Gần “ngã ba trụ cờ” có một cái chòi nhỏ bé tí, lụp xụp, diện tích chừng cỡ 6 mét vuông, mái lợp bằng vỏ đạn đại bác được cắt đôi, đập phẳng ra. Vách phên che chắn bằng nhiều mảnh cạc tông của những thùng đựng thực phẩm quân đội Mỹ. Nói “ngã ba trụ cờ” thì e rằng chưa đúng và rõ hẳn cái địa thế này. Phải nói là ngã ba có “ba trụ cờ” thì mới thực sực đầy đủ chữ và ý nghĩa. Chả là, trước năm 1975, nơi đây là bản doanh của Trung tâm Hành quân Hỗn hợp Việt-Mỹ-Đại Hàn tọa lạc. Bản doanh này nằm sau lưng, gần bên cạnh Trung Tâm Huấn luyện Hải quân Nha Trang, ngay ngã ba cuối đường Yết Kiêu, trường Dòng Thánh Giu Se và làng Bình Tân.
Con đường Yết Kiêu chỉ là một đoạn đường ngắn, chừng nửa cây số, bắt đầu từ bờ biển, đường Duy Tân, cuối sân bay Nha Trang, đầu Trung tâm Huấn luyện Hải quân, kéo dài đến ngã ba trụ cờ là hết. Hai bên đường là khu gia binh Hoàng Diệu của Bộ Chỉ huy 5 Tiếp vận, phía tay phải và khu gia binh Hải quân phía tay trái. Nằm sát vòng rào phòng thủ của Hải Quân, lọt thỏm giữa khu gia binh có ngôi trường Tiểu học Yết Kiêu. Trường này do Trung Tâm Hải Quân xây tặng cho Ty Tiểu học Khánh Hòa. Trường chuyên nhận các con em của lính. Ưu tiên cho con em Hải quân. Sau đó là con em của các quân binh chủng khác thình lình thuyên chuyển tới địa bàn quân sự này.
Phía trên hai trại gia binh về hướng “ngã ba trụ cờ” còn có mươi căn nhà của cư dân ở.
Trung tâm Hành quân Hỗn hợp Việt-Mỹ-Hàn là một hầm ngầm sâu dưới đất, xây dựng bằng toàn bao cát. Chu vi áng chừng mỗi bề 30-50 mét. Phần hầm ló lên khỏi mặt đất cao chừng hai mét, nóc được che bằng những tấm vỉ nhôm dày, loại dùng làm sân bay trực thăng dã chiến. Trên cùng là nhiều lớp bao cát để chống đạn pháo kích của VC từ mật khu Đồng Bò, phía bên kia sông Lô, thỉnh thoảng rót trộm về. Bản doanh nằm giữa một bãi đất trống, rộng mênh mông. Chung quanh hầm là giao thông hào làm bằng vỏ đạn đại bác. Vòng ngoài xa là nhiều lớp hàng rào kẽm gai cài trên cọc sắt dựng đứng. Giữa hai lớp rào là kẽm gai “công xẹt ti na” vòng tròn kéo dày đặc, giăng trên mặt đất.
Giữa sân, ba cột cờ bằng sắt, đứng song hàng, cao bằng nhau, sừng sững vươn trên nền trời trong xanh với ba lá cờ Việt-Mỹ-Hàn khổ lớn bằng chiếc chiếu đôi, luôn lồng lộng bay trong gió. Gió từ ngoài biển thổi vào rạt rào suốt ngày đêm.
Những năm trước ngày 30 tháng 4 năm 1975, nơi này cũng là chỗ đắc địa của các “chị em ta”, môi son, má phấn loè loẹt, của cánh xe ôm, xe lam, cả thành phần du thủ, du thực, mánh mung với lính Mỹ, luôn tụ tập đông đảo, rộn rịp đợi chờ ngoài vòng rào như ngày hội mỗi sáng thứ bảy, chủ nhật để sẵn sàng giang tay, mở rộng “tình hữu nghị Việt-Mỹ” đón rước, phục vụ “tới bến” các chiến hữu đồng minh mắt xanh mũi lõ cần xả hơi, giải trí cuối tuần.
Khoảng thời gian 1974, Mỹ thực sự rút quân về nước, Trung tâm Hành quân Hỗn hợp dời đi nơi khác, địa điểm này bị bỏ hoang. Sau ngày 30/4 bất ngờ nó lại biến thành kho tàng khổng lồ cho đám người săn nhặt ve chai đi thu gom phế liệu. Ban đầu là những tấm vỉ nhôm rất đắt giá. Người ta xẻ nó ra từng thanh nhỏ, chế biến thành niền xe đạp nhôm. Tiếp theo là cọc sắt kẽm gai, rồi bao cát Đại Hàn. Cuối cùng là các ống sắt đựng đạn đại bác chôn dưới giao thông hào. Đạo quân ve chai kéo đàn, kéo lũ vào, dùng búa, dùng đục “xi rô” chặt bỏ đít, xẻ ống ra làm hai rồi gõ cho phẳng ra. Con buôn từ Chợ Lớn đem xe “tải” ra mua, chở đi hết.
