Saturday, December 29, 2012

Hành Quân Vào Tam Giác Sắt


Tiến phong đỉnh hay Thiết giáp đỉnh
Phan Lạc Tiếp
Lời tựa:
Cuộc chiến Việt Nam đã tàn gần một phần tư thế kỷ, nhưng nỗi đau về cuộc chiến ấy vẫn còn, nhất là đối với quân dân miền Nam. Nhiều tổ chức, nhiều quân binh chủng VNCH đã bắt đầu cố gắng ghi lại một giai đọan đắng cay cũ. HQVNCH cũng đã bắt đầu. Đây là một bài viết về cuộc hành quân phối hợp Việt Mỹ, mà Hải Quân đóng vai trò đón dân, trong tinh thần Tâm Lý Chiến Dân Sự Vụ, người viết đã tham khảo các tài liệu về phía Hoa Kỳ, tài liệu của Hà Nội và nhớ lại những điều chính mình đã tham gia, đã chứng kiến. Trước khi các bài này được chuyển ngữ và in thành sách, người viết rất ao ước được đón nhận những góp ý, những bổ túc cho tập tài liệu được chính xác và phong phú hơn.
Phan Lạc Tiếp.
Sau khi Đệ Nhất Cộng Hòa bị lật đổ, hàng loạt những biến động chính trị theo nhau diễn ra. Trong khi đó phía Cộng sản Bắc Việt ồ ạt đổ quân vào Miền Nam, khởi đầu cho những cuộc đánh lớn. Trước hoàn cảnh ấy, Quân đội Mỹ cũng đã ào ạt đổ quân vào Miền Nam, và giữ vai trò lùng và diệt, đẩy QLVNCH vào vai trò bình định. Để mở rộng vòng đai an ninh cho thủ đô Sài gòn, Mỹ đã lần lượt có những cuộc hành quân to lớn, quy mô, đánh thẳng vào các mật khu Việt Cộng. Hành Quân Attleboro, khai diễn từ 19 tháng 9 đến 25 tháng 11 năm 1966, mục tiêu là chiến khu Dương Minh Châu. Hành Quân Cedarfall, khai diễn từ ngày 8 đến 26 tháng 1 năm 1967, mục tiêu là Tam Giác Sắt. Sau đó là cuộn hành quân Junction City khai diễn từ ngày 22 tháng 2 đến ngày 14 tháng 5 năm 1967, mục tiêu là trở lại hủy diệt chiến khu Dương Minh Châu. Các cuộc hành quân đó đã đem lại kết quả nào, vai trò của Quân Lực Mỹ tại Việt Nam ra sao... Đó là những vấn đề rộng lớn, đòi hỏi nhiều sưu tầm nhận định.

Để góp một cái nhìn về vai trò lùng và diệt của Quân Lực Mỹ, người viết xin được ghi lại một số dữ kiện cụ thể, chính mình đã chứng kiến qua cuộc hành quân Cedarfall, đánh vào Tam Giác Sắt
Tam Giác Sắt dược định trên bản đồ hành quân bởi ba điểm: Bầu Bành, Bến Súc và Củ Chi, rất sát Sài Gòn, và chính con sông Sài Gòn, ở thượng dòng đã chảy qua mật khu này, tất nhiên cuộc hành quân trên con sông huyết mạch và nguy hiểm này thuộc Hải Quân Vùng 3 Sông Ngòi . Lúc ấy vị đại diện Hải Quân bên cạnh Trung tướng Lê Nguyên Khang, Tư Lệnh Quân Đoàn III, là Hải Quân Thiếu Tá Trần Bình Sang.
Mục đích của cuộc hành quân này, như tài liệu của Cộng Sản ghi lại là tiêu diệt các bộ phận chủ lực quân Việt Cộng, gồm Trung Đoàn 272, Tiểu Đoàn 1 và 7 của Quân Khu IV, Tiểu Đoàn địa phương Phú Lợi, và 3 Đại Đội địa phương. Cuộc hành quân này có trên 40 ngàn quân Việt Mỹ và Đồng Minh, với sự hỗ trợ rất đầy đủ của Không Quân tại nôi địa Việt nam, cũng như phát xuất từ Đệ Thất Hạm Đội và từ Thái Lan. Riêng Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa có nhiều Giang Đoàn Xung Phong được tăng phái với mục đích đón dân từ vùng Tam Giác Sắt về Trung Tâm Định Cư tại Bình Dương. Đoàn Tâm Lý Chiến Dân Sự Vụ thuộc BTL Hải Quân Sài Gòn được đặc biệt tháp tùng đoàn chiến đĩnh này để đón, hỗ trợ,an ủi dân trên đoạn đường từ Bến Súc đến Bình Dương. Người viết bài này lúc dó là Trưởng Đoàn Tâm Lý Chiến Dân sự Vụ.

Về phía Cộng Sản, họ ghi nhận rằng: Mỹ có 6 Lữ Đoàn Bộ Binh, 1 Trung Đoàn Thiết Giáp. Phía Quân lực VNCH có 8 Tiểu Đoàn Bộ Binh, 4 Tiểu đoàn Thiết Giáp. Tám đến 10 Tiểu đoàn Pháo Binh 105,155mm. Không quân chiến thuật chi viện 1300 lần/chiếc, B52 72 lần/chiếc. Đặc biệt có 4 Tiểu Đoàn Công Binh Mỹ với 50 xe ủi đất.

