Saturday, December 1, 2012

Tự mê hoặc mình bởi khẩu hiệu của đối phương

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh sau khi đã khẳng định Việt Nam luôn coi trọng tình hữu nghị, đoàn kết truyền thống, đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc theo phương châm 16 chữ và tinh thần bốn tốt, ông Bộ trưởng Thanh đã bày tỏ lòng biết ơn Đảng, nhà nước và nhân dân Trung Quốc đã ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong các cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược.


Sau khi thấy chiến thuật in đường lưỡi bò lên hộ chiếu không thành công, TQ tiếp tục có những biểu hiện mạnh mẽ khác như cấm tàu thuyền nước ngoài hoạt động trong vùng biển chiếm của VN trước đây là Hoàng Sa và Trường Sa.
AFP PHOTO/TED ALJIBE
Người dân Philippines biểu tình phản đối Trung Quốc in bản đồ lưỡi bò lên hộ chiếu ở phía trước Đại sứ quán Trung Quốc ở Manila vào ngày 29 tháng 11 năm 2012.

Trong khi đó Bộ trưởng Quốc Phòng Việt Nam lại tiếp tục khẳng định Việt Nam nhớ ơn Trung Quốc đã giúp Hà Nội trong các cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược.
Tuy là nước có quyết định nhanh nhất không đóng dấu lên hộ chiếu có hình lưỡi bò tại cửa khẩu Lào Cai nhưng Việt Nam cũng là nước công khai với báo chí hành động phản kháng này chậm nhất. Tới chiều ngày 29 tháng11, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam chính thức nói với báo giới rằng Chính phủ đã chỉ đạo không đóng bất kỳ dấu nào của Việt Nam lên mẫu hộ chiếu có "đường lưỡi bò".
Người dân Việt Nam khấp khởi mừng vì dù sao nhà nước đã tự mình vượt qua những rào cản được xem là "nhạy cảm" trước đây để có những tuyên bố xứng đáng với hành động cúa Trung Quốc. Thế nhưng niềm vui ấy lại tiếp tục bị câu chuyện của Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân Ủy, Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng làm cho nhiều người sững sờ, hụt hẫng.

Biết ơn kẻ giết đồng đội mình

Trong cuộc tiếp xúc với Thiếu tướng Vương Tây Hân, một người chỉ đảm nhiệm Phó Hiệu trưởng trường Đại học Quốc Phòng Trung Quốc nhưng được Bộ trưởng Quốc Phòng Việt Nam tiếp với tư cách gần như một đồng cấp và từ cuộc tiếp xúc này Bộ trưởng Phùng đã gửi một tín hiệu tới Bắc Kinh với những nội dung mà một công dân Việt Nam bình thường khó lòng chấp nhận.
Theo bài báo của TTXVN ghi lại thì Bộ trưởng Phùng Quang Thanh sau khi đã khẳng định Việt Nam luôn coi trọng tình hữu nghị, đoàn kết truyền thống, đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc theo phương châm 16 chữ và tinh thần bốn tốt, ông Bộ trưởng Thanh đã bày tỏ lòng biết ơn Đảng, nhà nước và nhân dân Trung Quốc đã ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong các cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược.