Mái chòi này cũng được lợp bằng những tấm “tole” sáng chế ấy.
Chỉ trong có mấy tháng, cái Trung tâm Hành quân Việt-Mỹ-Hàn đầy uy nghi, bề thế kia đã bị phanh thây, xẻ thịt trở thành bình địa, hoang tàn. Luôn cả ba trụ cờ cũng bị gỡ đi mất.
Cái chòi nằm thoi loi, hoang vắng một mình ở ngã ba trụ cờ năm xưa, cách hai khu gia binh một quãng khá xa. Hai khu gia binh bây giờ đã bị bộ đội Việt cộng chiếm dụng làm nhà ở cho gia đình chúng ngoài Bắc kéo vào. Cả ngôi trường Tiểu học Yết Kiêu cũng bị chiếm đoạt làm nhà ở cho bọn sĩ quan Hải quân Việt cộng.
Sống cu ky trong chòi là một đội vợ chồng còn khá trẻ. Không con cái gì cả. Anh chồng tên Thanh, độ chừng hơn bốn mươi bảy. Chị vợ tên Tám, chừng ba mươi lăm. Cả hai đều là người Bắc di cư. Tuy còn trẻ nhưng sự đói khổ, thiếu ăn lâu ngày đã làm cho họ hốc hác, già sọm đi trước tuổi.
Nhìn vào bên trong chòi, phía vách phải, một tấm ván ép được kê cao trên bốn thùng gỗ đựng đạn đại bác, bên trên trải chiếc chiếu nylon màu xanh viền đỏ, cũ mèm, bạc màu, làm giường nằm. Phía vách trái là bếp nấu làm bằng ba viên “táp lô” chụm đầu nhau thành ông lò. Bên cạnh bếp, một cái lu nước bằng đất nung, dùng nấu ăn. Giữa chòi, một cái bàn và ba chiếc ghế thấp lè tè bằng thùng gỗ thông, thứ thùng đựng đạn pháo binh, lâu ngày cũng đã ọp ẹp. Ngoài các thứ ấy ra, chòi trống trơ, trống hoác, không còn có thứ gì khác để gọi là tài sản.
Họ sống lây lất như vậy mấy năm nay, sau ngày Nha Trang được “cách mạng giải phóng”, bằng đủ thứ nghề lao động tay chân và cuối cùng là nghể sửa, vá xe đạp.
Đám giáo chức “sĩ quan biệt phái” chúng tôi ở Nha Trang bị bắt đi “học tập cải tạo” từ tháng 6 năm 1976. Sở dĩ bị bắt trễ như vậy vì bọn chúng “lưu dung” chúng tôi để tiếp tục “công tác” dạy học. Chúng bảo, “giáo dục là kế trồng người trăm năm” của HCM đề ra, giáo viên là thành phần nòng cốt của đảng. Không ngờ chỉ sau một niên khóa, đám cán bộ ngoài Bắc vừa được đào tạo cấp tốc được đưa vào thay thế, học trò vừa nghỉ hè thì chúng tôi bị bắt ngay. Lệnh bắt ghi là “tập trung cải tạo 2 năm” nhưng chúng tôi phải lao động khổ sai trải qua hai trại tù Đá Bàn và A.30 đến hơn ba năm mới được thả về. Tuy vậy, vẫn còn có vài anh em hơn năm năm mới được thả vì trong thời gian ở tù đã “ngoan cố, bướng bỉnh” không chịu “học tập tốt”.
Thời gian về bị quản chế, chúng tôi rất khó đi tìm việc làm. May mắn, dưới Bình Tân có một xưởng xẻ gỗ rất lớn, có tên là Công ty gỗ Điện Biên. Hầu hết anh em ở tù về đều được xưởng này thu nạp vào làm. Số công nhân lên cả trăm người. Cấp bậc cao nhất là Trung Tá. Còn phần đông là từ Đại úy, Trung Úy. Chỉ có mình tôi và anh Lê M. là giáo chức biệt phái.
Công việc hàng ngày rất nặng nhọc là chuyển những cây súc gỗ lớn vào dàn cưa vòng với những lưỡi cưa to và dài để xẻ ra từng tấm mỏng. Rồi chuyển qua những máy cưa mâm. Từ gỗ tấm xẻ ra thành từng thanh, từng thẻ nhỏ để "xuất khẩu". Việc rất nặng nhọc và cực khổ rất hao tổn sức lực vậy mà tiền công lại rất ít. Tuy biết mình bị bóc lột sức lao động, chúng tôi vẫn cứ phải bám vào để làm để kiếm miếng ăn và để bọn công an khu vực tại phường, khóm khỏi để ý, theo dõi, làm khó dễ. Nhất là thường xuyên bị hăm dọa đưa đi “kinh tế mới”.
Để có thêm tiền cà phê, thuốc lá, mỗi buổi chiều trước khi ra về, chúng tôi khi đi làm ai cũng thủ theo mình một bao bố, hốt mót mạt cưa để chở về bán cho nhiều người mua để đun bếp. Những năm sau “giải phóng”, thực phẩm, thóc gạo, nhu yếu phẩm… cả những chất dùng để đun nấu như củi, than, dầu lửa… cũng bị đảng giải phóng theo, đi đâu mất hết. Người ta phải dùng đến vỏ trấu lúa, mạt cưa, rơm rạ để thay thế.