Diễn tiến cuộc hành quân này, Cộng Sản Bắc Việt đã ghi lại trong cuốn sách nhan đề Cuộc Chiến Tranh Xâm Lược Thực Dân mới của Đế Quốc Mỹ ở Việt Nam, do Viện Lịch Sử Quân Sự Việt Nam, Bộ Quốc Phòng, Hà Nội , xuất bản năm 1991, tác giả là Hải Như Quang, người chịu trách nhiệm xuất bản là Đại Tá Trần Hạnh, trang 139, nguyên văn như sau:
"Đầu tháng 1 năm 1967, sau những chuyến bay trinh sát, rải hóa chất độc xuống Thi Tính , Hố Mường, Vàm Cỏ Đông, máy bay B52 rải thảm khu vực Cần Xe, Tràng Cỏ, Hố Bò, Đôn Thuận, địch triển khai lực lượng chiếm lĩnh các địa bàn Gò Dầu Hạ, Dầu tiếng, Bảo đồn, Thới Hòa, rừng Thanh Điền, tạo thế bao vây "Tam Giác Sắt". Tiếp đó địch tiến sâu vào căn cứ, trọng điểm là Long Nguyên, Hố Bò. Chúng kết hợp phi pháo, máy bay B 52, lữ dù ngụy, các đơn vị công binh và hóa học Mỹ triệt phá Bến Súc, xúc dân. Cùng phối hợp hoạt động, quân ngụy càn quét đường số 13 từ Thủ dầu một đi Bến Cát. Từ ngày 24 đến ngày 26 tháng 1, cuộc hành quân kết thúc. Đây là cuộc hành quân đánh phá căn cứ kết hợp với gom dân, xúc tát dân quy mô lớn bằng thủ đoạn cướp sạch, đốt sạch, phá sạch nhưng kết quả vẫn không như chúng mong muốn. "


* * * * *

Để có một cái nhìn cụ thể về phía Quân lực VNCH, nhất la vai trò của Hải quân trong nhiệm vụ đón dân, chúng tôi xin trích lại một đoạn trong cuốn bút ký Bờ Sông Lá Mục, mà người viết đã tham dự cuộc hành quân này ghi lại.

* * * * *

Đoàn chiến đĩnh trên 50 chiếc đủ loại, thuộc nhiều giang đoàn tăng phái, tham dự cuộc hành quân vào vùng ''cấm điạ'' Tam Giác Sắt, thuộc tỉnh Bình Dương. Cuộc hành quân đã khai diễn ngay sau mấy ngày Tết, đâu giưã tháng 2 năm 1966. Đây là một cuộc hành quân quy mô, tiêu biểu và rất to lớn, có tới trên 40.000 quân bộ chiến Việt Mỹ tham dự. Đây cũng là cuộc hành quân mở đầu cho vai trò Lùng và Diệt cuả Quân Đội Mỹ; và Bình Định do Quân Lực VNCH phụ trách. Đặc biệt trong cuộc hành quân này, tuyệt đối không có một thông tín viên nào được phép tham dự, dù là Mỹ hay Việt, dân sự hoặc quân sự. Tôi với tư cách Trưởng Đoàn Tâm Lý Chiến Lưu Động thuộc Bộ Tư Lệnh Hải Quân, tham dự với nhiệm vụ hỗ trợ dân chúng rời khu vực hành quân, bằng các chiến đĩnh Hài Quân, và trao họ lại cho anh em Bộ Binh khi đoàn tầu về đến Bình Dương.
http://iamfotografie.files.wordpress.com/2012/07/photo9.jpg?w=479
Giang soái đĩnh Commandement.