Khi Trung Quốc từ năm 1979 đem 60 vạn quân đánh chúng ta giết hại đồng bào chúng ta thì tôi cho rằng đã hết tình nghĩa rồi.
Nguyễn Trọng Vĩnh
Câu phát biểu này khiến người ta nhớ đến tình đồng chí của Trung Quốc đối với Việt Nam khi phát động cuộc chiến tranh biên giới năm 1979.
Theo tướng Ngũ Tu Quyền, phó tổng tư lệnh Quân giải phóng Trung Quốc tuyên bố với báo giới phương Tây thì trong cuộc chiến tranh ngắn ngủi này Trung Quốc đã hạ sát 50 ngàn bộ đội Việt Nam. Các thị xã Lạng Sơn, Cao Bằng, thị trấn Cam Đường bị hủy diệt hoàn toàn, cộng với hàng chục ngàn thường dân khác bị thương vong mất nhà cửa tài sản mãi  nhiều chục năm sau vẫn chưa hồi phục.
Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, một nhà ngoại giao kỳ cựu, từng là đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh cho biết cảm nghĩ của ông trước tuyên bố của Tướng Phùng Quang Thanh:
“Đúng là Trung Quốc có giúp chúng ta như là Liên Xô giúp cho Việt Nam là có thật và giúp cũng nhiều. Nhưng khi Trung Quốc từ năm 1979 đem 60 vạn quân đánh chúng ta giết hại đồng bào chúng ta thì tôi cho rằng đã hết tình nghĩa rồi, cái đó đã trả nợ Trung Quốc và không còn gì nữa.
Tôi cho rằng ai mà nói biết ơn này khác thì đó là không phù hợp, không biết đau khổ do sự chết chóc họ mang đến cho đồng bào mình. Nếu cứ nói biết ơn là lạc hậu rồi, không có tình cảm ruột thịt với đồng bào mình.”
Trong cuộc chiến âm thầm nhưng trường kỳ đối với Trung Quốc, những tuyên bố thắt chặt hữu nghị có thể hiểu ngầm là Việt Nam đang áp dụng chính sách ru ngủ, khổ nhục kế đối với Bắc Kinh. Nhưng với những sự kiện liên tục trên Biển Đông trong nhiều năm qua cho thấy Trung Quốc đang tương kế tựu kế để cho Việt Nam vào chính cái bẫy mình đang sử dụng.
Không người Trung Quốc nào có thể tin rằng những lời tuyên bố của Việt Nam xuất phát từ sự biết ơn ngàn đời như giới chức Việt Nam vẫn liên tục nhắc lại. Chừng nào sự thật lịch sử cũng như lời tuyên bố "cho Việt Nam một bài học" của Đặng Tiểu Bình vẫn còn đó thì thiện chí chia sẻ những điều gọi là bốn tốt và mười sáu chữ vàng của chính phủ Việt Nam nhắc đi nhắc lại chỉ làm cho dân chúng Việt Nam thêm thất vọng và xấu hỗ.

Đừng xem thường Trung Quốc

035_pau645570_02-250.jpg
Một nữ công an Trung Quốc ở Giang Tô cầm trên tay những hộ chiếu điện tử mới hôm 08-05-2012. AFP photo.
Nếu lòng biết ơn ấy là câu nói sáo rỗng nhằm ru ngủ Trung Quốc thì Việt Nam đã xem nhẹ đối phương một cách khó hiểu và dĩ nhiên chẳng những họ không bị dính bẫy mà chính người theo đuổi chính sách ấy đang tự ru ngủ lấy mình và nhân dân mình. Nhiều bài viết trên mạng cho rằng những khẩu hiệu này chỉ có tác dụng làm cho dân chúng Việt Nam nổi giận hơn là tạo sự thông cảm của họ khi vẫn biết đất nước khó chống lại đối phương bằng các biện pháp mạnh mẽ.
Tuyên bố gần như thường lệ từ sau Hội nghị Thành Đô của Bộ trưởng Quốc phòng xảy ra cùng lúc với những hành vi mới nhất qua việc in hình lưỡi bò lên hộ chiếu của Trung Quốc đã gây nên những phản ứng hoàn toàn bất lợi trong nước. Ông Bộ trưởng đã phủ nhận nguyện vọng của gần chín mươi triệu người Việt Nam đặc biệt là những chiến sĩ, bộ đội đã bỏ mình trong ba cuộc chiến tranh với Trung Quốc kể cả Hoàng Sa và Trường Sa.
Thạc sĩ Đào Tiến Thi người có nhận xét đáng chú ý về cách mà nhà nước thể hiện lâu nay đối với vấn đề này cho biết:
“Xưa nay mình cứ bị Trung Quốc nó dẫn dắt vào cái mê hồn trận, trận đồ bát quái cho nên đối phó thắng được cái này thì vấp vào cái kia. bây giờ phải xem lại các quan hệ với Trung Quốc. Nếu vẫn đặt tình thần hợp tác hữu nghị lên hàng đầu thì nhìn chung không giải quyết được gì.
Thực sự nhà nước muốn bảo vệ đất nước và muốn theo ý nguyện của người dân thì phải xem lại đường lối chiến lược. Phải thể hiện quyết tâm của mình và phải rõ ràng chứ không thể nói chung chung bảo vệ tổ quốc thì cũng không đi đến đâu. Phải nói rõ đường lối chiến lượ của mình đối với Trung Quốc.”