Tay Giám đốc của xưởng gỗ Điện Biên này, tên là Nguyễn Hưng, nghe nói trước 75 đã “nhảy núi” một thời gian, sau về đầu thú. Nhưng cốt khỉ vẫn là một tên Việt cộng nằm vùng, làm “kinh tài” cho “Vẹm”. Có điều chúng tôi lấy làm thắc mắc là tại sao hắn ta lại rất “nhân đạo”, dễ dãi sẵn sàng thu nạp chúng tôi, những “tù cải tạo”, trong lúc các nơi khác đều nhìn chúng tôi như những kẻ cùi hủi. Họ lập tức xua tay vừa khi thấy ba chữ “Giấy ra trại” trong lý lịch chúng tôi lúc nộp đơn xin việc.
Mãi cả năm sau chúng tôi mới vỡ lẽ khi thấy lão Bảy Hạnh, trưởng trại A.30, trung tá Hạnh, được tên giám đốc Điện Biên niềm nở, lăn xăn đón tiếp tại văn phòng xưởng.
Một anh bạn cũng tù, làm thư ký trong văn phòng, nghe lỏm được cuộc trao đổi giữa hai tên trong lúc cụng ly “chúc mừng đồng chí”, kể lại lý do thu nạp chúng tôi vào làm trong xưởng chẳng phải vì lý do “nhân đạo” gì sất mà là chúng cấu kết với nhau, từ thằng đại tá Đại, Trưởng ty Công an Phú Khánh đến thằng Bảy Hạnh, Trưởng trại A.30 và tên Hưng, Giám đốc xưởng cưa gom chúng tôi lại một chỗ, vừa bóc lột tiền công vừa dễ bề kiểm soát hành vi hàng ngày mà thôi.
Tuy đã biết vậy, nhưng chúng tôi đều là những kẻ có “tiền án”, ai dám đứng lên phản đối hay đòi hỏi quyền lợi? Chỉ một cú điện thoại của tên Hưng là chúng tôi bị lập tức bị còng tay và “tù mút chỉ cần câu”! Đành phải cắn răng chịu điều uất ức.
Thế đấy! Cộng sản làm gì có quả tim mà biết đến nhân đạo. Chỉ là dối trá và âm mưu tất.
Hàng ngày chúng tôi đạp xe đạp từ Nha Trang xuống Bình Tân làm việc đều đi ngang qua cái chòi và luôn thấy anh Thanh, lúc ngồi bó gối nhìn trời, phì phà thuốc lá rất nhàn nhã, lúc hí hoáy vá xe hay lật giây sên cho khách với hai bàn tay cáu bẩn dầu mỡ.
Con đường từ “ngã ba trụ cờ”, nay là “ngã ba cái chòi”, anh em chúng tôi đổi cách gọi lại như thế cho hợp với “tình hình đất nước”, đến xưởng cưa Điện Biên chưa được tráng nhựa, toàn là đá dăm lởm chởm, sắc cạnh, rất ác hại cho mấy cái vỏ xe đạp chúng tôi.
Chiều nào trên đường về, cái bao bố tạ nén căng phồng mạt cưa, e nặng tới 50 Kg cũng nằm vắt ngang trên cái “bọc ba ga” được ràng chằng chịt bởi mấy sợi cao su ruột xe hơi, cứ lắc lư theo nhịp lăn nhồi xóc trên đám đá dăm, y như kiểu “ngựa phi đường xa”, theo nhịp đập hồi hộp của trái tim, lo sợ không biết cái vỏ, cái ruột xe bị lủng hay nổ bất tử lúc nào không biết.
Đến khi chiếc xe leo lên được đoạn đường tráng nhựa bụng mới thở phào nhẹ nhõm.
Một hôm, cái điều lo lắng lâu nay đã đến với tôi. Bánh xe sau bị đá dăm đâm lủng khi mới ra khỏi xưởng cưa nửa đường. Cũng phải, cái vỏ đã mòn lắm rồi. Không lủng bữa nay thì ắt phải bữa mai. Tôi dắt chiếc xe xẹp bánh với bao mạt cưa nặng như đá tảng bên trên tới được cái chòi thì đã gần hụt hơi rồi.
Hàng ngày tôi vẫn đi, về hai lượt, ngang qua cái chòi này chẳng để ý gì. Vả lại cũng chẳng có gì để lưu ý ngoài ông chủ chòi ngồi trước cửa bó gối nhìn trời, nhìn kẻ qua lại. Hoạ hoằn đôi lúc, liếc mắt ngang một chút, nhìn vào bên trong chòi để thấy sự nghèo nàn, tuềnh toang của nó, để cảm thấy rằng mình cũng còn có mái nhà đàng hoàng hơn, còn hạnh phúc hơn, để tự an ủi cho thân mình.