Cuộc hành quân quy mô và to lớn ấy khai diễn đã mấy ngày, đoàn chiến đĩnh mới được phép tiến vào vùng trách nhiệm. Khởi hành từ bến tầu Bình Dương vào lúc 4 giờ sáng, di chuyển ngược lên thượng giòng cưả sông Sài Gòn. Từ Phòng Hành Quân cuả chiếc Monitor Command( Soái Đĩnh), trên hải đồ tôi thấy hình ảnh con sông Sài Gòn uốn khúc lòng vòng rất nhiều. Càng lên thượng giòng lòng sông càng hẹp, và bên mặt là rừng và núi. Cầm ly cà phê nóng trên tay, tôi đi ra phiá mũi tầu, bước những bước thật chậm vì sợ trượt sương. Tới gần mũi tầu, tôi tụt xuống ngồi tưạ lưng vào thành sắt cuả khẩu đại bác 20 ly đôi. Gió lạnh. Trời đầy sương. Tiếng máy tầu ầm ầm rền rĩ. Những tia đèn pin mầu đỏ loang loáng vây vẫy lập loè. Tôi nhớ lại mới mấy tháng trước đây thôi, cũng những chiếc tầu như thế này, cũng không khí nặng nề câm nín và kinh khiếp như không khí này cuả Giang Đoàn 21 và 27 Xung Phong ở Mỹ Tho. Ở đó tôi đã tham dự và chứng kiến nhiều điều thật là xúc động... Đang miên man nhớ lại thì Bác sĩ Nguyễn Thái Lai bước tới. Tay ông cũng cầm ly cà phê. Ông nói:
-Tìm ông mãi.
Tôi ngước nhìn lên. Trời đã sáng. Khuôn mặt Bác Sĩ Lai sáng ngời, đôi mắt long lanh qua làn kính. Tôi nói:
-Xuống đây. Bác Sĩ Lai từ từ bước xuống, và nói:
-Sao không ở phòng chỉ huy cho vui và an toàn. Tôi cười nói:
-Xuống đây . Trong đó chật. Để họ làm việc. Hơn nưã ở đây an toàn hơn.
-Sao?
-Đã đi hành quân, sống chết có số. Nhưng ở đây có nhiều cái hay lắm.
-Sao? Ông nói cho tôi nghe.
-Ngồi ở đây, mát, thoáng, dễ chịu. Và chẳng may ''bà thuỷ cười'' một buá, tầu tung lên, ở đây mình có hy vọng văng lên bờ. Còn ở trong đó thì hoặc chìm theo tầu, hoặc đập đầu vào thành sắt...
-Hay , ông nói có lý, còn gì nưã?
-Nếu tụi nó dùng B40, thì bao giờ nó cũng nhắm vào đài chỉ huy, nơi có cái cần câu lêu nghêu..
-Hay.
-Và quan trọng hơn hết. Mình không có nhiệm vụ điều khiển tầu, thì ''đi ra chỗ khác chơi'' cho họ rộng chỗ làm việc. Và chẳng may họ có bị, thì mình còn sống để thay thế chứ.
-Hay.
-Thôi khen vưà thôi. Ông mà nghe tụi em ở Giang Đoàn nó nói còn nhiều cái hay hơn nhiều. Kinh nghiệm máu mà ông.

Tiền phong đĩnh Monitor.

Lúc đó trời đã sáng hẳn. Độ bảy giờ sáng. Cách bờ sông vài mặt ruộng, cứ độ một cây số, lại có một trailer dài, do một Chinook câu tới: Một nhà hàng lưu động, từ Hạm Đội 7, ngoài khơi Vủng Tàu, đem đồ ăn sáng cho lính Mỹ. tôi lấy ống nhòm quan sát. Lính Mỹ, đa số nằm ở vị trí tác chiến, nhưng một số nhỏ, lần lượt xếp hàng vào lấy đồ ăn sáng. Các chú cooks áo khoác trắng, mũ trắng cao lêu nghêu , như các tay đầu bếp hạng sang tại các nhà hàng lớn, phân phối thực phẩm nóng cho lính Mỹ. Tôi đưa ống nhòm cho Bác Sĩ Lai coi. Nhìn xong ông nói:
-Mẹ! Đánh nhau cái kiểu này lạ nhỉ.
-Nhìn sâu vào phiá xa, là rừng. Rụng cây trắng xoá. Cây trơ cành và vướng đọng những sương. Đẹp quá. Bác Sĩ Lai lại nói:
-Như tranh tầu.
-Mà ông có biết tại sao sương đẹp như thế không?
-Vì rừng cây không có lá.
-Đúng. Mà tại sao?
-Tại thuốc khai quang.
-Bộ họ rải thuốc cả cánh rừng mênh mông như thế kia à?
-Vâng. Họ rải thuốc cho cây rừng chết, Việt Cộng hết chỗ ẩn thân. Giưã lúc ấy, những đoàn trực thăng bay vần vũ trên đầu, bao quanh khung trời có đoàn tầu chạy dưới. Tôi nói với Bác Sĩ Lai:
-Mình vào vùng cấm điạ rồi đấy. Và ông thấy không, lúc này mà nó bắn, mình chỉ có quyền dùng súng nhỏ thôi. Các loại súng có tầm bắn xa và đạn có đầu nổ như 12 ly 7, 20 ly, 40 ly không xài được.
-Sao vậy?
-Ông không thấy sông Sài Gòn đang quằn qoại uốn khúc đó sao?
-Thì nó quằn qoại càng đẹp chứ.
-Nhưng các khúc vòng gần nhau quá, có chỗ chưa quá 500m. Vì thế mình ỷ súng lớn, đạn nhiều nhắm mắt mà bắn cho đỡ sợ, thì mình bắn vào mình, vào các tầu khác.
-Hay.
-Hay mẹ gì ông ơi.
-Tôi đang nhớ lại khúc sông vòng vèo tại Rạch Ba Rài, Cai Lậy, hôm 29 tháng 9 vưà qua, nó phục kích mình tại đó. Nó chết bộn mà mình cũng ê càng.
-À! Trận đánh có đăng trên báo Tiền Tuyến, ông viết lại mà.
-Đúng. Đó là nhiều nét đẹp, nhiều điều cần nói ra. Còn các điều không nên nói ra..
-Ông...
-Do đó, đi sông, tôi sợ nhất sông uốn khúc. Lại sợ hơn nưã, là sông có bờ núi cao. Nó ở trên, mình ở dưới. Hạ sách nó lấy đá lăn xuống mình cũng tiêu, huống hồ nó đặt mìn phục kích.
-Nghe tới đó, Bác Sĩ Lai nhìn ra xung quanh. Quả nhiên đoàn tầu mấy chục chiếc cứ uốn khúc như muá rối. Và bên hữu ngạn núi đã bắt đầu xây thành sát mé sông. Bác sĩ Lai nói:
-Thế ra mình đang đi vào đất địch, với tất cả cái hiểm nghèo, hạ sách nhất phải không ông?
-Đúng nhưng ông đừng lo. Sôùng chết có số. Hơn nưã, nếu có bị tấn công, các máy bay trực thăng sẽ làm nhiệm vụ không yểm.

