Friday, July 13, 2012

Đụng độ tàu Trung - Nhật ở vùng biển tranh chấp

Ba tàu tuần tra của Trung Quốc đã có cuộc đối đầu gay gắt với tàu của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản ở khu vực gần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Vụ việc xảy ra sáng sớm ngày hôm qua (12/7) đang có nguy cơ đẩy mối quan hệ căng thẳng Trung-Nhật vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng hơn.


Vụ va chạm bắt đầu lúc khoảng 4h sáng qua theo giờ Tokyo khi một tàu tuần tra của Trung Quốc tiến vào khu vực cách đảo Sankaku khoảng 22km, xâm nhập vào phần lãnh hải mà Nhật Bản coi là thuộc chủ quyền của nước này. Hai tàu khác của Trung Quốc sau đó cũng xuất hiện trong khu vực và một trong hai con tàu này tiếp tục xâm phạm vùng lãnh hải của Nhật Bản, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản cho biết.

3 tàu của Trung Quốc đã ở khu vực tranh chấp với Nhật Bản suốt 4 giờ đồng hồ. Những con tàu đó chỉ rời đi sau khi liên tục nhận được cảnh báo từ phía các quan chức của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản và sau khi đưa ra những lời nói đầy khiêu khích.

"Các tàu thuyền của chúng tôi đang tiến hành nhiệm vụ tuần tra chính thức trong khu vực lãnh hải của Trung Quốc. Đừng có cản trở. Hãy rời lãnh hải của Trung Quốc ngay lập tức", một tàu của Trung Quốc đã nói như vậy sau khi nhận được lời cảnh báo từ phía Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản.

Tình hình có vẻ nghiêm trọng khi văn phòng của Thủ tướng Nhật Bản thành lập hẳn một ban liên lạc trong Trung tâm Quản lý Khủng hoảng.

Về phía mình, Trung Quốc cho rằng, 3 tàu thuyền của họ gồm tàu Yuzheng-202, Yuzheng-204 và Yuzheng-35001 đang có “chuyến đi tuần tra định kỳ” đến đảo Điếu Ngư/Senkaku thì đụng độ với tàu của Nhật Bản. Tờ Tân Hoa xã – hãng thông tấn chính thức của nhà nước Trung Quốc, cho biết, các tàu của Trung Quốc đến khu vực đảo tranh chấp từ lúc khoảng 2h sáng. Trong khi đó, tàu của Nhật Bản được phát hiện lúc khoảng 9h45 khi tàu Yuzheng-204 cử người lên một tàu cá của nước này neo đậu gần đó để kiểm tra độ an toàn của tàu.

"Đảo Điếu Ngư và những hòn đảo nhỏ xung quanh đó là một phần lãnh thổ của Trung Quốc từ thời xa xưa. Các tàu thuyền tuần tra của chúng tôi đang thực hiện nhiệm vụ bình thường nhằm bảo vệ các hoạt động đánh bắt cá trong vùng lãnh hải Trung Quốc. Xin đừng can thiệp vào và hãy rời khu vực ngay lập tức”, tàu Trung Quốc đã nói như vậy với tàu Nhật Bản sau khi nhận được tín hiệu cảnh báo từ phía Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản.

3 tàu của Trung Quốc sau đó đã tập hợp lại thành nhóm và tỏ thái độ thách thức bằng cách tiếp tục đi tuần tra khu vực. Cục Quản lý Hàng hải Trung Quốc đã đưa các khu vực gần đảo Điều Ngư vào danh sách những điểm tuần tra liên tục kể từ năm 2010.

Trong cuộc đối đầu lớn ở khu vực đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư năm 2010, Trung Quốc từng phái đi một tàu tuần tra khổng lồ có khả năng mang theo cả trực thăng.

Tái diễn vụ đối đầu năm 2010

Vụ việc xảy ra ngày hôm qua khiến nhiều người lo ngại về khả năng tái diễn cuộc đối đầu căng thẳng năm 2010. Cuộc khủng hoảng quan hệ Trung-Nhật năm đó từng gây ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động thương mại, đầu tư và du lịch song phương trong nhiều tháng trời. Nhiều người còn nghĩ đến viễn cảnh tồi tệ hơn. Đó là, đại diện của Trung Quốc sẽ đến một trong những đảo tranh chấp và gây ra một cuộc xung đột bạo lực.

Trung Quốc và Nhật Bản đang rơi vào một cuộc khẩu chiến gay gắt trong nhiều ngày nay kể từ sau khi Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda tuyên bố trước báo giới rằng, ông đang cân nhắc khả năng quốc hữu hóa một vài đảo thuộc chuỗi Sensaku/Điếu Ngư để tăng cường khả năng kiểm soát đối với các đảo này.

Ngay hôm thứ Hai đầu tuần (9/7), Bắc Kinh đã lên tiếng cảnh báo, Tokyo đừng “đùa với lửa”. Bắc Kinh nhấn mạnh, không ai được phép mua bán lãnh thổ thiêng liêng của Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục áp dụng những “biện pháp cần thiết để kiên quyết bảo vệ đến cùng chủ quyền lãnh thổ”

Cả Bắc Kinh và Tokyo đều đòi chủ quyền đối với một quần đảo ở biển Hoa Đông mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, còn Nhật Bản thì gọi là Senkaku. Chùm đảo này nằm giữa Nhật Bản và Đài Loan. Cuộc tranh chấp xung quanh quần đảo Senkaku là nguyên nhân chính dẫn đến mối quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản trong nhiều thập kỷ nay. Senkaku là quần đảo có nguồn cá dồi dào và có thể có cả dầu mỏ. Quần đảo này gần với các tuyến đường biển quan trọng.

Hồi tháng 9/2010, Nhật Bản từng bắt giữ một thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc ở khu vực gần đảo Senkaku. Vụ việc này đã đẩy quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản vào tình trạng căng thẳng nghiêm trọng nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Sau khi Nhật Bản bắt giữ thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc, Bắc Kinh đã nổi giận tung ra một loạt các biện pháp đáp trả như thắt chặt các hạn chế thương mại, huỷ các cuộc tiếp xúc, trao đổi về văn hoá, chính trị... giữa hai nước. Đặc biệt, Trung Quốc còn tuyên bố ngừng việc xuất khẩu đất hiếm sang nước láng giềng. Đất hiếm rất quan trọng đối với hoạt động sản xuất công nghệ cao ở Nhật Bản.

Cuộc khủng hoảng trên sau đó đã được giải quyết khi Nhật Bản thả thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc. Tuy nhiên, hai nước này vẫn thỉnh thoảng lại lục đục với nhau vì cuộc tranh chấp ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Gần đây, Tokyo có nhiều động thái thể hiện thái độ thách thức Bắc Kinh trong vấn đề đảo Senkaku/Điếu Ngư như tổ chức một cuộc thi câu cá ở đảo này hay đưa người ra thăm đảo.

Sau vụ đụng độ ngày hôm qua, hai nước Trung, Nhật tiếp tục dùng những ngôn từ mạnh mẽ để chỉ trích lẫn nhau và để khẳng định chủ quyền đối với đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Nam Yết chuyển

No comments:

Hình Ảnh Hội Cửu Long Cử Hành Tưởng Niệm Ngày Hoàng Sa Jan 19 2025

  https://photos.app.goo.gl/xyeih9uC9VaU3eGx6