Hôm ấy là mùa hè, tuy đã hơn 5 giờ chiều mà trời còn sáng lắm. Mặt trời hãy còn chói chang trên đỉnh núi phía Tây. Trong lúc ngồi chờ vá lại vỏ, ruột chiếc xe, tôi có dịp nhẩn nha quan sát và truyện trò cùng với anh Thanh. Chị vợ đang loay hoay trong bếp cho bữa cơm chiều.
Biết ra, anh là lính hải quân của Trung tâm Huấn luyện Hải quân Nha Trang, cấp bậc thượng sĩ, phụ trách tiếp liệu. Lần này tôi có dịp ngắm kỹ anh. Khuôn mặt chữ điền, trán cao, mái tóc đen, dầy, buông dài xuống gáy. Mũi thẳng, miệng rộng. Nét rắn rỏi và cương nghị vẫn còn sót lại trên khuôn mặt hốc hác. Lưỡng quyền nhô cao, hai má lõm vào trông anh già sọm trước tuổi. Thần hình cao nhòng ốm teo, đôi cánh tay gầy gò, hai bàn tay khô héo, xương xẩu. Tuy nhiên đôi mắt anh hãy còn tinh anh lắm. Trong khi nói chuyện, thỉnh thoảng, giọng anh trở nên sôi nổi, mắt anh quắc lên như có ánh lửa lóe lên trong đó.
Tôi dè dặt gợi chuyện:
- Anh không bị “cải tạo” sao gia đình không trở về quê quán làm ăn mà ở đây làm chi cho khổ vậy?
Hình như được khơi đúng nguồn u uất nén kín lâu nay, anh tuôn tràn tâm sự:
- Hồi tụi nó mới vô Nha Trang, tụi nó chiếm khu gia binh này ngay, đuổi tất cả chúng tôi về quê quán cũ. Tôi với vợ tôi là dân Bắc di cư 54 làm gì có quê quán mà về. Tôi đã trốn chạy chúng một lần rồi, giờ chạy đi đâu nữa. Không còn chổ ở, chúng tôi phải che chòi ở tạm tại đây chờ thời…và quyết liều chết với chúng môt phen.
- Thời gì? Chờ phục quốc hả? Tôi đùa.
- Chớ sao anh? Mình đâu có bại trận, đâu có đánh đấm gì đâu mà thua tụi nó! Nghĩ lại càng tức! Anh biết không! Mình bỏ chạy một phần cũng vì cái đài BBC chết tiệt đó. Tôi còn nhớ như in.
Hình như bao nhiêu năm nay, anh nhẩm đi nhẩm lại những ngày tháng, giây phút đen tối đó mãi, đến nỗi thuộc lòng. Anh nói thao thao:
- Ngày 11 tháng 3 tuy Ban Mê Thuột bị thất thủ nhưng mặt trận Pleiku – Kon Tum vẫn còn chiến đấu ác liệt với quân Bắc Việt nhưng cái đài khốn nạn này lại loan tin hai tỉnh này đã bị Việt cộng tràn ngập, đường số 7 bị cắt đứt. Tin này làm cho dân chúng hoang mang, đổ xô nhau di tản. Tiếp theo, ngày 19 tháng 3 tỉnh Quảng Trị cũng y chang với cái đài BBC. Tiếp theo đó, mỗi ngày nó loan tin một, hai tỉnh bị mất. Lần lượt các ngày 22, 24, 29, 31 tháng 3, dân chúng từ Quảng Trị chạy ùa vào Thừa Thiên. Thừa Thiên náo loạn bồng bế nhau chạy vào Huế. Rồi đến Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên, dân chúng nghe đài BBC, nghe tin đồn, cứ thế hoảng hốt kéo nhau chạy trốn. Đám dân di tản cứ tăng lên dần, đông nghịt cả mấy trăm ngàn, đàn bà, trẻ con kêu khóc vang trời, lê thê, lếch thếch đầy đường. Lính mình từ Pleiku, Kon Tum chạy xuống, từ Đà Nẵng chạy vào. Hỗn quân, hỗn quan. Trước tình thế ngày càng rối ren, hỗn loạn như thế mấy ông tướng của mình cũng đành bó tay bất lực, không cách gì giữ gìn trật tự được nữa. Bọn cộng sản cứ thế kéo vào không tốn một viên đạn. Chúng không ngờ lại thắng một cách dễ như vậy.
Có lẽ nỗi lòng bị dồn nén bấy lâu nay gặp được được người đồng cảnh ngộ, anh xả láng cho hả bầu tâm sự mà không một chút e dè, rào đón.
- Lúc ấy anh vẫn còn ở Nha Trang không?
- Còn chớ anh. Ngày 2 tháng 4 tụi nó mới vào Nha Trang nhưng chỉ có vài thằng nhóc con vào thăm chừng thôi chứ xe tăng, thiết giáp chưa dám vào. Chúng đứng gác trước Trung Tâm mà mặt mày xám ngoét. Bọn đi hôi của chở đồ đạc trong Trung Tâm ra lềnh khênh trước mặt mà có dám ngăn chận đâu. Cả hai cái kho gạo ngoài biển cũng bị cướp, phá. Chúng đứng đó mà chỉ giương mắt ra nhìn thôi.
- Sao vậy?