Càng đi vào sâu, lòng sông càng hẹp. Vách núi sát bờ nước, với những xác người bị dồn sát vào bên núi, có xác đàn ông, phần lớn và cũng có đàn bà và trẻ nhỏ. Nhìn những tử thi, Bác Sĩ Lai như có ý chùn lại. Mặt ông lạnh tanh. Lúc ấy từ trên đỉnh trời, mấy chiếc L19 đang thả cả rừng truyền đơn xuống. Các truyền đơn bay lao xao như lá rừng. Một số rơi vào lòng tầu. Tôi nhặt lên, đọc :'' Thưa đồng bào. Để loại trừ Việt Cộng ra khỏi dân chúng, đem lại an ninh cho đồng bào, Quân Lực VNCH và Quân Lực Đồng Minh đang bao vây vùng Tam Giác Sắt. Đồng bào sẽ được di chuyển tạm thời về vùng an ninh. Sau khi thanh lọc Việt Cộng ra khỏi dân chúng, đồng bào sẽ được tái định cư''.(2)

Độ 10 giờ trưa, đoàn tầu đã tới Bến Súc. Nơi đây , các chiến đĩnh ủi bãi, mở cưả đổ bộ để nhận dân xuống tầu. Ngoài tất cả anh em trong Đoàn Tâm lý Chiến Lưu Động thuộc Bộ Tư Lệnh Hải Quân ra, tôi còn được anh em thủy thủ đoàn cơ hữu tăng phái hỗ trợ. Đồng bào được đưa xuống tầu, ngồi xếp hàng trong lòng tầu. Ai có đồ nặng, hoặc con nhỏ đều được các anh em Hải Quân vác, bế hộ. Các cụ già được anh em dìu đi. Khi lòng tầu đã chật, tầu tạm rút ra, và cũng là lúc anh em Tâm Lý Chiến phát cho họ mền giấy và thực phẩm khô( C ration). Sau khi phân phát các phẩm vật này, các cán bộ Tâm Lý Chiến, nói rõ cho đồng bào biết mục đích cuộc hành quân tại vùng Tam Giác Sắt là loại địch ra khỏi dân...

Khi lòng tầu đã đầy, các cưả đổ bộ được kéo lên, và lần lượt vào vị trí để ra về. Dưới trời nóng mênh mông, lòng sông như rộng hơn, và tất nhiên cảnh vật rõ hơn nhiều. Vẫn những đoàn trực thăng không yểm bay quần trên đầu. Tại các khúc quanh nguy hiểm, khả nghi, máy bay bắn rocket xuống, nổ bùng. Khói bay mịt mù . Và trên đỉnh núi, vẫn có mấy chiếc máy bay L19 thả rừng truyền đơn xuống. Và miệt rừng nào đó không xa lắm, tiếng bom dội xuống rền rĩ. Hai bên bờ, lác đác vẫn có những nhà ăn lưu động, do các máy bay Chinook câu tới, để cung cấp bưã ăn trưa cho lính Mỹ. Hai bên mé sông xác người nổi lình bình. Có nhiều xác bám vào mé cỏ. Theo lượn sóng cuả tầu, các xác cũng nổ trôi lên xuống và ưá ra những làn máu tím ngắt. Dân chúng đa số là đàn bà, người già và trẻ con được ngồi kín trong lòng tầu. Có ông già ngồi giữ bát hương, đôi mắt thất thần. Có những em nhỏ ôm chặt con gà vào trong lòng.

Đoàn tầu tới Bình Dương, vào khoảng 4 giờ chiều. Dân được thả lên bờ, có đoàn Dân Sự Vụ cuả Quân Đoàn đón đợi và hướng dẫn họ về khu tạm trú. Họ được cung cấp thực phẩm.
Tại đây họ lại được thanh lọc một lần nưã. Trong khi đó các thanh niên trai tráng đã được chở đi riêng bằng máy bay, và ở một nơi riêng. Theo tin tức từ các cuộc họp hành quân, thì trong cuộc hành quân này, có rất nhiều cán bộ cao cấp cuả Việt Cộng bị bắt, trong đó có các giáo sư Nga ngữ.

