hóa toàn cầu hiện nay. Ông Ueli ‘huy động’ cả tam đại của mình
đến làm thiện nguyện tại Swiss Park và Swiss Fair, khiến tôi liên tưởng
đến nét sinh hoạt ‘cha truyền con nối’ của người Việt, để văn hóa và
thuần phong mỹ tục được trao truyền và tiếp nối từ đời này sang đời
khác, nhất là phong tục mừng Xuân hằng năm.
Vừa thưởng thức raclette, vừa nghe nhạc cổ truyền, vừa hàn huyên với bạn bè
Thứ
tư, đây là dịp quy tụ thiêng liêng và vui nhộn nhất của người Thụy Sĩ
hải ngoại, và đã được mở rộng ra cho dân chúng địa phương. Hằng năm, có
khoảng 2.5 ngàn người đến dự Swiss Fair tại Whittier. Tuy đa số người
tham dự có gốc Thụy Sĩ, rất nhiều dân cư trong vùng thuộc những sắc tộc
khác cũng đến dự. Đi một vòng Hội chợ, tôi nghe được tiếng Việt, tiếng
Tây Ban Nha, tiếng Hoa Phổ Thông, và một số thổ ngữ Phi Châu (và một số
thứ tiếng khác mà tôi không biết). Dĩ nhiên tiếng Anh vẫn được sử dụng
rộng rãi, nhưng những thiện nguyện viên cũng như tham dự viên gốc Thụy
Sĩ vẫn dùng bốn ngôn ngữ mẹ đẻ với nhau (Pháp, Ý, Đức, Romansh).
Tại
Hội Xuân Nguyên Đán ở Nam California, nhất là Little Saigon ở Quận Cam,
người ta vẫn thấy nhiều người du Xuân trẩy hội không phải là người gốc
Việt. Những bàn tiệc văn hóa và hội hè sắc tộc giúp con người đến gần
nhau hơn, và trong một xã hội linh động và cởi mở như Nam California,
‘bếp nhà’ Thụy Sĩ vẫn mang cho tôi một thoáng rung động của chái bếp
Việt Nam thưở nào, khi tôi ngồi chờ món bánh tét trứ danh của Bà Ngoại
đang tỏa hương trên bếp củi của một xứ nghèo miền Tây, đón giao thừa.
Trangđài Glassey-Trầnguyễn
No comments:
Post a Comment