- Có lẽ tụi nó sợ bị lừa vào tròng. Thật ra trước đó một tuần, Nha Trang có lệnh quyết tử thủ. Tiểu khu Nha Trang và các yếu điểm đều dàn trận chờ tụi Vẹm vào. Trung tâm Hải quân cũng xây nhiều lô cốt bằng bao cát, đặt súng trung liên, đại liên, súng cối chung quanh hàng rào phòng thủ quyết đánh một trận. Lính tụi tôi được lệnh ứng chiến 100%, đầy đủ hỏa lực.
- Nhưng có đánh đấm gì đâu? Tôi lúc ấy cũng đang ở Nha Trang đâu có nghe tiếng súng nổ nào?
- Bởi vậy mới tức anh à. Không biết lý do tại sao. Vào ngày 29, 30 tháng 3, dân chúng từ cao nguyên tràn về, từ miền Trung ào vô, Nha Trang trở nên lộn xộn vô cùng. Ai nấy đều nhốn nháo không biết tình hình ra sao. Đến khi biết được mấy ông sếp lớn Chỉ huy trưởng ở Tiểu khu, ở Trung tâm Không quân, Hải quân đều dzọt mất tiêu hồi nào không hay, bỏ mặc lính tụi tôi ở lại như rắn không đầu thì thiên hạ bắt đầu đại loạn.
- Nghe nói trong Trung tâm có một vị sĩ quan tự sát cùng vợ con chứ không chịu hàng giặc?
- Dạ, Chính là ông Thầy tôi đó anh. Ông ta là Trung tá Hà ngọc Lương, Trưởng Khối Văn hóa vụ. Lúc đó mạnh ai nấy chạy. Ngày 29/3, một chiếc tàu Hải quân 402 cặp trước bãi để bốc toàn bộ gia đình Hải quân Trung tâm đi nhưng lính các binh chủng khắp nơi tràn về, ào xuống bãi tranh nhau lên tàu, có nhiều người toan nổ súng để làm loạn khiến cho chiếc tàu phải rời bến, neo ngoài khơi đảo Trí Nguyên, bỏ lại tất cả mọi người. Ngày 31/3 thêm một chiếc Hải quân 401 cặp bến Cầu Đá cũng gặp cảnh hỗn loạn tương tự nên đành kéo neo bỏ đi. Trên bến cảng, xe hơi, xe gắn máy đủ loại bỏ ngổn ngang, súng ống vất lại bừa bãi, la liệt. Một quang cảnh trông thật điêu tàn, ghê rợn. Gia đình Trung tá không thể xuống tàu di tản theo đơn vị.
Đêm ấy ông đã cùng vợ và hai con tự sát trong văn phòng làm việc của mình. Mãi đến 5 ngày sau bọn Việt cộng mới dám xâm nhập vào Trung tâm Hải quân và phát hiện ra thi thể của gia đình Trung Tá.
Lúc ấy tử thi đã bốc mùi rồi.
- Ngay lúc Trung tá Lương tự sát anh có biết không?
- Không! Lúc đó lính tụi tôi tản lạc hết. Trung tâm bỏ trống mà. Mãi sau này tôi mới nghe kể lại. Rồi có ngày tôi sẽ trả thù cho ông Thầy. Nhất định phải trả thù.
- Anh làm cách nào mà trả thù?
- Một mạng tôi đổi mười mạng, hai mươi mạng tụi nó!
- Anh nói chơi hay nói thật?
- Thật mà chơi! Chơi mà thật đó anh!
Anh ta nói xong cất tiếng cười to há há nghe sảng khoái và ngang tàng lắm. Tôi cũng cười theo cho vui chứ thâm tâm không nghĩ gì về lời của anh. Chẳng qua chỉ là một cách để xả xú bắp cho hả hơi.Trong lúc lắp ruột xe vào vỏ, anh tiếp tục kể về cuộc sống mấy năm nay của anh ở đây. Anh không có hộ khẩu nên không được cấp tem phiếu để mua gạo, thực phẩm. Tất cả nhu cầu đời sống phải mua “chui” bên ngoài giá rất đắt. Anh đã làm đủ thứ việc như lên rừng đốn củi, đốt than một thời gian. Chúng ra lệnh cấm. Phải xuống chợ xin khuân vác, đạp xe ba gác chở mướn… nhưng vẫn không đủ sống. Làm được đồng nào xào đồng nấy qua ngày. Nghề cuối cùng là ôm thùng đồ nghề sửa, vá xe đạp. Có hôm không có khách sửa xe, không tiền mua gạo, phải húp cháo loãng. Bị đưa đi “kinh tế mới” Nhiễu Giang, Đồng Trăng mấy lần. Cứ ăn hết gạo cấp 3 tháng, vợ chồng anh lại bỏ vùng để trốn về.
Phường, khóm nhiều lần kêu lên kiểm điểm, hăm dọa bắt đi cải tạo. Anh liều mạng đổ lỳ, trây ra, ù lỳ. Riết rồi phường khóm cũng bỏ lơ. Anh rút được kinh nghiệm là “mình không sợ nó thì nó phải sợ mình”.