Cứ như thế , sáng đi sớm, chiều về. Lộ trình vẫn là con sông Sài Gòn nhiều đoạn uốn khúc rất đẹp, nhưng cũng rất hiểm nguy. Vào ngày chót cuả công tác, dân đã hết. Tôi lang thang trong khu vực Bến Súc, thuộc phần trách nhiệm cuả một đơn vị Nhẩy Dù. Tại đây các vườn tược, đa số đã được xe ủi đất loại lớn, bằng lưỡi sắt nằm ngang, xe đi đến đâu, vườn tược phẳng tới đó, kể cả những chướng ngại như nhà, cây cối đủ loại. Mấy mảnh vườn chuối, bị cắt đã mấy ngày, các thân cũng cụt từ gốc, nay các đọt chuối lại mọc lên những cuốn lá non xanh óng ả, thẳng đùng như những cuộn nhung xanh. Tôi muốn đi xa hơn, nhưng các anh em Nhẩy Dù cản lại.. Họ nói:'' Đã cầy như thế, mà đêm đêm tụi nó từ dưới hầm mò lên còn bắn tiả bọn này. Tối nào cũng thế''. Tôi có hỏi:'' Sao không ném lựu đạn xuống cái cưả hầm''. Anh em Nhẩy Dù cười,và đưa cho tôi một trái lựu đạn khói. bảo:'' Thả xuống cái hố này đi''. Tôi đưa trái lựu đạn cho một người khác. Anh ta mở chốt, ném xuống một miệng hầm ở gần gốc cây đã cụt. Tiếng nổ ''ục'' trong đó , rồi khói bay tốc lên, từ miệng hầm, từ gốc tre, từ giưã đám tiêu giưã sân... Anh bạn Nhẩy Dù nhìn tôi cười: ''Đấy hầm như thế đấy. Đất thì rỗng, ăn sâu vào lòng núi, tụi nó nằm trong đó còn lâu mới chết đói được...''

Trong khi chờ đợi bốc toán Dân Sự Vụ cuả Quân Đoàn về, tôi tạt vào một căn nhà, nơi được dùng làm Trung Tâm Hành Quân Tiền Phương cuả đơn vị Nhẩy Dù. Trung Tá Hậu cho tôi hay:'' Còn mấy tiếng nưã là dọt, Hải Quân có muốn lấy gì thì lấy''. Tôi cười,'' Cảm ơn Trung Tá'', và ngồi ngắm toàn thể căn nhà. Một căn nhà gỗ ba gian. Các cột bằng loại gỗ quý, có lẽ là gỗ mít,thật đều, bào rất thon. Các vân gỗ đối nhau rất chỉnh. Dưới mỗi chân cột có kê một miếng đá xanh tròn. Các xà nhà cũng đều tăm tắp. Đặc biệt là cái xà ngang trên cao nhất, có một hàng chữ nho. Ngang giưã nhà, có treo một cuốn lịch tầu, buộc bằng một sợi chỉ ngũ sắc. Quanh nhà là các cưả bức bàn, đa số nay đã được dán bằng các bức không ảnh. Những mặt ruộng vuông nhỏ, giòng sông Sài Gòn uốn khúc. Những khu rừng đầy chằng chịt hố bom. Qua không ảnh cả khu Tam Giác Sắt hiện ra, và tôi thấy vòng đai lưả đạn từ từ thu nhỏ lại, đúng như kế hoạch bao vây để lùng diệt mà tôi đã được học tập trước khi đi công tác. Tôi ra ngoài sân, nhìn xuống một triền dốc, dưới đó là khúc sông Sài Gòn. Bờ bên kia qua mấy đám cỏ khô, mấy con trâu xổng đàn từ mấy hôm trước, đang nhẩn nha gặm cỏ, lâu lâu lại ngửng mặt lên nhìn trời. Phía trái căn nhà chính là vườn chuối đã bị cầy, đứt tận gốc. Sau nhà là một vườn tiêu, Những cây tiêu dựng cao, hình tháp, quả chằng chịt. Giưã các hàng tiêu là những lối đi mòn. Cuối vườn tiêu là một nhà ngang, gồm chuồng gà và nơi để các nông cụ. Ở đấy, cái cầy, cái bưà, cuốc, xẻng bưà bãi. Bên phải căn nhà là một cái trái khá rộng. Tại đó dọc theo sườn nhà là cái cối giã gạo. Cần cối dài. Cối đá gắn xuống đãt, bao quanh bằng bệ xi măng. Nơi cuối cần, chỗ dùng để giã gạo, đã mòn, nhẵn. Và trên tường, ngay chỗ người đứng giã gạo là hình các tài tử cải lương. Ảnh Thanh Nga, Thẩm Thuý Hằng dán bên cạnh các bià báo Tết, hình các cô gái miền Nam vẽ thật đẹp, thật hấp dẫn. Tôi nhìn thật kỹ trên tường, quanh các bức ảnh, còn có các câu thơ vụng về, viết bằng bút chì hoặc bút nguyên tử. Một sợi dây thừng, buộc thõng từ mái nhà xuống, ngang tầm tay, làm cái vịn tay cho người giã gạo. Cuối đoạn thừng, cái đầu mối được tết lại như một quả găng. Tôi cầm thử. Trái găng vưà khuôn trong lòng bàn tay. Tôi đứng thử lên cần cối, hơi nặng, nhưng cần cối vẫn đưa lên theo nhịp chân đạp. Tôi bỏ nhẹ cần cối xuống và nhìn ra ngoài sân. Một mảnh sân cỏ không rộng lắm. Ngay từ giọt tranh, có mấy miếng gạch tầu, cẩn vào sân cỏ, dẫn tới một miệng giếng. Tôi đứng lên, bước theo các viên gạch này. Giếng nước nhỏ trong vắt. Tôi nhìn xuống giếng và thấy hình mình ở dưới xa thẳm ấy. Và bỗng nhiên tôi hơi sợ. Tôi không dám nhìn lâu. tôi ngẩng lên. Toàn thân tôi đã đứng trong bóng mát cuả một cây na. Cây na nhỏ, cành thấp, xoè che cả miệng giếng. Tôi nắm vào một cành non, lắc nhẹ, lá na rung rinh. Một vài chiếc lá rơi xuống, chao chát. Một miếng vải đỏ, có lẽ là quai nón cuả một cô gái, giặt phơi vào cành na. Qua lớp lá na, tôi nhìn thấy bầu trời xanh thẳm ở trên cao. Và trên cành cao nhất cuả cây na, còn có cái chuồng chim treo trên đó. Chuồng chim làm bằng các nan tre, cưả lồng mở , đung đưa. Một miếng chuối nhỏ làm mồi đã khô gắn trong lồng, cạnh cái cóng nước. Tôi bỗng bồi hồi nhớ quá những ngày còn bé ở quê nhà. Nhớ những con chim xanh như mầu lá, theo nắng hạ từ dâu đó bay về....
http://www.tf116.org/All_Hands_magazine/images/AH61.jpg
Tiểu giáp đĩnh FOM sơn màu nguỵ trang.
Tôi nhìn lại xuống giếng sâu. Một cái giây dài thòng xuống. Tôi kéo lên một gầu nước mát, trong vắt. Tôi rưả tay và đổ vào gốc na. Chỉ một thoáng, nước thấm hết vào lòng đất. Một làn gió thổi tới. Cành na đong đưa như vui, như cười. Nắng đã cao. Đoàn Dân Sự Vụ đã về tới, đang rộn rã xuống tầu. Tôi và Trung Tá Hậu đứng trước căn nhà nhìn một lượt quanh vùng. Nơi đây mật khu bất khả xâm phạm cuả Việt Cộng, nhưng chỉ cách Sài Gòn có mấy giờ xe. Ban đêm, từ đây nhìn về Sài Gòn rực sáng. Trung Tá Hậu nói lớn:
-Xong hết chưa? Đoàn tham mưu cuả ông đáp:
-Thưa rồi Trung Tá.