Cơ hội khó đến hai lần


Cả thế giới người ta phê phán TQ và họ đang ở thế cô lập nhưng cứ nói giữ mười sáu chữ, bốn tốt thì ông ấy giữ chứ phía TQ họ có bao giờ giữ đâu?
Nguyễn Trọng Vĩnh
Chưa bao giờ Trung Quốc cảm thấy ê chề như lúc này, chỉ một hành động không tính trước khi cho in bản đồ lưỡi bò lên hộ chiếu phổ thông không những dẫn tới những chống đối hàng loạt của nhiều nước trong khu vực mà còn giúp cho thế giới Tây phương thấy rõ hơn bản chất bá quyền nước lớn của họ.
Trong khi cả khu vực cùng lên tiếng chống lại hộ chiếu lưỡi bò thì Việt Nam tuyên bố ngược lại với những nỗ lực chung khiến Trung Quốc hả hê và các nước đồng cảnh ngỡ ngàng. Dưới con mắt một nhà ngoại giao Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh nhận xét:
“Đúng như ông nói, trong xu thế hiện nay cả thế giới người ta phê phán Trung Quốc và họ đang ở thế cô lập nhưng cứ nói giữ mười sáu chữ, bốn tốt thì ông ấy giữ chứ phía Trung Quốc họ có bao giờ giữ đâu?
Từ trước tới nay ai cũng biết họ hoành hành ngang ngược ở Biển Đông. Họ bắt và đánh đập ngư dân. Họ bắn chím tàu, họ có thực hiện 16 chữ đâu mà mình thực hiện?”
Chính sách đối phó với một cường quốc có dã tâm như Trung Quốc phải minh bạch và công khai, ngoại trừ những yếu tố quốc phòng và tình báo. Việt Nam không thể đem nhận thức của một nhóm người trong Bộ Chính Trị để làm kim chỉ nam trong các đối sách với Trung Quốc khi mà sự tha hóa trong nội bộ Đảng bị báo chí thế giới khai thác ngày một dồn dập hơn.
Trong thời đại mà mỗi tuyên bố của viên chức cao cấp trong một chính phủ luôn được báo chí thế giới săm soi từng chút thì phát biểu của Bộ trưởng Quốc Phòng Việt Nam không thể được xem là sắc sảo, hợp thời. Nó chỉ lập lại một sự thật là làm cho Trung Quốc xem thường thêm sự thiếu cương quyết cũng như các đối sách khập khiểng, thời vụ đối với một nước vốn thuộc bậc thầy trong cách phát ngôn như Trung Quốc.
Những người ưu tư với vấn đề Biển Đông cho rằng cơ hội lịch sử về cuốn hộ chiếu in hình lưỡi bò đang được nhiều nước khai thác như một vũ khí hữu hiệu nhưng Việt Nam lại để vuột mất bởi cung cách ngoại giao khô cứng và  biếng nhác tư duy, đã tự mình tước đoạt tính chính đáng của một nước độc lập và tự chủ.

Mặc Lâm, biên tập viên RFA


Theo dòng thời sự:

No comments:

Cận vệ Chủ tịch nước Lương Cường bị tố 'lạm dụng tình dục': phản ứng của các bên

Hình ảnh,Phiên tòa xét xử vụ tố cáo lạm dụng tình dục được tường thuật trực tiếp trên đài truyền hình tại Chile. Trong hình: Nhân viên an ni...