Sau lần trò chuyện tâm sự đó chúng tôi trở thành quen biết. Thỉnh thoảng tôi biếu anh bao mạt cửa để dùng. Có chút vậy mà vợ chồng anh cứ cám ơn rối rít. Bù lại khi vá ruột xe hay chữa xe cho tôi anh nhất định không nhận tiền công. Anh cứ xuýt xoa:
-Tội nghiệp cho mấy ông “cải tạo” quá!
Ngày ngày đạp xe ngang qua chòi, chúng tôi giơ tay chào nhau kèm theo nụ cười tương ái. Đôi lúc bánh xe non hơi, tôi ghé vào mượn anh cái bơm, mời anh điếu thuốc. Anh mời ly trà nóng. Lại cùng nhau rỉ rả vài ba chuyện đời.
Anh lại kể cho tôi nghe những thủ đoạn ăn cướp, nói láo của bọn cộng sản như thế nào để cướp bóc tài sản của người dân trong thời gian chúng tôi bị cách biệt trong trại tù, không một chút tin tức nào ngoài đời. Cứ sau mỗi lần trò chuyện, anh lại kết luận một câu bất di bất dịch:
- Anh nên nhớ là bọn cộng sản muôn đời vẫn chỉ là một bọn ăn cướp và nói láo mà thôi. Đừng bao giờ tin nó.
Biết chúng tôi trước là giáo chức, anh khuyên:
- Mấy anh là thầy giáo hiền lành rất dễ tin người nên bị tụi nó lừa ở lại dạy học cho nó. Dạy xong là bắt đi ở tù, bọn chuyên vắt chanh bỏ vỏ mà, còn bị ghép là có nợ máu với nhân dân. Nợ máu gì với mấy ông thầy giáo! Thật là một bọn khốn kiếp, chó đẻ!
Trong những buổi học tập chính sách tại Tổ dân phố, anh thẳng thừng vạch ra những điều dối trá, tiêu cực, tham nhũng, hạnh hoẹ người dân của cán bộ, công an đã làm cho bọn này không sao biện minh được khiến chúng cay cú ghép anh vào tội phản động, nói xấu cách mạng. Mọi người đều lo sợ cho vợ chồng anh. Nhưng anh không hề sợ sệt. Anh bảo
- Chúng kết tội tôi vào thành phần cực kỳ phản động. Mà phản động thật. Phản động ngang nhiên chẳng sợ thằng chó nào. Bất quá chúng bắt bỏ tù hay chết là cùng chứ gì? Sống mà bị áp bức bóc lột khổ hơn chó thì sống làm gì?
Có lần, mấy thằng bộ đội đậu xe tải giăng hàng trước cửa chòi của anh cả buổi để vào ăn uống, nhậu nhẹt trong cửa hàng Quốc doanh gần đó, anh chạy ra quát:
- Chúng mày đưa xe đi chỗ khác ngay, nếu không tao bắn chết hết cả lũ ngay!
Đám bộ đội thấy thái độ cương quyết, ngang tàng của anh cũng đâm ra khiếp phải đưa xe đi chỗ khác.
Hình như cuộc sống anh ngày càng khó khăn. Con đường vào ngã ba trụ cờ thời gian sau ngoại trừ đám cu ly chúng tôi phải đi qua để đến xưởng cưa ra, rất ít có người đi lại con đường này. Có ngày chả có người khách nào lai vãng.
Một hôm tôi ghé lại để mượn ống bơm để bơm thêm ít hơi vào bánh xe sau hơi mềm, anh mời tôi uống nước và nói:
- Có lẽ vài ngày nữa tôi sẽ đi xa khỏi nơi này.
- Anh định đi đâu? Mà sao lại đi? Ở đây không tốt sao?
- Bọn phường khóm buộc chúng tôi phải đi “kinh tế mới”. Lần này hơi gay đây!
Anh trầm ngâm một lúc rồi nói nhỏ:
- Trước khi đi tôi phải cho chúng biết tay mới được!
- Anh lại nói về việc trả thù cho ông Thầy phải không? Tôi cười đùa.
- À! Biết chừng đâu đó! Không biết chúng tôi sẽ đi lúc nào nên chúc cho ông giáo ở lại mạnh khoẻ nhé.
Không ngờ đó lại là lần cuối cùng tôi gặp anh.
Mấy tuần sau đó, vào một buổi sáng đầu tháng 9 năm 1982, như mọi ngày tôi đi làm, gần tới ngã ba trụ cờ, tôi thấy rất đông người tụ tập nhốn nháo ở tại chòi của anh Thanh. Nhiều công an, du kích, bộ đội đang bao vây căn chòi.