Chúng tôi lững thững đi theo con lộ dọc mé sông. Lối đi dưới lá, mát. Ngay khi chúng tôi rời gót, một xe ủi đãt hạng nặng từ phiá sau đi tới. Một quân nhân Mỹ cởi trần, mặc áo giáp cầm lái. Tiếng máy xe rú lên, chiếc xe từ từ tiến tới gầm gừ. vườn tiêu đổ rạp xuống. Tiếng mấy cái sào dựng làm nọc tiêu kêu lốp đốp. Cái nhà sau đổ ụp. Cày bưà gẫy vụn. Sau đó, chiếc xe quay lại, đưa cái lưỡi sắt sáng loáng tiến tới căn nhà. Tiếng máy xe gầm lên và chỉ một khắc, căn nhà xinh đẹp kia đổ xuống, gãy sập. Mái ngói đổ xuống ào ào, bụi bay mịt mù. Từ sân nhà, mấy cái cột nhà bung ra, rồi lăn , lăn lăn uà xuống triền dốc. Có cái vướng ở một bụi cây. Có cái rơi tòm xuống mặt sông. Con sông Sài Gòn oằn oại ở dưới ấy. Tôi mở chừng mắt mà như không thể tin được ở mắt mình. Tôi nhìn lại vị trí căn nhà, giờ đã phẳng lặng, trống không. Cả cái nền đất cũng được ủi cho bằng.
Chiếc xe ủi quay qua, quay lại, một chốc cả một khu vực chỉ là một mảnh đãt loang lở, hoang tàn. Tôi dụi mắt cho khỏi cay, vì bụi. Cây na còn đó, cây na bé quá, hiền lành quá, nên được bỏ sót. Cây na vẫn xoà những cành lá xinh che lấy miệng cái giếng nhỏ.
Tôi xuống tầu trở về. Cây na cuả Bến Súc, Bình Dương, hay cây na nào đó cuả tuổi nhỏ đều đã hoà lẫn trong trí nhớ tôi. Tôi dằn lòng lắm để tránh những tiếng thở dài. Và trong tôi gợi lên một câu thơ nhỏ:
Gửi rừng một gốc cây na.
Cố xanh tươi nhé, can qua sẽ tàn...


Trên đường về, mấy chiếc tầu nhỏ đi đầu bị bắn, cả đoàn tầu dừng lại. trực thăng vần vũ xả hoả tiễn xuống hai bên sông. hoả tiễn nổ thật gần, đãt, lá, khói mù mịt. trên hệ thống âm thoại chỉ huy cuả đoàn tầu hoạt động điều hoà, bình tĩnh. Từ chiếc tiểu giáp bị bắn bằng B40, gọi về:
-Báo cáo thẩm quyền. Tụi tôi bị bắn. Một bị thương nhẹ. Vỏ tầu bị thủng trên mặt nước
-Có trở ngại gì không?
-Không, vẫn di chuyển an toàn.
-Báo cáo tiếp.
-Tụi em phản pháo tức thì, và ủi bãi truy kích..
-Tiếp.
-Bắt được một thanh niên bị thương và tịch thu được cây B40.
-Tiếp.
-Toán bộ binh đang đổ bộ lục soát...
-Báo cáo tới đó, thì tiếng máy bỗng ngưng và có những tiếng nổ vọng lại từ máy PRC25. Mọi người biểu lộ lo âu, nhưng chỉ độ mấy phút sau, tiếng máy lại gọi về:
-Báo cáo thẩm quyền.
-Tiếp.
-Toán bộ binh lục dọc theo hai bên bụi rậm ven sông, bắt thêm được một số Việt Cộng.
-Tiếp.
-Đang tiếp tục truy kích
-Đem tên Việt Cộng tới trình diện tôi .
-Nghe.
http://www.history.navy.mil/pics/river_ragt.jpg
Độ nưả giờ sau, chiếc tiểu giáp ghé lại, cặp vào chiếc soái đĩnh. Tên Việt Cộng bị còng, mặt non choẹt. Hắn bị thương ở tay, đã được băng bó tạm. Tang vật đem theo là một khẩu B40, và còn một trái đạn chưa bắn. Hắn mặc quần đùi đen, áo bà ba. Bên hông đeo một túi ni lông nhỏ, bọc kín một gói cơm khô. Tên này được dẫn lên tầu, cho ngồi một góc trong phòng Hành Quân. Một sĩ quan Ban 2 được chỉ thị lấy cung và khai thác tức khắc. Hỏi gì, tên này cũng khai:'' Dạ em không biết.''