Tôi dừng xe hỏi chuyện mấy người dân đứng xa xa. Họ kể:
-Sáng sớm nay bỗng nhiên nghe trong chòi có hai tiếng súng nổ. Được báo tin, hai ông Trưởng, Phó và Ban An ninh Khóm Hoàng Diệu dẫn công an khu vực, du kích đến hiện trường xem xét việc gì đã xảy ra. Khi đến nơi, xô cửa vào, họ thấy chị Tám nằm chết trên giường, máu từ màng tang chảy ra ướt cả vũng. Anh Thanh còn trân trân chưa chết, ngồi dưới đất, lưng dựa vào giường chị Tám, hai mắt mở trừng trừng, tay phải còn cầm chắc khẩu Colt 45. Máu từ hai lỗ tai vẫn còn tiếp tục chảy. Thấy thi thể chị Tám đang nằm sấp, tên Trưởng Ban An ninh đưa tay lật ngửa chị ra để xem xét thì bất ngờ trái lựu đạn nằm ở dưới bụng chị bung ra, nhảy tưng lên, làm cả bọn chúng hết hồn, vừa xô nhau phóng ra khỏi chòi, vừa la lên bài hãi:
- Chết! Chết! Có lựu đạn! Có lựu đạn!
- Nằm xuống mau! Nằm xuống mau!
Hồi lâu quả lựu đạn vẫn chưa nổ nên mọi người phải dạt ra xa để phòng chừng. Còn đám An ninh đang cuống quít gọi điện xin tỉnh cho toán chuyên môn cháy nổ xuống tháo gỡ.
Tôi nghe xong, bàng hoàng, lặng người đi một lúc. Không ngờ lời nói của anh Thanh khi trước, tôi nghĩ là nói cho vui, cho hả nỗi uất hận thôi, đâu ngờ hôm nay lại thành sự thực. Anh đã thực hiện lời nguyền trả thù cho ông Thầy trước khi đi xa. Bỗng nhiên lời anh nói với tôi hôm nào cách đây không lâu, chợt vang lên văng vẳng bên tai, cùng tiếng cười ha ha ngang tàng:
- Một mạng tôi đổi mười mạng, hai mươi mạng tụi nó!
Tôi không còn lòng dạ nào để đi đến xưởng nếu chưa biết hết đầu đuôi câu chuyện thương tâm này. Tôi quyết định bỏ một buổi làm và đứng đợi màn cuối của vở bi kịch .
Một lúc sau, một chiếc xe Motolova chở toán chuyên viên chất nổ tới. Họ đuổi tất cả mọi người hiếu kỳ cùng đám du kích, công an dạt ra khá xa cái chòi trước khi họ vào việc tháo gỡ quả lựu đạn. Chỉ mươi phút, họ hoàn tất công việc. Hóa ra quả lựu đạn bị chôn giấu dưới đất lâu năm nên bị ẩm, không kích nổ được. Mọi người thở phào nhẹ nỗi lo âu tự nãy giờ.
Bấy giờ mọi người mới tiến gần lại chòi để nhìn rõ nạn nhân. Có tiếng la lên:
- Thằng phản động chưa chết! Coi chừng nó bắn!
- Bắn cho nó chết hẳn đi cho xong!
Lúc này anh Thanh cũng vẫn chưa chết hẳn. Viên đạn tự sát bắn vào tai không làm anh chết ngay như viên đạn anh bắn chính xác vào thái dương của vợ.
Tiếp theo đó là mấy phát súng A.K của du kích bắn vào đầu anh Thanh làm vỡ toác sọ và anh thực sự gục xuống. Người ta còn tìm được một lá thư tuyệt mệnh của vợ chồng anh để lại gửi cho đảng và Nhà nước cộng sản. Lá thư được dằn dưới một tô cháo còn nguyên chưa đụng đũa, đặt trên chiếc bàn gỗ. Nội dung lá thơ không ai được biết. Lão Bí thư tỉnh đã đút túi giấu biến đi. Nhưng tôi đoán biết được trong đó anh Thanh đã viết những gì. Đó là những lời tố cáo một chế độ ăn cướp, độc ác, hung bạo, áp bức, tàn nhẫn và bọn người ngu dốt đầy tham vọng đã đi theo một chủ nghĩa ngoại lai vô luân, tình nguyện làm tay sai cho đế quốc cộng sản, dìm dân tộc vào điêu linh thống khổ.
Tên Bí thư Tỉnh sau một hồi hí hoáy lập biên bản hiện trường, ngẩng đầu lên tuyên bố:
-Đây là một vụ thanh toán nội bộ để bịt đầu mối của một mạng lưới của bọn phản động, phản cách mạng, có âm mưu lật đổ Nhà nước ta, đang bị lộ. Đồng bào không nên bàn tán linh tinh mà mất lập trường.
Nửa tiếng sau, một chiếc xe Lam được Phường đưa tới, trên có hai cỗ quan tài gỗ tạp thô sơ, để bỏ hai thi thể xấu số vào đem đi. Xe vội vã chạy về hướng Phước Hải Hạ. Có lẽ bọn chúng sẽ vùi lấp hai thi hài đáng thương ở đâu đó ở ven rừng hay ven núi trong Đồng Bò cho xong chuyện. Có mấy người dân tốt bụng đốt vội bó nhang, chạy theo xe Lam, cố đặt trên hai quan tài, mong chút hương khói ấm cúng đưa tiễn, an ủi linh hồn kẻ bất khuất bớt lạnh lẽo. Bọn du kích quát nạt:
- Vợ chồng thằng phản động chết là đáng đời rồi! Không có nhang khói gì hết!