Lục quanh lưng hắn, còn có một khúc ống ni lông nhỏ, dài độ một mét,. Dù không hỏi ai cũng biết đó là ống thở, để khi khai hoả xong lặn xuống nước, ''nằm mà'' ngậm ống ni lông thò lên mặt nước, thở. Nước đục nằm sát bờ, nhờ lá cây che lấp là qua mắt được toán lính lục soát cuả ta.
Lúc này trời đã về chiều , dọc theo bờ sông, các toán quân nhân Mỹ lại lần lượt sắp hàng đi lãnh đồ ăn chiều tại các nhà hàng lưu động, do máy bay Chinook câu thẳng từ Hạm Đội 7 vào. Tôi lấy cái bi đông nước, uống một ngụm rồi đi xuống lòng tầu. Nơi đây, những người dân cuối cùng của cuộc hành quân được dồn lại trở về Bình Dương. Mọi người ngồi ủ rũ. tôi chú ý đến một ông già, tóc đã bạc, ngồi ôm khư khư một bài vị, mắt ngơ ngác thất thần. Ông nhìn tôi, như sợ tôi ra lệnh vứt ''bảo vật'' cuả ông đi. Tôi lại gần, vỗ lên vai ông già. nói nhỏ:'' Bác đừng sợ.'' Trong bưã ăn tối tại nhà hàng Bạch Đằng ở mé sông, ngay trước dinh Tình Trưởng có đâụy đủ các đơn vị trưởng cuả các đơn vị đã tham dự cuộc hành quân này, Trung Tá Lý Tòng Bá, Tình Trưởng Bình Dương đã nói mấy lời bày tỏ sự cảm ơn '' Các đơn vị bạn đã đến đây để phá tan sào huyệt địch, mở đầu cho công cuộc lùng địch ở Tỉnh này.. Ông cũng đại diện cho Trung Tướng Lê Nguyên Khang, Tư Lệnh Quân Đoàn I I I, bày tỏ sự hài lòng về sự hợp tác hăng say và khéo léo cuả tất cả các quân nhân các cấp tham dự cuộc hành quân và hưá sẽ tưởng thưởng cho các quân nhân xuất sắc theo đề nghị cuả các đơn vị trưởng..
Trời còn sáng, toán Tâm Lý Chiến Dân sự Vụ Hải Quân cuà chúng tôi lên xe về lại Sài Gòn. Chỉ sau độ một giờ, chúng tôi về đến nơi. Con sông Sài Gòn trước mặt. Các chiến hạm xám ngắt đậu kín một bên sông. Bên kia bờ là Thủ Thiêm, những rặng bần đen thảm. Dòng sông Sài Gòn chảy hiền hoà , đục ngầu, tôi liên tưởng đến những xác chết dật dờ mới đây theo đợt sóng tràn lên hai bên mé nước. chính con sông này mà có xa lắm đâu.. Tãt cả đã hoang tàn. Chỉ còn một gốc cây na.

* * * * *

Nhận định về cuộc hành quân này, đối phương đã ghi lại trong cuốn sách đã dẫn nguyên văn như sau, trang 150: "Cuộc chiến đã diễn ra rất ác liệt, gây cho ta những khó khăn và tổn thất: một số sinh lực bị tiêu hao, nhiều cơ sở hậu cần bị thiệt hại, kế hoạch vận chuyển từng nơi, từng lúc bị gián đoạn, nhiều căn cứ bàn đạp bị phá, một số dân bị xúc đi về vùng kềm kẹp..."