Đám đông đứng lặng yên, ngẩn ngơ nhìn theo, ngậm ngùi. Có người lâm râm cầu kinh. Có người niệm Phật. Có người đưa tay lên chùi nước mắt đang chảy dài trên mặt.
Lòng tôi rối bời xốn xang, cũng không làm sao ngăn được hai hàng nước mắt tuôn rơi. Bất chợt tôi nhận ra là tôi cũng đang thì thầm cầu nguyện cho linh hồn hai vợ chồng anh Thanh, chị Tám sớm được siêu thoát khỏi cõi trần gian đầy đau khổ này. Trong vô thức, bàn tay phải của tôi bỗng tự động giơ lên ngang mày như một cái chào tiễn biệt theo lễ nghi quân cách.
- Vĩnh biệt anh Thanh, chị Tám! Vĩnh biệt những người chiến sĩ kiên cường bất khuất!
* * *
Căn chòi bị bọn du kích phóng hỏa sau đó.
Hàng ngày, đạp xe đi ngang qua ngã ba trụ cờ, chỗ căn chòi xưa, tôi vẫn có cảm tưởng trong sương mù buổi sớm hay trong ánh sáng chập choạng buổi chiều chạng vạng, nhá nhem, hình bóng vợ chồng anh chị Thanh lúc mờ, lúc tỏ, vào ra căn chòi như đang khi còn sống.
Ngã ba trụ cờ giờ đây không còn căn chòi nữa. Khoảng đường từ đó vào xưởng cưa Điện Biên hình như xa hơn trước và gió biển rạt rào thổi vào khoảng đất trống rộng mông mênh không có gì che chắn như trước hình như cũng lạnh hơn nhiều.
Tháng 9, mùa thu năm 1982, cái lạnh đất trời dường như đến sớm hơn mọi năm.
Những buổi chiều bất chợt có mưa giông, gió lớn, sấm chớp loé lên từng lúc trên bầu trời đầy mây đen nghịt, đạp xe về ngang qua chỗ căn chòi, tôi cứ có cảm giác ớn lạnh, rùng mình.
Tháng 4 năm 1975, gia đình Trung tá Hải quân Hà Ngọc Lương tuẫn tiết tại Trung Tâm Huấn luyện Hải quân để giữ tròn khí tiết một sĩ quan. Thà chết chứ không chịu nhục.
Tháng 9 năm 1982, gia đình thượng sĩ Hải quân Thanh cũng quyết lấy cái chết để tỏ hào khí ngất trời của mình, nhất định không cúi đầu trước ác quyền. Và cũng để trả thù cho ông Thầy, ông Thầy với ý nghĩa cao cả của nghĩa tình “huynh đệ chi binh”.
Than ôi! Hận cho chí cả không thành. Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên!
Tiếc thay, thương thay!
Anh Thanh thân kính,
Đã hơn hai mươi năm qua rồi, tuy nay tạm dung nơi đất khách, nhưng cứ mỗi “tháng tư oan nghiệt” trở về, tôi lại nhớ đến anh và ân hận trong lòng mãi một điều là chưa có dịp hỏi anh, người chiến sĩ can cường với đầy đủ tên họ, để bây giờ mỗi khi nhắc đến anh thì chỉ biết vỏn vẹn một cái tên Thanh duy nhất.
Hôm nay, ngồi kể lại câu chuyện đầy bi thương nhưng rất hào hùng của anh, lòng tôi ray rứt không yên, tự trách mình sao đã quá vô tình.
Xin nói với anh điều này, có lẽ anh sẽ rất vui nơi suối vàng là câu nói của anh hôm nào “Mình không sợ nó thì nó sẽ sợ mình” đúng như câu châm ngôn “Hãy làm những gì cộng sản sợ mà đừng sợ những gì cộng sản làm” nay đã thành hiện thực. Nhân dân Việt Nam bây giờ không còn sợ bọn cộng sản như hồi năm 75 nữa.
Họ đã nổi dậy biểu tình khắp nơi, từ Nam ra Bắc, có lúc lên đến hàng vạn người, kéo dài hàng tháng, hàng năm, để tranh đấu đòi lại đất đai, đòi lại quyền sống, đòi lại tự do đã bị bọn chúng cướp đi hơn nửa thế kỷ. Và đặc biệt hơn nữa, họ đã dám chống cự và đánh trả lại lực lượng công an, cảnh sát của chúng. Điều từ trước đến nay chưa một ai dám làm.
Cộng sản giờ đã run sợ, đã chùn tay, đã co cụm lại rồi. Ngày tàn của bè lũ Việt gian phản quốc, phản động sắp đến ngày diệt vong.
Anh Thanh! Anh không chết đâu anh! Nhân dân sẽ trả thù cho anh một cách xứng đáng.
Anh đã xứng đáng với nhân cách của mình: Uy vũ bất năng khuất.
Quả thật: Anh hùng tử khí hùng bất tử.
* * *
(Viết theo lời kể của anh Võ.văn.Th, ở San Jose, một người bạn tù A.30 để tưởng niệm ngày 30/4/1975)
Nguyễn Thanh Ty 23/4/10
Tân Sơn Hòa chuyển
Trích: haingoaiphiemdam.com
No comments:
Post a Comment