Như thế, đứng về cơ sở vật chất mà xét, qua cuộc hành quân ấy rất thắng lợi, đã phá tan sào huyệt của đối phương. Nếu các cuộc hành quân to lớn và dũng mãnh như vậy, liên tục tiếp diễn ở tất cả các nơi khác trên toàn thể lãnh thổ Việt Nam, sau đó đúng như nội dung tấm truyền đơn đã giải, Quân Lực VNCH và Đồng Minh sẽ tái định cư cho tất cả đồng bào... thì tuy có đau đớn, nhưng chúng ta, quân dân VNCH còn có thể chấp nhận được. Nhưng trên thực tế thì không. Lúc ấy, là một quân nhân cấp nhỏ, với một cái nhìn trực tiếp và cụ thể, người viết thấy tội nghiệp cho người Việt Nam quá. Dân, tội nghiệp đã đành, cả đến những người lính, như người viết, đi giúp dân, cũng thấy mình đau đớn quá. Trước mắt người dân, họ chỉ thấy đây là một cuộc chiến của người Mỹ. Chính người lính Mỹ, từ nơi nào xa lắc, giống hệt như quân đội Pháp trước kia, đã đến đây bắn phá, và ủi sạch, phá sạch xóm làng của họ. Người lính VNCH, trước mặt người dân chỉ là một thứ phụ lực quân. Giữa đôi mắt dân và lính nhìn nhau, đầy nghẹn ngào.

Người lính đã đọc cho đồng bào nghe về tấm truyền đơn kia, đã ân cần giúp đỡ họ, nhưng quả giữa dân và lính có quá nhiều xa cách. Người lính dù có tế nhị, ân cần giúp dân bao nhiêu, làm sao so sánh được cảnh hoang tàn ngút ngàn, tất cả nhà cửa, xóm làng thân yêu của họ, giờ chỉ là một vùng đổ nát, hoang tàn. Xóm làng đang trở thành rừng với đầy lửa đạn.

Sau đó không lâu, từ năm 1968 trở đi, trên diễn đàn báo chí, người ta chỉ nói về cuộc hội đàm Paris. Cũng từ đó quân đội Mỹ rút đi từ từ, bỏ lại cho QLVNCH một cơ đồ đúng là hoang tàn đổ nát. Người lính Mỹ lúc trướcđi hành quân như đi picnic, ăn những bữa cơm nóng từ Đệ Thất Hạm Đội được máy bay chở vào. Việc tiếp tế thì thừa mứa, tràn ra cả các khu chợ đen khắp nước. Quân đội VNCH , tuy không được thừa mứa như quân Mỹ, nhưng đạn bắn thả dàn. Cần khai quang hai bên thủy trình, rừng rậm, máy bay tới thả thuốc tức thì. Phi pháo, gọi là có B 52 trải thảm, rung chuyển cả rừng. Sau khi Mỹ rút, súng đạn thiếu thốn, phương tiện truyền tin, di chuyển mỗi lúc một eo hẹp. Và Tổng Thống Thiệu đã phải chính thức kêu gọi "Chúng ta chiến đấu theo cách con nhà nghèo..."

Trong khi đó đối phương vẫn thừa mứa tiếp liệu. Tiếp liệu từ phía các nước " Xã Hội Chủ Nghĩa anh em" của họ, và cụ thể và gần gũi là từ người dân khắp các nẻo nông thôn. Người dân nếu có tin vào các truyền đơn một thời từ máy bay rải xuống nhiều như lá rừng, giờ đọc lại, chỉ thấy đau đớn và uất hận. Người lính VNCH, nếu có người dân nào đưa tờ truyền đơn cũ ra trước mặt hỏi, ta biết trả lời thế nào. Tất cả chỉ còn là ngỡ ngàng và uất hận. Người Mỹ, tùy theo giai đoạn đã ồ ạt đến, dẹp tất cả mọi trở ngại mà đến đây. Khi giai đoạn khác bắt đầu, họ lại ào ạt ra đi. Trên đất nước Việt Nam, trong thời gian cuộc chiếnkhốc liệt ấy diễn ra, đã có bao nhiêu cuộc hành quân như thế, như vùng Tam Giác Sắt! Những đồn bót của QLVNCH mỗi lúc một thêm u uất ảm đạm, bi thương và đầy thiếu thốn. Ta yếu cả hai mặt vũ khí và lòng dân. Nghĩ lại thì từ lúc cuộc chiến dũng mãnh dưới hỏa lực của quân đội Mỹ, cũng chính là khởi điểm của nỗi thua đau sau này. Xin hãy mượn mấy câu thơ của Tô Thùy Yên mô tả về số phận người lính VNCH trước khi mùa khổ nạn 1975 ùa tới:

Giặc đánh lớn -mùa mưa đã tới
Mùa mưa như một trận mưa liền
Châu thổ mang mang trời nước sát
Hồn chừng hiu hắt nỗi cô đơn
Tiếp tế khó-đôi lần phải lục
Trên người bạn gục đạn mươi viên
Di tản khó- sâu dòi lúc nhúc
Trong vết thương người bạn nín rên.
(Qua Sông)


Không biết người đọc nghĩ gì, các bạn tôi một thời xả thân cho cuộc chiến nghĩ gì. Riêng tôi, tôi không còn nước mắt để nhỏ xuống cho cuộc chiến, cho thân phận của dân tộc mình

Phan Lạc Tiếp

27/3/1999
phu hieu Bo Tu Lenh Hai Quan Vung III Song Ngoi.TVQ Collection.jpgphu hieu Bo Tu Lenh Hai Quan Vung III Song Ngoi.TVQ Collection.jpg
79K   View   Share   Do

No comments:

Cận vệ Chủ tịch nước Lương Cường bị tố 'lạm dụng tình dục': phản ứng của các bên

Hình ảnh,Phiên tòa xét xử vụ tố cáo lạm dụng tình dục được tường thuật trực tiếp trên đài truyền hình tại Chile. Trong hình: Nhân viên an ni...